7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thanh niên Lệ Thủy thi đua phát triển kinh tế

- Advertisement -

(Kinh tế) – Những năm qua, nhiều thanh niên của huyện Lệ Thủy đã dám nghĩ, dám làm, tham gia phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và chung tay xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
 
Như nhiều thanh niên xuất thân từ gia đình thuần nông, những công việc đồng áng hay chăn nuôi không mấy xa lạ với anh Nguyễn Đình Thăng (SN 1986, bản Cồn Cùng, xã Kim Thủy). Năm 2006, sau khi tốt nghiệp Đại học kinh tế Huế, trải qua nhiều công việc khác nhau, đến năm 2009, anh được tín nhiệm giữ chức Bí thư Đoàn xã Kim Thủy.
 
Là người năng động, cộng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, không khuất phục trước mọi khó khăn, được cấp ủy, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể quan tâm tạo điều kiện, anh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mô hình nuôi gà sạch.
 
Trải qua nhiều khó khăn, hiện trang trại của anh có trên 12.000 con gà, 3 con lợn nái, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Anh Nguyễn Đình Thăng cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhất là thử thách từ dịch bệnh Covid-19, nhưng tôi tìm mọi cách khắc phục để vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
 
Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, anh Nguyễn Đình Thăng còn được biết đến là một thủ lĩnh đoàn năng nổ, nhiệt tình, là tấm gương tiêu biểu cho những đoàn viên thanh niên tại địa phương học tập, làm theo.
 
Từ sự nhạy bén, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi qua các kênh thông tin trên mạng xã hội, nhận thấy nuôi lợn rừng vừa đơn giản, vừa mang lại giá trị kinh tế cao, anh Hoàng Đức Chung (SN 1988, ở bản Chuôn, xã Kim Thủy) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ năm 2006 và đã sớm gặt hái thành công.
 
Có thời điểm, trang trại của anh duy trì từ 200-300 con lợn rừng. Tuy nhiên, 2 năm lại đây do dịch bệnh diễn biến phức tạp, đầu ra gặp nhiều khó khăn nên trang trại thu hẹp quy mô. Anh Chung cho biết, nuôi lợn rừng chủ yếu là nuôi thả, thức ăn gồm bắp, chuối, cỏ… nên thịt ngon, được người dân rất ưa chuộng.
 
Ban đầu mới khởi nghiệp, anh mua lợn giống với giá 200.000 đồng/kg, tuy nhiên, khi nắm bắt được tập tính cũng như bản chất của lợn rừng anh đã tự nhân giống và cung cấp giống cho thị trường.

Thanh niên Lệ Thủy thi đua phát triển kinh tếMô hình nuôi gà sạch đem lại thu nhập cao cho gia đình anh Nguyễn Đình Thăng.

Hiện nay, trang trại đang duy trì 5-7 con lợn giống, trung bình mỗi con lợn nái sinh sản được 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 4-6 con, với giá bán 200.000 đồng/kg. Riêng lợn thịt có trên 60 con, với giá thị trường hiện nay lợn rừng hơi có giá từ 150.000-180.000 đồng/kg. Mỗi năm, trang trại đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng.
 
Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện đoàn Lệ Thủy đã tuyên truyền,triển khai nhiều hoạt động cổ vũ tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, đồng hành cùng thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, như: Tập huấn nâng cao nhận thức và phương pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; hỗ trợ về vốn, đề xuất các phòng, ban liên quan hỗ trợ về bao bì, tem mác sản phẩm cho các mô hình khởi nghiệp sáng tạo do thanh niên làm chủ; kết nối các mô hình khởi nghiệp của thanh niên tham gia chuỗi sản xuất; hỗ trợ tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các mô hình khởi nghiệp của thanh niên…
 
Ban Thường vụ Huyện đoàn đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Đề án số 1857/ĐA-UBND, ngày 22-8-2019 “Hỗ trợ thanh niên huyện Lệ Thủy khởi nghiệp, giai đoạn 2019-2025” nhằm tạo điều kiện hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, làm giàu chính đáng tại địa phương; vận động thành lập CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện Lệ Thủy vào tháng 7-2019.
 
Từ khi thành lập đến nay, CLB đã hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn,thu hút trên 70 thành viên tham gia với sự đa dạng về ngành nghề, phong phú về sản phẩm, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, chăn nuôi, du lịch, giáo dục…
 
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Bí thư Huyện đoàn Lệ Thủy cho biết: “Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp trong thanh niên, nhất là về những mô hình kinh tế hiệu quả của thanh niên, qua đó, góp phần động viên, cổ vũ thanh niên thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Huyện đoàn cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp để duy trì và phát triển hiệu quả các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm của Trung ương Đoàn và đề án “Hỗ trợ thanh niên huyện Lệ Thủy khởi nghiệp giai đoạn 2019-2025″…”
 

Trong hai năm 2019 và 2020, Huyện đoàn Lệ Thủy đã tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp, như: Trưng bày sản phẩm tại các diễn đàn của thanh niên cấp tỉnh, cấp huyện; hỗ trợ hoàn thiện nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho 16 sản phẩm của thanh niên để tham gia vào sản phẩm OCOP của huyện… Đến nay, huyện Lệ Thủy có trên 100 mô hình kinh tế của thanh niên làm chủ đã và đang hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định từ 150-300 triệu đồng/năm.

Phạm Hà
 
 
 
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202108/thanh-nien-le-thuy-thi-dua-phat-trien-kinh-te-2192928/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm