6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”: Sức lan tỏa mạnh mẽ

- Advertisement -

(Giáo dục) – Trong nhiều phong trào thi đua đang được toàn ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Quảng Bình triển khai thực hiện có một phong trào khá đặc thù nhưng có sức lan tỏa mạnh mẽ và ngày càng đi vào chiều sâu, được nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) trong ngành hưởng ứng tích cực. Đó là phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” (GVT, ĐVN).
 
Toàn ngành GD-ĐT Quảng Bình hiện có 18.474 CBNGNLĐ, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 81,52%. Những năm qua, cùng với sự phát triển chung của ngành GD-ĐT, chất lượng và năng lực của đội ngũ nữ CBNGNLĐ được nâng lên; phẩm chất, đạo đức, năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ (nhất là đội ngũ trẻ) đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác giảng dạy, quản lý, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của ngành.

Phong trào thi đua Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi, động viên các nữ giáo viên Trường tiểu học Hàm Ninh (Quảng Ninh) trong đợt lũ lụt lịch sử tháng 10-2020.

Phong trào thi đua GVT, ĐVN trong lực lượng lao động nữ ngành GD-ĐT được Công đoàn ngành GD-ĐT Quảng Bình phối hợp với Sở GD-ĐT, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) ngành tổ chức triển khai thực hiện. Hàng năm, các cấp Công đoàn Giáo dục toàn tỉnh phối hợp với Ban VSTBPN đồng cấp tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào với hình thức và cách làm phù hợp đặc điểm của ngành GD-ĐT Quảng Bình, tạo điều kiện cho nữ CBNGNLĐ tham gia vào các hoạt động có liên quan.
 
Hình thức tổ chức phong trào luôn được quan tâm đổi mới, sáng tạo, tập trung vào các chủ đề: giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường nhận thức về vai trò của cá nhân phụ nữ đối với sự nghiệp giáo dục; xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; nuôi con khỏe, dạy con ngoan; phát triển kinh tế gia đình… có sức thu hút và tập hợp đông đảo nữ CBNGNLĐ.
 
Thực hiện phong trào thi đua GVT, ĐVN được lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong ngành GD-ĐT đã góp phần thúc đẩy sự phấn đấu, nỗ lực của lực lượng nữ CBNGNLĐ toàn ngành. Tiêu biểu, các chị ở khối giáo dục mầm non tích cực trong việc tự làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần tăng trưởng trang thiết bị, đồ dùng dạy học trong các trường mầm non.
 
Chị em khối giáo dục phổ thông đã có hàng nghìn tiết dạy tốt, hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm có giá trị về các mặt như: nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp giảng dạy, dạy học theo chủ đề tích hợp, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém, giáo dục đạo đức cho học sinh, công tác chủ nhiệm lớp, kinh nghiệm về duy trì sĩ số, công tác Công đoàn, công tác Đoàn, Đội…
 
Ở cương vị là cơ quan quản lý, chỉ đạo, các chị công tác ở sở và Phòng GD-ĐT đã nêu cao vai trò của cán bộ, chuyên viên ở cả hai vai công tác tham mưu và vai trò quản lý, chỉ đạo đối với cơ sở. Chị em ở bộ phận phục vụ đã nêu cao vai trò trước công việc được giao, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo đảm thông suốt các kế hoạch công tác của đơn vị, cơ quan, của ngành.
 
Đặc biệt đó là sự đóng góp to lớn của đội ngũ nữ nhà giáo, người lao động đang công tác tại địa bàn miền núi, rẻo cao, biên giới và đội ngũ nữ nhân viên, cô nuôi, các chị đang phải chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi nhưng vẫn bám trường, bám lớp, yêu nghề, mến trẻ và có những đóng góp không nhỏ cho GD-ĐT tỉnh nhà, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Hàng năm, có trên 90% nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu GVT-ĐVN, trên 95% gia đình nữ nhà giáo đạt gia đình văn hóa.

Phong trào thi đua Các phong trào thi đua đã góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực.

Cô giáo Lê Thị Hoài Vân, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Thủy, huyện Lệ Thủy cho biết: Phong trào thi đua GVT, ĐVN có ý nghĩa thiết thực trong nữ cán bộ giáo viên, nhân viên của ngành GD-ĐT. Riêng đối với bậc học mầm non, quỹ thời gian dành cho gia đình rất ít ỏi. Buổi sáng, trước khi ra khỏi nhà là các cô đã cơ bản đã phải sắp xếp, lo lắng ổn thỏa các nhu cầu của gia đình mình trong ngày.
 
Bởi đặc thù như vậy, để thi đua GVT, ĐVN, đòi hỏi các cô ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, cần có sự chia sẻ, động viên, hỗ trợ của cả đồng nghiệp lẫn các thành viên trong gia đình. Phải làm sao tròn cả “hai vai”, nếu ĐVN sẽ góp phần để các cô có điều kiện phấn đấu GVT và ngược lại.
 
Cùng chung suy nghĩ như cô Vân, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thủy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phong, TX. Ba Đồn chia sẻ: Càng ở bậc học thấp thì cán bộ, giáo viên nữ càng vất vả. Các cô phải sắp xếp thời gian thật khoa học, khi ở trường thì toàn tâm toàn ý, hoàn thành công việc ở trường, để khi về nhà là tập trung chăm lo cho gia đình mình. GVT, ĐVN là một phong trào được nữ giáo viên Trường tiểu học Quảng Phong thực hiện thường xuyên, liên tục, năm này qua năm khác để phấn đấu, rèn luyện cho mình vuông tròn được cả “hai vai”.
 
Qua thực hiện phong trào thi đua GVT, ĐVN và các phong trào thi đua yêu nước trong nữ CBNGNLĐ ngành GD-ĐT Quảng Bình đã xuất hiện nhiều nữ nhà giáo, tập thể điển hình trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ, công tác quản lý và xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa.
 
Đội ngũ nữ CBNGNLĐ đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác tự học, tự bồi dưỡng, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, quan tâm đến chất lượng giáo dục toàn diện, kịp thời khắc phục những yếu kém, hạn chế về năng lực sư phạm. Chị em đã tham gia các lớp học về chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quản lý giáo dục…
 
Hiện nay, trình độ chuẩn được đào tạo của đội ngũ nữ CBNGNLĐ đã được nâng lên, tỷ lệ nữ được đào tạo sau đại học ngày càng cao. Tỷ lệ nữ giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp ngày càng cao, trong giai đoạn 2015-2020 có hàng nghìn nữ CBNGNLĐ đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi các cấp, chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Đa số các chị tham gia các cuộc thi cấp quốc gia đều đạt giải cao.
 
Kết quả phấn đấu của chị em đã được các cấp quản lý biểu dương, khen ngợi. Tính đến nay, có nhiều chị được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh và các bộ, ngành Trung ương; nhiều nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
 
Dù ở vị trí nào, các chị đều khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình, đảm nhận công việc chuyên môn đầy trọng trách, say mê, tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình khoa học, hợp lý, chăm sóc chồng, con.
 
Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT Quảng Bình Nguyễn Tất Thiện khẳng định: Để GVT, đòi hỏi nữ CBNGNLĐ phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phục vụ. Và để GVN, thì phải xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan.
 
Vì vậy, phong trào thi đua GVT, ĐVN đã có tác động mạnh mẽ trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ CBNGNLĐ, tạo động lực để nữ CBNGNLĐ phát huy năng lực, rèn luyện, trở thành nhà giáo mẫu mực, cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn giỏi, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
 
A.T

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/giao-duc/202012/phong-trao-thi-dua-gioi-viec-truong-dam-viec-nha-suc-lan-toa-manh-me-2183806/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm