6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bản Đoòng…hành trình hướng Đông

- Advertisement -

(Chính trị) – Định hình từ năm 1991 của thế kỷ trước, là nơi sinh sống của một nhóm đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều từ xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) di cư đến, nhưng trên bản đồ hành chính tỉnh Quảng Bình, bản Đoòng vẫn là đơn vị “vô thừa nhận”. Cho đến năm 2007, bản mới chính thức sáp nhập vào xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) “sánh vai” ngang bản Km39 của cộng đồng A Rem anh em để từ đó cùng nhau trên một hành trình hướng Đông đầy gian khó.
 
Bài 1: Biên niên sử bản Đoòng
 
Ẩn sâu giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, bản Đoòng hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đến với bản chỉ có một con đường độc đạo xuyên giữa rừng già. Câu chuyện của những người tiên phong “vạch rừng, lập bản” hơn 30 năm về trước khá ly kỳ, đủ mọi cung bậc gian nan, sướng khổ.
 
“Vạch rừng, lập bản”
 
Từ Km35 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, chúng tôi trở lại bản Đoòng với một tâm thế thoải mái về thời gian so với những chuyến trải nghiệm trước. Chuyện người, chuyện bản Đoòng được hàng trăm tờ báo lớn nhỏ trong nước đề cập đến, nhưng mỗi bài viết chỉ là một mảnh ghép rời rạc của một bản đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình rất ít người biết đến dù tuổi bản đã 30 năm dư. Lần này, chúng tôi có trách nhiệm khớp nối từng mảnh ghép đó lại nhằm hoàn chỉnh nên một biên niên sử về bản Đoòng.

Bản Đoòng…hành trình hướng ĐôngHành trình vào bản Đoòng trên con đường độc đạo xuyên giữ rừng già

Dọc theo con đường độc đạo xuyên giữa rừng già, sau gần hai giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi đặt chân đến ngôi nhà sàn của già làng, trưởng bản Nguyễn Soái Trắc-“trái tim” bản Đoòng. Già Nguyễn Soái Trắc, sinh năm 1949, năm nay 72 tuổi. Dân bản Đoòng mến thương gọi già Trắc bằng cái tên thân mật “bọ Tòa” theo tên người con trai thứ hai Nguyễn Văn Tòa. Tên “bọ Tòa” chẳng biết bắt đầu từ bao giờ… nhưng chắc chắn, chúng tôi tin sẽ bám chặt lấy già Trắc cho đến hết cuộc đời.

 
Bọ Tòa chính là một trong năm người Bru-Vân Kiều đầu tiên “khai khẩn” ra bản Đoòng vào năm 1991. Bốn người còn lại gồm: Hồ Văn Bình, Hồ Văn Thắng, Hồ Văn Xay, Nguyễn Văn Hoàn.
 
“Người Bru-Vân Kiều xã Trường Sơn những năm đó khổ lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc vì giao thông với miền xuôi cách trở, đi lại khó khăn. Đồng bào sống bám vào rừng, đặt bẫy săn bắt thú, lấy mật ong đổi gạo trắng, nhu yếu phẩm hàng ngày. Những chuyến đi rừng kéo dài… có khi cả tháng trời. Năm 1990, lang thang trong rừng theo con ong, con thú, rồi một ngày bàn chân bọ chạm vùng đất cắm bản bây giờ”. 

Bản Đoòng…hành trình hướng ĐôngToàn cảnh bản Đoòng.

Tiếng bọ Tòa vào chuyện, rù rì như cơn gió nhẹ lướt qua đại ngàn, đưa chúng tôi ngược về quá khứ theo dấu chân những người đi tìm vùng đất mới: “Từ rừng già bước ra, thấy một vùng đất bằng phẳng nằm giữa thung lũng Rào Thương-hang Én, bốn bên núi non hiểm trở. Đặc biệt, nơi khúc suối gọi là vùng Đá Bạc, cá nhiều vô kể. Bọ đánh dấu vùng đất này vào trong đầu, không kể với ai khi quay lại xã Trường Sơn”.
 
Năm 1991, những cuộc di dân tự phát diễn ra tại xã Trường Sơn, đồng bào Bru-Vân Kiều dắt díu nhau cắt rừng, bộ hành lần ra phía Bắc. Họ đi trong vô định, nơi nào “đất lành” thì dừng cắm bản. Một bộ phận định cư tại Khe Ngát (thị trấn Nông trường Việt Trung), nhóm khác ra lập bản Rào Con (thị trấn Phong Nha). Riêng bà con, nội thân Nguyễn Soái Trắc, ông dẫn đến vùng đất đánh dấu trong đầu ngày nào, cắm dùi, tạo lập nên bản Đoòng.
 
Năm 1991 lập bản với 5 hộ gia đình. Năm 1997, dân số bản Đoòng tăng lên 29 hộ. Vì sống biệt lập sâu thẳm giữa rừng già, đối mặt với muôn ngàn khó khăn, đói nghèo, bệnh tật, nhiều hộ gia đình thuộc nhánh Hồ Văn Bình, Hồ Văn Thắng, Hồ Văn Xay bỏ đi tứ tán, người trở lại xã Trường Sơn, kẻ lên Tân Trạch, Thượng Trạch, một số ra bản Rào Con hay về Khe Ngát. Ông Nguyễn Văn Hoàn mất do bệnh hiểm nghèo để lại con trai Nguyễn Văn Chan mới chập chững được bọ Tòa nhận làm con nuôi. Riêng đại gia đình Nguyễn Soái Trắc thì kiên quyết ở lại. Cư dân bản Đoòng ngày nay vì thế đều cùng chung gốc rễ, huyết thống, đoàn kết, gắn bó với nhau, “no đói cùng hưởng, ngọt bùi sẻ chia”. 

Bản Đoòng…hành trình hướng ĐôngBọ Tòa- Nguyễn Soái Trắc ngược dòng ký ức 30 năm hành trình đưa bản Đoòng hướng Đông.

Chúng tôi tiếp xúc với bọ Tòa-Nguyễn Soái Trắc vào năm 2005 khi cùng đoàn công tác của Ban Dân tộc tỉnh vào bản. Thời gian đó, bản Đoòng vẫn chưa được thừa nhận thuộc về huyện Quảng Ninh hay huyện Bố Trạch. Thời điểm này, bọ Tòa “đương nhiên” làm trưởng bản đúng 14 năm-dĩ nhiên chức vụ trưởng bản cũng chỉ ngầm định trong đại gia đình, dòng tộc, chứ “không nhận một đồng bạc phụ cấp nào từ Nhà nước” như lời bọ Tòa khẳng định.
 
Năm 2006, lần thứ hai, chúng tôi cắt rừng cùng Bí thư Chi bộ xã Tân Trạch Phan Văn Bình và Chủ tịch UBND xã Đinh Đu vào bản Đoòng (thời kỳ này xã Tân Trạch chưa thành lập đảng bộ. Hiện tại, Bí thư Chi bộ Phan Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Đinh Đu đều đã mất-PV). Gặp bọ Tòa, Bí thư Chi bộ Phan Văn Bình chân tình: “Đảng, Nhà nước không muốn đồng bào mình mất cội nguồn. Con chim có tổ, con suối có nguồn, con người có gốc… Cái gốc chung đều là con cháu Bác Hồ. Giờ bố muốn bản Đoòng có danh, có phận không?”. Trưởng bản Nguyễn Soái Trắc gục gặc đầu: “Cái bụng dân bản vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ từ bao đời nay, không chút thay đổi”. Bí thư Bình hỏi tiếp: “Giờ có ba nơi để dân bản neo đậu, một ra với Rào Con, hai vô lại Trường Sơn và cuối cùng lên nhập với xã Tân Trạch, cho bọ chọn”.
 
Bọ Tòa-Nguyễn Soái Trắc trong lần gặp Bí thư Chi bộ Phan Văn Bình vẫn giữa ngã ba đường… Bí thư Chi bộ Phan Văn Bình nhẹ nhàng: “Nếu đồng tình lên với người A Rem anh em… con chỉ đường cho bọ, ra cầu Trạ Ang, rẽ vào hang Tám Cô, bám theo đường 20 mà lên, chúng con chờ!”. Một sáng đẹp trời, khi cháu con, dân bản Đoòng đang say ngủ… khi hơi lèn đá còn sà thấp xuống ngang đầu người, bọ Tòa-Nguyễn Soái Trắc can trường một mình “vạch lối” đi, quyết định đưa bản Đoòng về với xã Tân Trạch, đó là vào năm 2007.
 
Với tuổi đời 30 năm, bản Đoòng hiện tại vẫn là một vùng đất có nhiều cái “không- nhất” trong tất cả các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Bình: không đường, không điện, không trạm, không chợ, không sóng truyền hình, sóng điện thoại và xa nhất, khó khăn nhất, nghèo nhất, ít dân nhất…
 
Tuy nhiên, bọ Tòa vẫn luôn lạc quan, tự hào về một tương lai tươi sáng vì các thế hệ con cháu bản Đoòng đang đi trúng và đúng trên hành trình hướng Đông khi tìm thấy con chữ, học chữ Bác Hồ. Hành trình gieo chữ tại bản Đoòng được ví như một “kỳ tích”. Con chữ giúp thế hệ người Bru-Vân Kiều bản Đoòng đầu tiên thoát khỏi tăm tối, giúp thế hệ kế tiếp biết được đúng sai. Nhờ con chữ mà thanh niên bản Đoòng vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng.
 
“Kỳ tích” gieo chữ
 
Nếu đến bản Đoòng hỏi ai là người công đầu “cõng con chữ” lên non, rất nhiều bà con khẳng định: “Thầy Vinh!”.
 
Sau khi bản Đoòng định cư được 5 năm, một ngày, bản đón người đàn ông trong bộ quân phục bạc màu thời gian, ba lô lộn ngược. Trưởng bản Nguyễn Soái Trắc chỉ biết ông tên Vinh, quê quán tỉnh Nghệ An, nguyên bộ đội biên phòng. Sau khi rời quân ngũ, ông không về quê mà tìm đến nương nhờ bà con Bru-Vân Kiều bản Đoòng.
 
Ông giáo Vinh ăn ở tại nhà bọ Tòa, gắn bó với bản Đoòng hơn hai năm. Lớp xóa mù của thầy giúp cho cả bản biết đọc, biết viết. Rồi một ngày, thầy Vinh lặng lẽ từ biệt bà con, lặng lẽ rời đi như lúc thầy đến bản. Kể từ đó, cư dân bản Đoòng không ai còn gặp lại người thầy giáo đầu tiên của mình. 

- Advertisement -

Bản Đoòng…hành trình hướng ĐôngHệ thống nước sạch về bản.

Năm học 2008-2009, điểm trường bản Đoòng chính thức thành lập, giáo viên phụ trách là thầy Nguyễn Văn Đạt. Thầy Đạt cắm bản, mượn nhà dân dạy xóa mù cho đồng bào độ tuổi từ 18 đến 40. Đến năm học 2009-2010, chương trình phổ thông triển khai đúng với học sinh trong độ tuổi. Năm học này, điểm trường chỉ vẻn vẹn 6 học sinh.
 
Thầy Nguyễn Văn Đạt chuyển công tác, bản Đoòng tiếp nhận thầy giáo Hoàng Văn Sáu (SN 1968, quê quán xã Xuân Trạch, Bố Trạch) lên thay. Năm học 2010-2011, thầy Sáu mượn thềm nhà Nguyễn Văn Chiều (SN 1984), con trai thứ tư của bọ Tòa tổ chức lớp học với 4 học sinh lớp một. Thời gian thoi đưa… thầy giáo Sáu “cắm” bản Đoòng quá 10 năm.
 
Năm học 2020-2021 này, số lượng học sinh bản Đoòng tăng lên 21 em từ mầm non đến lớp 9, trong đó mầm non 4 em; tiểu học 10 em và THCS 7 em. Đồng hành cùng thầy Sáu và học sinh bản Đoòng còn có thêm 3 giáo viên khác gồm các thầy: Cao Xuân Đồng (SN 1984), Trương Nhâm Thân (SN 1992) cùng quê Minh Hóa và Trương Thanh Hiền (SN 1989, ở TP. Đồng Hới).
 
“Học sinh bản Đoòng tất cả đều chăm ngoan, chuyên cần và đặc biệt rất hiếu học. Các em học ngày, học đêm, học mọi lúc, mọi nơi. Ở đây học sinh luôn đi tìm thầy chứ chưa bao giờ thầy giáo phải đi tìm, vận động học sinh đến lớp, đến trường. Vì thế chúng tôi không gặp phải bất kỳ một áp lực nào. Phụ huynh luôn có trách nhiệm trong chuyện học tập của con em. Đây chính là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn đối với giáo viên cắm bản”-thầy giáo Hoàng Văn Sáu chia sẻ.
 
  Ngô Thanh Long
 
Bài 2: Những “hạt giống đỏ” bản Đoòng
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/chinh-tri/202104/ban-doonghanh-trinh-huong-dong-2187912/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm