7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Học tập tấm gương đạo đức nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp

- Advertisement -

(Đât và Người) – Nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ai ai cũng rất tôn kính và tự hào, đặc biệt, những người đã và đang đứng trên bục giảng lại càng tự hào hơn vì trước khi trở thành Đại tướng, ông đã từng là một thầy giáo. Các thế hệ cán bộ, giáo viên luôn lấy tấm gương đạo đức nhà giáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để học tập và noi theo.
 
“Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn làm nghề dạy học”. Câu nói giản dị của Đại tướng hàm chứa một chân lý sáng ngời sống mãi với thời gian. Trước hết, chúng ta biết được, Đại tướng của chúng ta rất yêu nghề dạy học. Đây là một trong những phẩm chất cao đẹp của một người giáo viên. Đang học ở Trường Quốc học Huế, chàng thanh niên họ Võ nghĩ có lẽ sau này mình sẽ đi dạy học.
 
Quả thật vậy, sau khi đỗ tú tài toàn phần với thành tích xuất sắc, Đại tướng quyết định làm “nghề lái đò đưa khách sang sông”. Đại tướng xin vào dạy học ở Trường tư thục Thăng Long và làm giáo viên giảng dạy bộ môn Lịch sử. Qua việc tổ chức lớp học, thực hiện chương trình, chuẩn bị  nội dung bài giảng đã cho thấy sự tâm huyết, trách nhiệm của thầy đối với học sinh, nhà trường.
 
Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông giảng dạy kỹ về các trận đánh của Napoleon đơn giản vì ông có trách nhiệm phải giảng về cách mạng Pháp. Vì vậy, ông nghiên cứu chiến thuật, chiến lược của Napoleon. Theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông không trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng ngọn lửa đam mê dạy học thì vẫn mãi sáng ngời trong tâm hồn của người thầy giáo ấy.
 
Ngay cả trong hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, vị tướng tài ba ấy vẫn không ngừng quan tâm đến công tác giáo dục. Đất nước bước vào thời bình, Đại tướng càng sát cánh hơn với sự nghiệp giáo dục nước nhà.
 
Con người là chủ nhân của xã hội. Đức và Tài của con người phát huy được hay không một phần là nhờ giáo dục. Ngoài sự giáo dục của gia đình và xã hội thì giáo dục của nhà trường rất quan trọng mà trách nhiệm trực tiếp là của người giáo viên. Lý tưởng, đạo đức lối sống và trí tuệ của người giáo viên ảnh hưởng rất lớn đến các em.
 
Lòng yêu nghề dạy học gắn liền với yêu thương học trò, cũng là lòng yêu thương con người. Với Đại tướng khi chọn nghề dạy học là “gieo vào đầu con trẻ lòng yêu nước” và mong muốn học trò học thật giỏi.
 
Việc giáo dục của thầy luôn gắn liền với thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu của dân tộc. Lòng yêu thương học trò của thầy được nhiều học sinh nhớ lại, trong đó, có ông Trần Văn Lan học niên khóa 1934-1938 đã viết: “Thầy tôi hiền lắm, không bao giờ mắng gắt học sinh…Thầy đã dạy tôi những bài học lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước qua bộ môn Lịch sử nhưng cái quý nhất, đẹp nhất là cái đạo làm người”. Khi thầy trở thành Anh Cả của lực lượng vũ trang, thành vị Đại tướng huyền thoại thì trong trái tim ông, những người lính, những người dân là các học trò thân yêu vẫn luôn giữ một phần quan trọng.

Học tập tấm gương đạo đức nhà giáo, Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm Trường THPT chuyên Quảng Bình. Ảnh tư liệu

Thầy giáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của tấm gương phục vụ hết lòng vì Tổ quốc gắn liền phục vụ nhân dân. Chọn nghề dạy học là vì yêu nghề nhưng trong bối cảnh nước mất nhà tan, gần 100 năm nô lệ thì không dừng lại việc dạy học mà hướng đến lý tưởng cứu nước, cứu dân.
 
Từ rất sớm, thầy giáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yêu nước, thương dân nên đang lúc là học sinh, sinh viên, thầy vượt qua nhiều chặng đường gian nan, nguy hiểm để học tập và  tích cực hoạt động cách mạng, tìm kiếm chân lý cứu nước. “Khi trò cần thì vị thầy xuất hiện”, đó là khi Đại tướng gặp được vị thầy của mình là Nguyễn Ái Quốc.
 
Thời gian dạy học là sự chuẩn bị cuối cùng của một người thầy yêu nghề dạy học nhưng vì “đối phương buộc chúng tôi phải chiến tranh” nên thầy Giáp phải rời bục giảng. Tháng 4-1940, thầy giáo nhận được tin của Trung ương Đảng lên đường làm nhiệm vụ mới.
 
Là một giáo viên Lịch sử, thầy có năng lực sư phạm và phương pháp dạy học lịch sử sáng tạo. Đây cũng là một trong những phẩm chất cần thiết của người giáo viên. Mặc dù không qua trường lớp sư phạm nhưng Đại tướng giảng dạy lịch sử bằng phương pháp dạy học tích cực.
 
Trong tiết học, thầy Giáp nêu vấn đề, giao nhiệm vụ cho học sinh. “Bắt đầu buổi học, ông nhìn thẳng vào học sinh và nói có rất nhiều sách nói về lịch sử nước Pháp vào thời kỳ này. Nếu muốn tìm hiểu, các em có thể tham khảo. Tôi sẽ chỉ nói các em hai chủ đề: Cách mạng Pháp và Napoleon”. Thầy hướng dẫn cho học sinh làm việc thông qua cung cấp, miêu tả chi tiết về các nhân vật lịch sử để học sinh nhận định, kết luận về sự đồi bại của đế độ quân chủ và số phận của sự đồi bại.
 
Thầy phát huy năng lực học sinh bằng hệ thống câu hỏi tư duy: Tại sao một đội quân kị binh lại được bố trí ở vị trí chính xác như thế? Hay là đội cận vệ của Napoleon đã nổ súng đúng lúc như thế nào để giành chiến thắng? Phương pháp dạy học lịch sử của thầy đã mang lại hiệu quả giáo dục cao.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy giáo dạy bộ môn Lịch sử mãi là tấm gương soi sáng cho mọi thế hệ. Suốt đời, Đại tướng luôn luôn trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thiện bản thân. Đại tướng là tấm gương tự học suốt đời, bền bỉ không một chút chủ quan, tấm gương vượt khó để học hỏi nâng cao trình độ và hiểu biết. Vừa dạy học, thầy học thêm Đại học Luật để hiểu hơn về kinh tế-chính trị kết hợp với viết báo chí để trau dồi đạo đức cách mạng. Phẩm chất đạo đức nhà giáo của thầy giáo Đại tướng Võ Nguyên Giáp sáng ngời mãi mãi!
 
Mai Diệu
(Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp)

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/dat-va-nguoi-quang-binh/202108/hoc-tap-tam-guong-dao-duc-nha-giao-dai-tuong-vo-nguyen-giap-2192283/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm