6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp

- Advertisement -

(Đât và Người) – Thời tiền khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho ông Võ Nguyên Giáp phụ trách các vấn đề quân sự của Đảng. Với cương vị đó, ông đã xây dựng được một đội quân cách mạng để gánh vác nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ đặc trách về quân sự đồng thời đảm đương thêm những nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt khi cần thiết.
 
Ngày 2-9-1945, sau lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã trình bày chương trình hành động toàn diện của Chính phủ mới, đáp ứng mọi yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, thích ứng với những điều kiện, hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn mới.
 
Chỉ mấy ngày sau ngày độc lập, bọn thực dân Pháp dựa vào quân Anh đã gây hấn ở Nam Bộ. Ngày 15-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp vào Nam Trung bộ kiểm tra tình hình mọi mặt. Trong chuyến đi gần một tháng, ông đã đến hầu hết các miền duyên hải, cả những nơi đang có chiến sự, tiếp xúc nhiều với bộ đội, nhân dân và các cơ quan hành chính địa phương nơi ông đi qua. Báo Cứu quốc ngày 18-2-1946 viết: “Với cặp mắt quan sát sâu sắc, với bộ óc am hiểu sáng suốt mọi vấn đề, ông không bỏ sót cái gì mà không nhìn rõ trong tình hình Trung bộ”.
 
Đến Nam Trung bộ, ông nhận xét: “Ở đây vẫn chưa áp dụng được đúng chiến thuật đánh du kích. Tại mặt trận Nha Trang, quân ta hoàn toàn theo chiến thuật trận địa chiến: đào hầm, lập phòng tuyến trước mặt quân địch. Các đường giao thông không phá hoại triệt để. Còn dân chúng thì chưa chuẩn bị đầy đủ cho họ tham gia kháng chiến bằng những cách có hiệu quả…”[1]. Trong chuyến đi, ông đã giúp các địa phương kế hoạch củng cố chính quyền, xây dựng quân đội, đặc biệt là chiến thuật đánh du kích trong những ngày đầu chống thực dân Pháp.
 
Đặc biệt, trong chuyến công tác vào Nam Trung bộ, ông đã đến Quảng Bình nắm bắt tình hình, cho ý kiến chỉ đạo và động viên quân dân tỉnh nhà chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới. Sau khi khởi nghĩa giành chính quyền, tình hình tỉnh ta còn nhiều khó khăn. “Đảng bộ tỉnh chưa thành lập, ban vận động chỉ có ba đồng chí, toàn tỉnh số đảng viên đã ít lại phân bố không đều, chính quyền tuy đã có từ tỉnh xuống tận cơ sở xã, thôn nhưng chưa đủ mạnh, các đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Việt Minh chưa được kiện toàn… Về quân sự, tuy có quân giải phóng ở tỉnh, nhưng ở các huyện, thị chưa có lực lượng vũ trang tập trung…”[2].
 
Việc Bộ trưởng Bộ Nội vụ ghé thăm và tìm hiểu tình hình ở Quảng Bình không chỉ là tình cảm của người con quê hương sau những năm tháng xa quê hoạt động cách mạng mà với cương vị của vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã giúp cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta hiểu rõ thêm “về tính chất, mục đích và nhiệm vụ kháng chiến, đã trang bị cho quân và dân Quảng Bình những nhận thức mới, củng cố niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến”[3].
 
Lúc này, chiến sự chưa lan rộng đến Quảng Bình nhưng vì nhận thấy vị trí Quảng Bình là tỉnh đương đầu trực tiếp với mặt trận Huế và đường số 9 ở tiền đồn phía Nam của Liên khu IV nên sau đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Tư lệnh Tiếp phòng quân Lê Thiết Hùng đã  “hết sức quan tâm giúp đỡ về vũ khí, đạn dược quân nhu, quân dụng, cho nên đơn vị Phú Quý kể về trang bị không kém gì quân Tàu Tưởng ở Đồng Hới lúc đó. Trung đội nào cũng có trung liên, đại đội có đại liên, chiến sĩ nào cũng đầy đủ súng đạn, lưỡi lê, kể cả súng phóng lựu (TromglonVB) và súng trường Nga bắn đạn bọc thép chống xe tăng cỡ nhỏ. Đặc biệt là cơ số đạn để huấn luyện và chiến đấu lâu dài”[4]
 
Chuyến công tác tại các tỉnh Nam Trung bộ  và tỉnh Quảng Bình của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đầu năm 1946 đã góp phần giúp quân và dân tỉnh ta vượt qua gian khó trong những ngày đầu bước vào cuộc chiến đấu mới, càng vững tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
 
Trước tình hình thực dân Pháp chuẩn bị mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước, tháng 10-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng chỉ huy Quân đội Nhân dân (QĐND) và Dân quân Việt Nam (sau này là Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam). Ông đã trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu của quân dân Thủ đô Hà Nội, phát huy nhiều cách đánh sáng tạo trong chiến tranh đường phố.
 
Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu-Đông 1947), ngày 20-1-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp được phong quân hàm Đại tướng. Trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo và trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là đánh thắng đội quân viễn chinh Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”.
 
Riêng đối với chiến trường Bình-Trị-Thiên nói chung và Quảng Bình nói riêng, tuy không phải là trọng tâm hoạt động của địch nhưng về phía ta, vùng đất dài và hẹp này lại có tầm quan trọng, là vùng cán xoong nối liền Thanh-Nghệ Tĩnh và Khu 5, miền Bắc với miền Nam. Vì thế, ông luôn quan tâm theo dõi, chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân Bình-Trị-Thiên nói chung và Quảng Bình nói riêng. Tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã giúp cho quân dân Quảng Bình vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trong xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích chống thực dân Pháp giành nhiều chiến thắng vang dội.
 
Thực hiện Huấn lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “đánh du kích-vận động chiến, xây dựng đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung để chặn quân đội thực dân Pháp và phá tề”, tỉnh ta đã xây dựng lực lượng dân quân thành những đại đội độc lập làm nòng cốt phát triển chiến tranh du kích. Ngoài đại đội 12 (còn gọi là Đại đội Phú Quý) được Đại tướng quan tâm giúp đỡ vũ khí sau phát triển thành tiểu đoàn Lê Trực (274), còn có Đại đội 1 (Lệ Thủy), Đại đội 2 (Quảng Ninh), Đại đội 3 (TX. Đồng Hới), Đại đội 4 (Bố Trạch), Đại đội 5 (Quảng Trạch), Đại đội 6 (Tuyên Hóa).
 
Bên cạnh xây dựng LLVT tỉnh lớn mạnh để phát triển phong trào chiến tranh du kích, tỉnh còn chỉ đạo xây dựng “làng chiến đấu” thành những pháo đài thép như Cự Nẫm, Cảnh Dương, Hưng Đạo… Cùng với việc xây dựng chính quyền kháng chiến vững mạnh, phong trào trừ gian, diệt tề phát triển mạnh ở những vùng địch tạm chiếm. Bước vào cuộc kháng chiến, quân và dân tỉnh ta đã giành được những thắng lợi bước đầu.
 
Theo dõi tình hình của tỉnh ta nói riêng và Bình-Trị-Thiên nói chung, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư khen ngợi: “Các chiến sĩ thân mến. Từ khi mặt trận lan rộng, quân địch ở Bình-Trị-Thiên chiếm đóng nhiều nơi… các chiến sĩ đã gan dạ chịu đựng mọi khó khăn để chặn sức tàn ác của địch. Các chiến sĩ đã thu được nhiều thành tích song khó khăn vẫn còn nhiều.
 
Các chiến sĩ, muốn thắng phải noi gương Việt Bắc, phát động phong trào du kích khắp nơi, chú trọng võ trang tuyên truyền, phá các hội tề, tiến tới tiêu diệt các cứ điểm nhỏ hoặc lực lượng nhỏ của địch. Mong rằng rồi đây, rất chóng, quân dân toàn quốc và riêng tôi sẽ được thấy các chiến sĩ Bình-Trị-Thiên chiến thắng một cách oanh liệt”[5]. Thư của Đại tướng đã động viên kịp thời khí thế chiến đấu của quân dân Quảng Bình, củng cố niềm tin quần chúng, đồng thời chỉ hướng cho phong trào kháng chiến của tỉnh nhà đi lên.
 
Khi thực dân Pháp tăng cường càn quét mở rộng các vùng chiếm đóng, tình hình gặp nhiều khó khăn, ngày 10-8-1948, Đại tướng đã gửi Mật lệnh Thu-Đông đề ra nguyên tắc tác chiến ở chiến trường Bình-Trị-Thiên là: Tập trung lực lượng tiêu diệt địch ngay chúng mới đến; phát động chiến tranh du kích rộng rãi[6]
 
Thực hiện Mật lệnh của Đại tướng, LLVT tỉnh ta đã đánh thắng nhiều trận không cho quân địch mở rộng vùng chiếm đóng. Mở đầu đợt hoạt động Thu-Đông là trận phục kích địch ở Tiên Lang (Quảng Trạch) diệt 14 lính Pháp, bắt sống 4 tên (trong đó có 3 tên cầm đầu ngụy quyền cấp tỉnh và phủ Quảng Trạch), phá hủy 6 xe quân sự, thu 1 máy vô tuyến điện.
 
Tiếp đến các đại đội độc lập phối hợp với dân quân du kích liên tiếp mở nhiều trận đánh địch ở Khe Nước (Bố Trạch), Văn La (Quảng Ninh), Minh Lệ (Quảng Trạch), Lệ Sơn (Tuyên Hóa)… và ngay cả trong vùng địch kiểm soát gần trung tâm TX. Đồng Hới. Để củng cố và phát triển thế trận chiến tranh du kích như tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đại tướng, ngày 15-7-1949, Tỉnh ủy Quảng Bình đã phát động  ngày “Quảng Bình quật khởi” đưa cuộc kháng chiến ở tỉnh ta bước vào giai đoạn mới giành thế chủ động trên chiến trường.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tuy không trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy mặt trận Bình-Trị-Thiên nói chung và Quảng Bình nói riêng nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm theo dõi và có những mệnh lệnh chỉ đạo kịp thời. Đặc biệt, việc quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược xây dựng lực lượng “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung; mở rộng chiến tranh du kích” của Đại tướng đã giúp tỉnh ta vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, thu nhiều thắng lợi quan trọng, góp sức cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.
 
                            Phan Viết Dũng
 
[1] Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ (Trần Thái Bình) Tr 233
[2] Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình. T1 (1930-1945) Tr 138
[3] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954. Tr59
[4] Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình. T1 (1930-1945) Tr 141
[5] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược… Tr 76
[6] Quảng Bình kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược… Tr 104
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202108/dai-tuong-vo-nguyen-giap-voi-quang-binh-trong-khang-chien-chong-thuc-dan-phap-2191810/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm