6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhớ người thủ trưởng Trung đoàn 12 anh hùng

- Advertisement -

(QP-AN) – Tôi bùi ngùi, đứng lặng trước nghĩa trang xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn trong trưa hè giữa cái gió Nam ồ ồ réo từng hồi sàn sạt, như những đàn ngựa hoang tung bờm phi nước đại. Trong làn khói hương nghi ngút, biết bao niềm vui, nỗi buồn đan xen…
 
Chính nơi nghĩa trang này, có 3 bác ruột của vợ tôi nằm hàng đầu của nghĩa trang. Đó là Nguyễn Thiêm, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quế, nguyên là Bí thư, Chủ tịch xã Quảng Minh trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, hy sinh nằm lại ở đó và có cả bố vợ của tôi là liệt sỹ Nguyễn Thảo, cả ông anh họ Nguyễn Bình.
 
Tôi đang miên man, suy tư trong niềm vui và nỗi buồn, niềm tự hào, nỗi đau thương mất mát và những gì được-mất… thì cô cháu gái chỉ vào một ngôi mộ nằm phía phải hàng đầu nghĩa trang nói: 
 
– Đồng đội Sư đoàn 3 Sao Vàng của dượng đó kìa! 
 
Tôi giật mình, nghe lạnh buốt sống lưng, người lảo đảo nhưng cố giữ tâm thái thăng bằng để nhìn vào tấm bia. Tấm bia đã phai mờ, như anh nằm đây, qua khói bụi thời gian mà lâu rồi tôi chẳng hề hay biết. Tôi vẫn đọc được dòng chữ “…. Hoàng Hữu Phỉa-Phó Chính ủy (PCU) Trung đoàn. Hy sinh 6-9-1972. Quê quán: Quảng Minh, Quảng Trạch, Quảng Bình”.
Tôi đổ sấp người lên mộ… Hai bàn tay lần hồi, nghẹn ngào xoa lên tấm bia của anh… Người thủ trưởng, người đồng đội thân yêu của tôi. Người anh trầm tĩnh, nghiêm khắc, sâu sắc, trí tuệ, luôn dũng cảm, kiên cường và hết lòng yêu thương, gắn bó với đồng đội, được đồng đội ngưỡng mộ, tin yêu-người đã góp phần làm nên những chiến công rạng rỡ của Trung đoàn 12 anh hùng.
 
Trung đoàn xuất thân từ Trung đoàn 18 Sư 325 trên đất lửa Quảng Bình, được hành quân vào chiến trường miền Nam năm 1965 và biên chế trong đội hình Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng trên đất dừa Bình Định, Quân khu 5. Trung đoàn mà bọn Mỹ Ngụy, quân đội đánh thuê Nam Hàn và lính Trung Quốc chỉ mới nghe hơi đã bạt vía kinh hồn. Trung đoàn đã làm nên trận chiến bi hùng tại Đập Đá, Phương Danh Nam, Long Giang-Lộc Giang, Bắc Bình Định, đường 19, Phan Rang, Vũng Tàu, Pháo đài Đồng Đăng, Đồi Chậu Cảnh, Đồi Thịt Băm, Đồi không tên, 1050, 1100, 1000… tại mặt trận Lạng Sơn và Vị Xuyên… Là Trung đoàn anh hùng, được vinh dự mang tên dưới lá cờ vinh quang: “Dũng mãnh-Kiên cường-Đánh giỏi-Diệt gọn “.
 
… Bao kỷ niệm năm tháng ở chiến trường khói lửa lại ùa về như thước phim quay chậm… Vào mùa hè năm 1971, ban liên lạc Sư đoàn đang yên vị tai Hang Chè, Phù Cát. Chính lúc này, Sư đoàn Mãnh Hổ Nam Triều Tiên đang mở đợt càn lớn lên khu vực này. Cũng tại nơi đây, đang diễn ra hội nghị triển khai chiến dịch Xuân Hè, có đến gần 500 cán bộ cốt cán của tỉnh, Sư đoàn và các địa phương đang họp. Tôi từ chốt Hòn Chè được lệnh về cứ. Anh Đạt Thanh dẫn tôi vào gặp Tư lệnh Sư đoàn Huỳnh Hữu Anh (ông gọi tôi là con nuôi). 

Nhớ người thủ trưởng Trung đoàn 12 anh hùngNghĩa trang liệt sỹ xã Quảng Minh-nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã xả thân mình cho ngày thống nhất non sông.

Thoạt nhìn, ngoài Tư lệnh, tôi và Đại đội phó vệ binh Đạt Thanh, thì còn có 2 người lạ mà tôi chưa từng gặp. Họ nói chuyện và tôi nghe như tiếng Quảng Bình. Tôi trân trối nhìn các ông một hồi rồi cười, hỏi tư lệnh : – Hai anh ở mô rứa thủ trưởng? Răng nghe như giọng Quảng Bình quê tui? Cả 3 ông đều nhoẻn miệng cười thân thiện. Tư lệnh đưa tay làm hiệu, mời tôi ngồi:
 
– Chú cứ ngồi xuống hẵng hay… Ông cười, rồi đứng dậy đi sang phía phải, lấy bàn tay vỗ vỗ vào vai người có dáng hình mập mạp, khỏe mạnh, nước da trắng và giới thiệu:
 
– Đây là đồng chí Trương, cán bộ hậu cần Ban 5 của Sư đoàn ta. Quê đồng chí ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Xong ông lại chỉ tay vào người ngồi phía trái đeo kính cận, có khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, người dong dõng và nói: 
 
– Đây là đồng chí Hoàng Hữu Phỉa, quê Quảng Trạch, đồng hương của chú đó! Đồng chí ở Trung đoàn 12….
 
Tôi mừng quýnh. Ông nói chưa hết câu, tôi đã vội nhào đến cười nói tưng bừng, rồi ôm chầm lấy 2 anh. Hai anh cũng quây lại ôm chặt lấy tôi, hỏi han đủ điều…
 
Lại một hôm khác, được dự đám cưới anh Trương và chị Oanh tại cứ. Trong đám cưới, có một người cứ giục tôi ngâm bài vè “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu. Tưởng ai, nhìn lui, hóa ra anh Hoàng Hữu Phỉa từ dưới Trung đoàn 12 cũng lên dự. Anh vỗ tay, hò hát và khen lấy khen để. 
 
Lại một lần nữa, khoảng cuối năm 1970, tôi, anh Thực, anh Lâm và anh Phong y sỹ đi áp tải bảo vệ tư lệnh Huỳnh Hữu Anh dự họp Quân khu. Vừa ra đến nơi, Tư lệnh vội giục: – Đi!….Đi!….
 
Ông còn dặn Phong mang thêm thuốc chống ngộ độc và dặn cả tôi nhớ mang đường sữa đi theo. Anh Phong tò mò hỏi, ông mới tiết lộ: 
 
– Các anh bên Trung đoàn 12 của ta, trên đường ra Quân khu họp, bị ăn nhầm nấm độc, mình cùng đi thăm các anh.
 
Chúng tôi băng rừng sang lán Trung đoàn 12. Một người nhỏ con, mang kính cận đang nằm trên võng, xem bộ đang rất mệt, đứng dậy, dang 2 tay ôm chầm tư lệnh Huỳnh Hữu Anh và thều thào:
 
– May không chết thủ trưởng ạ! 
 
Tư lệnh hỏi: – Còn thấy đau nữa không? Người đeo kính gương mặt xanh xao, thở dài nói: – Còn lâm râm thủ trưởng ạ!….. 
 
Anh Phong lấy thuốc giao cho anh ấy và chỉ cách uống. Cũng từ đó, tôi nhớ rõ tên ông là Hoàng Hữu Phỉa, PCU Trung đoàn 12.
 
Thế rồi, bẵng đi một thời gian dài, theo chiến trường, hai anh em chẳng còn được gặp nhau…
 
… Và giờ đây được gặp lại anh giữa nghĩa trang đầy nắng gió của một ngày tháng 4 lịch sử… mừng mừng tủi tủi, tôi vội gọi điện ngay cho con trai PCU là nhà báo Hoàng Hữu Thái, Tổng Biên tập Báo Quảng Bình, rồi lại gọi cho đại tá Đồng Sỹ Tài, nguyên Chính ủy Trung đoàn 12,  đã có những năm tháng sống chiến đấu đồng cam cộng khổ cùng anh Phỉa. Đặc biệt, tôi bắt liên lạc được với anh Mai Trần Thành, hiện đang sống tại Hưng Hà-Thái Bình, nguyên công vụ của PCU Hoàng Hữu Phỉa. 
 
Sau những các cuộc điện thoại, tôi nhanh chóng nhận được những lời hồi âm hết sức ấm áp và cảm động của 2 anh, kèm theo 2 bài hồi ký của các anh viết về những kỷ niệm sâu sắc với PCU Hoàng Hữu Phỉa và đồng đội thân yêu. 
 
Đây là nguyên văn hồi ký cảm động với những kỷ niệm sâu sắc cùng những khát vọng cháy bỏng của đồng đội Mai Trần Thành với người thủ trưởng thân yêu của mình. Chúng tôi coi đây là ném tâm nhang gửi đến hương hồn PCU Hoàng Hữu Phỉa và gia đình đồng chí, cùng bao đồng đội Sư đoàn 3 Sao Vàng anh hùng nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4:
 
“Cuộc đời người cảnh vệ như tôi đã đi bảo vệ thủ trưởng 4 năm, khoảng thời gian nghĩ là bình thường, song 4 năm ấy trải qua biết bao nhiêu gian nan, phức tạp và đong đầy bao kỷ niệm vui buồn. Chỉ 4 năm, nhưng có lẽ tôi là người vinh dự được phục vụ thủ trưởng thời gian dài nhất.
 
Khoảng đầu năm 1969, sau khi đánh núi Lá cuối năm 1968, Tiểu đoàn BB4 được nhận nhiệm vụ về khu vực Thuận Ninh-Hòn Sỏng-Bác Má-Trạm Câu đánh giặc càn quét. Đối tượng chính là bọn Nam Triều Tiên thuộc sư đoàn Hoàng Gia Mãnh Thổ.
 
Có một lần bảo vệ thủ trưởng đi xuống Tiểu đoàn 4 tại Hòn Sỏng, chợt tôi phát hiện mùi dầu muỗi của Mỹ (bọn này phục kích thường thoa dầu muỗi). Trời đang sẩm tối, linh tính mách bảo, tôi ra hiệu cho thủ trưởng có địch phía trước và tôi đi trước, vừa bám địch vừa dùng khứu giác của mình ngửi mùi dầu muỗi vì chúng ở đầu gió.
 
Đến khi không ngửi thấy mùi dầu muỗi, tôi dẫn thủ trưởng xuyên rừng đến Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 4. Anh Phú, Tiểu đoàn phó bảo: – Mày dẫn thủ trưởng đi đường nào mà không gặp địch dưới chân dốc? – Dạ em vừa đi vừa ngửi dầu muỗi hết hơi à… Chỗ đó không có địch, thế là em xuyên lên đây. Anh Phú không nói gì, chỉ mỉm cười.
 
Lại một lần nữa, vào khoảng cuối năm 1970, khi thủ trưởng đi họp ở quân khu, đến gần trạm Lập, anh Kình người Bắc Thái-công vụ bảo: – Mày ở nhà với thủ trưởng, tao vào bản xem có gì đổi. Nào ngờ anh Kình vác súng đi săn thú. Đêm tối soi đèn thấy 2 mắt xanh lè, anh tưởng con nai liền nổ súng. Con trâu trúng trán chết ngay. Anh xẻo một miếng thịt mang về và nói nhỏ với tôi là đổi 1 chéo dù hoa lấy khoảng 2 ký thịt trâu. Tôi cứ nghĩ là như thế. Mấy cha con tiếp tục đi và cùng ăn thịt trâu. 3 ngày sau, khi bữa thịt trâu cuối cùng vừa hết, cũng là lúc 3 người dân tộc đến. Họ hỏi: – Cái bộ đội đi đâu? Chúng tôi nói: – Bộ đội đi công tác. Họ xộc vào lôi ăng gô trong túi cóc kiểm tra không có gì. Người dân tộc họ tinh khôn. Họ ngửi ăng gô, thấy mùi thịt trâu, họ bảo: – Cái bộ đội bắn trâu của đồng bào rồi!
 
Bấy giờ chúng tôi mới ngã ngửa ra và thủ trưởng hỏi anh Kình. Anh Kình đành phải khai thật. Thủ trưởng bấy giờ thốt lên: – Kình ơi, Kình giết mình rồi! Thế rồi mấy người dân tộc bắt đền một gùi muối. Lấy đâu ra muối? Không thì đền mạng sống. Họ nói: – Con trâu của đồng bào đang sống, cái bộ đội bắn nó chết, bây giờ cái bộ đội đang sống, đồng bào cũng bắn cho bộ đội chết!
 
Anh em chúng tôi hoảng quá, tư thế sẵn sàng, sợ họ làm liều. Nhưng thủ trưởng thì rất bình tĩnh. Là người cán bộ dạn dày kinh nghiệm và đủ bản lĩnh, thủ trưởng nói: – Trâu của đồng bào chết đã sả thịt ăn hết chưa?… Họ thật thà nói: – Đồng bào xẻ thịt ra thử ăn, còn lại treo trên bếp. Thủ trưởng lại hỏi: – Thế bộ đội nó lấy nhiều thịt trâu của đồng bào không? Họ lại chỉ vào ăng gô nói đại: – Bộ đội lấy 1 ăng gô thôi.
 
Thủ trưởng bình tĩnh kéo phẹc mơ tuya chiếc túi ra và vặn chiếc đài Nationa 2 băng. Lúc bấy giờ đang ca nhạc. Thật trùng hợp, đài đang hát bài hát “Cô gái vót chông”, tiếng hát trong trẻo của ca sỹ vút lên: “Như bao cô gái ở trên non…”. 
 
Thủ trưởng nói: – Thế này nhé, đồng bào dân tộc đi theo cách mạng rất nhiều. Bộ đội thấy con trâu tưởng trâu rừng không may bắn chết, nhưng bộ đội không lấy hết mà chỉ lấy có ít, còn lại đồng bào lấy. Bây giờ tôi xin đền cái đài này mang về nó hát cả bản cùng nghe và tôi đền thêm cái đồng hồ để đồng bào biết giờ. Chứ mùa mưa tối sầm trời không biết giờ đi rừng mà biết đường về. Còn cái này nữa, người lấy trong cặp ra một cuộn nhỏ ni lông giơ ra một con sâm và nói: – Mang cái này về già làng ăn vào khỏe lắm.
 
Một người cầm con sâm cắn lên miệng, rồi trả lại, nói: – Cái này của bộ đội không ngon, đắng lắm không lấy. Thủ trưởng bảo với đồng bào rằng: – Thế là đồng bào chỉ chấp nhận lấy đài và đồng hồ thôi nhé. Nói rồi người vỗ vai một người lớn tuổi hơn, tháo chiếc đài quàng lên vai anh ta và tháo chiếc đồng hồ đưa cho người thứ hai. Người dân tộc là như thế, khi thoải mái họ vô tư, thế là giải quyết xong.
 
Viết đến đây tôi không cầm nổi nước mắt nữa. Một người cha, người thủ trưởng chịu hy sinh tất cả những thứ riêng tư của mình để giải quyết sự việc mà chiến sỹ gây nên, sau đó không hề trách móc gì anh Kình cả. Sau đó thủ trưởng về có báo cáo và nhận lỗi với cơ quan.
 
Có một lần nữa, vào cuối năm 1970 đầu 1971, đoàn đi họp quân khu gồm 1 Chính ủy, 1 Phó chính ủy, 2 Trung đoàn phó, 2 cán bộ tiểu đoàn, 2 trợ lý cán bộ, bộ phận bảo vệ gồm: thông tin, trinh sát, vệ binh, cần vụ và 2 vận tải cõng mỳ khô đi cùng. Hôm ấy giữa rừng Gia Lai bằng phẳng đường thồ ngang dọc, tôi, thủ trưởng và anh Bảy, Trung đoàn phó bị lạc đường, đang đi gặp cây nấm sà vào hái. Rừng Gia Lai mùa khô không có nước nên trưa hôm đó hai cha con, anh Bảy không nấu nấm ăn. Cuối cùng, đến chiều cũng tìm thấy đoàn.
 
Đến tối, đến trạm Lập, anh Bảy nói: – Bổ hộp thịt gà ra nấu cho ngon, hôm nay được xả láng chứ không như ở nhà thủ trưởng được có một bát cơm. Binh trạm nấu cơm canh giúp, vì quy định không cho khách nấu ngoài và họ để lại trong xoong một ít. Trong bữa ăn, đám lính chúng tôi nhường cho các thủ trưởng, vì đây là đặc sản mà. Ăn xong khoảng 30 phút, PCU mới bảo anh Mẩy công vụ đưa cho lọ dầu gió. Thủ trưởng nói: – Thấy trong người khó chịu. Anh Liên, anh Mộc, cán bộ tiểu đoàn cũng nói khó chịu trong người và xin một ít để thoa. Lúc bấy giờ anh Bảy mới phát hiện ra: – Thôi chết cha rồi, nấm độc… Thế là một cuộc thăng thiên độn thổ dây chuyền, thi nhau cấp tập như bắn cối vào sân bay Gò Quánh ấy. Đã thế, anh Hợi vận tải còn nói: – Tại là đi ngày 7 đấy thủ trưởng ạ!….. Thủ trưởng nói: – 7 cái con khỉ!…. Ụ ọe…., mình làm không nên, lại đổ vạ cho trời đất. Bấy giờ y sĩ binh trạm nghe tin xuống hỏi sự thể. Xong anh ta nhanh chóng chạy về bếp nuôi quân nhưng đã muộn, mấy anh chàng nuôi quân thấy nấm ngon bớt lại một ít và cũng vừa ăn xong. Thế là cuộc “tập kích” đấu nhau bằng… nôn ọe giữa binh trạm và khách liên tục suốt đêm.
 
Lúc đó, chúng tôi cảnh vệ đỡ bị. Khi đi xuống bến nước rửa nấm thì trời nhá nhem tối, bất chợt thấy những mảnh lân tinh ở chân nấm lấp lánh như đom đóm. Anh Mẩy công vụ cầm một nắm trên tay nói: – Thế này chả trách… Bấy giờ chả có thuốc men gì, mãi gần sáng anh Mẩy người dân tộc mới nghĩ ra một cách: giã than củi đưa cho các thủ trưởng uống. Thôi thì có bệnh vái tứ phương… Đến sáng hôm sau thì “chiến dịch” say nấm kết thúc, cũng may mà không ai mệnh hệ gì, thật là hú vía.
 
Đến đầu năm 1972, đội hình của Trung đoàn 12 vượt đường 19, chuẩn bị chiến dịch đánh cắt đường. Chỉ còn Tiểu đoàn 4 ở lại tăng cường cho Trung đoàn 21 cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Bắc Bình Định.
 
PCU Hoàng Hữu Phỉa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 cùng anh Chế, trợ lý cán bộ. Sự phối hợp trong BCH Trung đoàn 21 các thủ trưởng có mật danh là Đoàn-Kết-Hợp-Đồng (thủ trưởng Phỉa mang mật danh Đồng). Đầu tháng 4 năm 1972, cả đội hình Sư đoàn hành quân tập kết từ các ngả, trong đó Tiểu đoàn 4 vượt qua Kim Sơn, Nghĩa Điền, vượt lên suối Đá Tượng qua 31-32 đồi tranh, xuống Động Bịch, vòng phía đông Khoa Trường vào vị trí chiến đấu. 

Nhớ người thủ trưởng Trung đoàn 12 anh hùngÔng Mai Trần Thành (bên trái) cùng đồng đội Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đến viếng người thủ trưởng của mình trong những ngày tháng 4 lịch sử.

Sự kiện xảy ra ở Động Bịch thật khó quên: – Khi hành quân, tôi và thủ trưởng đi sau đội hình, không may đêm tối, hai cha con bị đứt quãng, lạc đơn vị. Loay hoay tìm đường mất thời gian khá lâu tôi mới tìm được cành lá ám hiệu đường đi, quay lại chỗ cũ không thấy thủ trưởng đâu, tìm mãi đang lo thủ trưởng lạc. Trời tối như bưng, hơn nữa không thống nhất mật khẩu thành thử cứ loanh quanh mãi. Thần hồn át thần tính, đang quơ tay vạch lá trên đường đi, chợt thấy họng súng đầu ruồi chĩa thẳng vào mình. Nhanh chóng, tôi gạt về bên phải; quơ tay tiếp lại thấy đầu ruồi họng súng, tôi nghĩ thằng này muốn bắt sống mình chăng và bằng động tác nhanh tôi nắm phía sau đầu ruồi định bụng đạp một phát, nào ngờ nắm trong không khí thấy đầu ruồi lại trong cổ tay mình.
 
Bình tĩnh sờ từ đầu ruồi xuống thì ra súng mình! Một lúc sau, tôi tìm thấy thủ trưởng. Vừa lo, vừa bực, lại vừa hoảng. Nói thật, lúc đó tôi có nắm cổ áo thủ trưởng nói: – Tôi bảo thủ trưởng đứng yên, sao thủ trưởng lại dời đi chỗ khác!… Con lạy hương hồn thủ trưởng, cho đến bây giờ, con vẫn còn áy náy, mong người lượng thứ. Và suốt một chiều dài chiến dịch, tôi cứ đau đáu chuyến này kỷ luật là cái chắc. Song mãi đến kết thúc chiến dịch, họp tổ Đảng đánh giá trong thời gian chiến dịch tôi mới mạnh dạn phát biểu: – Đảng, quân đội giao cho tôi bảo vệ đồng chí, không may xảy ra chuyện gì thì trách nhiệm ở tôi và nhận hình thức kỷ luật. Đến lượt thủ trưởng phát biểu, Thủ trưởng nói ngược lại, người xin lỗi Đảng và nhận lỗi về mình. Thật là một nhà chính trị, một người cha, một người thủ trưởng mẫu mực.
 
Trên đường hành quân BCH đứng trên Du Tự  trưa 18 tháng 4, anh Văn, C trưởng 44 bắn quả cối cháy nhà đèn Trung tâm quận lỵ Hoài Ân. Cột khói bốc cao, mừng quá anh nhảy lên reo: – Cháy rồi!…. Nào ngờ chiếc L19 phát hiện được, bắn quả pháo khói, lập tức chiếc phản lực bổ nhào cắt một loại bom. Cũng may nó cắt có một loại. Trên sở chỉ huy có một hố tăng xe, tất cả dồn tất xuống đây. Đầu là thủ trưởng, sau là anh Đông-chính trị viên, tiếp là anh Chế-trợ lý cán bộ, cuối cùng là tôi. Dứt tiếng nổ, loáng thoáng tôi thấy miệng hố bom cách miệng hầm có 2m. Đang sợ nó đánh tiếp thì khoảng 5 phút sau có tiếng kêu: Cho tôi lên, không chết mất. Hoá ra là thủ trưởng. Sức lực thủ trưởng như thế mà 3 người đè lên còn gì. Đến 4 giờ, địch ở quận lỵ tháo chạy. Sở chỉ huy tiểu đoàn rút xuống chân núi Du Tự, nhìn cánh đồng lúa đang chín vàng trở nên đen ngòm. Bọn tàn quân, hỗn quân chạy tán loạn. Tôi chợt nghĩ: – Sao ngày thường trước đó mày hung bạo thế!
 
Bấy giờ Thủ trưởng ra lệnh cho tiểu đoàn bộ và anh em chúng tôi xông ra bắt tù binh. Tôi chần chừ , phân vân nói: – Tôi còn phải bảo vệ thủ trưởng!.. Ông quay sang tôi bảo: – Không cần thiết… Người rút súng ngắn, bắn chỉ thiên mấy phát, thế là chúng tôi xông ra cánh đồng kéo 1 loạt AK. Bọn ngụy thất trận trút hết quân trang quân dụng kiếm đồ dân sự mặc. Có đứa vội quá lượm cả quần áo phụ nữ mà mặc. Có thằng mặc được cái áo bà ba mới cài được một cúc ngực, không tụt được quần vì quần nó bó sát vào chân, lên thửa ruộng cao cũng không leo được, nó cuống lên bò lăn ra ruộng lúa. Mới bắt được 5 thằng, thì đột nhiên có thằng mặc bà ba, tay cầm dây chạc bò nói: Con đi tìm bò. Tôi kéo 1 loạt AK sát chân nó hô: – Thời buổi loạn lạc bò mê gì, sao chân mày trắng thế!…. Thế là có dây rồi, tôi buộc thằng đầu vào 1 tay phải không trói, thằng tiếp theo buộc họng chó nối nhau, có thằng biết điều tự bám vào dây mà đi. Tôi hô, nếu thằng nào rời dây, bắn bỏ hoặc giao cho du kích, chúng sợ du kích lắm.
 
Trói buộc được 12 thằng thì hết dây, mà còn 3 thằng nữa. Đang loay hoay thì Khoa-công vụ cho anh Đông chính trị viên đến. Tôi giao 3 thằng cho Khoa. Anh nói: – Lấy gì mà trói nó? Tôi bảo: – Cởi cúc áo nó để lại một cúc ngực trên cùng lấy hai chuôi vạt áo buộc tay quặt đằng sau thế là xong. Nói vậy, Khoa làm ngay, tôi không làm được vì phải sẵn sàng đứng canh gác vì sợ bọn này nổi loạn.
 
Đường hành quân chiến dịch D4 đánh cầu Giáo Ba, bắt sống xe tăng địch, và tiếp tục vượt sông về Hoài Nhơn giải phóng Bồng Sơn. Đang trên đường hành quân, khoảng 15 giờ chúng tôi tới ngã ba sông giữa Kim Sơn và An Lão hợp với nhau thành sông Lai Giang, có một cồn cát giữa sông. Bọn địch tháo chạy đến cồn cát định sang Bồng Sơn thì Tiểu đoàn 4 đầu quân cũng vừa đến đấy. Ta trên bờ nổ súng, địch trơ trọi trên bãi cát. Khẩu DDK57 của chúng bắn 1 quả làm 2 đồng chí thương vong. Khi đồng chí trung liên hy sinh, Lèo-chiến sĩ nuôi quân vứt xoong nồi đấy, lấy khẩu trung liên ra bắn. Lính nuôi quân không biết bắn điểm xạ ngắn, kéo roạc một hơi hết băng đạn. Khi đạn hết, anh ta lấy băng khác thay. Lính nuôi quân không biết là lắp trên xuống hay dưới lên. Khi thấy địch còn nhiều dưới sông, anh ta cuống lên. Anh ta liền bắn bằng mồm: -Pằng!…. Pằng!… Pằng!… Sau này về kể lại mà cười chảy cả nước mắt.
 
Bước chân chiến dịch lại tiếp diễn, đánh Bồng Sơn, Thiết Đính, Hoài Thanh. Lại một lần nữa đơn vị bắt sống xe tăng M113 của địch, cả thằng lái. Lúc 4 giờ chiều, bọn địch rút theo sông Lại Giang về Hoài Hương, Tiểu đoàn 4 lại truy kích dùng 113 đuổi địch. Thằng ngụy đang lái chiếc 113 lầm lũi đi thì bị du kích Hoài Hương phát hiện. Họ tưởng xe tăng của địch vì không kéo cờ, xịt 1 quả M72 gần sát xe tăng. Sợ chết, thằng lái ngụy run cầm cập, lái xe rúc xuống ruộng. Nó giả vờ không lên được. Anh Thêm kèm nó nói: – Mày sợ chết thì lái xe quay về!…. Thế là nó rú ga lên được. Anh Thêm chửi nó là đồ lừa gạt! 
 
Được lệnh, tiểu đoàn rút về Hoài Thanh. Tối hôm ấy, trời có trăng sáng tỏ, lính ta được dịp ngắm, sờ tận tay tận mắt kẻ thù. Trong xe xếp toàn thùng đại liên -12,7 lựu đạn, M72. Tôi và Khoa bàn nhau: – Chúng mình vào trong xe cho chúng nó bắn bên ngoài xem sao. 2 thằng vào trong xe, vừa đóng cửa, thì bên ngoài anh em bắn đinh tai nhức óc. Hết loạt đạn, ra kiểm tra xe không bị sao cả, chỉ xước qua. Khoa nói: – Nó ngồi trong xe nó có mũ chống âm. Câu chuyện ấy đến tai thủ trưởng, thủ trưởng nói: – Đảng viên, đoàn viên vô ý thức kỷ luật, vi phạm chính sách chiến lợi phẩm!… Chúng tôi im thin thít. Sau đó, chúng tôi tiếp tục theo sông Lại Giang truy kích đánh đến Tam Quan Nam thì nghỉ trưa. Nhân dân Tam Quan là dân cách mạng. Họ tưng bừng đón quân giải phóng. Mọi người rộn ràng mổ heo, nấu nướng. Đến bữa ăn, các má, các chị, bưng từng tô thịt heo lớn thơm phức phân phát cho từng mâm. Nhưng lạ, thay không ai dám gắp ăn. Các má, các chị đi khắp lượt nhìn, mâm nào cũng vậy. Một bà má ngồi xuống mâm tôi nói: – Các chú giải phóng về với dân, bà con đón tiếp các chú, sao các chú không ăn thịt heo, hay sợ thuốc độc?… Một anh ngồi cùng mâm nói: – Không phải thế đâu má, chúng con chưa được lệnh!… Hiểu ý, mấy má, mấy chị đến chỗ mâm họ đoán là có chỉ huy, nói: – Các chú giải phóng vì dân, vì nước, đến đây bà con tiếp đón như người nhà, đề nghị BCH cho phép anh em cùng vào bữa.
 
Bấy giờ anh Đông nói: – Xin thủ trưởng cho phép, kẻo phụ lòng nhân dân. Thủ trưởng đồng ý, thế là các mâm mới bắt đầu cười nói, bàn tán xôn xao. Lần đầu tiên qua bao năm trên rừng đói cơm nhạt muối, hôm nay mới được ăn miếng thịt heo, các má, các chị cứ đi từng mâm nhìn các con, các chú ăn mà nét mặt rạng rỡ. Ăn xong cơm, chúng tôi tiếp xuống ghe vượt biển về Tam Quan Bắc, sang đất Quảng Ngãi, vòng qua hầm đèo xe lửa vào Hoài Châu. Địch trên đồi 10 bắn cối suốt đêm. Đến sáng thì chúng tháo chạy, Tiểu đoàn 4 về đóng quân trên đất Quy Thuận giữa niềm hân hoan mừng chiến thắng giải phóng Hoài Nhơn 30-4-1972, nhân dân giết heo làm cỗ đón quân giải phóng.
 
Dừng chân trên đất Quy Thuận một thời gian, đơn vị lại hành quân tiếp về phía Nam đi đánh quận Phù Mỹ.  
 
Một lần tầm buổi trưa, tại xóm nhỏ xã Mỹ Lộc, Huyện Phù Mỹ, tôi ngồi nhổ từng sợi tóc bạc cho thủ trưởng. Hai cha con tâm tình, ông hỏi về gia đình, về đời tư của tôi và nói: – Sau này, hòa bình thống nhất, mình gả con gái mình cho cậu. Con gái mình tên Mai. Lại nói đến tên Mai, ở đơn vị có cô Mai làm y tá, quê Mai ở Châu Trúc, Mỹ Châu, Phù Mỹ. Ông nhận Mai làm con nuôi cho đỡ nhớ con mình nhưng cô Mai y tá không hiểu ý, ngại ngùng, không dám nhận.
 
Sau khi đánh quân Phù Mỹ không thành, lúc này địch được đà nống lấn, phản kích. Cuối tháng 8 dương lịch (1972) Tiểu đoàn 4 được lệnh rút về Hoài Ân cùng Trung đoàn 12 từ đường 19 sang Bắc Bình Định chuẩn bị đánh địch phản kích nống lấn từ Phù Mỹ, Lang An, núi Chéo, cuối cùng là đất Hoài Nhơn-Hoài Châu thành đồng bất khuất. Tiểu đoàn 4 đã cùng quân dân Hoài Châu-Hoài Hảo chiến đấu kiên cường, giữ dân, giữ đất. Có thể nói không có dân thì khó mà giữ được đất. Trận địa lòng dân mà. Chính vì vậy mà nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Hoài Ân, đồng chí Sư trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng có nói: – Không có phong trào cách mạng của nhân dân Bình Định thì không có Sư 3 và không có Sư 3 thì không có phong trào cách mạng của Bình Định.
 
Tháng 9 năm 1972, Trung đoàn 12 từ Nam đường 19 về phía Bắc đường cùng Tiểu đoàn 4 đánh địch. Lúc này tôi được lệnh đi với BCH tiền phương trung đoàn chuẩn bị phương án tác chiến nống lấn.
 
Thế rồi vào cuối năm 1972, một buổi chiều, đồng chí Khôi-cơ yếu xuống chỗ tôi. Anh lấy hai tay khoanh như hai mắt kiếng trên mặt, lắc đầu buồn và nói: – Mất PCU rồi!… Lòng tôi thắt lại… Thủ trưởng ơi!… Bao nhiêu năm trời gian khổ, ác liệt, đói cơm nhạt muối… cha con mình vẫn không sao!… Bao nhiêu năm cùng con đi phục vụ nơi chiến trận không sao!… Giờ đây, con đang ở phía trước bom đạn ác liệt không sao!…Thủ trưởng ở phía sau, tưởng bình an…, nào ngờ, một quả pháo mồ côi của kẻ thù, chỉ một quả pháo thôi!… một mảnh đạn găm vào trán người khi đang ngồi trên võng làm việc… Ôi!…Đau xót nào bằng khi mất đi một người cha, một người thủ trưởng mẫu mực, kiên cường, dũng cảm. Người ra đi năm ấy 46 tuổi. Và bước chân của tôi cùng đơn vị hừng hực lòng căm thù, tinh thần chiến đấu trên mảnh đất Hoài Nhơn quyết tiêu diệt kẻ thù để trả thù cho thủ trưởng, cho đồng đội thân yêu… 
 
Mỗi lần ra trận, tôi lại nhớ tới công lao dạy dỗ, rèn luyện của thủ trưởng. Có lần người nói: – Học trường sỹ quan 3 năm, chả lẽ đồng chí đi với tôi bằng mấy năm trời tôi không đào tạo được người sỹ quan hay sao. Và thấm thía lời dạy đó, tôi đã chiến đấu và có lần trở thành dũng sĩ-chiến sỹ thi đua của đơn vị năm 1973 và bước tiếp cuộc hành trình cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước…
                                         
                                                          Trần Khởi – Mai Trần Thành
                                                                            
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/quoc-phong-an-ninh/202104/nho-nguoi-thu-truong-trung-doan-12-anh-hung-2188515/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm