7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nehớ mùi xôi nếp

- Advertisement -

(Văn hóa) – Dạo ấy là những ngày cuối tháng Chạp năm 1972. Bị thương ở Quảng Trị, sau thời gian nằm viện dã chiến, tôi được chuyển ra Bắc theo đường dây chuyển thương của Đoàn 559. Chỉ khoảng một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Sửu. Cứ qua mỗi chặng đường hướng ra phía Bắc, trong lòng tôi lại đầy thêm hy vọng được về ăn Tết cùng mẹ!
 
Còn nhớ mùa đông năm đó trời rất lạnh. Cái lạnh như càng tê tái hơn với cánh thương binh vốn suy giảm sức khỏe vì thương tích. Ban đầu, đoàn thương binh chúng tôi cứ ngày nghỉ, đêm đi, nhưng vào những ngày cuối tháng 12 ấy, do không lực Mỹ tập trung lực lượng cho chiến dịch Linebacker II đánh vào Hà Nội nên chúng tôi chuyển sang ngày đi, đêm nghỉ.
 

Nehớ mùi xôi nếpMinh họa: Minh Quý

Hôm đó, tôi và Toản, cũng bị thương ở Quảng Trị, được anh em đưa về nghỉ ở một gia đình tại ngôi làng nằm ven sông Gianh, thuộc huyện Quảng Trạch. Cũng vì sức khỏe còn yếu, cộng thêm cái chân bị nẹp cứng nên tôi chỉ ở loanh quanh trong nhà, không nhớ rõ tên làng. Mà có lẽ cũng vì để bảo đảm bí mật, nên chẳng ai nói cho đám thương binh chúng tôi biết nơi mình trú lại một đêm. Chị chủ nhà đi vắng, mãi tối muộn mới về. Qua câu chuyện vắn tắt, chúng tôi được biết nhà chỉ có chị và thằng cu chừng 10 tuổi. Chồng chị cũng là bộ đội, đâu như đang chiến đấu ở mãi Tây Nguyên.
 
Tối đó, trời rét nên tôi và Toản đi nằm sớm. Từ chiến trường ra, cánh thương binh thèm đủ thứ, nhất là những món ăn mang hương vị quê nhà. Khi chúng tôi đã ấm chỗ trên ổ rơm mà chị chủ nhà trải sẵn, Toản gợi chuyện:
 
– Giờ nếu được ước, mày thèm cái gì nhất?
 
– Giá mà được bát xôi nóng…
 
– Ừ, hôm tao đi tập trung, u tao cũng gói cho tao mo cơm nếp. Gạo mới, thơm mà dẻo dẻo là. Giờ nghĩ lại vẫn thèm!
 
Nói chuyện rồi hai đứa ngủ tự lúc nào. Sáng sau, trời còn mờ đất, chị chủ nhà đã đánh thức chúng tôi. Pha thau nước ấm cho chúng tôi đánh răng rửa mặt xong, chị mở chiếc lồng bàn đặt trên cánh phản gỗ ở gian nhà giữa. Một đĩa xôi nóng hổi hiện ra trước ánh mắt ngạc nhiên của hai đứa.
 
– Các chú ăn đi kẻo nguội, rồi còn kịp ra tập trung.
 
Không đợi chị giục đến lần thứ hai, chúng tôi “tấn công” đĩa xôi và nhanh chóng giải quyết gọn ghẽ. Thật khó mà nói cái cảm giác ngon lành khi thưởng thức nắm xôi còn ấm trong lòng bàn tay giữa tiết trời lạnh giá mùa đông. Thì ra, câu chuyện chúng tôi đêm qua đã lọt tai chị chủ nhà. Hôm trước, chị về muộn là do đi gặt thửa lúa nếp. Nghe hai thằng nắc nỏm, ước ao, chị tuốt vội một ít, sấy khô, cặm cụi xay, giã ngay trong đêm để kịp nấu cho chúng tôi đĩa xôi nếp trước lúc tiếp tục hành quân ra Bắc.
 
Năm ấy, sau khi an dưỡng và điều trị lành vết thương, tôi được nghỉ phép về ăn Tết với mẹ. Cái đêm hai mẹ con ngồi canh nồi bánh chưng, tôi kể mẹ nghe về chị chủ nhà, về đĩa xôi đầy ân tình trong thôn nhỏ ven dòng sông Gianh hôm nào. Có lẽ đó là nắm xôi nếp ngon nhất trong đời với tôi. Mẹ tôi lặng lẽ vào thắp hương trên bàn thờ. Quay ra bà rơm rớm nước mắt mà bảo, tạ ơn Trời Phật, tổ tiên và bố con đã phù hộ, run rủi cho con gặp những người phúc hậu như thế.
 
Đời người ai cũng không khỏi có những nỗi ân hận. Một trong những điều ân hận cứ còn mãi trong tôi gần năm chục năm qua, đó là vào cái ngày cuối tháng Chạp năm 1972 ấy, trước lúc từ biệt, tôi không kịp hỏi tên chị chủ nhà và cả tên cái thôn nhỏ ven sông Gianh nơi chúng tôi nghỉ lại. Nỗi ân hận vẫn còn cho đến tận bây giờ, nhất là mỗi khi đi về miền Trung, qua cây cầu bắc ngang dòng sông, thay cho bến phà Gianh nổi tiếng ngày nào. Giá như ngày ấy tôi kịp hỏi tên chị, kịp nhớ tên cái thôn nhỏ ven sông ấy!
 
Đã ngót nửa thế kỷ, trong vô vàn kỷ niệm về những con người, vùng đất mà tôi từng qua, kỷ niệm về người chị Quảng Bình cùng mùi xôi nếp năm nào vẫn còn mãi. Người chị mà tôi đã vô tâm không kịp hỏi tên ấy cũng như bao người dân Quảng Bình đã yêu thương, giúp đỡ những người lính vào Nam, ra Bắc qua đây trong những năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khó.
 
Kỷ niệm đó như lời nhắc nhở phải sống sao cho xứng với những tấm lòng, những con người như thế. Và đó có lẽ cũng là lý do vì sao trong cuộc đời làm báo của mình, tôi ít nhiều gắn bó với mảnh đất Quảng Bình, với các bạn đồng nghiệp Quảng Bình như một điều rất tự nhiên tự đáy lòng.
 
Hồi ức của Tạ Việt Anh

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202102/neho-mui-xoi-nep-2185632/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm