7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trồng rừng cây bản địa cho thế hệ mai sau

- Advertisement -

(Kinh tế) – Khoảng 15 năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, người dân trên địa bàn tỉnh đã trồng hàng nghìn ha rừng cây bản địa. Đến nay, những cánh rừng xanh tốt đã mang lại giá trị kinh tế, góp phần đa dạng về mặt sinh học, hứa hẹn để lại nhiều loại gỗ quý cho thế hệ mai sau.

Trồng rừng cây bản địa cho thế hệ mai sauMột rừng cây bản địa ở huyện Minh Hóa đang phát triển tốt.

Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, Quảng Bình hiện có trên 1.488ha rừng cây bản địa. Trong đó, cây lim có diện tích 1.030ha, lát 159ha, luồng 159ha, huỵnh gần 85ha, trầm hương 55,5ha. Ngoài ra, một số dự án còn hỗ trợ cho bà con trồng thêm hàng trăm ha rừng cây bản địa trong vườn đồi, như: cây dỗi, trám, vàng tâm, sến, bài lài… Cây bản địa được trồng theo các chương trình, dự án tập trung chủ yếu ở huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa.
 
Ngoài ra, nhiều bà con trên địa bàn tỉnh cũng thấy được lợi ích của rừng cây bản địa nên đã đầu tư trồng. Đặc biệt, từ năm 2008 đến 2015, Dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã hỗ trợ trồng và khoanh nuôi tái sinh trên 3.000ha rừng, trong đó có các rừng cây bản địa được trồng mới trên địa bàn 13 xã thuộc huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Ninh. 

Trồng rừng cây bản địa cho thế hệ mai sauÔng Nguyễn Xuân Thiết bên trong khu rừng gỗ lớn bạc tỷ của mình.

Tại huyện Minh Hóa, dự án đã hỗ trợ cho bà con trồng cây lim xanh và trám, khoanh nuôi, bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích gần 1.000ha tại 26 thôn, bản thuộc các xã: Thượng Hóa, Trung Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa. Trong đó, có trên 344ha rừng cây bản địa được trồng mới.
 
Riêng tại xã Hóa Sơn, cả 5 thôn, bản đều có người tham gia trồng rừng với diện tích khoảng 100ha. Hơn 10 năm trồng và chăm sóc, nhiều rừng cây bản địa của bà con phát triển tốt, có những cây có đường kính từ 25cm đến 30cm, biến những vùng đất nghèo kiệt thành những cánh rừng xanh ngút ngàn.
 
Chị Nguyễn Thị Long, ở thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn phấn khởi: “Diện tích rừng lim tôi sẽ để lại cho con cháu. Còn rừng trám nhà tôi cũng sắp cho khai thác mủ bán. Hiện có nhiều cây đã ra hoa và cho những lứa quả đầu tiên”. Năm 2010, chị Long nhận 6ha đất rừng gần nhà để trồng cây bản địa. Trong đó, 3ha trồng lim và 3ha trồng trám. Thời điểm trồng, chị đã được cán bộ dự án lên tận rừng cầm tay, chỉ việc, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Mỗi ha rừng chị được hỗ trợ hoàn toàn giống cây và 6 triệu đồng.
 
Ông Đinh Hồng Tuyên, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn cho biết: “Nhận trồng và giữ rừng bản địa, bà con trong xã ai cũng phấn khởi. Vì họ vừa có tiền, vừa được làm chủ những khu rừng có giá trị cao ngay trên mảnh đất quê hương. Cũng từ hình thức này đã tạo nên “thế trận” toàn dân giữ rừng. Nhờ đó, những khu rừng trên địa bàn được bảo vệ tốt, cây trong rừng ngày càng phát triển, tạo những rừng gỗ bản địa lớn, phục vụ cho thế hệ mai sau”.  
 
Đầu những năm 2000, Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho bà con, ông Nguyễn Xuân Thiết, ở thôn Tân Ấp, xã Hương Hóa (Tuyên Hóa) đã mạnh dạn nhận trên 30ha đất để trồng rừng. Năm 2004, ông thế chấp sổ đỏ đất rừng để vay ngân hàng số tiền trên 300 triệu đồng cho “giấc mơ” trồng rừng. Ban đầu, ông trồng 12ha cây keo, 20ha cây rừng bản địa, gồm: lim, huỵnh, sến, vàng tâm, bài lài, dỗi (toàn bộ cây gỗ nhóm 3).
 
Đất không phụ công người, một thời gian sau, rừng của ông bén rễ, lên chồi rồi dần phủ một màu xanh trên quả đồi rộng lớn. Hiện nhiều cây do ông trồng đã có đường kính trên 0,3m, một số cây bản địa ông để lại khi khai hoang và hàng trăm cây keo, tràm nay đã có đường kính gốc từ 0,5 đến gần 1m. 

Trồng rừng cây bản địa cho thế hệ mai sauÔng Nguyễn Xuân Thiết chăm sóc vườn cây huê vừa trồng.

Ông Thiết cho hay: “Hiện tôi cũng đang trồng thêm hàng nghìn cây huê trong vườn rừng của mình. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục trồng dặm thêm lim và một số cây bản địa dưới tán rừng để tạo sự đa dạng cho rừng”. Để trồng rừng cây bản địa, ông Thiết đã trồng keo, tràm để bán lấy tiền đầu tư. Đến nay, ông đã chi cho việc trồng, chăm sóc, bảo vệ khu rừng này với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Đến mùa nắng hạn, ông cho người phát dọn sạch thực bì, cắt cử người túc trực trên rừng 24/24 giờ để canh lửa phòng cháy.
 
Không chỉ có ông Thiết, hiện nhiều hộ dân trên địa bàn các xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa (Tuyên Hóa) cũng đã trồng hàng chục ha rừng cây bản địa. Ông Nguyễn Thế Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa cho biết: “Mô hình trồng rừng gỗ lớn và rừng cây bản địa của ông Nguyễn Xuân Thiết là hướng đi phù hợp, góp phần tái tạo rừng cũng như phát huy giá trị kinh tế cao từ rừng trong tương lai.
 
Đến nay, toàn huyện Tuyên Hóa đã trồng được khoảng 300ha rừng cây bản địa và rừng gỗ lớn. Hiện chúng tôi cũng đang tham mưu cho UBND huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi rừng trồng ngắn ngày sang trồng rừng cây bản địa, nhất là vùng thượng nguồn sông Gianh, các nơi có rừng bị phá hoặc đất bị lấn chiếm để tái tạo rừng”.  

Trồng rừng cây bản địa cho thế hệ mai sauNgười dân huyện Lệ Thủy trồng rừng cây bản địa.

- Advertisement -

Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nhận định: “Việc hỗ trợ, vận động bà con trồng rừng cây bản địa là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con. Qua đó, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh cũng như tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, tạo điều kiện đầu tư phát triển du lịch sinh thái.
 
Từ hiệu quả ban đầu của trồng rừng bản địa, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh để nhân rộng mô hình, khôi phục lại diện tích rừng nghèo kiệt bằng những rừng cây bản địa; đồng thời, trồng thêm cây bản địa trên diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn; chuyển đổi dần rừng sản xuất sang trồng cây bản địa ở những nơi phù hợp…”.
 
Xuân Vương
 
                                                                                                                                                  
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202104/trong-rung-cay-ban-dia-cho-the-he-mai-sau-2188345/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm