6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Từ chối bồi thường tai nạn tàu cá, Tổng Công ty Bảo Việt bị khởi kiện ra tòa

- Advertisement -

(Pháp luật) – Vay mượn, thế chấp tất cả tài sản sắm tàu vươn khơi đánh bắt xa bờ. Giữa biển khơi muôn trùng rủi ro, không may tàu bị chìm. Quá trình sắm tàu cá, chủ sở hữu đã mua bảo hiểm thân tàu. Sau khi tai nạn xảy ra, đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Chủ tàu viết đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng không được giải quyết “thấu tình đạt lý”, cuối cùng phải nhờ vào sự phán quyết của tòa án.
 
Vụ việc trên xảy ra đối với gia đình anh Nguyễn Văn Cảm (SN 1982) quê quán thôn Thượng Đức, xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), chủ tàu cá số hiệu QB 99246-TS. Sau khi sắm tàu, anh Cảm mua phí bảo hiểm thân tàu trị giá 67.650.000 đồng; giá trị gói bảo hiểm lên đến 7,8 tỷ đồng của Công ty bảo hiểm Bảo Việt Quảng Bình (Công ty Bảo Việt Quảng Bình). Giao dịch giữa anh Cảm và Công ty Bảo Việt Quảng Bình thể hiện tại hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) số 0001972, thời gian hợp đồng bảo hiểm tính từ ngày 20-6-2019 đến ngày 19-6-2020. 

Từ chối bồi thường tai nạn tàu cá, Tổng Công ty Bảo Việt bị khởi kiện ra tòaNguyên đơn Nguyễn Văn Cảm và các luật sư bào chữa tại phiên tòa phúc thẩm

Khoảng 15 giờ ngày 26-8-2019, trong lúc tàu đang đánh bắt cá ngoài khơi vùng biển Đà Nẵng thì va chạm với một khúc cây trôi nổi trên biển làm tàu bị phá, nước tràn vào nhanh khiến tàu bị chìm. Các thuyền viên may mắn được tàu cá QB 92689-TS của ông Nguyễn Văn Hiền cứu hộ đưa vào bờ an toàn.
 
Ngày 8-10-2019, anh Nguyễn Văn Cảm viết đơn cầu cứu gửi Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt (Tổng Công ty Bảo Việt), cùng ngày Công ty Bảo Việt Quảng Bình ban hành công văn số 343/BVQB-GĐBT kết luận “…Tổn thất chìm tàu QB 99246-TS xảy ra vào ngày 26-8-2019 không thuộc bồi thường bảo hiểm theo giấy chứng nhận bảo hiểm số 3019151, hợp đồng bảo hiểm số BI.D6.TC19.HD.3019151 (được xác lập giữa Công ty Bảo Việt Quảng Bình và anh Nguyễn Văn Cảm đối với tàu cá QB 99246-TS-PV)”, từ đó không chấp nhận bồi thường bảo hiểm số tiền 7,8 tỷ đồng.
 
Không đồng tình với cách giải quyết của Tổng Công ty Bảo Việt, anh Nguyễn Văn Cảm viết đơn cầu cứu đến Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính. Cục này sau đó trả lời cho anh Cảm: “Tranh chấp trong quá trình bồi thường bảo hiểm là tranh chấp dân sự do các bên liên quan phối hợp giải quyết theo hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Trường hợp ông Nguyễn Văn Cảm không thống nhất được cách giải quyết của Bảo Việt thì có thể đưa vụ việc ra tòa án giải quyết theo quy định của Luật tố tụng Dân sự”.
 
Từ nội dung sự việc và hướng dẫn của Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, anh Nguyễn Văn Cảm khởi kiện Tổng Công ty Bảo Việt ra tòa án.
 
Đơn khởi kiện anh Nguyễn Văn Cảm gửi TAND TP. Đồng Hới, TAND TP. Đồng Hới tiến hành xét xử sơ thẩm tuyên bác đơn khởi kiện anh Cảm. Cho rằng phán quyết TAND TP. Đồng Hới chưa hợp tình, hợp lý, gây thiệt hại lớn đối với gia đình mình, anh Nguyễn Văn Cảm kháng án lên TAND tỉnh.
 
Dưới sự chủ tọa của thẩm phán Hoàng Quảng Lực, TAND tỉnh mới đây đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Đại diện cho phía bị hại có các luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng luật sư Hướng Dương, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình; Nguyễn Hữu Lai, Văn phòng luật sư Minh Chánh, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng. Đại diện ủy quyền của Tổng Công ty Bảo Việt là ông Dương Anh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Bảo Việt Quảng Bình.
 
Theo nhận định Hội đồng xét xử (HĐXX), cốt lõi vụ án phải làm rõ tính hợp lý, hợp pháp của hợp đồng bảo hiểm và giấy chứng nhận bảo hiểm còn “nút thắt” vụ án là tờ hóa đơn GTGT số 0001972 trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm số BI.D6.TC19.HD.3019151 và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm số 3019151 giữa anh Nguyễn Văn Cảm và Công ty Bảo Việt Quảng Bình đối với tàu cá QB 99246-TS. 

Từ chối bồi thường tai nạn tàu cá, Tổng Công ty Bảo Việt bị khởi kiện ra tòaĐại diện ủy quyền của Tổng Công ty Bảo Việt- ông Dương Anh Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Công ty Bảo Việt Quảng Bình cho rằng không có lý do gì để phía Bảo Việt phải bồi thường tiền bảo hiểm cho anh Nguyễn Văn Cảm.

Nguyên đơn Nguyễn Văn Cảm trình bày, hợp đồng bảo hiểm số BI.D6.TC19.HD.3019151 xác lập ngày 20-6-2019 giữa anh và Công ty Bảo Việt Quảng Bình được tiến hành tại trụ sở công ty. Cùng ngày, Công ty Bảo Việt Quảng Bình cấp giấy chứng nhận bảo hiểm số 3019151 cho anh, xuất hóa đơn GTGT số 0001972 xác nhận phí đóng bảo hiểm thân tàu trị giá 67.650.000 đồng (thực tế anh Cảm chưa đóng khoản phí này). Sau khi có giấy chứng nhận bảo hiểm số 3019151 và hóa đơn GTGT số 0001972, anh Cảm thực hiện đầy đủ các thủ tục để nhận hỗ trợ từ Nhà nước cho tàu QB 99246-TS ra khơi đánh bắt đến khi xảy ra sự cố.
 
Do không đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng và quy định ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm nên thời gian từ khi được cấp giấy đến khi tàu bị tai nạn, anh Cảm vẫn chưa hoàn thành phí đóng bảo hiểm thân tàu trị giá 67.650.000 đồng. Để lỗi này xảy ra, anh Cảm cho rằng trách nhiệm thuộc về Công ty Bảo Việt Quảng Bình không đốc thúc, thông báo cho gia đình mình nộp vì bản thân thường xuyên vắng nhà, bám biển vươn khơi.
 
Ông Dương Anh Dũng khẳng định, theo quy định, anh Nguyễn Văn Cảm phải hoàn thành việc đóng phí bảo hiểm với số tiền 67.650.000 đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Tuy nhiên, anh Cảm không hoàn thành nghĩa vụ này nên trách nhiệm thuộc về anh Cảm, phía Công ty Bảo Việt không có trách nhiệm đốc thúc, thông báo gia đình anh Cảm nộp khoản phí này…, từ đó, không có cơ sở để bồi thường gói bảo hiểm 7,8 tỷ đồng khi tàu QB 99246-TS bị chìm.
 
Lý giải về tờ hóa đơn GTGT số 0001972 phía Công ty Bảo Việt Quảng Bình xuất, chứng minh anh Nguyễn Văn Cảm đã đóng phí bảo hiểm, ông Dương Anh Dũng cho rằng: “Nhằm tạo thuận lợi cho anh Nguyễn Văn Cảm trong quá trình thực hiện các thủ tục để tàu cá QB 99246-TS ra khơi?!”.
 
Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa khẳng định, để xảy ra tình trạng nhập nhằng, thiếu rõ ràng trong quá trình xác lập, đóng phí bảo hiểm giữa anh Nguyễn Văn Cảm và Công ty Bảo Việt Quảng Bình lỗi chia đều cho cả hai bên. Nếu tàu cá QB 99246-TS không gặp nạn, anh Nguyễn Văn Cảm chắc chắn sẽ chậm nộp phí bảo hiểm vì tin tưởng rằng tàu cá QB 99246-TS đã có đầy đủ các thủ tục, giấy tờ hợp lệ và Công ty Bảo Việt Quảng Bình không có bất cứ một động thái nào nhắc nhở chủ tàu QB 99246-TS tất toán khoản phí thể hiện tại hóa đơn GTGT số 0001972.
 
Vì lỗi chia đều cho cả bên nguyên đơn và bị đơn, HĐXX quyết định tuyên xử chấp nhận một phần kháng cáo của anh Nguyễn Văn Cảm; chia đều khoản tiền đền bù thuộc gói bảo hiểm 7,8 tỷ đồng cho mỗi bên. Công ty Bảo Việt Quảng Bình phải bồi thường cho anh Nguyễn Văn Cảm số tiền 3,9 tỷ đồng cộng với tiền lãi ngân hàng phát sinh. Tổng số tiền Công ty Bảo Việt Quảng Bình có trách nhiệm trả cho anh Nguyễn Văn Cảm là 4,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Bảo Việt Quảng Bình còn phải chịu mức án phí phúc thẩm trên 112 triệu đồng.
 
Nhóm PV. Bạn đọc
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/phap-luat/202104/tu-choi-boi-thuong-tai-nan-tau-ca-tong-cong-ty-bao-viet-bi-khoi-kien-ra-toa-2188441/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm