7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Vẻ đẹp phồn thực của “Người đàn bà cát”

- Advertisement -

(Văn hóa) – Niềm đam mê văn chương chưa bao giờ cho phép Phan Văn Chương (hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình) gục ngã và lãng quên sáng tạo. Tất bật với nghề giáo, ông vẫn dành một khoảng không riêng, đủ để nồng nàn với “Thặng dư mùa xuân” và “Chia lại ngày xưa”. Theo góc nhìn của tôi, phải sau khi nghỉ hưu, ông mới thực sự dốc hết cái tình sâu nặng với thơ. “Người đàn bà cát” là thi tập thứ ba, tuy vẫn mang âm hưởng phồn thực của “Thặng dư mùa xuân”, một chút nỗi niềm ký ức của “Chia lại ngày xưa”, song vũ khúc của nó đã khác, nõn nà, mây mẩy, chắc và sâu hơn. Tập thơ như một bức tranh thuần khiết, giàu vẻ đẹp nữ tính, phồn thực.
 
Thống kê 45 bài trong “Người đàn bà cát” của Phan Văn Chương, đã có đến 42 bài liên quan đến nước. Ở tập “Thặng dư mùa xuân”, dạng thức của nước cũng xuất hiện khá nhiều nhưng không phong phú và đa dạng như “Người đàn bà cát”. Nước trong “Người đàn bà cát” hiện lên với nhiều biến hình như: Mưa, biển, sương, suối, sóng, thác, bến, giếng, ao chuôm, chiêm trũng, giọt, lụt, đảo, cơn dông, ràn rụa, rỉ máu, dầm dề, khóc, ứa, chảy, dập dềnh, ngấn sóng, úng, cuồn cuộn, lội…
 
Phan Văn Chương cảm khái bản sắc văn hóa của một dân tộc thông qua sự gắn kết giữa truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ với nền văn minh lúa nước. Con người luôn hòa điệu, nhập cuộc với nước. Nước chảy trong mỗi một con người. Từ tư duy huyền thoại, nước của Phan Văn Chương còn hiện diện với ý nghĩa là nguồn sống, sự tái sinh.
 
Yếu tố huyền thoại xuất hiện ở nhiều bài như: Làng, Vỡ, Hành trình biển, Hồn vía rặng trâm bầu… Các môtip huyền thoại từ truyền thuyết, cổ tích, thần thoại, như cây lúa, trầu cau,… đều được ông gắn kết với cổ mẫu Nước, nhằm hướng về cội nguồn văn hóa-lịch sử của dân tộc, từ đó, nhắc nhở con người về gốc rễ tổ tiên cũng như đúc rút cho mình triết lý nhân sinh “uống nước nhớ nguồn”.

Vẻ đẹp phồn thực của Trang bìa tác phẩm “Người đàn bà cát” của Phan Văn Chương.

Thơ Phan Văn Chương thường sóng đôi giữa cổ mẫu Nước với cổ mẫu nữ giới/Mẹ. Vạn vật đều được ông nhìn trong quá trình vận động, chuyển dịch, sinh sôi. Sự liên kết, xuyên thấm giữa các cổ mẫu con như: Mưa, biển, sông, sóng… với vẻ đẹp nữ tính của người phụ nữ làm nên nhịp điệu phồn thực đầy ấn tượng.
 
Nhưng Phan Văn Chương không chỉ huyền thoại hóa hình ảnh người nữ trong thơ của mình thông qua sự gắn kết giữa cổ mẫu Nước và cổ mẫu Mẹ mà còn hiện thực hóa người nữ bằng hình ảnh người mẹ, người vợ, người em và kể cả nàng thơ của mình. Do đó, nguyên lý tính nữ chi phối và tỏa sáng hầu hết tập thơ “Người đàn bà cát”.
 
Tâm thức hướng Mẫu của Phan Văn Chương không hẳn dựa trên cảm hứng huyền thoại mà còn “tái sinh” huyền thoại, hướng đến vẻ đẹp hài hòa, bình đẳng với vạn vật theo lẽ tự nhiên. Nhà thơ soi rọi “bản nguyên tính nữ” của Thánh Mẫu và vạn vật trong cái nhìn sinh sôi nảy nở, căng tràn sự sống. Từ sự gắn kết giữa cổ mẫu Nước và cổ mẫu Mẹ, hình ảnh người nữ ở thơ Phan Văn Chương ngoài vẻ đẹp thiên tính nữ còn hiện diện với vẻ đẹp tính mẫu-người mẹ mang nặng đẻ đau, giàu lòng yêu thương.
 
Nhưng ấn tượng nhất của “Người đàn bà cát”, đó là việc nhà thơ áp cái thân thể nữ giới nồng nã phồn thực lên thiên nhiên nhằm bất tận vẻ đẹp nguyên sơ của cuộc sống. Và đây cũng là chủ âm làm nên chuỗi phồn thịnh, thặng dư mùa sinh sôi. Năng lượng, vẻ đẹp phồn thực bao trùm, xuyên thấm mọi không gian, thời gian, xuyên thấm vạn vật.
 
Thiên nhiên thơ Phan Văn Chương thường mang vẻ đẹp hình thể và tâm hồn của người nữ, thể hiện rất rõ qua sự kết hợp các từ ngữ như: “Mùa con gái”, “mưa môi/mềm/thơm/ngọt”, “mỗi cung một vòng eo”, “trăng môi”, “tủm tỉm cánh môi”, “con nước đang dậy thì”, “nồng thơm môi lá”, “ngực trăng cao nguyên”… Vạn vật vốn dĩ đã ở tâm thế trỗi dậy, dào dạt, phì nhiêu (“luống cày tang mang tở mở”, “vàng nuộm quả chuối cong vút thuyền trăng”, “ểnh ương buông tiếng râm ran bạn tình”, “những chồi non hé mở”…), nhưng khi giao phối với vẻ đẹp phồn thực của con người, chúng càng thêm tươi ròng, thanh tân và ứ căng.
 
Có thể thấy sự chập đôi giữa cổ mẫu Nước và cổ mẫu nữ giới trong thơ Phan Văn Chương. Không gian như được nới rộng, thời gian như ngưng lại để lưu giữ, chạm khắc khoảnh khắc nguyên trinh, trong khiết đang không ngừng nảy nở, thơm lừng nhựa sống. Con người, cỏ cây, hoa lá vin vào nhau, cùng gieo nhựa sống.
 
Có thể nói, năng lượng thiêng liêng đã được Phan Văn Chương “nữ tính vĩnh hằng” qua mối quan hệ diệu kỳ giữa con người và thiên nhiên. “Mùa con gái” đã làm sống động không gian và thời gian thơ Phan Văn Chương.
 
Phan Văn Chương hết lòng yêu mến, nâng niu giá trị mà thiên nhiên và cuộc sống ban tặng. Lúc nào, nhà thơ cũng muốn trở về, tìm về sự hợp nhất. Năng lượng nhập cuộc, hóa thân hòa vào đất mẹ, hòa vào nguồn nước bất tận, cội nguồn của nhà thơ chưa bao giờ tắt. Tình yêu thuần chất, sơ nguyên mãi mãi ấy chính là nguồn sống, dưỡng chất làm nên hồn thơ Phan Văn Chương. Vẻ đẹp mơn mởn toát ra từ các bài thơ là vẻ đẹp tâm thức hướng Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, ẩn chứa giá trị của sự thanh tẩy tâm hồn và giá trị của sự cứu chuộc.
 
Trong dòng chảy thi ca của dải đất miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng, với ba tập thơ, nhất là “Người đàn bà cát”, tôi tin rằng, Phan Văn Chương đã chứng tỏ bút lực và dấu ấn sáng tạo rất độc đáo của mình. Các yếu tố phồn thực tiếp nối từ “Thặng dư mùa xuân” nay được ông đặt trong sự đồng cảm, gắn bó, hòa giao một cách trọn vẹn nhất, vượt qua những giới hạn của tín ngưỡng, sắc màu của huyền thoại, để thức tỉnh bản ngã thánh thiện của con người. Sự viết của Phan Văn Chương, nhất là điểm hài hòa giữa bản thể cá nhân với bản thể vũ trụ, giữa con người với cội nguồn, dân tộc, hẳn luôn chứa đựng những biến ảo khôn lường.
 
 Hoàng Thụy Anh

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202109/ve-dep-phon-thuc-cua-nguoi-dan-ba-cat-2193677/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm