6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xây dựng văn học – nghệ thuật Quảng Bình thời kỳ mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân (*)

- Advertisement -

Phát biểu của đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình, ngày 26/1.

Xây dựng văn học - nghệ thuật Quảng Bình thời kỳ mới toàn diện, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân (*)

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu phát biểu tại lễ kỷ niệm

60 năm  thành lập Hội VHNT Quảng Bình. Ảnh: Hoàng An

Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý,

Thưa các văn nghệ sĩ,

 

- Advertisement -

Hôm nay, trong không khí vui tươi náo nức của những ngày cuối năm Tân Sửu, chúng ta long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Văn học-Nghệ thuật Quảng Bình, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp của những người hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi đến các vị đại biểu, các vị khách quý và các anh chị em văn nghệ sĩ lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Trước thềm Xuân mới Nhâm Dần 2022, chúc toàn thể các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Năm mới, thắng lợi mới!

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, 

 

Kính thưa các văn nghệ sĩ,

 

- Advertisement -

Quảng Bình tự hào là nơi nhiều nhà thơ lớn của đất nước đã dừng chân và có những tác phẩm nổi tiếng để lại những áng văn thơ bất hủ, như: Nhà vua Lê Thánh Tông, đại thi hào Nguyễn Du, Bà huyện Thanh Quan,… Đây cũng là nơi sinh ra những thi nhân tài hoa, đã đóng góp quan trọng trong nền văn học-nghệ thuật của đất nước, như nhà thơ Lưu Trọng Lư (tác giả của Thơ Mới với bài thơ “Tiếng thu”), nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh – những người có công lớn khai sinh phong trào Thơ Mới vào năm 1932-1945. 

 

Ra đời và phát triển trong những năm tháng cả đất nước “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Bình đã không ngừng trưởng thành. Nhiều văn nghệ sĩ ra trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. 

 

Văn học – nghệ thuật Quảng Bình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã có những đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, đồng thời đóng góp quan trọng tạo nên diện mạo của văn học – nghệ thuật Việt Nam. Bên cạnh những tên tuổi trực tiếp hoạt động trên quê hương Quảng Bình như Dương Tử Giang, Xuân Hoàng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Trần Nhật Thu, Quách Mộng Lân, Hoàng Sông Hương,… và nhiều tác giả khác với nhiều tác phẩm có giá trị cả thực tiễn lẫn nghệ thuật, có sự hiện diện của rất nhiều nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ của cả nước.

 

Chúng ta thật cảm động khi vào những năm tháng quê hương chìm trong bom đạn và khó khăn, các văn nghệ sĩ khắp nơi mọi miền Tổ quốc đã đến Quảng Bình, chứng kiến và phản ánh cuộc sống, sự hy sinh chiến đấu anh dũng ngoan cường của quân và dân Quảng Bình. Từ quê hương chúng ta, nhiều tác phẩm đã đi cùng năm tháng. Đó là ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sỹ Hoàng Vân, những bài thơ lay động trái tim của các thế hệ của nhà thơ Phạm Tiến Duật như “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”, “Đèo Ngang”, bài thơ “Khoảng trời hố bom” của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu,…

 

Các thế hệ văn nghệ sĩ Quảng Bình và cả nước đã cùng xây đắp cho văn học – nghệ thuật Quảng Bình và đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước một diện mạo riêng biệt, sinh động và đặc sắc, không thể lẫn trong bức tranh chung của văn học – nghệ thuật Việt Nam thời kỳ này.

 

Kính thưa các vị đại biểu và anh chị em văn nghệ sĩ, 

  

Lịch sử 60 năm xây dựng và trưởng thành của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình có ba giai đoạn khá rõ. Sau những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ 1961 đến 1975, văn học – nghệ thuật Quảng Bình bước sang hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là lúc ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình vào chung một mái nhà Hội Văn học – Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Vào năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách và Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình trở về quê hương. Với bản lĩnh và ý chí kiên cường, văn nghệ sĩ Quảng Bình đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để sáng tạo nghệ thuật. 

 

Tại buổi lễ kỷ niệm hôm nay, tại thành phố Đồng Hới thân yêu, thành phố hoa hồng đang vươn mình ra biển lớn, chúng ta trân trọng nhắc đến con người đã có rất nhiều cống hiến cho văn học – nghệ thuật Quảng Bình, ông luôn là người đi tiên phong trong Hội Văn học – Nghệ thuật vào những thời điểm khó khăn nhất. Đó là nhà thơ Xuân Hoàng, tác giả của bài thơ “Đồng Hới” đã đi cùng năm tháng vào những năm khó khăn nhất:

 

“Em đi, phố nhỏ động cành dừa

Cửa biển về khuya phố đêm ngả lạnh

Phố nhỏ tan rồi qua bao trận đánh

Chúng ta về, ấm lại dải đường xưa

Ta biết hôm nay Đồng Hới hủy mình

Để có một ngày mai Đồng Hới đẹp

Thành phố ta xây trên bờ biển biếc

Biển miền Trung xanh ngắt một màu xanh” 

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

 

Kính thưa các văn nghệ sĩ, 

 

Trong lịch sử phát triển của dân tộc, văn học – nghệ thuật đã trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định văn hóa, văn học, nghệ thuật là một mặt trận quan trọng, một sức mạnh đặc biệt của dân tộc.

 

Kể từ khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt là sau ngày tỉnh tái lập lại, các tác phẩm văn học – nghệ thuật Quảng Bình đã góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Bình xây dựng và tái thiết quê hương. 

 

Hơn 30 năm qua, văn học – nghệ thuật Quảng Bình đã vượt qua khó khăn, thách thức, phản ánh chân thật cuộc sống, lao động, sáng tạo của Nhân dân, sự phát triển, đổi mới của quê hương, đất nước, tạo nên một diện mạo mới.

 

Bên cạnh phát huy được các giá trị truyền thống văn hóa, các văn nghệ sĩ Quảng Bình đã lấy tinh thần yêu nước sâu sắc, bám sát hiện thực đời sống, tìm tòi và sáng tạo để có nhiều tác phẩm phong phú về nội dung, đa dạng hóa về phương thức thể hiện, khẳng định các giá trị mới của văn học cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

 

Cùng với những tên tuổi văn nghệ sĩ đã thành danh các giai đoạn trước, văn học – nghệ thuật Quảng Bình đã xuất hiện nhiều tác giả tài năng, tâm huyết với nhiều tác phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, nhiều tác giả đã đoạt được các giải lớn trong và ngoài nước, mang lại vinh dự cho văn nghệ sĩ Quảng Bình. 

 

Với những thành tích đáng tự hào, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ thi đua của Liên hiệp của Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương và trân trọng cảm ơn những cống hiến to lớn của đội ngũ văn nghệ sĩ, sự đóng góp của Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, 

 

Kính thưa các văn nghệ sĩ,

 

Đảng ta khẳng định: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.

 

Trong những ngày này, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Bình, trong đó có đội ngũ văn nghệ sĩ đang ra sức phấn đấu, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII để xây dựng Quảng Bình ngày một phát triển đàng hoàng hơn. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc nhằm hoạch định con đường phát triển xây dựng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có văn học – nghệ thuật. Phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân là nghĩa vụ thiêng liêng, là trách nhiệm nặng nề của đội ngũ văn nghệ sĩ chúng ta. 

 

Để làm tốt sứ mệnh đó, Hội Văn học – Nghệ thuật Quảng Bình cần chú trọng xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, phát huy tối đa sức sáng tạo của các thế hệ văn nghệ sĩ, đồng thời, tìm được giải pháp tập hợp các tài năng sáng tạo hướng đến mục tiêu xây dựng nền văn học – nghệ thuật trong thời kỳ mới như Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”… đã đề ra.

 

Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh cần bám sát chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng văn học – nghệ thuật Quảng Bình thời kỳ mới toàn diện về chân, thiện, mỹ, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học – nghệ thuật ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp Nhân dân, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng quê hương ngày càng đổi mới. Xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ toàn diện cả về số lượng và loại hình, có các thế hệ nối tiếp nhau vững chắc, có năng lực sáng tạo phong phú, đa dạng, đoàn kết, gắn bó và cùng nhau phát triển; tiếp tục khắc phục những hạn chế trong sáng tác, lý luận và phê bình văn học – nghệ thuật.

 

Anh chị em văn nghệ sỹ cần thường xuyên học hỏi và đúc rút những bài học kinh nghiệm từ các thế hệ đi trước; tự đổi mới mình, có phương thức thể hiện mới trong sáng tạo nghệ thuật, phù hợp với thực tiễn phát triển của quê hương, đất nước; tích cực phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội; tham gia có trách nhiệm vào các vấn đề của xã hội, góp phần xây dựng con người Việt Nam “yêu nước, nhân ái, tình nghĩa, trung thực, đoàn kết, cần cù và sáng tạo”; tham gia, hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học – nghệ thuật về đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.   

 

Kính thưa các quý vị đại biểu, 

 

Kính thưa anh chị em văn nghệ sĩ,

 

Trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, câu cuối có đoạn: “Giữ lấy đất trời của quê hương ta/Giữ lấy những gì mà ta yêu quý”, thể hiện tinh thần dân chủ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên của con người Quảng Bình, niềm tự hào và truyền thống xây dựng quê hương của văn nghệ sĩ Quảng Bình. Cái chung nằm trong cái riêng, thông qua cái riêng mà biểu hiện sự sáng tạo hết sức đa dạng và phong phú nhưng đều hướng đến niềm khát khao nóng bỏng xây dựng quê hương, xây dựng đất nước, xây dựng Quảng Bình ngày càng phát triển hòa với nhịp đập của quê hương, của dân tộc.

 

Phát huy những thành quả 60 năm qua, tôi tin tưởng rằng, văn học – nghệ thuật Quảng Bình sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị, đặc sắc phản ánh chân thật quá trình thay đổi, của quê hương đất nước, đáp ứng niềm mong đợi và niềm tự hào của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà.

 

Chuẩn bị kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, thay mặt cho Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham dự buổi lễ long trọng này, tôi xin gửi đến các quý vị đại biểu, anh chị em văn nghệ sĩ cùng gia đình bước sang năm mới, với sức mạnh mới, với truyền thống và niềm tự hào con người Quảng Bình sẽ có nhiều tác phẩm có chất lượng và tiếp tục cống hiến cho quê hương. 

 

Kính chúc anh chị em, năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn!

 

(*) Đầu đề được Tòa soạn rút ý từ trong bài phát biểu

 

Theo baoquangbinh.vn

 

 

Nguồn tin: QBTV.vn
Link bài gốc: http://qbtv.vn/tin-tuc/xay-dung-van-hoc-nghe-thuat-quang-binh-thoi-ky-moi-toan-dien-dap-ung-nhu-cau-thuong-thuc-ngay-cang-cao-va-da-dang-cua-cac-tang-lop-nhan-dan-22618.html
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm