8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Người “vác tù và hàng tổng”

- Advertisement -

(Xã hội) – Người ta thường bảo họ “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” bởi họ là người của thôn, của làng, của dân. Lặng thầm làm việc, lặng thầm cống hiến, họ đóng góp không nhỏ cho sự phát triển, bình yên của các khu dân cư. Đằng sau dáng vẻ tất bật, nhẫn nại với những việc làm không tên là trái tim nhiệt huyết, là tấm lòng vì dân của họ-các cán bộ thôn, bản-những người hết lòng vì việc chung nhưng luôn nhận phần thiệt về mình. 
 
Những nhọc nhằn khó gọi tên
 
Trong cái lạnh se sắt chiều cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Phú Lộc 1, xã Quảng Phú (Quảng Trạch), theo chân ông Lê Hoàng Hạp, bí thư chi bộ thôn đi thăm cánh đồng với những thửa ruộng vuông vức như ô bàn cờ-kết quả của việc thực hiện thắng lợi công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở địa phương.
 
Ông Hạp bảo, sau khi DĐĐT, việc sản xuất của bà con thuận lợi hơn rất nhiều, năng suất, sản lượng lúa qua các mùa vụ cũng được nâng cao đáng kể. Qua hai vụ mùa bội thu, ước tính sản lượng lúa bình quân đạt 250-300kg/sào/vụ.
 
Phú Lộc 1 là một trong những địa phương hoàn thành công tác DĐĐT sớm nhất ở Quảng Phú nói riêng và Quảng Trạch nói chung. Thành công đó có đóng góp không nhỏ của những người “đứng mũi chịu sào” ở thôn mà đáng kể hơn cả là vai trò của bí thư chi bộ Lê Hoàng Hạp.
 
Vào thời điểm đầu năm 2018, khi bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/ĐU của Đảng ủy xã Quảng Phú về công tác DĐĐT, người đàn ông với dáng người lam lũ, đậm chất nông dân ấy đã tỏ rõ bản lĩnh, sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. 

Người Tất bật với việc làng, việc thôn, Trưởng thôn Vinh Quang, xã Sơn Thủy Nguyễn Trọng Trới đành giao lại việc nhà cho vợ con.

Mọi việc lớn nhỏ, từ vận động bà con, tổ chức họp dân, thành lập tiểu ban hội đồng cấp ruộng, thống kê, khoanh vùng, xếp loại đất, thuê máy làm đường, làm mương…, ông đều đích thân thực hiện. “Có hôm, ông ấy đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Về đến nhà chỉ kịp tắm rửa, ăn vội bát cơm rồi lại thấy lôi sổ sách ra ghi ghi, chép chép.
 
Xót chồng, tôi bảo ông ấy làm việc vừa thôi, còn giữ gìn sức khỏe, ông ấy chỉ cười trừ rồi bảo: “Mình chịu khó một chút vì lợi ích của bao người!”. Có lẽ thấy ông ấy vất vả, tận tâm quá nên bà con thương, tin tưởng nghe theo rồi nhờ đó mà việc DĐĐT cũng trở nên thuận lợi, cán đích sớm hơn cả dự kiến.”, bà Phạm Thị Hoa, vợ ông Hạp tâm sự.
 
Thực tế cho thấy, ở đâu đội ngũ cán bộ thôn, bản xông xáo, nhiệt huyết, trách nhiệm, ở đó mọi phong trào, hoạt động đều “khó hóa dễ”. Mặc dù chế độ đãi ngộ chưa thực sự tương xứng nhưng họ không nề hà vất vả, khó khăn để hoàn thành trọng trách của mình. Là “người vác tù và” ở địa bàn miền núi, lại là phụ nữ, những nhọc nhằn mà chị Hồ Thị Bông, Trưởng ban công tác Mặt trận bản Cây Sú, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) phải gánh không thể đo đếm hết. Bản có 41 hộ, 179 nhân khẩu, 100% là người Vân Kiều, trình độ học vấn, nhận thức còn hạn chế.
 
Để vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ rừng là việc không hề đơn giản. Ấy vậy mà người phụ nữ tưởng chừng như yếu đuối ấy đã làm được nhiều việc mà không phải đấng mày râu nào cũng làm được.
 
Với vai trò là Trưởng ban công tác Mặt trận, chị Hồ Thị Bông khéo léo thu vén việc gia đình để dành nhiều thời gian cho việc bản. Vốn tận tâm, nhiệt huyết nên chị không nề hà bất cứ việc gì, chỉ cần có lợi cho dân, cho bản. Khó mà kể rành rõ, cụ thể từng công việc của một Trưởng ban công tác Mặt trận ở địa bàn vùng cao bởi đó đều là những công việc lặng thầm không tên.
 
Sự tận tâm, nhẫn nại của chị và đội ngũ cán bộ ở bản đã được đền đáp bằng những đổi thay vượt bậc của địa phương. Nếu trước năm 2015, tỷ lệ hộ đói nghèo trong bản chiếm 90%, thì đến nay đã giảm xuống còn 34,14%. 5 năm liên tục, Cây Sú đạt danh hiệu “Bản văn hóa”…
 
Những “chiến binh” thầm lặng
 
Chắc hẳn, sẽ rất lâu người dân Quảng Bình mới nguôi quên trận lũ lịch sử vào tháng 10-2020, sẽ ám ảnh mãi bởi hình ảnh những ngôi nhà ngập đến tận nóc, những lời kêu cứu của người dân trong đêm đỉnh lũ lịch sử và sẽ nhớ mãi những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào cả nước hướng về miền Trung, hướng về Quảng Bình.
 
Nhưng có lẽ, sẽ chẳng mấy ai nhớ được, nhớ lâu, nhớ kỹ hình ảnh những người “vác tù và” trầm mình trong mưa lũ để cứu dân, lăn lộn ngày này qua ngày khác với công tác cứu trợ để bà con vượt qua cơn bĩ cực, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Họ chính là những “chiến binh” lặng thầm, không quản gian khổ, hiểm nguy, nhưng luôn nhận phần thiệt về mình.

<img alt=”Trưởng thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, Phan Văn Hoa và chiếc xe máy- ” người=”” bạn=”” đồng=”” hành=”” “=”” rong=”” ruổi=”” cùng=”” ông=”” lo=”” việc=”” làng,=”” thôn=”” mỗi=”” ngày.=”” itemprop=”image” data-cke-saved-src=”https://baoquangbinh.vn/dataimages/202102/original/images691758_IMG_0259.jpeg” src=”https://baoquangbinh.vn/dataimages/202102/original/images691758_IMG_0259.jpeg” style=”width: 734px; height: 527px;”>Trưởng thôn Hữu Tân, xã Tân Ninh, Phan Văn Hoa và chiếc xe máy-“người bạn đồng hành” rong ruổi cùng ông lo việc làng, việc thôn mỗi ngày.

Đã hơn 2 tháng cơn đại hồng thủy đi qua, cuộc sống của người dân “rốn lũ” Vinh Quang, xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) trở lại nhịp bình thường như vốn có, nhưng công việc của Trưởng thôn Nguyễn Trọng Trới vẫn “ngập đầu”. Ông bảo, sau lũ lụt, bao nhiêu việc phải lo, đến giờ, việc nhà ông vẫn bất biết, phải “giao khoán” cho vợ con. “Lắm lúc thấy thương vợ lắm, chồng lo việc làng nên một mình quăng quật dọn lũ.
 
Nhiều hôm, về đến nhà thấy bà ấy ngồi khóc rấm rứt vì tủi thân mà không cầm được lòng. Nhưng biết làm sao được, còn biết bao người dân đang cần đến mình. Thời điểm đỉnh lũ và những ngày sau lũ, hầu như ngày nào tôi cũng đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Liên tục 2-3 tuần như thế, một mình bà ấy với đống hỗn độn do cơn lũ để lại, mệt mỏi lắm nhưng không than với chồng nửa lời, đến khi mệt quá thì cũng chỉ biết “khóc lén” một mình.”, ông Trới tâm sự.
 
Thôn Vinh Quang nằm ở vùng trũng nhất huyện Lệ Thủy nên hầu như năm nào cũng đôi ba bận bị ngập lụt. Cơn đại hồng thủy vừa qua đã biến Vinh Quang thành một ốc đảo cô lập với bên ngoài, hàng trăm người dân kêu cứu trong đêm. Rất nhanh chóng, trưởng thôn Nguyễn Trọng Trới cùng với bí thư chi bộ thôn huy động đò di dời 600 người dân đến nơi an toàn.
 
Rồi cũng chính ông lo chu toàn nơi ăn chốn ở cho người dân, nhiều ngày liền dầm mình trong mưa lạnh để đưa các đoàn cứu trợ đến được với bà con. Nhiều người dân Vinh Quang bảo, hơn 10 năm ông Trới làm trưởng thôn, trải qua mấy trận lũ lịch sử (2010, 2013, 2016), ông chẳng khác nào một chiến binh dũng cảm, kiên cường, chiến đấu vì sự an nguy của dân làng.
 
Cũng giống như ông Trới, trong cơn đại hồng thủy vừa qua, Trưởng thôn Hữu Tân (xã Tân Ninh, Quảng Ninh) Phan Văn Hoa đã bất chấp nguy nan, tận lực cứu dân trong lũ giữ. “Tuổi đã cao, nhiều lần định thôi không làm trưởng thôn nữa nhưng vì bà con tín nhiệm, cứ bầu nên tôi phải làm. Không làm thì thôi mà đã làm thì phải đến nơi, đến chốn.”, ông bảo. Có lẽ, vì tâm niệm như thế nên hơn 5 năm làm Trưởng thôn Hữu Tân, không việc gì là không đến tay ông.
 
Những lúc thiên tai, dịch họa, vai trò của người “đứng mũi chịu sào” như ông Hoa lại càng phát huy. “Trận lũ lịch sử vừa qua, thôn Hữu Tân không có trưởng thôn Phan Văn Hoa thì người dân gặp nguy. Ông là một cán bộ thôn gương mẫu, hết mình vì việc chung và tôi hiểu vì sao người dân Hữu Tân nhất quyết chưa để ông Hoa thôi chức trưởng thôn.”, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh chia sẻ.
 
Ông Lê Hoàng Hạp, Nguyễn Trọng Trới, Phan Văn Hoa và chị Hồ Thị Bông chỉ là một số trong muôn vàn những cán bộ thôn đang ngày đêm miệt mài với công việc “vác tù và hàng tổng” để mang lại cuộc sống tốt đẹp, bình yên cho nhân dân.
 
Tâm An

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202102/nguoi-vac-tu-va-hang-tong-2185633/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm