6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi

- Advertisement -

(Kinh tế) – Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên những ngày qua, trên địa bàn tỉnh trời chuyển rét đậm, nhiều địa phương nhiệt độ xuống thấp từ 7-10 độ C vào ban đêm. Để phòng, chống rét cho vật nuôi, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chủ động ứng phó, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
 
Trước tình hình rét đậm, rét hại do không khí lạnh tăng cường, xã Thượng Hóa (Minh Hóa) đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do nhiệt độ xuống thấp, cùng với ý thức người dân hạn chế, chuồng trại chăn nuôi không được che chắn dẫn đến nhiều gia súc chết do rét.
 
Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa cho biết, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã đã có 25 con trâu, bò, dê chết do rét; tập trung nhiều ở các thôn: Khai Hóa, Quyền… Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân, UBND xã đã tuyên truyền, vận động bà con che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn gia súc, không thả rông đàn vật nuôi; tích trữ rơm và phụ phẩm nông nghiệp để dự trữ thức ăn cho vật nuôi. Chính quyền xã cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp về các hộ dân tuyên truyền, hướng dẫn bà con chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.
 
Minh Hóa là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở đây chỉ ở mức từ 10-14 độ C vào ban ngày, có thời điểm vào ban đêm chỉ từ 7-10 độ C. Tính đến ngày 24/2/2022, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có 68 con trâu, bò, dê bị chết do rét đậm, rét hại. Tập trung ở các xã: Thượng Hóa, Trung Hóa, Tân Hóa, Tiến Hóa…
 
Nguyên nhân dẫn đến số lượng gia súc trên địa bàn chết nhiều là do thời tiết cực đoan, rét đậm, rét hại đột ngột làm ảnh hưởng lớn đến sức chống chịu của đàn gia súc. Bên cạnh đó, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng chống đói rét ở một số hộ dân còn hạn chế, chưa bảo đảm; vẫn còn tình trạng thả rông trâu, bò…

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôiNgười dân chủ động dự trữ thức ăn để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.

Hiện nay, chăn nuôi gia súc, gia cầm được xác định là thế mạnh của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuyên Hóa. Những năm gần đây, số lượng đàn vật nuôi của huyện liên tục tăng, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện hiện hơn 39.000 con; trong đó, đàn bò 14.304 con, đàn trâu 7.263 con.
 
Ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho biết, những ngày qua, nhiệt độ trung bình trên địa bàn huyện đạt khoảng 10-12 độ C. Để chủ động ứng phó với tình trạng rét đậm, rét hại, giảm thiểu thiệt hại cho người dân, Phòng NN-PTNT đã tham mưu cho UBND huyện ban hành công điện chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi. Phòng cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể các vấn đề cần triển khai trong phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi để các địa phương thực hiện.
 
Bên cạnh đó, Phòng NNPTNT huyện và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra trực tiếp về các địa phương nhắc nhở, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét và tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. 

 
Theo số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, toàn tỉnh có 31.900 con trâu, 104.588 con bò, 241.105 con lợn và gần 4,7 triệu con gia cầm. Để chủ động phòng, chống đói, rét, giảm thiểu thiệt hại cho đàn vật nuôi, Sở NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
 
Ngành chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi: Cập nhật diễn biến thời tiết thường xuyên, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói rét cho vật nuôi; củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi; chủ động dự trữ thức ăn, các loại chất khoáng, vitamin thiết yếu và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi.
 
Các địa phương tập trung vận động mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng, không chăn thả tự do và làm việc khi xảy ra rét hại; dùng các loại chăn, áo cũ… hoặc các vật liệu khác để giữ ấm; chủ động nguồn thức ăn, tăng thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho vật nuôi. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ C, giữ trâu bò tại chuồng, không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời.
 
Người dân cần tăng cường công tác phòng bệnh, vệ sinh định kỳ, phun các loại thuốc sát trùng chuồng trại, các khu vực xung quanh chuồng nuôi; thực hiện việc tẩy giun sán và tiêm phòng đầy đủ cho trâu, bò theo hướng dẫn của cơ quan, cán bộ thú y địa phương.
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, tính đến ngày 24/2, toàn tỉnh có 98 con trâu, bò, dê chết do rét tại huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Lệ Thuỷ. Thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp, có thể đi kèm với nhiều đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển đàn vật nuôi, các địa phương cũng như người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, bảo vệ vật nuôi để giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất.
 
L.Chi
 
 
* Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, huyện Minh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống đói, rét, bảo vệ đàn vật nuôi…
 
Huyện Minh Hóa hiện có tổng đàn gia súc khoảng 35.000 con (số liệu tính đến cuối năm 2021), trong đó, đàn trâu khoảng 5.200 con, đàn bò hơn 13.080 con, đàn lợn gần 12.700 con, đàn dê khoảng 1.000. Để phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi, những ngày gần đây, đại đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn đã chủ động đưa trâu, bò về nuôi nhốt có kiểm soát trong chuồng kín gió. Nhiều hộ còn tiến hành sưởi ấm, bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn ủ chua hoặc rơm ủ urê, các loại muối khoáng, vitamin để tăng sức chống chịu rét cho trâu, bò. Một số hộ đã dùng các loại chăn, áo cũ hoặc các vật liệu khác để khoác giữ ấm cho đàn vật nuôi…  

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôiNgười dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đưa trâu, bò vào chuồng để tránh rét đậm, rét hại.

Bà Trương Thị Thanh Bê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) huyện Minh Hóa cho biết: Tính đến cuối ngày 24/2/2022, huyện Minh Hóa có 68 con trâu, bò của người dân tại các xã Thượng Hóa, Tân Hóa, Trung Hóa, Hóa Tiến, Trọng Hóa, Hóa Sơn bị chết do rét… Bám sát sự chỉ đạo từ Trung ương, tỉnh, huyện, Phòng NN-PTNT huyện đã tích cực tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, người dân triển khai phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
 
Phòng đã bố trí cán bộ chuyên môn về hỗ trợ UBND các xã, thị trấn cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trước diễn biến cực đoan của thời tiết; thành lập ban chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi đến từng thôn, bản và hộ gia đình, đặc biệt đối với khu vực có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do rét đậm, rét hại; giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và người đứng đầu thôn, bản, tiểu khu, tổ dân phố phối hợp với các đoàn thể để huy động nguồn nhân lực tại chỗ, bám sát địa bàn, thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi…
 
Bằng việc chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống rét đậm, rét hại cho đàn vật nuôi, đại đa số các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Minh Hóa đang nỗ lực hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra đối với lĩnh vực chăn nuôi. 
 
Văn Minh
 
* Để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết trong đợt rét đậm, rét hại, những ngày này, người dân TX. Ba Đồn đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm.
 
Gia đình anh Phạm Trường Sơn, ở thôn Phù Trịch, xã Quảng Lộc hiện có hơn 2.000 con gà đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Ngay khi nghe tin có đợt rét đậm, rét hại, anh đã chủ động mua thêm thức ăn dự trữ, kiểm tra các bóng đèn trong các chuồng để bảo đảm đủ độ sáng và giữ ấm ban đêm cho đàn gà. Ngoài ra, anh cũng đã mua thêm các tấm bạt để che chắn quanh chuồng trại, tránh gió lùa.
 
Anh Sơn cho biết, nhiệt độ xuống thấp là điều kiện thuận lợi cho các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như: Cúm, hen gà…Do vậy, với những con gà vừa được ấp thì anh sẽ chăm sóc kỹ, cẩn thận hơn, vì chúng dễ nhiễm bệnh và bị chết hơn so với những con gà đã trưởng thành. Anh Sơn cũng đã chủ động chia chuồng ra thành nhiều ô nhỏ, thắp bóng đèn có ánh sáng màu vàng để giữ ấm cho gà.

Chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôiNgười dân TX. Ba Đồn chủ động che chắn chuồng trại phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Với gia đình ông Nguyễn Minh Đào, thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, đàn bò là tài sản quý giá nhất. Xem trên tivi, sách báo biết được ở một số tỉnh phía Bắc những năm trước đã có nhiều trường hợp trâu, bò bị chết do nhiệt độ quá lạnh, nên ngay khi vào mùa đông, ông Đào đã chủ động che chắn cẩn thận chuồng trại.
 
“Gia đình tôi hiện nuôi 4 con bò, vào mùa rét, đặc biệt là những ngày rét đậm, rét hại như thế này, tôi nhốt bò trong chuồng chứ không chăn thả như ngày thường. Để có nguồn thức ăn trong những ngày mùa đông, trước đó, khi vừa thu hoạch xong vụ mùa, tôi đã dự trữ rơm khô, trồng thêm cỏ và chuối để cho đàn bò không bị đói. Ngoài ra, tôi còn tận dụng lá chuối khô, bao bì không dùng để vây quanh chuồng nhằm giữ ấm cho đàn bò của mình”, ông Đào cho hay.
 
Theo thống kê, TX. Ba Đồn hiện có hơn 7.500 con trâu, bò, hơn 13.200 con lợn và trên 280.000 con gia cầm. Xác định chăn nuôi là sinh kế để vươn lên thoát nghèo nên những năm gần đây, người dân TX. Ba Đồn đã chú trọng đến việc bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, nhất là vào mùa đông. Không chỉ dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại mà việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cũng được người dân thực hiện nghiêm túc…
 
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND TX. Ba Đồn cho biết, hiện nay, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp, thị xã đã ban hành nhiều văn bản gửi đến các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, phường trên địa bàn về việc triển khai các biện pháp ứng phó với rét đậm, rét hại và cử cán bộ chuyên môn trực tiếp về tận cơ sở kiểm tra, hướng dẫn người dân chăn nuôi áp dụng đầy đủ các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, che chắn chuồng trại tránh mưa rét, gió lùa. Không cho gia súc làm việc hay chăn thả ngoài đồng, bổ sung thức ăn tinh bột, giàu đạm, thức ăn thô xanh, uống đủ nước. Khi nhiệt độ xuống thấp quá, cần thiết phải đốt lửa để sưởi ấm cho đàn vật nuôi. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại để tránh dịch bệnh bùng phát…
 
X.Phú
 
 
 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202202/chu-dong-phong-chong-doi-ret-cho-dan-vat-nuoi-2198133/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm