7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Sống là hy vọng!

- Advertisement -

(Văn hóa) – Chấp chới những cánh én bay lượn lưng trời là dấu hiệu quen thuộc yêu thương của mùa nắng non đã tới. Năm Nhâm Dần 2022 này, qua Tết Nguyên đán mới đến tiết lập xuân. Kìa trông, nắng xuân lấp lánh dịu dàng trên những lộc cây, nụ hoa mới nhú. Nắng giêng hai cũng mỏng mảnh tơ non như cây cỏ giữa mùa khởi niên.
 

Sống là hy vọng!TP. Đồng Hới trong mùa xuân Nhâm Dần 2022. Ảnh: Bùi Cường

Trời đất còn se se lạnh nhưng khí xuân dường như đã tràn đầy mang những hy vọng tốt lành cho một năm mới. Tôi nghĩ, cuộc sống sẽ không còn là cuộc sống nữa khi con người bị lụi tắt hy vọng. Hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm nay. Những dự cảm tươi sáng về tương lai được chắp cánh từ lòng lạc quan của mỗi người, của mỗi gia đình và của cả dân tộc.
 
Dường như, trong thử thách gian nguy lòng lạc quan của dân tộc Việt càng bật sáng và lan tỏa. Lòng lạc quan chân chính là một thể hiện cần thiết của nhân sinh quan, biết đặt niềm tin đúng chỗ để vượt qua trở ngại và sống như không thể mất.
 
Tinh thần ấy chưa bao giờ xa lạ với dân tộc chúng ta; từ xưa đến nay vẫn được gìn giữ, truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác như một xác quyết về bản lĩnh Việt.
 
“Đừng than phận khó ai ơi/Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”. Ở một vùng đất khắc bạc nhất, nắng gió dữ dội nhất, bão lũ nhiều nhất đã nhú mọc lên câu ca đó. Câu ca đóng đinh vào cuộc sống như một minh triết nhân sinh giản dị nhắc nhở mọi người đừng bao giờ thối chí, nản lòng. Và hy vọng. Hy vọng đẹp như câu thơ vô cùng quen thuộc của thời đánh Mỹ: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Thơ Tố Hữu). Và hy vọng. Hy vọng bay cao như bài ca cất lên từ xà lim kẻ thù của những chiến sĩ cách mạng. “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng. Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân…” (Ca khúc của Văn Ký). Và hy vọng. Như dân tộc ta đã bình tĩnh, lạc quan, đồng lòng, đồng sức chống chọi với đại dịch Covid-19 trong hai năm qua.
 
“Cơn bão đen” mang tên Covid-19 có hoàn lưu vô cùng rộng lớn, nói chính xác là nó bao phủ toàn cầu và làm đảo lộn cuộc sống nhân loại trên trái đất. Hàng trăm triệu người bị nhiễm bệnh, hàng mấy triệu người bị tử vong. Bức tranh kinh tế thế giới trong hai năm 2020-2021 quá ảm đạm khi nhiều chuỗi sản xuất bị đứt gãy, có ngành đứng trên bờ vực phá sản. Mức độ giảm sút kinh tế toàn cầu trong đại dịch vượt hẳn những mốc lịch sử đen tối của loài người. Lúc này đây, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt, buộc con người vẫn phải hết sức cẩn trọng.
 
Việt Nam cũng không ngoại lệ; những đợt sóng Covid-19 ập đến, lần một, lần hai, lần ba, lần bốn làm chao đảo nền kinh tế và đời sống xã hội ở nước ta. Năm 2021, những tâm dịch nóng bỏng như Hải Dương, Bắc Giang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… đã không khỏi làm chúng ta lo âu, thậm chí có phần lúng túng khi đối phó. Các biến chủng mới của virút Corona làm thế giới không khỏi bất ngờ. Hàng nghìn người bị nhiễm bệnh, hàng trăm người tử vong mỗi ngày ở thành phố lớn nhất, đông đúc nhất nước ta. Dòng người ồ ạt rời TP. Hồ Chí Minh về quê trong mùa thu năm ngoái như những cơn lũ buồn ám ảnh chúng ta. Nhưng, trong lúc khó khăn nhất, nguy hiểm nhất, dân tộc Việt Nam vẫn biết lấy tình yêu thương làm sức mạnh để vượt qua đại dịch.
 
Chúng ta không sợ hãi, hốt hoảng, buông bỏ cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù gần như vô hình Covid-19. Niềm hy vọng Việt Nam sẽ vượt qua được đại dịch cực kỳ nguy hiểm tạo thêm năng lượng mới cho nhân dân ta trong cuộc chiến không tiếng súng này. Và có những điều kỳ diệu đã tới như câu chuyện cổ tích của thế kỷ hai mươi mốt. Hiện nay, cơ bản chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh bằng những nỗ lực rất lớn trong việc tiêm chủng và thực hiện “5K”. Việt Nam “đi sau về trước”, là 1 trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng phòng Covid-19 cao nhất trên thế giới.
 
Trong tình hình cực kỳ khó khăn như thế, nền kinh tế nước nhà vẫn đạt tăng trưởng dương, chính trị xã hội ổn định. Nhiều ngành kinh tế dần dần trở lại hoạt động năng nổ trong hoàn cảnh bình thường mới. Những chuyến bay lại nhộn nhịp đi về, đường sắt, đường bộ không còn đìu hiu thưa vắng nữa, du lịch dần dà khởi sắc trong mùa xuân này… Điều ít ai ngờ tới là thành phố mang tên Bác, tâm dịch nóng nhất nước đã trở lại “vùng xanh”. Con cháu ta sau thời gian dài học trực tuyến đã được đến trường trong những ngày đầu xuân. Nhìn gương mặt tươi sáng, hồn nhiên của con trẻ lòng ta không khỏi xúc động. Cảm giác như sau chiến tranh ầm ào bom đạn được thấy bầu trời mặt đất yên bình lảnh lót tiếng chim ca. Được nghe tiếng sông thao thiết chảy về bao la biển cả, tiếng mây bay qua những đỉnh núi, triền đồi. Càng thấm thía rằng với con người sự bình yên thật quý giá biết chừng nào.
 
Còn bao niềm vui nữa đang tới, mang những dấu hiệu tốt lành cho đất nước về sự hồi phục, phát triển mới sau những tháng ngày gần như bị đông lạnh, đóng băng vì Covid-19. Tất cả dường như đang trở lại với năng lượng mới trẻ trung, sung sức sau những cầm cự, dồn nén.
 
Ở góc nhìn tích cực, đại dịch Covid-19 “mang lại” cho nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng những bài học về sinh mệnh, sự tồn tại và phát triển của từng cá thể, gia đình, quốc gia và thế giới. Phải thấu hiểu và chọn cách sống thân thiện giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với con người. T
 
ăng trưởng kinh tế bằng mọi giá không phải là lựa chọn khôn ngoan của các quốc gia hiện nay mà điều quan trọng hơn rất nhiều là để lại cho mai sau một hành tinh, một đất nước, một quê hương xanh-sạch-đẹp; một thế giới, một quốc gia nhân văn, hòa bình, tôn trọng lẽ phải và ngập tràn yêu thương. Đấy mới là cái bảo đảm cho sự bền vững của sự sống trên hành tinh xanh giữa bao la vô tận của vũ trụ.
 
Con người sống trong sợ hãi và âu lo, từ xưa đến nay đều như thế, nhưng con người cũng luôn nuôi mầm hy vọng như một “bảo hiểm” cho sự tồn tại và phát triển lâu dài. Với Việt Nam điều này càng được minh chứng rõ ràng và nó được nung nấu, rèn đúc thành phẩm chất của dân tộc. “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
 
Chúng ta luôn tin vào tương lai của đất nước. Mỗi người dân Việt Nam trong gian nguy, thử thách vẫn chọn cho mình ngôi sao hy vọng. Sống là để hy vọng, để tin rằng ngày mỗi ngày một sáng hơn. Sống cũng là để yêu thương. “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người, sống để yêu nhau” (Thơ Tố Hữu).
 
Hành trình sống là hành trình yêu thương và hy vọng. Không thể nào khác được. Yêu thương và hy vọng không ngừng. Giữa mùa xuân này, mùa chim én bay, dù biết đất nước vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không hề bé nhỏ, trong lòng tôi lại ngân rung bài ca hy vọng. Tôi biết, hy vọng cũng chính là hạnh phúc của con người.
 

Tùy bút của Nguyễn Hữu Quý

 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202203/song-la-hy-vong-2198555/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm