6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xanh lên màu ấm no…

- Advertisement -

Trong tiết trời se lạnh, chúng tôi tìm về xã Hồng Thủy. Nhắc đến địa phương này là nhắc đến một trong những vựa rau lớn của huyện Lệ Thủy, hầu như hộ dân nào cũng trồng rau, thâm canh. Bởi vậy, mặc dù bị thiệt hại nặng nề trong đợt lũ lụt lịch sử, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi nước lũ rút, màu xanh của rau màu đã phủ khắp đồng đất Hồng Thủy, người dân nơi đây đã có những lứa rau đầu tiên đưa ra thị trường.

Nước lũ rút, rau xanh mọc

Cũng như các xã thâm canh rau xanh của huyện Lệ Thủy nằm ven quốc lộ 1A, trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-2020, tất cả 100% diện tích canh tác rau màu của bà con xã Hồng Thủy đều bị hư hại hoàn toàn.

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, trong đợt lũ lụt lịch sử, xã có trên 2.100 hộ thì có 1.800 hộ bị ngập sâu; tổng thiệt hại do lũ trên 32 tỷ đồng. Thiệt hại lớn nên khi nước lũ rút đi, bà con nông dân đã dọn dẹp vườn tược, bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất. Hồng Thủy có 292 ha diện tích trồng rau màu các loại. Đến nay, bà con đã trồng và có thu hoạch được trên 150ha.

“Cứ nước rút đến đâu là bà con khẩn trương làm đất, gieo hạt đến đó để có rau xanh cung cấp cho thị trường và nhất là đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Trồng rau sạch mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân để vơi bớt những khó khăn sau lũ. Từ khi lũ rút đến nay, người dân xã Hồng Thủy đã xuất bán được 2 lứa rau sạch, nhiều nhất là cải, ngò, xà lách, hành, nén…”, Chủ tịch UBND xã Phạm Minh Huấn nói.

Xanh lên màu ấm no...Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy Nguyễn Văn Bang giới thiệu với phóng viên về mô hình trồng rau và hoa cho thu nhập khá.

Cùng với Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy Nguyễn Văn Bang, chúng tôi đi về một số thôn để cảm nhận được rõ hơn không khí sản xuất sau lũ của người dân. Trên mảnh vườn rộng trồng đủ các loại rau màu và hàng nghìn gốc hoa cúc chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Lung, thôn Mốc Thượng 2 nhớ lại cơn “đại hồng thủy”: “Tui từng chứng kiến không biết bao nhiêu trận lũ lụt, nhưng chưa có trận nào mà gây ngập sâu như vậy, trong nhà mà nước lút ngang đầu. Người dân phải khẩn cấp chạy lên động cát để tránh lũ nên các loại vật dụng và vật nuôi hầu như bị lũ cuốn sạch. Khi nước lũ rút, về lại nhà chỉ thấy ngập ngụa bùn đất mà thôi!”.

Ông Lung cũng cho hay, mặc dù nước lũ chưa rút ra hết ngoài cánh đồng trước nhà, nước trong vườn vẫn còn lút nửa ống chân, người Hồng Thủy đã vác cuốc ra vườn tranh thủ làm đất, lên luống để chuẩn bị trồng vụ rau màu. Theo kinh nghiệm của ông Lung, chủ động làm đất, lên luống như vậyđể đến khi lũ rút hết là cũng vừa lúc các luống đất ráo nước, chờ thêm đôi ba ngày sau là có thể xới đất gieo hạt. Tầm chục hôm sau là đã thấy màu xanh của mầm cải, mầm ngò, xà lách, tần ô (cải cúc) phủ lên ruộng vườn.

- Advertisement -

Xanh lên màu ấm no... Nông dân xã Hồng Thuỷ thu hoạch rau xanh.

Ông Nguyễn Văn Bang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy phấn khởi: “Cả một vùng rau xanh đã phủ lên trên những chân ruộng, vườn trước đó không lâu còn ngập chìm trong nước lũ. Tính từ khi nước lũ rút đi cho tới khi người dân có lứa rau đầu tiên đem bán, có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống chỉ mất tầm 25 ngày. Đến giờ, trừ một số vùng bị ngập quá sâu, nước rút chậm thì người dân các thôn cơ bản đã thu hoạch được 2 lứa rau, dù chưa được nhiều nhưng mỗi hộ đã có thu nhập khoảng 3-5 triệu đồng”.

Ông Bang nói vui rằng, cũng chính vì ruộng vườn được người dân khôi phục nhanh sau lũ và sau đó là những vườn rau xanh xuất hiện mà nhiều đoàn cứu trợ khi đến với xã đã bày tỏ sự “nghi ngờ” rằng vùng quê này không bị lũ lụt ghé thăm. Khi vào thăm các nhà dân, nhìn thấy ngấn nước lũ còn hằn rõ trên tường nhà thì họ mới tin.

Ươm trồng để có ấm no

Trong tổng số gần 2.716ha diện tích tự nhiên, xã Hồng Thủy có đến hơn 2.044ha đất nông nghiệp và diện tích trồng rau màu các loại là 292 ha, bao gồm cả 14ha đất trồng hoa. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã cho biết, những năm qua, người dân địa phương đã tăng cường thâm canh diện tích trồng rau, trong một năm, người dân sản xuất tầm 10 vụ rau màu bán ra thị trường, chỉ trừ thời gian lũ lụt, còn lại trung bình cứ mỗi tháng là xong một vụ. Rau màu của địa phương cung cấp ra thị trường xung quanh, nhiều nhất là TP. Đồng Hới. Người dân tuân thủ các quy chuẩn về trồng rau sạch, sản phẩm an toàn nên được thị trường chấp nhận.

Tranh thủ trời hửng nắng, thời tiết ấm lên sau đợt rét kéo dài, bà Nguyễn Thị Duẫn đã ra vườn ngắt tỉa, vắt ngọn cho những luống đậu cô ve đang đơm hoa. Bà Duẫn cho biết, năm ngoái, thời tiết thuận, không có mưa lũ lớn nên diện tích đậu cô ve của bà cho sản lượng gần 5 tạ, hái bán lai rai suốt dịp trước, trong và sau Tết. Lúc được giá, chỉ cần một sào đậu cô ve, bà con nông dân Hồng Thủy đã có thu nhập được gần 10 triệu đồng. “Năm nay lụt lội, thiệt hại, vất vả nhiều nhưng được cái đất đai có phù sa về nên rau màu lên đẹp hơn, mong là giá cả khá hơn và ổn định để người dân có thêm thu nhập, sắm sửa những ngày tết”, bà Duẫn chia sẻ.

Trên mảnh vườn đã được phủ kín rau xanh, vợ chồng ông Trần Công Phu và bà Nguyễn Thị Thương, thôn Mốc Thượng 2 đang thu hoạch diện tích cải, ngò. Ngay cả hai bên lối đi vào căn nhà nhỏ cũng được đôi vợ chống tận dụng ươm trồng các loại rau, không bỏ trống bất cứ một mẩu đất nào. Đang nhanh tay nhổ vạt rau ngò đã đến kỳ thu hoạch, bà Thương cho biết, rau ngò mỗi bó có giá bán tại gốc chỉ 1.000 đồng thôi nhưng vì số lượng nhiều, mỗi lần nhổ bán vài trăm bó nên cũng có thu nhập để trang trải cuộc sống.

“Lứa này tôi trồng cả chục luống rau ngò, nhổ bán hết cũng thu được tầm 2 triệu đồng. Thu hoạch xong lứa này là xuống giống lứa khác ngay”, bà Thương nói. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thủy cho biết, thôn Mốc Thượng 2 là địa bàn ngập lụt rất sâu, nước rút chậm, vào vụ chậm hơn nên bà con chỉ mới thu hoạch được lứa rau đầu tiên, trong khi các thôn khác của xã hầu hết đã thu hoạch lứa rau thứ hai.

- Advertisement -

Xanh lên màu ấm no...Những cánh đồng rau và hoa của người dân xã Hồng Thủy.

Thế mạnh của Hồng Thủy không chỉ là rau xanh mà còn là vùng trồng hoa mang lại thu nhập khá cho nông dân. Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã cho biết, mỗi hécta diện tích trồng hoa của xã cho thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm, trong khi toàn xã có đến 14ha trồng hoa các loại, đây là một nguồn thu không hề nhỏ của người dân, nhất là vào dịp Tết.

Đang tất bật chăm sóc những luống hoa xuống vụ tầm hơn tháng, bà Lê Thị Thủy, thôn Thạch Trung cho biết: “Nghề trồng hoa phải kỳ công, cây dễ bị sâu bệnh, chăm chút lắm thì mới có thu hoạch. Ví dụ, trong thời tiết mưa rét vào cuối năm, người trồng hoa thường xuyên phải thắp đèn điện liên tục trong đêm để giúp cho cây phát triển”.

Dù cho cuộc sống còn nhiều vất vả, lo toan, nhưng chính sự cần mẫn, chăm chút ươm trồng của người dân đã mang đến những đổi thay cho Hồng Thủy vững vàng cán đích NTM vào cuối năm 2018. Và, vượt qua thiệt hại do lũ lụt lịch sử gây ra, người dân Hồng Thủy lại chung tay ươm trồng lên màu xanh của sự ấm no trong mùa xuân mới!

Anh Tuấn

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202101/xanh-len-mau-am-no-2184231/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm