6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tác động của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động

- Advertisement -

(Kinh tế) – Đến thời điểm này, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh, nhất là ảnh hưởng sâu rộng đến doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ). Nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội lại tiếp tục đặt ra cho các cơ quan quản lý cần có giải pháp, chính sách hỗ trợ phù hợp để khuyến khích, giúp đỡ DN nhanh chóng quay trở lại sản xuất, kinh doanh sau giãn cách xã hội, góp phần giải quyết việc làm đối với NLĐ.
 
Tình hình doanh nghiệp và người lao động
 
Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 200 DN tạm dừng hoạt động với gần 10.000 NLĐ bị ảnh hưởng; 42 DN đăng ký giải thể dẫn đến khoảng 250 LĐ bị mất việc làm; 4/65 DN nằm trong các khu công nghiệp, khu chế xuất tạm dừng hoạt động với gần 120 LĐ mất việc làm tạm thời.
 
Đối với các trường hợp tạm dừng hoạt động, đa số DN đều hỗ trợ NLĐ với mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ dịch bệnh, thời gian còn lại DN và NLĐ thỏa thuận. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh gần 230 hợp tác xã (HTX) và khoảng 2.400 LĐ làm việc trong các HTX đối mặt với những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.
 
Ông Phan Nam, Trưởng phòng Lao động-Việc làm-Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH) cho biết, phần lớn các DN trong lĩnh vực, như: Dịch vụ vận tải, xuất khẩu, công nghiệp, xây dựng… bị cắt giảm đơn hàng nên hoạt động cầm chừng, LĐ giảm giờ làm hoặc làm việc luân phiên khiến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Một số DN phải dừng hoạt động dài ngày hoặc giải thể, nhiều LĐ không có việc làm.
 
Từ đó, nhiều DN chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nợ đọng BHXH với số lượng lớn khó khắc phục, dẫn đến một số chế độ, chính sách của NLĐ không thực hiện được. Riêng trong tháng 8 và 9-2021, toàn tỉnh ước tính có khoảng 7.750 NLĐ tạm ngừng việc hoặc mất việc làm, trong khi đó, số LĐ được giải quyết việc làm trong 9 tháng mới đạt khoảng 70% kế hoạch năm (tương đương 13.000 người).

Công nhân Công ty TNHH S&D Quảng Bình duy trì hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Công nhân Công ty TNHH S&D Quảng Bình duy trì hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Thất nghiệp, không có thu nhập và buộc phải tìm kiếm công việc khác để mưu sinh đang là tình cảnh chung của không ít giáo viên dạy các trường tư thục trên địa bàn tỉnh sau khi các trường học, cơ sở giáo dục thực hiện đóng cửa để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
 
Vốn chỉ quen với việc dạy dỗ và chăm sóc trẻ nhỏ, nay bất đắc dĩ, chị Phan Thị Thảo, giáo viên một trường mầm non tư thục ở TP. Đồng Hới phải chuyển sang bán hàng online để có thu nhập. “Nghỉ dạy là không có lương, việc bán hàng online cũng chưa mang lại thu nhập ổn định khiến cho cuộc sống của gia đình vốn vất vả nay lại càng trở nên khó khăn hơn…”, chị Thảo cho hay.
 
Thực tế cho thấy, đời sống của NLĐ tại các DN phần lớn đều gặp khó khăn do tiền lương thấp và ít, thậm chí là không có tích lũy. Do đó, tình trạng thất nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân NLĐ mà còn tác động trực tiếp đến gia đình của họ, nhất là những đối tượng lệ thuộc kinh tế vào NLĐ, như: Cha mẹ không còn khả năng LĐ hoặc con cái chưa đủ tuổi vị thành niên. Khi NLĐ bị mất việc làm thì đồng nghĩa với mất đi nguồn thu nhập chính yếu, sẽ dần đến tình trạng không có đủ khả năng để bảo đảm mức sống tối thiểu cho gia đình…
 
Cần những giải pháp hỗ trợ kịp thời
 
Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ, đến thời điểm này, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện giải ngân hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 26 đơn vị cùng 1.108 NLĐ với số tiền giải ngân trên 3,95 tỷ đồng.
 
BHXH tỉnh giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp gần 32.800 LĐ động với số tiền 1,66 tỷ đồng; tạm hoãn đóng Quỹ Hưu trí, tử tuất cho 79 đơn vị với số tiền 617 triệu đồng.
 
UBND tỉnh có quyết định phê duyệt hỗ trợ 637 LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ với số tiền trên 2,7 tỷ đồng; 112 hộ kinh doanh với số tiền 336 triệu đồng; 44 hướng dẫn viên du lịch với số tiền trên 163 triệu đồng; đặc biệt, toàn tỉnh có 15.330 LĐ tự do được nhận hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người…
 
Ông Đậu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Quảng Bình cho rằng, cùng với triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, địa phương cần tạo điều kiện, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn DN xây dựng phương án tái sản xuất, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh và sau khi dịch bệnh được kiếm soát tốt; có chính sách hỗ trợ đầu ra, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DN, đặc biệt là các ngành hàng xuất khẩu sau thời gian giãn cách xã hội. Những biện pháp này không chỉ giúp các DN và NLĐ thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập, mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
 
Các huyện, thị xã, thành phố cũng cần xây dựng phương án, giải pháp hỗ trợ phù hợp với thực tế của địa phương nhằm duy trì tốt hoạt động của các DN, cơ sở sản xuất các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực triển khai các hoạt động khôi phục thị trường LĐ, chuẩn bị sẵn các giải pháp thiết thực để mở rộng thị trường LĐ, nhất là quan tâm đến hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ…
 

“Sở LĐ-TB-XH đã tham mưu đề xuất giải cứu DN bằng các chính sách tài chính, như: Khoanh nợ, giãn nợ, hoãn các khoản thuế, phí của DN và chính sách vay vốn ưu đãi đối với DN đang duy trì hoạt động trong tình hình dịch bệnh Covid-19, DN có nhu cầu tái sản xuất, kinh doanh sau dịch, nhất là ưu tiên những DN sử dụng số lượng nhân công lớn…”, bà Đinh Thị Ngọc Lan thông tin thêm.

 
Thùy Lâm

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202109/tac-dong-cua-dich-covid-19-den-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-2193813/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm