Với sự quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, những năm qua, số lượng voọc gáy trắng – loài linh trưởng đặc hữu ở Vườn Quốc gia đã tăng lên qua hàng năm. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác nghiên cứu khoa học cũng như đảm bảo sự phát triển của di sản thiên nhiên thế giới.
Loài voọc gáy trắng ở Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Theo một số chuyên gia nghiên cứu về động vật hoang dã, vào năm 1999, tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng ghi nhận sự tồn tại của một quần thể voọc gáy trắng với khoảng 700 cá thể, chia thành nhiều bầy đàn sinh sống trên khu vực rừng núi đá vôi của Vườn. Mỗi đàn như vậy có khoảng 15 – 20 cá thể voọc.
Với sự quản lý, bảo vệ chặt chẽ của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cùng môi trường sống thuận lợi, hiện nay, quần thể loài voọc gáy trắng tại đây đã phát triển lên đến hàng trăm đàn với hàng ngàn cá thể. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công tác nghiên cứu khoa học, đồng thời thể hiện quyết tâm của tỉnh Quảng Bình nói chung và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nói riêng đối với cộng đồng quốc tế trong công tác bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã các giá trị về đa dạng sinh học nhằm hướng đến mục tiêu phát triển lâu dài và bền vững.