Hàng ngày, họa sĩ Phan Văn Đắc dành hai tiếng lên ý tưởng, sáng tác tranh từ bẹ chuối khô nhằm giới thiệu quê hương, con người Quảng Bình.
Họa sĩ Văn Đắc năm nay 79 tuổi, sống cùng con cháu trong căn nhà nhỏ tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cạnh dòng sông Nhật Lệ. Phòng khách ở tầng một bài trí nhiều bức tranh kích thước lớn do ông sáng tác bằng bẹ chuối khô.
Giới thiệu với khách bức Thạt Luông, họa sĩ Đắc kể nhiều năm trước đi thăm Lào. Nhìn tòa tháp tráng lệ, ông đã ký họa lại trên giấy để về sáng tác bằng chất liệu do mình tự khai phá. Bức tranh được cắt, ghép và dán bằng bẹ chuối khô, với gam màu đơn giản gồm vàng, cánh gián, nâu, đen.
Họa sĩ Văn Đắc, người sáng tác tranh bằng chất liệu bẹ chuối. Ảnh: Hoàng Táo
Ông Đắc đến với tranh bẹ chuối khô rất tình cờ. Năm 1965, ông đi bộ đội, đóng quân tại chiến trường miền Tây Quảng Trị. Trong ít phút nằm võng nghỉ ngơi, ông muốn sáng tác một tác phẩm nhưng tìm quanh không có giấy bút. Thấy rừng chuối vươn sức sống mạnh mẽ giữa bom đạn, quanh thân chuối là những bẹ khô dẻo dai, ông nảy ý tưởng ghép tranh từ chất liệu này.
Xuống quân y mượn kéo, ông Đắc cắt ghép thành bức tranh nhỏ về vũ nữ đang múa ba lê, đặt tựa đề Khát vọng mùa xuân. Trên đường hành quân, tình cờ gặp bạn cũ là giáo viên, ông tặng lại tranh, được bạn treo ở phòng tập thể. Nhiều năm sau gặp lại, ông nghe bạn than thở: “Tranh ông làm tôi quá đau khổ, 4 năm không được tăng lương”. Quan niệm mỹ thuật thời đó không chấp nhận hình tượng vũ nữ trong bức tranh nên người bạn gặp rắc rối, ông giải thích.
Từng học ba năm trung cấp cơ khí, nhưng ông Đắc không theo nghề. Năm 1973, ông xuất ngũ về công tác ở UBND thị xã Đồng Hới (cũ), với nhiệm vụ vẽ tranh, làm khẩu hiệu, pano… cổ động. Nhớ lại bức tranh thời chiến, năm 1980 ông Đắc bắt đầu tìm tòi về hội họa, sáng tác nhiều tranh từ bẹ chuối khô. Lúc đầu chỉ là những bức nhỏ, đơn giản, được bạn bè động viên, ông dần đam mê. Từ đó đến nay, ông sáng tác khoảng 700 bức tranh, mở ba triển lãm cá nhân.
“Cả cuộc đời đam mê hội họa, tôi tự học, tự nghiên cứu, tìm ra chất liệu chứ không qua trường lớp gì hết”, họa sĩ Văn Đắc bộc bạch và tự hào “tôi xây dựng được nhà cửa, nuôi lớn con cái nhờ cả ở tranh bẹ chuối”.
Bức Khát vọng mùa xuân, được tác giả vẽ lại sau ngày hòa bình.
Bức Thạt Luông – Lào.
Bức Ăng Co Vát.
Bức Đồng Hới những chứng tích chiến tranh.
Bức Lối xưa.
Bức Bến bờ.
Bức Phong Nha đệ nhất động.
Bức Mèo và cánh hoa.
Về nghỉ hưu từ năm 2000, họa sĩ Văn Đắc sáng tác nhiều hơn. Lúc bây giờ kinh tế và du lịch phát triển, nhiều du khách, khu du lịch tìm đến mua tranh của ông. Khách trong và ngoài nước mua tranh làm kỷ niệm khi đến thăm Quảng Bình. Tỉnh nhà cũng mua tranh bẹ chuối và tặng cho đối tác như một món quà đặc biệt.
Không sử dụng màu và cọ vẽ như bao họa sĩ khác, ông tìm đến các vườn chuối quanh TP Đồng Hới, chọn những bẹ khô trên thân cắt về làm sạch, phơi khô rồi là phẳng, xử lý tránh mối mọt. “Phải chọn bẹ khô trên thân chứ không cắt tươi rồi về phơi khô được”, ông Đắc nói. Thời điểm phòng tranh đắt khách, vợ ông phải đi từng vườn chuối, chọn lọc cắt bẹ khô để ông dành thời gian sáng tác.
Sau khi lên ý tưởng, ông cắt bẹ chuối đã qua xử lý, rồi phối giữa các màu cánh gián, nâu, vàng, đen và dán lên thanh ván ép, còn ngày nay dán lên tấm aluminium (tấm nhôm nhựa sử dụng trong quảng cáo, nội thất), bên ngoài lồng khung, có kính hoặc không. Ngày nay, chất lượng keo dán tốt và có công nghệ chống ẩm nên tuổi thọ tranh được kéo dài hàng chục năm.
Họa sĩ Văn Đắc giới thiệu bức tranh phong cảnh về đất nước Triệu Voi, Lào. Ảnh: Hoàng Táo
Chủ đề chính trong tranh của họa sĩ Đắc là di tích lịch sử, quân đội, phong cảnh, chân dung. “Thời gian sáng tác tùy theo cảm hứng, có tranh gam màu đơn giản làm nhanh, nhưng có bức trăn trở nhiều ngày liền”, ông nói. Thường những bức tranh về lịch sử, phong cảnh, ông dành nhiều tâm huyết nhất vì “phải thồi hồn vào tranh”. Những bức phong cảnh như Chùa Hoằng Phúc, Lối xưa..., ông đến tận nơi tham quan, ký họa vào giấy rồi về sáng tác.
“Tôi đưa tranh đi triển lãm và giành một số giải, nhưng mảnh đất này nhỏ nên chỉ phát triển tranh mình đến một mức nào đó thôi”, ông tâm sự. Họa sĩ tặng nhiều tranh cho bảo tàng, như bức Hương sen vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh, Điểm chốt sáng tác về những chiến sĩ giải phóng tặng Bảo tàng Quân sự Việt Nam, bức chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho quê hương Lệ Thủy…
Họa sĩ Văn Đắc đang lên kế hoạch cho một trại sáng tác ở Đà Nẵng vào tháng 4 tới và hoàn thành tập sách 80 năm cuộc đời để lại cho con cháu.
Bẹ chuối khô, chất liệu sáng tác của họa sĩ Văn Đắc. Ảnh: Hoàng Táo
Họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình) cho hay, họa sĩ Văn Đắc thuộc thế hệ đầu tiên của mỹ thuật Quảng Bình, trưởng thành trong phong trào tuyên truyền văn hóa của công cuộc lao động sản xuất, kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước. Ông đã góp phần đưa hình ảnh quê hương, văn hóa và con người Quảng Bình đến với bạn bè trong nước và du khách quốc tế.
“Xem tranh ông, chúng ta có thể cảm nhận được hơi thở ấm áp từ hương đất, từ làng quê, góc sân vườn thân thuộc. Ông cũng rất thành công với mảng đề tài về chiến tranh được xây dựng từ các ký họa, ghi chép từ chiến trường được chuyển thể qua chất liệu bẹ chuối”, họa sĩ Sáng nói.
Nguồn: VnExpress