6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng trước mùa khô

- Advertisement -

(Kinh tế) – Do biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh luôn đứng trước nguy cơ thiệt hại do “giặc lửa” gây ra. Để công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2021 đạt kết quả, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sớm xây dựng và triển khai thực hiện các phương án ứng phó với thời tiết nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
 
Những năm gần đây, các vụ cháy rừng có diễn biến phức tạp, cháy lan, cháy lớn trên diện tích rộng, gây thiệt hại về tài sản, hủy hoại tài nguyên rừng, ảnh hưởng lớn về môi trường; điển hình như vụ cháy rừng phòng hộ khu vực xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), cháy rừng thông ở xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), cháy rừng ở xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới)…
 
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2020, dù tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nhưng nhờ các cấp, các ngành chức năng và các đơn vị chủ rừng chủ động xây dựng phương án bảo vệ rừng và PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” nên đã hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 vụ cháy rừng. Dù tăng 5 vụ so với năm 2019, nhưng diện tích rừng bị thiệt hại giảm trên 64ha so với cùng kỳ.
 
Theo ông Phạm Văn Bút, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân của các vụ cháy trong những năm qua đầu tiên phải kể đến là do quá trình sản xuất đốt dọn thực bì dẫn đến cháy rừng, nhất là vào mùa khô; tiếp đến là do người dân thắp hương, đốt vàng mã vào các ngày giỗ, chạp, rằm (do đặc điểm chung trên toàn tỉnh là các khu nghĩa trang, nghĩa địa của xã, của họ tộc nằm xen kẽ ở trong rừng). Việc tổ chức đốt lửa trại, lễ hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao.

Chủ động các biện pháp phòng, chống cháy rừng trước mùa khôTranh thủ thời tiết thuận lợi, các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành vệ sinh rừng, thu dọn thực bì.

Hiện Quảng Bình có hơn 640 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích đất có rừng khoảng 535 nghìn ha. Trong số đó, có gần 50% diện tích là rừng có nguy cơ cháy cao, như: các loại rừng thông, keo, bạch đàn, rừng tự nhiên nghèo kiệt xen lẫn tre nứa…; chủ yếu tập trung ở những khu vực giáp ranh, núi đá nhiều lau lách, hay thảm thực bì dày, cỏ rười, cỏ tranh…
 
Là địa phương có diện tích rừng khá lớn, đặc biệt có nhiều diện tích rừng trên cát có nguy cơ cháy cao, huyện Quảng Ninh sớm chủ động triển khai thực hiện các phương án PCCCR. Ông Nguyễn Mậu Phấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết, đơn vị đã cử cán bộ Kiểm lâm địa bàn tham mưu UBND địa phương củng cố kiện toàn lực lượng bảo vệ rừng, PCCCR tại các xã, phường, thị trấn; hướng dẫn chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư bổ sung, hoàn thiện phương án PCCCR phù hợp tình hình thực tế và theo đúng quy định.
 
Toàn huyện có gần 79.000ha rừng; trong đó, có gần 16.000ha rừng trồng và trên 3.600ha rừng trồng trên cát. Khó khăn, bất cập đối với huyện Quảng Ninh là trước đây, diện tích rừng trên địa bàn huyện do Ban quản lý rừng phòng hộ ven biển quản lý gần 3.000ha (cả rừng phòng hộ và rừng sản xuất), nay số diện tích này chưa có bàn giao cụ thể cho địa phương hay đơn vị nào quản lý. Vì vậy, huyện Quảng Ninh mong sớm nhận được quan tâm, tháo gỡ để địa phương chủ động trong công tác bảo vệ rừng cũng như PCCCR thời gian tới.
 
Ông Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Để thực hiện hiệu quả công tác PCCCR trong năm 2021, chủ động ứng phó với thời tiết nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh hiện đã xây dựng và triển khai các phương án PCCCR, yêu cầu Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố, thị xã nhanh chóng thực hiện ngay khi thời tiết cuối năm 2020 thuận lợi”.
 
Trong đó, nhân thời điểm tiết trời lạnh, dịu mát, các đơn vị, địa phương thực hiện công tác vệ sinh rừng, phát thực bì, xử lý an toàn vật liệu cháy trong rừng bằng biện pháp đốt hoặc di dời vật liệu cháy ra khỏi rừng đối với các khu rừng dễ cháy (rừng thông, bạch đàn và rừng trồng có nhiều vật liệu cháy khác). Đối với khu rừng không có khả năng vệ sinh trong rừng, phải tạo đai an toàn ngăn cách khu rừng dễ cháy với đường giao thông, đường sắt, đường dây 500kV, khu dân cư, nghĩa địa và các khu vực dễ phát sinh nguồn lửa khác.
 
Cùng với đó, các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ rừng xử lý thực bì trước mùa khô, xử lý thực bì để trồng rừng, xử lý vật liệu cháy sau khai thác để trồng lại rừng theo đúng quy định về PCCCR. Chủ rừng phải có đai ngăn cách khu vực đốt xử lý thực bì với rừng dễ cháy, có phương án, kế hoạch chọn thời điểm đốt phù hợp và bố trí lực lượng, phương tiện PCCCR bảo đảm an toàn; tuyệt đối không để việc vệ sinh rừng, xử lý thực bì gây cháy rừng. Thời gian tiến hành vệ sinh rừng, xử lý thực bì thực hiện từ nay đến ngày 20-3-2021. Khi thời tiết nắng, nóng có nguy cơ cháy rừng cao, chấm dứt không xử lý thực bì mà chuyển trạng thái tăng cường quản lý nguồn nhiệt, nguồn lửa trong rừng, ven rừng.
 
Đồng thời, các đơn vị cần đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện phục vụ công tác chữa cháy rừng; sửa chữa, tu bổ và làm mới các công trình PCCCR, như: đường băng cản lửa, chòi canh, đai cản lửa, hệ thống biển cấm lửa, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, bảng tuyên truyền…, bảo đảm phát huy tính năng, tác dụng ngăn cháy lan và phòng cháy rừng hiệu quả.
                                                                                
Hương Trà

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202012/chu-dong-cac-bien-phap-phong-chong-chay-rung-truoc-mua-kho-2183724/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm