6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trao truyền điệu hò quê hương

- Advertisement -

(Văn hóa) – Âm thầm, lặng lẽ, nhiều nghệ nhân dân gian Quảng Bình vẫn miệt mài bảo tồn và trao truyền những giá trị văn hóa văn nghệ truyền thống suốt bao tháng năm qua. Đó có thể là một câu lạc bộ (CLB) truyền dạy hò khoan Lệ Thủy ngay giữa lòng thành phố biển Đồng Hới, hoặc một chị phụ nữ ban ngày vất vả với công việc đan lát mây xiên, tối về lại miệt mài truyền dạy điệu hát cổ cho lớp trẻ… Tất cả những tâm hồn yêu văn nghệ dân gian đó đã góp phần giữ cho “ngọn lửa”di sản truyền thống sáng mãi từ thế hệ này sang thế hệ khác…
 
Sinh năm 1953, ở cái tuổi nghỉ ngơi sau những năm tháng vất vả mưu sinh, vậy mà bà Hoàng Thị Thanh (xã Lộc Ninh, TP. Đồng Hới) vẫn miệt mài với CLB chuyên hò khoan Lệ Thủy và dân ca Bình Trị Thiên ngay giữa lòng TP. Đồng Hới suốt nhiều năm qua.
 
Từ đó, bà và các thành viên CLB nỗ lực duy trì và truyền tình yêu câu hò điệu ví quê hương cho nhiều thế hệ. Được thành lập cách đây hơn 20 năm, CLB có 20 thành viên, từ 50 đến 70 tuổi, tổ chức sinh hoạt 2 lần/tháng và thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn của địa phương.
 
Đặc biệt, không chỉ lan tỏa tình yêu hò khoan Lệ Thủy và dân ca Bình Trị Thiên cho các cụ cao niên, trung tuổi, CLB còn “truyền lửa” cho các cháu thanh thiếu nhi và tạo được sự hứng khởi, đam mê ngay từ lứa tuổi nhỏ.

Trao truyền điệu hò quê hươngDù tuổi cao, nhưng các buổi sinh hoạt định kỳ của CLB chuyên hò khoan Lệ Thủy và dân ca Bình Trị Thiên của các bà, các mệ ở xã Lộc Ninh (TP. Đồng Hới) vẫn luôn sôi nổi, hào hứng.

Bà Hoàng Thị Thanh chia sẻ, vốn cụ thân sinh là người đam mê dân ca Bình Trị Thiên và dành nhiều tâm huyết để sưu tầm các nhạc cụ, điệu hò, từ năm 14 tuổi, bà đã bắt đầu làm quen với những câu hò điệu ví và rất yêu thích hát mái xắp của hò khoan Lệ Thủy. Rồi từ đó, niềm đam mê văn nghệ dân gian, tình yêu với hò khoan Lệ Thủy tiếp tục được bà trao truyền đến những thế hệ khác.
 
Với vai trò là chủ nhiệm CLB, bà trực tiếp tham gia dàn dựng nhiều tiết mục biểu diễn cho CLB và cả các cháu thiếu nhi để tham gia các hội thi, hội diễn dân ca truyền thống. Với khả năng sáng tác, ứng đối, nhiều điệu hò được bà đặt lời mới, phù hợp với thực tiễn, rất được bà con yêu mến, đặc biệt là sở trường hò mái xắp của hò khoan Lệ Thủy. Cuối năm 2020, bà Hoàng Thị Thanh vinh dự được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian.
 
Tuy vậy, CLB vẫn còn rất nhiều khó khăn về thiếu kinh phí hoạt động, không có nhạc cụ biểu diễn… Theo bà Hoàng Thị Thanh chia sẻ, kinh phí hoạt động của CLB đều do chị em tự đóng góp, nên khá hạn hẹp. Việc trao truyền vốn quý dân gian cho thế hệ sau cũng gặp nhiều gian nan do các cháu thiếu nhi bận rộn học hành trong khi các thành viên CLB thì tuổi ngày càng cao.
 
Hát Kể Hiệng là điệu hát dường như đã “vắng bóng” trong thời hiện đại, vậy nhưng, ở thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch, chị Phan Thị Thủy (SN 1963), Giám đốc HTX sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương là một trong những người hiếm hoi còn lưu giữ và trao truyền điệu hát này. Chị Phan Thị Thủy chia sẻ, ngay từ thuở bé, chị đã được các bà, các mẹ truyền cho tình yêu với hát Kiều, hát Kể Hiệng.
 
Trong đó, hát Kể Hiệng là hát trong chùa, là những lời cầu nguyện đầy khát vọng sống, tình yêu con người, bằng văn vần thâm nghiêm kính cẩn trước Phật đài. Mẹ chị đã truyền cho con gái điệu hát này bởi lo lắng nếu không có người lưu giữ, hát Kể Hiệng sẽ thất truyền.
 
May mắn tham gia CLB hát Kiều của thôn Pháp Kệ, chị cùng với các thành viên CLB đã miệt mài sưu tầm các làn điệu hát Kiều và hát Kể Hiệng trong dân gian. Dù công việc bận rộn, chị vẫn dành thời gian đến nhà các cụ cao niên, ghi lại từng câu hát rồi hệ thống theo phân đoạn và tiếp tục truyền dạy. Cứ như thế, không chỉ hát Kiều mà cả hát Kể Hiệng không bị mất đi và tiếp tục phát huy giá trị trong cuộc sống tinh thần thường ngày của người dân, trở thành một nét đẹp văn hóa không mai một.
 
Nói như chia sẻ của nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Đặng Thị Kim Liên, Chi hội trưởng Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh, chính nhờ những CLB và những tâm hồn yêu dân ca xứ sở như thế, các giá trị văn hóa phi vật thể của cha ông mới có cơ hội được trao truyền và tiếp nối không ngơi nghỉ. Có thể kể tên ra đây các CLB: hát ru Cảnh Dương, ca trù Đông Dương, Yêu câu hò xứ Lệ, hò khơi Nhân Trạch, hát đúm ví Minh Hóa, ca Huế làng Quảng Xá…
 
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Chi hội văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh đã trình 15 hồ sơ công nhận nghệ nhân dân gian và đều được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chấp nhận. Đến nay, Quảng Bình có 30 nghệ nhân dân gian. Dù tâm huyết đến vậy, nhưng các nghệ nhân dân gian vẫn gặp nhiều khó khăn trong duy trì hoạt động các CLB bởi hầu hết kinh phí đều tự túc, chỉ khi có hội thi, hội diễn mới nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, đoàn thể.
 
Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu về văn hóa văn nghệ dân gian rất công phu, bài bản nhưng không được in ấn, phát hành vì thiểu kinh phí, trong khi tuổi của các nhà nghiên cứu ngày càng cao, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với nguy cơ bị mai một.
 
Mai Nhân

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202104/trao-truyen-dieu-ho-que-huong-2187762/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm