8.5 C
New York
Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/7, Bài 2: “Trâu rừng” gục ngã

- Advertisement -

Ngày 20/10/1989, ngay sau khi tái lập tỉnh, Đội Quy tập Hài cốt liệt sỹ 589 được thành lập, thuộc Bộ CHQS Quảng Bình, với nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại các chiến trường Lào về nước. Hơn 32 năm thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này là hành trình vất vả, gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào với những người đi tìm đồng đội.

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Bài 2: “Trâu rừng” gục ngã

Mở đường đi tìm đồng đội

“Cơm khỉ”

Trong ngôi nhà khiêm nhường nhưng khá ngăn nắp nằm bên bờ kênh Kịa, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, Đại tá Phan Đức Quý (đã nghỉ hưu) rưng rưng nhớ lại 17 năm miệt mài xuyên rừng đi tìm đồng đội. Ông nhập ngũ năm 1976 và được điều động sang Lào giúp bạn tiểu trừ “thổ phỉ” (một dạng tàn quân của các phe phái trước đó). Sau 5 năm chiến đấu khắp các chiến trường Trung Lào, ông trở về công tác tại Huyện đội Quảng Trạch.

Năm 1989 khi đang đi học lớp chỉ huy, ông được gọi về để chuẩn bị thành lập Đội Quy tập Hài cốt liệt sỹ và được cấp trên giao nhiệm vụ đội phó. “Tôi được cấp trên lựa chọn có lẽ do tôi thông thuộc địa hình và ngôn ngữ Lào. Thực sự mà nói, làm công việc này mù tịt hai thứ đó thì không thể hoàn thành nhiệm vụ được” – ông Quý tâm sự.

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Bài 2: “Trâu rừng” gục ngã

Ông Quý kể về những ngày lăn lộn trên đất bạn Lào để tìm đồng đội

- Advertisement -

Ngày đầu thành lập, Đội 589 có 34 chiến sỹ, 4 cán bộ, 2 chiếc xe Zil 157 do Liên Xô sản xuất. “Để chuẩn bị cho chuyến đi đầu tiên, chúng tôi đã phải luyện tập 1 tháng tròn, nào là chiến đấu với địch tập kích bất ngờ (vì ngày đó bên Lào vẫn còn rất nhiều thổ phỉ), trèo đèo, lội suối… Nhiều anh em trong những ngày đầu chưa quen, đứng lưng chừng núi đá run lẩy bẩy vì lên không được, xuống cũng không xong” – ông Quý nhớ lại.

Chuyến đi đầu tiên của Đội 589 là tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ dọc các tuyến đường Hồ Chí Minh phía Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào. Chiếc xe Zil 157 hầu như không chạy mà khi rúc, khi bò. Phải nói mấy chiếc xe của đội quy tập sướng thật, đi đâu cũng có “kẻ hầu người hạ”. Đường khó nó bắt dắt, đường lầy nó bắt đẩy, không đi được thì có người canh, kẻ gác lớp trong lớp ngoài… Vì nó mà gian nan không kể hết” – ông Quý hóm hỉnh.

Chuyến đi này Đội 589 mất đúng 1 tháng với đoạn đường 160km để đến bản Thang Bèng Nặm Chà Là, là địa điểm tìm kiếm và quy tập. Đội ở lại bản 10 ngày để khảo sát và thu thập thông tin. Địa điểm quy tập cách bản chừng 20km, anh em quyết định lên đường vào sáng sớm, hạ quyết tâm đến chiều tối sẽ hạ trại bên bờ sông Thà Lề để thực hiện nhiệm vụ. “Tôi dẫn mấy anh em đi trước khảo sát nơi hạ trại. Mãi đến chiều không thấy mọi người đến, tôi cùng anh em quay trở lại. Hoá ra chiếc xe bị kẹt lại trên đỉnh đèo do đường bị sạt lở không thể di chuyển. Trong ánh lửa lập loè thấy thấp thoáng kẻ thái, người rang, mùi thơm phức. Tôi hỏi, món gì ngon vậy?

Mọi người đáp: “Bắt được con lợn rừng, anh em không quen làm mãi mà chưa ăn được. Anh là dân rừng vào làm giúp anh em với”. Tôi cởi ba lô vứt lên xe chạy tới, thấy anh Sơn, Đội trưởng đang nặn nặn, bóp bóp, tôi hỏi “làm cả dồi nữa hả anh?”, cả đơn vị bật cười. Hoá ra, do hết nước mang theo, lại trên đỉnh đèo không có nước nấu cơm, anh em rang gạo rồi lấy hoa chuối rừng thái ra bóp với muối, trộn gạo rang để ăn. Với kinh nghiệm đi rừng, tôi nói không có nước mà ăn thứ này vào sao chịu nổi. Thủ trưởng Nguyễn Thái Bình (lúc đó là Phó Chủ nhiệm Chính trị BCHQS tỉnh) hài hước: “Không thì thôi, khỉ ăn gì ta ăn thứ đó chứ sao!”.

Kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Bài 2: “Trâu rừng” gục ngã

Chiếc xe Zil 157 huyền thoại của Đội 589

Đúng như ông Quý nói, đêm xuống cả đội khát nước chịu không nổi. Mới sáng ra mọi người chạy đi tìm nước nhưng không có. Cái khó ló cái khôn, anh em lấy khăn mặt buộc vào que, khua trên lá đót để nước thấm vào rồi vắt ra uống. Cụm từ “cơm khỉ” của chúng tôi cũng xuất hiện từ ngày đó.

Cả đội nhập viện

- Advertisement -

Theo ông Quý, chuyến đi đó Đội 589 quy tập được hơn 450 hài cốt liệt sỹ và được chia ra hai lần để chuyển về nước. Sau gần nửa năm lăn lộn trên đất bạn Lào để tìm đồng đội, khi hành quân về gần đến Phong Nha (Sơn Trạch, Quảng Bình), ông Quý bị sốt rét quật ngã. “Vốn thông thuộc địa bàn Lào và từng kinh qua rèn luyện chiến đấu nên tôi làm việc như trâu vậy, anh em thường đùa gọi tôi là “trâu rừng”. Thấy tôi run cầm cập, anh Nguyễn Hồng Sơn đội trưởng vừa đùa vừa động viên: “Trâu rừng mà cũng gục ngã à?”.

Ông Quý nói: Dù cơm không đủ ăn, nước không đủ uống, lại phải luôn đối mặt với hiểm nguy, nhưng suốt hơn 30 năm qua những người lính trong Đội 589 vẫn trèo đèo, lội suối, những bước chân vững vàng đi qua lằn ranh giữa sống – chết để làm tròn lời hứa với những đồng đội đã hy sinh.

Ông Quý được đưa về trạm xá quân y đóng ở đồi Mỹ Cương, TP. Đồng Hới cấp cứu trong tình trạng nửa mê, nửa tỉnh. Sáng thức dậy, thấy quanh mình toàn anh em trong đội cũng nằm la liệt. “Ban đầu tôi tưởng anh em đến thăm, hoá ra ngay sau khi tôi ngã bệnh, lần lượt tất cả anh em cũng bị sốt rét. Thế là rất tiện, tổng kết rút kinh nghiệm chuyến đi, họp chi bộ Đảng đều diễn ra trong trạm xá, không thiếu một đồng chí nào” – ông Quý hóm hỉnh kể.

Ông Quý cho biết, công việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ toàn diễn ra trong rừng sâu nước độc nên hiểm nguy luôn rình rập, lằn ranh giữa sống và chết luôn cận kề. Rất may, Đội 589 chưa có ai hi sinh trong quá trình đi tìm đồng đội, nhưng bị tai nạn bất ngờ thì không hề hiếm, nhưng anh em đã vượt qua tất cả nhờ vào sự yêu thương của đồng đội và đùm bọc của nhân dân nước bạn Lào.

Câu chuyện về hai lần thoát hiểm của anh em Đội 589 trên núi Cồn Tao ở Bản Chanh, huyện Bua La Pha – một sự trùng hợp đến kỳ lạ. Núi Cồn Tao với vách đá tai mèo dựng đứng, dưới chân là vực thẳm. Vào năm 2001, thiếu tá Trần Thanh Bình (lúc đó là đội trưởng đội 589) bị trượt chân rơi từ độ cao hơn 20m. Nhìn thiếu tá Bình rơi nhiều người nhắm mắt, nín thở. Thật may, một cành cây rừng chìa ra vô tình níu giữ khiến thiếu tá Bình lơ lửng, thoát chết trong gang tấc. Và cũng ở núi Cồn Tao, trong chuyến quy tập năm 2011, trung úy Nguyễn Tiến Anh bị trượt chân khi gắng vượt vách đá tai mèo dựng đứng ấy. May mắn lại đến khi một gốc cây chắn ngang đã giữ Nguyễn Tiến Anh ở lại.

(Còn nữa)

Hoàng Nam

Nguồn:  Báo Tiền phong

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm