2.4 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Lời thỉnh cầu từ những người đã khuất

- Advertisement -

(Xã hội) – 75 năm trước, ngày 29/11/1947, thực dân Pháp gây ra vụ thảm sát kinh hoàng ở thôn Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) khiến cho hơn 300 người dân vô tội chết oan khuất. Gần một năm sau đó, ngày 19/3/1948, giặc Pháp tiếp tục đưa 4 “hạt giống đỏ” cơ sở cách mạng làng Mai Hạ, xã Xuân Thủy xử bắn, cũng tại chân cầu Mỹ Trạch. Họ mất đi, nhưng những đóng góp của họ cho sự nghiệp cách mạng… đến tận bây giờ vẫn chưa được vinh danh.
 
Câu chuyện của những người trong cuộc
 
Chúng tôi trở lại thôn Mỹ Trạch, thắp nén tâm hương trước nhà bia ghi nhớ trận thảm sát kinh hoàng năm xưa. Cùng đi với chúng tôi có luật sư Lê Minh Tâm, Văn phòng Luật sư Hướng Dương, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Bình, người thân của 4 “hạt giống đỏ” làng Mai Hạ bị giặc Pháp xử bắn tại chân cầu Mỹ Trạch ngày 19/3/1948.
 
Theo các văn bản, giấy tờ xác nhận của những người trong cuộc thời kỳ 1947-1949 thì 4 nạn nhân bị giặc Pháp xử bắn, gồm: Đỗ Thị Cõi (SN 1905), Lê Văn Đồn (SN 1930), Lê Thị Chắt (SN 1932), Lương Thị Bẻo (SN 1933). Bà Đỗ Thị Cõi, ông Lê Văn Đồn chính là mẹ và anh trai ruột của ông Lê Minh Tâm. Cả 4 người đều tham gia cách mạng trong tổ tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến do bà Đỗ Thị Cõi phụ trách.
 
Bà Đỗ Thị Cõi có chồng là ông Lê Thâm (SN 1896), trước cách mạng tháng Tám đi lính khố xanh. Năm 1945, làm ủy viên quân sự thôn, tham gia huấn luyện dân quân, du kích tại địa phương. Ông bà Lê Thâm, Đỗ Thị Cõi sinh hạ 9 người con, trong đó có các con trai Lê Văn Đồn, Lê Văn Tập, Lê Minh Tâm… Ông Lê Văn Tập vào năm 1946, khi mới tròn 14 tuổi, thoát ly theo cách mạng, làm chiến sỹ liên lạc, trinh sát Đại đội 361, bộ đội địa phương huyện Lệ Thủy.
 
Trở lại với trường hợp 4 người trong tổ tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến bị địch bắt và xử bắn ngày 19/3/1948, quá trình tham gia cách mạng, họ đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội ở huyện Lệ Thủy thời kỳ này.
 
Năm 1983, ông Võ Thuần Nho (em ruột Đại tướng Võ Nguyên Giáp), nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính (UBKCHC) huyện Lệ Thủy xác nhận: “Tôi, Võ Thuần Nho, chứng nhận bà Đỗ Thị Cõi, mẹ ông Lê Văn Tập trong những năm kháng chiến chống Pháp ở huyện Lệ Thủy là cơ sở cách mạng, được giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực cho chiến khu huyện”. 

Lời thỉnh cầu từ những người đã khuấtCầu Mỹ Trạch, khu vực phía bên phải là nơi thực dân Pháp xử bắn 4 “hạt giống đỏ” làng Mai. Địa điểm nơi xử bắn cũng là nơi xảy ra trận thảm sát năm 1947, hiện tại được người dân Mỹ Trạch xây một nấm mộ chung cho những nạn nhân xấu số.

Ông Trần Sự, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình vào năm 2014 nhớ lại sự kiện bi thương này như sau: “Tôi công tác tại cơ quan quân sự huyện nên có điều kiện và quan hệ rất chặt chẽ với nhiều cơ quan kháng chiến và các địa phương, biết rõ giai đoạn năm 1947-1948, địch vừa tăng cường bình định vùng đồng bằng vừa chọn thời cơ đem lực lượng càn quét, tấn công lên chiến khu. Vụ tàn sát hơn 300 dân thường Mỹ Trạch là một minh chứng cho chiến dịch uy hiếp phong trào kháng chiến. Địch tăng cường lùng sục, bắt giam những người có liên quan đến hoạt động cách mạng, vây ráp, dồn dân và những nhân tố tích cực của cách mạng đưa về biệt giam tại các đồn Thượng Phong, Hòa Luật, Phú Thiết… sau đó đem hành quyết ở chân cầu Mỹ Trạch ngày 19/3/1948, trong đó có bà Đỗ Thị Cõi, con trai Lê Văn Đồn, Lương Thị Bẻo là em gái đồng chí Lương Hữu Sắt (Đại đội trưởng Đại đội 361) và Lê Thị Chắt”.
 
Cũng vào năm 2014, ông Lê Hồng Tạc, nguyên thư ký UBKCHC xã Lê Khiếu, huyện Lệ Thủy thời kỳ năm 1948 xác nhận: “Thời gian này tôi biết các anh chị Lê Văn Đồn, Lương Thị Bẻo, Lê Thị Chắt là những đoàn viên Đoàn Thanh niên cứu quốc ưu tú có nhiệm vụ bí mật tiếp tế thuốc men và lương thực cho bộ đội địa phương do bà Đỗ Thị Cõi phụ trách. Địch đi càn thu được giấy tờ của họ nhưng không bắt được người. Giặc Pháp hạ lệnh cho hội tề thôn Mai Hạ phải tìm nộp cho chúng những người trên, nếu không dân làng sẽ bị “ba sạch” (bắt sạch, đốt sạch, giết sạch). Vì sự an toàn của dân làng, hội tề thôn Mai Hạ khuyến dụ, nộp họ cho giặc Pháp, cứu nguy dân làng. Mặc dù bị tra tấn, chịu nhiều cực hình nhưng họ không khuất phục, nên ngày 19/3/1948, thực dân Pháp đưa họ ra bắn tại chân cầu Mỹ Trạch”.
 
Cần vinh danh những người đã khuất
 

Lời thỉnh cầu từ những người đã khuấtChủ tịch UBND xã Xuân Thủy: “Sẽ cố gắng kiến nghị các ngành chức năng sớm công nhận, suy tôn liệt sỹ cho 3 trường hợp còn lại theo đúng quy định pháp luật”.

Gương hy sinh quả cảm của 4 “hạt giống đỏ” làng Mai Hạ trong tổ tiếp tế lương thực phục vụ kháng chiến do bà Đỗ Thị Cõi phụ trách được các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân đội và thế hệ cùng lứa tuổi, cùng địa phương thời kỳ đó ở huyện Lệ Thủy chứng kiến và xác nhận.

Quá trình thân nhân họ làm hồ sơ đề nghị nhà nước ghi công, suy tôn liệt sỹ, đến năm 1985 thì bà Đỗ Thị Cõi được công nhận liệt sỹ chống Pháp. Tuy nhiên, 3 thành viên còn lại là Lê Văn Đồn, Lương Thị Bẻo, Lê Thị Chắt thì không được công nhận và suy tôn.

Lý do không công nhận liệt sỹ được ông Dương Văn Nở, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy (nay đã về hưu) trả lời cho thân nhân của họ vào năm 2015 như sau: “Căn cứ Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, ngày 22/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ. Tại chương II, Điều 3, căn cứ xác nhận liệt sỹ: 1- Danh sách liệt sỹ lưu tại cơ quan, đơn vị có ghi tên người hy sinh hoặc giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý lập từ ngày 31/12/1994 trở về trước có ghi nhận là liệt sỹ hoặc hy sinh trong chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu. 2- Người hy sinh được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sỹ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sỹ từ ngày 31/12/1994 trở về trước”.
 
“Hiện nay, tại xã Xuân Thủy không có danh sách lưu tên liệt sỹ và phần mộ không có trong nghĩa trang liệt sỹ huyện và Nhà bia ghi tên các liệt sỹ của xã. UBND xã không tiếp nhận hồ sơ để làm căn cứ đề nghị xác nhận liệt sỹ cho ông Lê Văn Đồn, bà Lương Thị Bẻo và bà Lê Thị Chắt”.
 
Sự kiện giặc Pháp xử bắn 4 “hạt giống đỏ” cách mạng làng Mai Hạ xảy ra cách đây 74 năm, hầu hết lãnh đạo, đồng đội, đồng chí của họ và những người chứng kiến đều đã mất. Ông Trần Sự khi còn sống vẫn đau đáu: “Mong các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết, cho những người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng khỏi bị thiệt thòi”. Riêng ông Lê Hồng Tạc, nguyên thư ký UBKCHC xã Lê Khiếu chạnh lòng: “Họ hy sinh vì nhiệm vụ, vì bà con ruột thịt nhưng chưa được truy tặng liệt sỹ là một mất mát cho thôn Mai Hạ. Rất mong các cấp chính quyền xem xét, ghi nhận để các anh chị sớm được công nhận, suy tôn liệt sỹ”.

“UBND xã đã tiếp nhận thông tin, luôn đau đáu về công lao, xương máu của thế hệ cha anh đi trước hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, sự việc này vượt thẩm quyền của xã. UBND xã sẽ tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng; đồng thời đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ nhằm sớm công nhận, suy tôn liệt sỹ cho 3 trường hợp Lê Văn Đồn, Lương Thị Bẻo, Lê Thị Chắt theo đúng quy định pháp luật”, ông Dương Đức Phố, Chủ tịch UBND xã Xuân Thủy cho biết.

- Advertisement -

                                                                       
                                    Ngô Thanh Long

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/toa-soan-ban-doc/202204/loi-thinh-cau-tu-nhung-nguoi-da-khuat-2199186/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm