6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Bao mùa Trung thu qua

- Advertisement -

(Văn hóa) – Có lẽ, tôi đang ở tuổi vào thu nên có chút hoài niệm về những mùa thu đã qua. Hôm nay cũng thế, tôi lại nhớ bao kỷ niệm thời thơ ấu của mình. Mùa thu, thoang thoảng đâu đây mùi bắp rang quyện cùng cột khói bếp bốc lên từ những mái tranh nghèo. Khóe mắt tôi lại rưng rưng khi nhìn chiếc đèn ông sao, những chiếc bánh Trung thu…
 
Tôi và bọn trẻ làng cứ mỗi lần Trung thu lại rộn ràng, háo hức. Trước đó cả tuần, chúng tôi tập hát bài “Chiếc đèn ông sao”, làm những chiếc trống tự chế lấy từ da ếch, rồi lấy giấy tự làm đèn Trung thu. Cả bọn hì hục chặt tre tự vót để làm khung; giấy màu thời ấy không nhiều nên đa phần làm bằng giấy vở học sinh. Làm đèn xong lấy gạch mài mịn pha với nước tạo màu để vẽ lên đèn ông sao.
 
Nhớ những con đường trong làng nhỏ hẹp, gồ ghề, lồi lõm, cả vùng tối om chưa có ngọn đèn đường nào. Lúc trăng lên, con đường làng sáng lên với những chiếc đèn ông sao lung linh huyền ảo. Cả bọn trẻ chúng tôi cầm đèn, đánh trống đi từng đoàn dưới sự hướng dẫn của các anh chị đoàn viên, giáo viên chủ nhiệm, đi quanh làng, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu chào mừng đất nước và Đảng quang vinh.
 
Cái thú vui Trung thu không chỉ là cầm đèn đi rong, mà còn là trò vui với những ánh lửa. Chẳng đứa trẻ nào đi Trung thu một mình, mà cùng nhau, túm tụm lại che gió thắp nến, rồi lại đi chầm chậm. Có cơn gió nào làm tắt đèn của một đứa thì cả đám sẽ dừng lại để chờ bạn thắp đèn.
 
Ngày ấy, Trung thu với chúng tôi là những trận cười cùng các trò đùa thơ dại. Tôi còn nhớ rõ, khi trăng lên đến đỉnh đầu, tôi và lũ bạn chạy ra cây rơm của hợp tác xã rồi lấy rơm lót xuống đất, nằm ngửa để nhìn chú Cuội, cây đa và chị Hằng. Có khi, mấy đứa cả nam cả nữ ôm nhau lăn vào trong các đống rơm trốn tìm với các nhóm khác. Nửa đêm, về nhà mới biết bố mẹ đi tìm…
 
Thời đó, mâm cỗ Trung thu với chúng tôi còn xa lạ lắm. Mỗi lần Trung thu, được ông bà, bố mẹ cho cái kẹo cà, cái bánh nếp là mừng rơn, không có đứa nào dám ăn hết. Mấy đứa cứ cắn từng miếng rồi lấy lá chuối bọc lại để dành, đến khi kẹo mềm ra nước mới “đành” ăn… Vị ngọt của nó, tôi vẫn thấy đâu đây đầu lưỡi.
 
Ngày xưa là như vậy, ngày xưa ấy qua lâu lắm rồi. Lũ trẻ con chúng tôi đã dần xa tuổi thơ lúc nào không hay. Thời gian cứ lặng lẽ lấp đầy những mùa trăng khuyết. Ấy thế mà cũng đã hơn 30 năm qua rồi. Cuộc sống giờ đây đã khác, làng xóm cũng đổi mới, đời sống chung của tất cả mọi người dần đổi thay và Trung thu nay cũng đã khác.
 
Những con đường xưa, nay đã hiện đại hóa, đèn đường nay sáng trưng mọi ngõ ngách. Không còn nghe tiếng trống ếch rộn rã như ngày nào, không còn những chiếc đèn ông sao tự làm, không còn đón Trung thu ở sân của hợp tác xã nông nghiệp, không còn đi diễu hành ở các đường làng quen thuộc… Bây giờ, đèn điện tử sáng trưng, trẻ em chạy vù vù không sợ tắt như trước đây nữa. Những chiếc lồng đèn với nhiều màu sắc, kiểu dáng, âm thanh mang vẻ đẹp hiện đại làm chúng tôi nhớ đến cái đèn lồng ông bà làm cho ngày xưa. Sao nó vướng vít hồn người đến thế! Quà Trung thu một thời nghèo khó, nay dường như đã không còn nữa. Vì vậy, tôi nhớ một thời thiếu thốn đủ thứ mà vẫn đủ đầy ký ức tuổi thơ.
 
Giờ đây, trẻ em tha hồ được chọn các loại đồ chơi như: Đèn con cá, búp bê siêu nhân, mặt nạ Tôn Ngộ Không, những chiếc bóng bay điện tử… được dùng pin hiện đại, lấp lánh đủ loại… Những chiếc bánh Trung thu đẹp mắt, hấp dẫn trưng bày khắp các quầy hàng. Đặc biệt, các em được nhà trường, các tổ chức, đoàn thể chăm sóc, quan tâm đặc biệt đến ngày Trung thu. Em nào cũng có đồ chơi, có quà Trung thu…
 
2 năm nay, Trung thu đến với các cháu nhỏ đã có nhiều thay đổi vì đại dịch Covid-19. Các cháu nhỏ giờ đây đón Trung thu qua các câu chuyện kể, qua các trang sách và tình yêu bố mẹ dành tặng trong những ngày giãn cách. Trung thu vẫn đến, đến như hương bưởi, hương cau trong vườn.
 
Khi đất trời chuyển mình sang thu cũng là mùa Trung thu đến. Vẫn là ông trăng tròn ấy, vẫn là sự tích về cây đa, chú Cuội và chị Hằng, song Trung thu trong mắt trẻ con ngày nay khác hẳn với trẻ con xưa. Tuy vậy, vẻ đẹp của mùa Trung thu xưa và nay không có gì thay đổi.
 
Ngô Mậu Tình

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202109/bao-mua-trung-thu-qua-2193756/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm