7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Những chuyển biến tích cực

- Advertisement -

 Những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia (CQG). Bên cạnh đó, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được chuẩn hóa, nhằm từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD-ĐT).

Theo kết quả giám sát thực hiện xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 của HĐND tỉnh cho thấy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có sự quan tâm, vào cuộc cùng với ngành GD-ĐT trong việc xây dựng trường học đạt CQG trên địa bàn. Các chỉ tiêu về GD-ĐT, về xây dựng trường CQG đều được đưa vào quy hoạch tổng thể phát triển của các địa phương; vào nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội của các cấp.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Những chuyển biến tích cựcTừ phong trào xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều ngôi trường khang trang, hiệu đại.

Hàng năm, tỉnh luôn đề ra mục tiêu xây dựng trường mầm non, phổ thông đạt CQG gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sở GD-ĐT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch xây dựng trường CQG; ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học trong đó có công tác xây dựng trường CQG.

Đồng thời, chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường bảo đảm các tiêu chuẩn trường đạt CQG; chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố về các nội dung nhằm từng bước thực hiện theo lộ trình xây dựng trường đạt CQG nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.

Công tác tuyên truyền về xây dựng trường đạt CQG cũng được quan tâm, nhờ đó, huy động được sự tham gia của các cơ quan, tổ chức đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội cũng như huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho việc triển khai xây dựng trường đạt CQG.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 575 trường học của các cấp học, trong đó bậc học mầm non có 186 trường với 2.230 nhóm, lớp; tiểu học có 190 trường với 3.117 lớp; THCS có 167 trường với 1.617 lớp; THPT có 32 trường với 786 lớp. Phòng học kiên cố trong các nhà trường được quan tâm đầu tư xây dựng, đến nay, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc dạy và học. Toàn tỉnh có 7.084 phòng nuôi dưỡng chăm sóc trẻ và phòng học văn hóa; 1.068 phòng học bộ môn, tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 86%.

Nhìn chung, phòng học và các phòng chức năng được trang trí thân thiện, phục vụ thiết thực cho hoạt động dạy học. Đồ dùng, trang thiết bị bên trong ngày càng được quan tâm đầu tư, cơ bản bảo đảm nhu cầu tối thiểu dạy và học. Nhiều trường đã trang cấp, mua sắm các trang thiết bị hiện đại để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học như máy chiếu, bảng tương tác thông minh, tivi màn hình lớn có kết nối internet.

- Advertisement -

Để tạo sự chuyển biến trong trong xây dựng trường đạt CQG, bên cạnh quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, công tác xây dựng đội ngũ đã được ngành GD-ĐT chú trọng. Theo thống kê, năm học 2019-2020, toàn ngành GD-ĐT có tổng số 18.636 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 90% giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn theo quy định, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn ngày càng tăng lên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn các cấp học từ 90-100%, luôn phát huy sự sáng tạo, tích cực hưởng ứng, tham gia mọi hoạt động để xây dựng trường đạt CQG.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá trường học đạt CQG được ngành GD-ĐT chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thường xuyên. Trên cơ sở kế hoạch xây dựng trường đạt CQG và đăng ký hàng năm của trường, phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND cấp huyện tổ chức các đoàn kiểm tra tiến độ thực hiện, mức độ hoàn thành các nội dung của từng tiêu chuẩn trường CQG theo từng giai đoạn, từng mức độ.

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia: Những chuyển biến tích cực Đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học là một trong những yêu cầu căn bản trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhìn chung, quy trình được thực hiện chặt chẽ đúng quy định, theo đề xuất từ dưới lên. Tính đến nay, toàn tỉnh có 285/575 trường học đã được công nhận đạt CQG còn thời hạn, đạt tỷ lệ 49,6%; trong đó mức độ 1 là 236 trường, mức độ 2 là 49 trường. Công tác xây dựng trường CQG đã được các địa phương thực hiện rất tích cực, nổi bật có một số địa phương tỷ lệ trường đạt chuẩn cao trên 70% như: Đồng Hới, Tuyên Hóa, Lệ Thủy.

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hóa Hoàng Văn Phúc khẳng định, thực tế cho thấy, các trường đạt CQG có chất lượng giáo dục cao hơn, phương pháp dạy học được đổi mới, chất lượng dạy học chuyển biến tích cực; các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú nhằm tăng cường giáo dục đạo đức và các kỹ năng sống cho học sinh.

Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học được chú trọng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tiếp tục được chú trọng đầu tư và từng bước được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; đội ngũ cán bộ, giáo viên tâm huyết, không ngừng tu dưỡng phẩm chất đạo đức, rèn luyện tay nghề, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện…

Có thể khẳng định, các trường đạt CQG đã tạo được niềm tin đối với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các bậc phụ huynh học sinh cũng như toàn xã hội. Các trường đạt CQG đã thực sự đóng vai trò nòng cốt trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, là những điểm sáng về giáo dục của các cấp học, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng trường đạt CQG thời gian qua vẫn gặp một số hạn chế, đó là: Sự quan tâm, đầu tư chưa đồng đều giữa các địa phương, vùng miền nên tỷ lệ trường đạt CQG có sự chêch lệch giữa các huyện, thị xã, thành phố và giữa các cấp học.

- Advertisement -

Theo ông Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Khảo thí và KĐCLGD, Sở GD-ĐT thì, hiện nay theo các thông tư của Bộ GD-ĐT quy định, tiêu chuẩn cơ sở vật chất và phòng học bộ môn của cơ sở giáo dục thay đổi theo hướng bổ sung, nâng cấp các hạng mục cơ sở vật chất. Vì vậy, một số trường đạt CQG đã quá thời hạn công nhận lại, nhưng không được tiếp tục đầu tư theo quy định mới nên mất chuẩn.

Đặc biệt, theo quy định hiện nay, để đạt CQG mức độ 2, các trường mầm non phải có phòng làm quen với ngoại ngữ, tin học; các trường phổ thông phải có nhà đa chức năng (đối với trường THCS, THPT số lượng học sinh/lớp phải không quá 40). Về nguồn lực, với những trường ở địa bàn nông thôn, vùng núi, bãi ngang, việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn, việc vận động xã hội hóa rất ít.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch đất đai, diện tích, khuôn viên, sân chơi bãi tập nhiều trường học chưa đạt, đầu tư xây dựng manh mún, ảnh hưởng chất lượng công trình và cảnh quan môi trường theo quy chuẩn. Đây là những vấn đề đặt ra trước mắt, cần phải được khắc phục để duy trì và nâng cao chất lượng công tác xây dựng trường đạt CQG trên địa bàn.

Anh Tuấn

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/giao-duc/202101/xay-dung-truong-dat-chuan-quoc-gia-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-2184732/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm