6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ký ức đường Ba Trại và tâm nguyện những người còn sống

- Advertisement -

(Đât và Người) – Chiến tranh đã kết thúc hơn 45 năm nhưng cho đến bây giờ, ông Trần Bá Thược 77 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) xã Mai Hóa (huyện Tuyên Hóa), vẫn không quên được sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ Đại đội TNXP 759 (C759) anh hùng của Tuyên Hóa trên tuyến đường Ba Trại năm xưa.
 
Năm 1966, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng lan rộng ra miền Bắc. Cuối năm 1966, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trương cho tỉnh ta mở con đường từ bến phà 2 Gianh đi thẳng vào xã Hạ Trạch (Bố Trạch) lên đồi thông Ba Trại nối với tỉnh lộ 2 tại ngã 3 Thọ Lộc dài 11km.
 
Theo cuốn “Lịch sử GTVT Quảng Bình” (1945-2015): “Khi duyệt con đường này, Thứ trưởng Bộ GTVT Dương Bạch Liên đã nói: Đây là “con đường lý tưởng” để tránh các trọng điểm Bắc và Nam đèo Lý Hòa. Để khai thông “con đường lý tưởng”, Ty GTVT Quảng Bình đã điều thêm lực lượng Công trường 152 về tăng cường”.
 
Năm 1967, tỉnh cho rút 3 đại đội TNXP gồm: C759 anh hùng (Tuyên Hóa) về làm nhiệm vụ quản lý từ phà sông Gianh vào Ba Trại đến ngã ba Thọ Lộc; C751 (Bố Trạch) làm nhiệm vụ từ ngầm Hạ Trạch về đèo Lý Hòa và C752 (Quảng Trạch) làm nhiệm vụ từ ngã ba Ba Trại đến bến trung chuyển Ngân Sơn và thành lập Công trường Quyết thắng gồm 3 đơn vị trên với phiên hiệu mới là Đội TNXP N119 do đồng chí Nguyễn Hoàng làm Trưởng ban chỉ huy công trường, kiêm Bí thư Đảng ủy.   

Ký ức đường Ba Trại và tâm nguyện những người còn sốngÔng Trần Bá Thược đang ôn lại những kỷ niệm năm xưa.

Sau gần 2 năm làm nhiệm vụ ở đường 12A, C759 (Tuyên Hóa) đã vượt qua gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Bác Hồ khen ngợi, tuyên dương tập thể C759 và cá nhân đồng chí Nguyễn Thị Kim Huế anh hùng.

Ông Trần Bá Thược cho biết: C759 có mặt tại đường Ba Trại, xã Hạ Trạch từ đầu tháng 7-1967. Lúc này, đồng chí Cao Xuân Bảo làm C trưởng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Huế làm Bí thư Chi bộ. Chuyển về Ba Trại, ai cũng quyết tâm phát huy truyền thống của đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trước chiến tranh phá hoại, Ba Trại là đường giao liên nối liền các huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa (bắc Quảng Bình) với các cơ quan cấp tỉnh ở Đồng Hới. Trong chiến tranh phá hoại, Ba Trại là đường vận tải chiến lược để tránh tầm quan sát của tàu chiến Mỹ ở hạm đội 7 khi các phương tiện giao thông của ta vượt đèo Lý Hòa.
 
Ngã ba Ba Trại được mệnh danh là tọa độ lửa, máy bay Mỹ đã dùng tất cả các loại bom đạn ném xuống ngã ba này. Từ bom phá, nổ nhanh, nổ chậm, bi khoan, bi ổi, thủy lôi, từ trường, rồi cả bom lăn tinh phốt pho đốt cháy trụi đồi thông; chúng dùng cả pháo Hạm đội 7 bắn vào hòng khuất phục được ý chí của chúng ta.
 
Ông Trần Bá Thược nhớ lại, một đêm đầu tháng 1-1968, mấy chiếc máy bay rạt thấp, như nhòm ngó những vệt sáng đèn gầm ô tô đang di chuyển trên đường. Rồi chúng bung ra một loạt vật thể lạ, rơi dần xuống mặt sông, mặt ngầm, mặt đường với mật độ dày đặc, dễ nổ dây chuyền. Thì ra, chúng thả loại bom từ trường. Loại bom này có tính năng hút từ mà nổ; có quả lún sâu xuống đất; có quả xòe bốn cánh trên mặt đất, lại có quả gặp phải vật rắn là chống bốn cánh như cái nơm.
 
Mặt khác, bom lẫn trong đất đá hoặc chui xuống đất, rất khó xem thân nhiệt của bom để phán đoán giờ nổ. Phải bằng mọi cách phá hủy chúng đi mới thông xe được. Lúc này, đơn vị đã có 3 phương án phá hủy đó là: kích thích bằng kim khí, kích thích bằng nam châm và kích thích bằng bộc phá trực tiếp (cách thứ ba rất nguy hiểm nhưng cũng phải thực hiện vì hiệu quả hơn).
 
Ngày 4-1-1968, 2 đồng chí Trần Đức Hè (quê xã Phù Hóa, C phó, Chi ủy viên) và Hồ Văn Niệm (quê xã Mai Hóa) trong đội cảm tử phá bom đã xung phong đi phá quả bom nổ chậm đầu tiên nằm cạnh đường để thông tuyến. Trong lễ truy điệu sống, Trần Đức Hè đã hứa: “Dù có hy sinh tính mạng, chúng tôi vẫn quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, máu chúng tôi có thể đổ nhưng đường Ba Trại sẽ không bao giờ tắc” và 2 người đã anh dũng hy sinh tại chỗ trong lần cảm tử này để con đường Ba Trại được thông tuyến.
 
Hồ Văn Niệm là đối tượng Đảng, chuẩn bị kết nạp, nên Thường vụ Đảng ủy đội N119 ra quyết định kết nạp Đảng tại trận cho Niệm và đề nghị truy tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Riêng Trần Đức Hè, 44 năm sau (2012) được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “anh hùng”.
 
Cũng trên tuyến đường này, sau đó mấy ngày, khi đi làm nhiệm vụ, anh Hoàng Thanh Lương bị bom nổ hy sinh ngay trên mặt đường. Lương quê ở xã Đức Hóa, nhà có bố mẹ già và 2 anh em, Lương là con cả xung phong đi 3 sẵn sàng, ở nhà bố mẹ ốm yếu và có em trai tật nguyền tên là “Nhỏ vẹo”. Lương vui tính, hay làm thơ…
 
Sau khi Lương hy sinh, cả đơn vị lại nuốt nước mắt vào trong, cùng nhau ra mặt đường làm nhiệm vụ. Ngày 18-1-1968, máy bay Mỹ đến ném bom tọa độ, anh Trần Xuân Hợi (xã Thạch Hóa) chưa kịp tìm nơi ẩn nấp đã bị bom hất lên mái đồi thông, trên vai còn vác cả xà beng, búa tạ để làm việc.
 
Còn 3 TNXP là Hoàng Thị Minh Thú (xã Cảnh Hóa), Trần Thị Thế và Nguyễn Thị Tình (xã Phù Hóa, huyện Tuyên Hóa) vào nấp trong hầm phòng không chờ cho máy bay đi để ra mặt đường làm nhiệm vụ nhưng bom đã rơi trúng hầm làm cả 3 người đều hy sinh không còn thi thể.
 
Ông Trần Bá Thược xúc động kể: “Tôi là người trực tiếp chia phần để khâm liệm 3 nữ đồng đội đã hy sinh mà cổ họng nghẹn ngào. Các liệt sỹ hy sinh đều được đơn vị kiểm tra lại quân tư trang để báo về địa phương, riêng ba lô Hoàng Thị Thú thì còn có bức thư viết dở gửi mẹ.
 
Trong thư, Thú kể nhiều với mẹ về bom đạn ác liệt nơi đang làm nhiệm vụ và báo cho mẹ biết: “Con đang phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, dù có đổ máu con không tiếc tuổi xuân. Nếu con hy sinh vì Tổ quốc xin mẹ hãy tự hào về con”. Trong trận này, còn có Hoàng Thanh Nghị (xã Phù Hóa) bị thương sau đó đưa vào viện rồi cũng hy sinh. Như vậy, trên tuyến đường này, C759 đã chiến đấu và hy sinh 8 đồng chí (có 3 đồng chí nữ) vì sự sống còn của con đường.
 
Lau nước mắt, ông Trần Bá Thược nói tiếp: “Đã 53 năm qua, kể từ ngày đồng đội chúng tôi hy sinh ở ngã ba đường Ba Trại, hàng năm, thường vào ngày thành lập TNXP, chúng tôi tổ chức cho các cựu TNXP thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho các liệt sỹ ở nhà bia tưởng niệm đồi Cha Quang (Minh Hóa), Nghĩa trang liệt sỹ TNXP Hương Hóa (Tuyên Hóa).
 
Riêng tuyến đường Ba Trại, nguyện vọng của đồng đội chúng tôi muốn đề nghị các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm sớm xây dựng ở tuyến đường này một nhà bia tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ TNXP đã ngã xuống vì độc lập tự do cho Tổ quốc để khi chúng tôi về đây có nơi thắp hương tưởng niệm cho những người con ưu tú-những người bạn TNXP quê ở Tuyên Hóa năm xưa. Âu đó cũng là việc tình nghĩa nên làm”.
 
Thiết nghĩ, sự hy sinh anh dũng của 8 anh hùng, liệt sỹ nơi đây cũng như các chiến sỹ TNXP ở ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Truông Bồn (Nghệ An), hang Tám Cô (Quảng Bình)… đều rất xứng đáng để Nhà nước vinh danh.
                                                                                                                                                     Hồ Duy Thiện

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202106/ky-uc-duong-ba-trai-va-tam-nguyen-nhung-nguoi-con-song-2189949/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm