5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

ĐBQH tỉnh thảo luận về dự kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia

- Advertisement -

Chiều ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Thảo luận tại phiên họp, bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình và thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), bà Nguyễn Minh Tâm khẳng định, Nghị quyết được thông qua sẽ tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh.

ĐBQH tỉnh thảo luận về dự kiến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia

Bà Nguyễn Minh Tâm tham gia thảo luận.

Nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự kiến quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), bà Nguyễn Minh Tâm cũng tán thành ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế. Để Nghị quyết tăng tính thực tiễn, khả thi, bà Nguyễn Minh Tâm kiến nghị: “Thứ nhất, xây dựng quy hoạch đất, các chỉ tiêu quy hoạch đất Quốc gia, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ công việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mới chỉ đề cập thông tin dưới dạng thống kê, chưa phân tích các chất lượng của quy hoạch, đề nghị cơ quan tham mưu có giải trình cụ thể về các diện tích quy hoạch, như: có sự so sánh với quy hoạch thời kỳ, đồng thời, có giải trình, so sánh, cơ sở để xây dựng các cơ cấu sử dụng đất này nhằm đảm bảo tính minh bạch trong công tác quy hoạch. 

Thứ hai, tại báo cáo phần định hướng tầm nhìn đến 2050 của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung có đề cập định hướng quy hoạch về không gian sử dụng đất vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp; phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; quy hoạch phát triển hệ thống giao thông, đô thị ven biển… phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Bắc – Nam, phát triển rừng đầu nguồn, các khu bảo tồn thiên nhiên Quốc gia… Việc Chính phủ xem xét, bố trí đủ tiêu chuẩn để chuyển đổi từ đất nông nghiệp (như đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp không phải là đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên) sang đất phi nông nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương theo như định hướng quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là cần thiết. Tuy nhiên, tôi băn khoăn vì quy hoạch này chưa xem xét, đánh giá vị trí, địa lý hành chính của vùng để có cái nhìn tổng thể trong quy hoạch đối với vùng này. Đặc biệt, các tỉnh Bắc Trung bộ (đều có đường biên giới) nhưng tại dự thảo chưa đề cập đến quy hoạch này. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu về phát triển các khu kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh đề nghị Chính phủ xem xét, cân nhắc.

Liên quan đến nội dung này, đất công nghiệp, đô thị, tôi tán thành với quan điểm nên hướng quy hoạch này ra khu vực biên giới, vùng kém phát triển, thay vì tập trung ở vùng lõi vì điều này không chỉ giúp cho việc giảm bớt áp lực phát triển, đô thị hóa quá mức ở vùng lõi, mà còn là cơ sở để giải quyết việc làm, tạo động lực thúc đẩy các vùng kém phát triển, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. Điều này cũng tạo ra các đối trọng phát triển đối với các nước bạn ở khu vực biên giới, bảo vệ phên dậu Quốc gia…

- Advertisement -

Thứ ba, về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Báo cáo đã đưa ra 6 nhóm giải pháp chính. Đối với nhóm giải pháp về nguồn lực cần phải cụ thể hóa: Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và địa phương; thực hiện cơ chế công tư kết hợp (PPP) dưới nhiều hình thức; huy động nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư thời kỳ hậu Covid-19; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tài chính, tín dụng; cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách chính quyền minh bạch, linh hoạt và chủ động hơn”.

Nhấn mạnh sự phân bổ nguồn lực đất đai đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, Quy hoạch tổng thể Quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất Quốc gia, bà Nguyễn Minh Tâm cũng chỉ ra một số vấn đề như: Hiện nay, Quy hoạch tổng thể Quốc gia chưa được phê duyệt, các địa phương chưa lập xong quy hoạch của địa phương, quy hoạch của một số ngành chưa rõ. Một số quy hoạch như quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng… thường xuyên thay đổi không đồng bộ quy hoạch đất Quốc gia dẫn đến sử dụng nguồn lực đất không hiệu quả…

Bà Nguyễn Minh Tâm đề nghị: “Trong quá trình triển khai quy hoạch sử dụng đất phải có sự liên thông các căn cứ pháp luật liên quan đến đất đai để việc triển khai có sự thuận lợi. Đề nghị các bộ, ngành liên quan cần cập nhật đầy đủ nhu cầu của các ngành, địa phương, để tránh việc không thống nhất về nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, việc dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu làm cho việc phân bổ chỉ tiêu ảnh hưởng đến việc phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, từng vùng trong phát triển kinh tế.

Đối với quy hoạch đất, đất rừng trồng, đề nghị có sự điều chỉnh phù hợp bởi thực tế cho thấy, các đợt lũ lụt những năm vừa qua chủ yếu xảy ra ở những khu vực rừng trồng… Vì vậy, cần quy hoạch phù hợp, tránh tình trạng mở rộng rừng trồng kéo theo hệ lụy giảm khả năng thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay… Bên cạnh đó, trong mục tiêu, kế hoạch sử dụng đất vẫn đặt ra việc lấn biển trong giai đoạn tới. Đề nghị cần nghiên cứu kỹ, nhất là đánh giá ảnh hưởng của quá trình biến đổi khí hậu do lấn biển để xem xét cho phép lấn biển với công trình quốc phòng và phát triển kinh tế đặc biệt”.

Thảo luận về Quy hoạch, sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030; tầm nhìn đến 2050, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng: Để bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất Quốc gia thì cần có tổng kết sâu sắc, đánh giá chính xác tổng thể thực trạng và lý giải nguyên nhân hạn chế của việc xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho đến nay.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nga quy hoạch và sử dụng đất phải tạo động lực để phát triển, không chỉ là phát triển kinh tế và quốc phòng – an ninh thuần túy mà là văn hóa, không gian sinh tồn và an sinh xã hội, của tùng vùng và của cả nước. Về giải pháp và nhất trí với nhiều ý kiến của Chính phủ đã nêu trong báo cáo và đề nghị: “Để đảm bảo tính ổn định cao của Quy hoạch đất Quốc gia, Quy hoạch phải mang tính ổn định cao bởi bất cứ sự điều chỉnh nào cũng có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ hệ thống. Chính vì vậy cần giảm thiểu điều chỉnh Quy hoạch. Đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng còn dễ dàng như thời gian qua. Phương án tốt nhất là đã công bố Quy hoạch thì không thể có sự điều chỉnh hoặc nếu có thì bị ràng buộc bởi hệ thống các điều kiện và trách nhiệm pháp lý chặt chẽ, minh bạch.

Đông thời, đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích giữa các loại đất; bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích đất cụ thể để có thể truy cứu trách nhiệm cụ thể cho chủ sử dụng đất khi sử dụng đất trái pháp luật, xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí đất đai trong quá trình sử dụng đất, qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất đối với đất được giao.

Cần có cơ chế cụ thể rõ ràng và dễ thực hiện để Nhân dân thực hiện hiệu quả quyền giám sát của người dân với tư cách là người chủ sở hữu về đất đai trong quá trình sử dụng đất của các chủ sử dụng đất; đồng thời có cơ chế giải trình việc sử dụng đất của chủ sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất của mình (nếu có).

- Advertisement -

Cần xây dựng chính sách giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp lý, phù hợp thực tiễn, tránh mâu thuẫn về giá quyền sử dụng đất như hiện nay (giá Nhà nước 1triệu/m2 trong khi thực tế giao dịch trong dân có thể gấp 4-5 hoặc nhiều lần) tránh gây xung đột lợi ích giữa Nhà nước và công dân, tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt là chống tham nhũng, tiêu cực”.

Sau phần thảo luận của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.

Phiên họp này là phiên họp kết thúc đợt 1 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021. ĐBQH ở địa phương tham dự ở điểm cầu tại địa phương, ĐBQH công tác tại các cơ quan Trung ương, bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Dự kiến đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội  trong 6 ngày, từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021.

Nguồn tin: QBTV.vn
Link bài gốc: http://qbtv.vn/tin-tuc/dbqh-tinh-thao-luan-ve-du-kien-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat-quoc-gia-20643.html
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm