4.2 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Nghề xúc cá trên sông Nhật Lệ

- Advertisement -

(Phóng sự) – Trên dòng sông Nhật Lệ, từ xa xưa, ngư dân đôi bờ sinh sống bằng nhiều nghề đánh bắt thủy sản truyền thống, như: Rớ dàn, thả lưới, buông câu, giăng nò, đơm sáo… Rồi đến một ngày, người ta thấy xuất hiện thêm một nghề mới lạ, độc đáo: Xúc cá.
 
Những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ 20, trên thượng nguồn sông Nhật Lệ (đoạn từ cầu Long Đại xuôi về ngã ba Trần Xá-Hà Kiên của huyện Quảng Ninh), mỗi khi đêm xuống thường xuất hiện một chiếc đò nhỏ chèo qua lại giữa dòng, với ánh sáng lập lòe phía đằng mũi đò. Trên đò chỉ có hai người. Một người chèo lái và một người ngồi đằng trước mũi đò cùng với một ngọn đuốc. Thỉnh thoảng người này vung chiếc vợt về phía trước, rồi giật lùi đưa lên đò một con cá. 
 
Đó là ông Duy, một người dân ở Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế tập kết ra Bắc năm 1954. Cả gia đình ông sinh sống trên một con đò nhỏ. Sau một đêm cùng con đò lang thang trên sông nước, sáng hôm sau, có một phụ nữ nách rổ cá te tái chạy vào chợ Quán Hàu, chợ Côộc hoặc chợ xép thôn Trần Xá để bán, trên rổ độc nhất chỉ có loại cá đối. Đó là nghề xúc cá, một nghề “độc nhất vô nhị” lần đầu tiên xuất hiện ở vùng này.
 
Sau đây xin đề cập cụ thể về nét “độc đáo” của nghề xúc cá.
 
Trước hết là chiếc vợt-thứ “vũ khí” mang tính quyết định để bắt được… cá! Đối với nghề này, chiếc vợt hoàn toàn khác với chiếc vợt của người đi câu cả về hình thức lẫn quy trình thao tác. Cán vợt của nghề xúc cá dài khoảng 2m, to cỡ cán rựa được tạo bằng loại tre bạc màu vừa chắc, nhẹ vừa có độ dẻo. Vợt được đan bằng lưới, cấu tạo chóp nhọn hình tam giác trụ, cao khoảng 45cm. Miệng vợt tròn, đường kính không quá 30cm và được gắn vào đầu cán.
 
Thứ hai là nguồn sáng. Do làm nghề vào ban đêm nên phải có ánh sáng chiếu xuống mặt nước mới phát hiện được cá để xúc. Thời đó, phương tiện để tạo ra ánh sáng (ắc-quy, pin…) rất hiếm nên ông Duy dùng đoạn que gỗ có gắn một ống bơ trong đó quấn giẻ rách rồi tẩm dầu hỏa (hoặc dầu ma-dút), đốt lên thành ngọn đuốc.
 
Tuy nhiên, có “vũ khí” rồi nhưng muốn để bắt được cá cũng không phải dễ dàng! Đối tượng chính của nghề này duy nhất chỉ có một vài loại cá có đặc tính săn mồi sát lên mặt nước vào ban đêm, đặc biệt là con cá đối. Cá đối chủ yếu sinh sống vùng nước mặn và nước lợ. Con dài nhất cũng khoảng 25cm, thân tròn, thức ăn chủ yếu là rong rêu, phù du. Ban đêm, phải chờ khi con nước lò (nước kiệt hoặc cường hết cỡ, dừng lại để chuyển trạng thái) hoặc vào những đêm trăng sáng.
 
Đây là thời điểm cá đối thường nổi lên kéo đi từng đàn, đuôi quẫy nước tạo nên âm thanh tí tách như mưa rào để tăm mồi. Đò xúc cá phải có độ dài từ 7-8m, mình thon, nhẹ và chỉ một người chèo lái. Người chèo phải có kỹ năng tốt để sao cho mái chèo chém nước ngọt, con đò đi nhanh, đằm nhưng không được khua nước phát ra tiếng động, làm cho đàn cá hoảng sợ mà lặn xuống đáy sông.

Nghề xúc cá trên sông Nhật LệÔng Mai Văn Sơn (con ông Duy) và ông Thái Toản (áo trắng, con ông Hài).

Người xúc cá đội nón ngồi đằng mũi đò, tay trái cầm đuốc đưa lên quá đầu (sở dĩ phải đội nón là để che ánh sáng khỏi lóa mắt). Tay phải cầm cây vợt, dựng đứng đầu vợt lên phía trên. Đôi mắt của người xúc cá liên tục quan sát, đảo quanh vầng sáng của đuốc. Khi phát hiện cá lướt ngang trước mũi đò là nhanh chóng xoay vợt “cuốc” xuống mặt nước đón đầu hướng cá bơi (như động tác cuốc đất nhưng chỉ bằng một tay) và kéo giật lùi về phía sau cho cá chui vào vợt, đồng thời nghiêng cán vợt đổ cá vào giữa lòng đò.
 
Những năm đầu, do đặc điểm của cuộc sống lênh đênh trên sông nước, ông Duy sớm làm quen và kết bạn thân thiết với hai lão ngư sở tại. Đó là ông Hài ở thôn Trần Xá (xã Hàm Ninh) và ông Phè ở làng Trung Bính (xã Bảo Ninh). Cả ông Hài và ông Phè đều là những “cần thủ” có tiếng và cũng sinh sống trên đò ở vùng này. Trong quá trình kết giao, ông Duy đã truyền lại nghề xúc cá lại cho hai ông bạn già. Từ đó, trên quãng sông này, ban đêm xuất hiện thêm ánh đèn và một con đò làm nghề xúc cá nữa, đó là ông Hài.
 
Riêng ông Phè sau khi được “thầy Duy” truyền nghề, ông cùng con đò quay về lại làng cát Bảo Ninh. Với vốn tính năng động, sáng tạo, ông đã rút được nhiều kinh nghiệm. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết tâm cải tiến nâng cao chất lượng hiệu quả nghề xúc cá. Chiếc vợt của ông Duy đan bằng sợi dây gai nên luôn nhuốm nước, vành miệng vợt thô dày nên khi “cuốc” xuống mặt nước gây lực cản lớn, con cá dễ thoát! Ông Phè đan bằng sợi cước vừa bền vừa ráo nước. Vành miệng vợt thanh, chắc, lại nhẹ nên khi thao tác có tốc độ nhanh và hiệu quả hơn.
 
Về ánh sáng, do dùng nhiên liệu bằng dầu nên bị hạn chế tầm quan sát. Vả lại những khi gặp cơn gió to, ánh sáng thường nhập nhòe hoặc bị tắt. Ông Phè đã cải tiến bộ đèn ông dùng để đi bắn nai trước kia, nên tầm quan sát rộng hơn cây đuốc. Chất đốt được sử dụng bằng đất đèn (Can xi Cacbua) nên ánh sáng tập trung, khỏe và đèn đội ngay trên đầu, bớt đi được chiếc nón. Sau khi hoàn thành khâu “cải tiến kỹ thuật”, ông Phè đưa công trình vào thực nghiệm.
 
Vùng hạ lưu sông Nhật Lệ là nơi hội tụ phong phú các loài thủy, hải sản từ biển vào cư trú, nhất là cá đối. Ở đây, vào những đêm tối trời, đứng trên đò nhìn xuống mặt nước thỉnh thoảng sẽ thấy một cảnh tượng vô cùng hấp dẫn, đẹp mắt. Do đây là vùng giáp biển nên nước có độ mặn cao. Mỗi khi cá đối săn mồi lao theo đàn với tốc độ lớn, chất lân tinh trong nước tạo thành các vệt sáng xanh nối nhau như những ngôi sao băng giữa trời đêm!
 
Buổi thực nghiệm đầu tiên của vợ chồng ông Phè đêm hôm đó đã thu được kết quả mỹ mãn. Hai chiếc rổ để giữa khoang đò đầy ắp cá đối. Thêm vào đó là mấy con cá loi to, vài con doái, kìm…(cùng là loại cá săn mồi tầng trên). Một yếu tố khách quan tạo nên nữa là do ở vùng này từ trước đến giờ chưa hề có một ai làm nghề này, cho nên họ hàng nhà cá đối “hết sức ngỡ ngàng” trước luồng ánh sáng lạ!
 
Như vậy, từ một người “ngoại đạo”, chỉ một thời gian ngắn, ông Phè đã học được nghề xúc cá. Không những thế, ông còn đưa nghề lên “trình độ cao hơn và trở thành nhân vật thứ ba (sau ông Duy và ông Hài) hành nghề xúc cá duy nhất vùng hạ lưu sông Nhật Lệ. Đến ngày Mỹ leo thang đánh phá Đồng Hới, sông Nhật Lệ đầy kín thủy lôi, bom mìn nên họ đã cùng con đò đi sơ tán và cũng thôi hành nghề xúc cá từ đó.
 
Khi tôi viết lại những dòng ký ức này thì cả ba ông ngư phủ hành nghề xúc cá trên sông Nhật Lệ ngày ấy đã đi xa. Những câu chuyện ngày xưa nhắc lại càng thêm nhớ về hình ảnh đẹp của một nghề sông nước “độc đáo”. Nghề xúc cá trên sông Nhật Lệ cũng đã dần đi vào hoài niệm…                                
 
                                                      Đoàn Đoàn

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/phong-su/202204/nghe-xuc-ca-tren-song-nhat-le-2199134/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm