5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nơi bắt đầu một dòng sông

- Advertisement -

(Phóng sự) – Suối Co Pi bắt nguồn từ đỉnh núi CoPi, đầu nguồn của sông Gianh. Có rất nhiều bản làng của đồng bào các tộc người thuộc dân tộc Chứt, Bru-Vân Kiều đang ở bên dòng suối này, dưới bóng núi này. Tôi đến đây khi cơn mưa rừng vừa dứt. Suối Co Pi rộng hơn lẽ thường, dào dạt chảy, thỉnh thoảng tung sóng trắng khi gặp những ghềnh đá thấp, xong lại trôi rất êm. Suối đầu nguồn thế này thì sao dòng sông không cường tráng?!
 
Bản Cà Xen, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa) nằm giữa một thung lũng bằng. Sau cơn mưa, những tia nắng lọt qua khe mây rải lên núi đồi từng vạt sáng xen kẽ, dồn đuổi chạy dọc dãy núi phía sau bản. Khung cảnh vừa mơ màng vừa rạng rỡ. Cà Xen là bản làng của người Mã Liềng. Những con đường đất nhỏ, những hàng rào thưa, những ngôi nhà sàn gỗ và những khu vườn cọ nghiêng bóng xòe ô, bình yên đến lạ lùng! Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt, anh em một nhà với các tộc người Rục, Sách, ARem, Mày.
 
Danh xưng Mã Liềng có nguồn gốc từ tên một loài chim: Mơ Leng-chim đại bàng trên đỉnh núi. Từ những năm 90 thế kỷ XX về trước, người Mã Liềng như những cánh chim thiên di khắp trên rặng Giăng Màn, du canh du cư, rẫy ở đâu thì sống ở đó, trong hang đá hay nhà sàn đơn sơ rải rác trên núi cao. Mã Liềng là tộc người đi ngược. Tuy nhiên từ năm 1991, trước nguy cơ tuyệt chủng đang đến rất gần đối với các tộc người thiểu số trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã mở một chiến dịch tìm kiếm, vận động đồng bào trở về hòa nhập cộng đồng, ổn định nơi ăn chốn ở, nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển các tộc người bản địa. Nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, tộc người Mã Liềng có hơn 100 hộ với gần 600 nhân khẩu sống tập trung chủ yếu tại các bản Kè, Cáo, Chuối và bản Cà Xen thuộc hai xã Lâm Hóa, Thanh Hóa của huyện Tuyên Hóa. Riêng bản Cà Xen có 57 hộ, 191 khẩu sinh sống.
 

Nơi bắt đầu một dòng sôngThượng nguồn sông Gianh, đoạn chảy qua xã Trọng Hóa (Minh Hóa). Ảnh: Trần Minh Văn

Theo ông Hồ Cam ở bản Cà Xen thì người Mã Liềng của ông được phát hiện cách đây 100 năm nhưng phải đến năm 1991 thì họ mới chính thức định cư. 30 năm qua, đồng bào Mã Liềng đã có cuộc sống ổn định trong những ngôi nhà ấm áp, tuy nhiên, họ vẫn giữ được bản tính phóng khoáng của những cánh chim Mơ Leng vẫy vùng trên đỉnh núi Trường Sơn. Bản làng người Mã Liềng trải rộng như những cánh chim, không co cụm mà thoáng rộng và sáng sủa, có sân trước, vườn sau, ngăn nắp sạch sẽ, sức sống tươi xanh.
 
Mùa mưa đi miền núi là một bất lợi lớn, nhưng lại là điều kiện tốt cho việc trồng cây. Khi chúng tôi đến Cà Xen, gia đình ông Hồ Cam đang tiến hành trồng cam. Cây giống do Đồn Biên phòng Ra Mai hỗ trợ. Đất do UBND xã Thanh Hóa cấp. Ông Hồ Cam không giấu nổi niềm vui khi nhận được sự quan tâm của bộ đội. Ông nói rằng, năm nay ông đã 70 tuổi rồi, đã quá nhiều lần nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và bộ đội biên phòng (BĐBP) nhưng lần này thì rất đặc biệt dù lợi ích vật chất mà ông nhận được phải đợi đến ít nhất 3 năm nữa. Ông nhìn thấy tương lai của vườn cam, đó là của để dành của ông.
 
Cùng được nhận hỗ trợ cây giống của BĐBP còn có ông Hồ Thao ở xã Trọng Hóa. Hồ Thao nói rằng: “Cho gạo, cho mỳ thì mình ăn vài ngày cũng hết, còn cho cây thì năm mô mình cũng có thu”. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên BĐBP tặng cây giống cho đồng bào Mã Liềng.
 
Trung tá Lê Quang Hà, Chính trị viên Đồn BP Ra Mai cho biết, cùng với việc tập trung thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, đồn đã tích cực giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế, ổn định và nâng cao đời sống. Đồn đã tặng nhiều con giống như: Trâu, bò, lợn, gà và các loại hạt giống, cây ăn quả giống, đồng thời hướng dẫn đồng bào kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để chủ động hơn trong quá trình sản xuất…
 
Tôi đã từng đến các bản làng nép mình bên con suối Co Pi, gặp những đồng bào hiền lành và lặng lẽ. Ngày mưa, đồng bào Khùa ở bản Ra Mai không vào rừng cũng không lên rẫy. Đàn ông uống rượu và hát cho đến khi lăn kềnh xuống chiếu. Đàn bà ngồi bên ngạch cửa hút thuốc và ôm một đứa trẻ trong lòng, nhìn mưa trong lặng lẽ. Thượng tá Nguyễn Thành Dũng, nhân viên vận động quần chúng đi cùng tôi trên những con đường đã bê tông của bản. Anh nói rằng, công tác vận động quần chúng của các anh cần phải diễn ra khắp mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
 
Mùa mưa, các anh càng có nhiều việc phải làm và gần như có mặt khắp các bản làng đồn phụ trách. Các anh trồng cây, tu sửa nhà cửa, vệ sinh bản làng, dạy bọn trẻ học, thăm khám sức khỏe đồng bào… Hôm nay, cán bộ, chiến sỹ của đồn tập trung lợp lại mái nhà cho chị Hồ Thị Thi. Thi lấy chồng khi chưa đến 20. 35 tuổi, Thi đã có 5 mặt con. Thi kể: Chồng Thi đi rừng, làm rẫy, Thi mới sinh con được mấy tháng, ở nhà giữ con và nấu rượu nhưng vẫn không đủ nuôi 7 miệng ăn trong nhà. BĐBP lên xuống giúp đỡ nhiều, vận động vợ chồng Thi áp dụng các biện pháp tránh thai để không sinh thêm con, hướng dẫn vợ chồng chăn nuôi, trồng trọt để có thêm thu nhập. Cái mái nhà dột từ mùa nắng đến mùa mưa vẫn chưa sửa lại được, giờ bộ đội cũng phải ra tay gia đình Thi mới có được mùa đông ấm áp.
 
Ngôi nhà của Thi nhỏ, một đầu trải sàn gỗ làm chỗ ngủ, đầu kia là bếp. Khi chúng tôi vào, chị đang nấu rượu, căn nhà có vẻ ấm hơn. Chị nói rằng một nồi rượu như vậy thu được khoảng 7 chai, bán được hơn 300 nghìn đồng, trừ tiền mua gạo, mua men còn đâu được vài chục. Thằng cu con Thi mới 5 tháng lúc lắc trên lưng mẹ, hai má đỏ ửng vì hơi lửa và hơi men. Thi nói rằng: “Khổ lắm! Nhiều con khổ lắm!”.
 
Đã đi ra một quãng nhưng  nghe vậy trung tá Hà trở lại dặn Thi như dặn một người em: “Vậy thì không đẻ nữa nhé. Cán bộ y tế đã hướng dẫn cách tránh thai rồi, phát thuốc rồi, phát bao cao su nữa. BĐBP cũng vận động mãi. Nhưng sao cứ đẻ, vậy là còn khổ nhiều nữa. Không đẻ nữa nghe chưa?”. Thi dạ rất nhỏ rồi ngoảnh nhìn sang căn bếp, có vẻ như biết lỗi.
 
Một ngày theo chân những người lính biên phòng đến những bản làng ở đầu nguồn sống Gianh, họ đi rất nhanh, xử lý mọi chuyện hết sức nhẹ nhàng và dứt khoát. Với phương châm “ba bám”, “bốn cùng”, họ đã gánh vác rất nhiều nhiệm vụ trong một nhiệm vụ. Lời dặn của trung tá Hà về chuyện sinh đẻ trước khi rời khỏi nhà Thi đủ cho tôi thấy rằng BĐBP đã gần gũi, gắn bó với đồng bào các dân tộc thiếu số trên địa bàn đóng quân đến nhường nào. Từ nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả là bảo vệ từng tấc đất chủ quyền biên giới quốc gia đến những việc đời thường của dân bản, từ chuyện sinh con đẻ cái, chuyện lục đục vợ chồng đến việc làm gì cho có cái ăn, cái mặc, đồng bào đi đâu, ở đâu… đều không nằm ngoài tầm mắt của bộ đội.
 
Thượng tá Dũng nói rằng: “Bộ đội chúng tôi, vợ con ăn gì, đi đâu chưa chắc đã biết nhưng dân bản ai có ăn, ai đứt bữa là biết ngay. Đã ba, bốn tháng nay, cán bộ, chiến sỹ của đồn không ai về thăm nhà. Dịch bệnh khiến cho tình hình biên giới phức tạp hơn. Tất cả chúng tôi đều ở lại…”.
 
Ở lại, khi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc thiểu số là anh em ruột thịt, các bản làng là một phần mở rộng của đồn. Họ ở lại, để biên giới bình yên.
 
Lang thang theo những nẻo đường cong, nếu thấy mỏi chân sẽ ghé ngồi trên bậc thang nhà ai mà không gặp xa lạ, chỉ gặp những nụ cười hiền, xin Thi nếm một hớp rượu nóng chị vừa chắt để say càng thêm say, ngắm nhìn thật sâu vào đôi mắt những đứa trẻ  đang hồn nhiên đùa chạy dưới làn mưa bụi, rồi bất ngờ… hoa đào nở! Bây giờ dưới phố vừa mới chớm sang đông mà ở nơi đầu nguồn hoa đào đã rực trời, rực đất. Trung tá Hà nói rằng hoa đào sẽ nở từ nay cho đến hết mùa xuân sang năm. Biên cương đang vào mùa đẹp nhất! 
 
Trương Thu Hiền

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/phong-su/202112/noi-bat-dau-mot-dong-song-2195958/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm