6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4): Lan tỏa tình yêu sách trong nhịp sống hiện đại

- Advertisement -

Trước thực trạng văn hóa nghe, nhìn đang lấn dần văn hóa đọc như hiện nay, Thư viện tỉnh, ngành Giáo dục-Đào tạo và các ngành, đơn vị liên quan đã có những cách làm linh hoạt, sáng tạo nhằm khơi dậy, lan tỏa niềm đam mê tìm hiểu kiến thức qua sách, báo, cũng như rèn luyện thói quen đọc sách cho mọi người, nhất là các em học sinh (HS).

Nỗ lực thu hút người đọc

Ông Nguyễn Bá Tước, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Để khuyến khích độc giả nói chung, thiếu nhi nói riêng tiếp cận nhiều hơn với sách, những năm gần đây, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và phát huy vai trò của thư viện cơ sở. Đặc biệt, thư viện đã có sự đầu tư đáng kể cho phòng đọc thiếu nhi, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và bổ sung nguồn sách phong phú, như: Truyện tranh nước ngoài, truyện cổ tích Việt Nam, sách về thế giới động vật, thiên nhiên, sách giáo dục kỹ năng sống và một số loại sách phục vụ trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Ngoài việc thu hút HS các cấp học đến học bài, đọc sách, thư viện còn chú trọng việc tuyên truyền, giới thiệu sách đến với bạn đọc… Từ đó, khuyến khích các em HS xây dựng thói quen đọc sách, tìm hiểu, khám phá những điều bổ ích từ sách.

Nhằm thích ứng an toàn với dịch Covid-19, thư viện đã tập trung đổi mới hình thức phục vụ, đầu tư về công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc trong tra cứu, tìm hiểu thông tin…Đơn vị còn đẩy mạnh hoạt động phục vụ bạn đọc tại cơ sở bằng việc sử dụng xe thư viện lưu động để mang sách đến các trường học trên địa bàn tỉnh, nhất là  ở vùng sâu, vùng xa và quan tâm đến việc huy động nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ, xây dựng, phát triển hệ thống tủ sách cơ sở, tăng cường luân chuyển sách, báo phục vụ nhân dân. Hiện tại, thư viện có trên 130.000 đầu sách (chưa kể sách điện tử), trong đó trên 15.000 bản dành cho thiếu nhi.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4): Lan tỏa tình yêu sách trong nhịp sống hiện đạiHọc sinh thích thú trải nghiệm các hoạt động nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Để bắt kịp xu thế, thư viện đã tập trung triển khai việc chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của đơn vị, bảo đảm cung ứng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Đơn vị đã đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và triển khai nghiên cứu, ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn, chú trọng xây dựng nguồn lực số, quản lý, phục vụ nguồn lực thông tin số cho bạn đọc.

Cùng với việc đầu tư hệ thống máy chủ, máy trạm, hệ thống mạng, thiết bị mạng và bảo mật an toàn dữ liệu, thư viện còn đầu tư các phần mềm tiện ích, duy trì trang thông tin điện tử để cập nhật, chuyển tải nhiều thông tin quan trọng, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận nguồn tài nguyên của đơn vị. Đến nay, kho sách thư viện số của đơn vị cơ bản đầy đủ các nội dung về lịch sử, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, tài liệu về địa phương, danh nhân văn hóa, lịch sử địa phương… để phục vụ bạn đọc.

Để học sinh yêu sách

- Advertisement -

Phát triển văn hóa đọc trong trường học là một trong những nhiệm vụ được ngành Giáo dục-Đào tạo rất chú trọng. Hàng năm, ngành luôn tích cực hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Thông qua các hình thức, như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động HS đọc sách, giới thiệu sách hay, sách mới, thi tìm hiểu về sách, viết, vẽ cảm nhận về sách… đã thu hút rất nhiều HS các cấp học tham gia. Qua đó, khơi dậy tình yêu đối với sách, hình thành thói quen đọc sách, thói quen học tập suốt đời của người dân, đặc biệt là HS, sinh viên, góp phần xây dựng một xã hội học tập.

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, nhu cầu về đọc sách của người dân nói chung, HS nói riêng đang có xu hướng giảm dần mà thay vào đó là sử dụng internet, mạng xã hội và thiết bị điện tử thông minh. Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều trẻ nghiện các trò chơi điện tử dẫn đến việc học hành, sức khỏe sa sút… Cũng bởi lười đọc sách nên vốn văn chương, kỹ năng giao tiếp của không ít HS bị hạn chế… Trước thực trạng đó, các trường học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, như: Tổ chức ngày hội đọc sách, tuyên truyền cho HS về lịch sử ra đời Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm xây dựng văn hóa đọc trong HS, sinh viên. Hầu hết các trường học đều chú trọng đến việc bổ sung đầu sách, phát động phong trào thu gom sách để hỗ trợ cho những trường học thuộc vùng sâu, vùng xa.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4): Lan tỏa tình yêu sách trong nhịp sống hiện đạiHình thành thói quen đọc sách cho HS là nhiệm vụ được các trường học hết sức chú trọng.

Cô giáo Trần Thị Phương Mai, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đồng Mỹ (TP. Đồng Hới) cho biết: Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn quan tâm đến công tác thư viện, bổ sung nhiều đầu sách quý phục vụ công tác giảng dạy, học tập, giải trí cho giáo viên, HS. Trường luôn tổ chức tốt hoạt động giới thiệu, định hướng cho các em cách lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi, tổ chức cho HS viết cảm nhận về cuốn sách đã đọc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế để các em có điều kiện chia sẻ thông tin, lan tỏa tình yêu đọc sách trong toàn trường.

Điều đáng ghi nhận là các trường học đều rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, tập trung đầu tư sách, thiết bị cho thư viện, chú trọng mô hình thư viện xanh, góc thư viện lớp học… Các thư viện luôn chú trọng việc bố trí, sắp xếp sách khoa học theo từng chủ đề, phù hợp với lứa tuổi của HS. Không gian đọc sách tại trường học được thiết kế xanh, sạch, đẹp nên thu hút rất đông HS đến thư viện tìm đọc và mượn sách về nhà. Bên cạnh đó, các trường học cũng không ngừng đổi mới cách thức tổ chức hoạt động nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HS tiếp cận thường xuyên với sách, như: Xây dựng câu lạc bộ đọc sách, tổ chức những cuộc giao lưu, cuộc thi nhằm giúp HS vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn…

Mỗi thầy cô giáo ngoài việc truyền thụ kiến thức, còn là những người trực tiếp hướng dẫn, “truyền lửa” niềm say mê đọc sách cho HS. Cùng với đó, các nhà trường đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện thân thiện, huy động HS, giáo viên cùng tham gia ủng hộ sách, báo, truyện làm phong phú thêm nguồn sách thư viện. Từ nhiều cách làm hiệu quả, văn hóa đọc trong các nhà trường ngày càng có sức lan tỏa rộng rãi, thu hút đông đảo HS tham gia.

Cuộc sống hiện đại đã tạo ra nhiều sự thay đổi, trong đó có văn hóa đọc. Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách trong mỗi người, đặc biệt là đối với HS, các nhà quản lý, trường học và phụ huynh cần hướng các em đến với những cuốn sách gieo hạt giống tâm hồn nhằm khắc phục tình trạng quá lệ thuộc vào CNTT mà xa rời văn hóa đọc truyền thống.

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động nhằm khẳng định vị trí, vai trò tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người… Nhiều hoạt động được triển khai, thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, như: Chương trình Hội sách Quảng Bình năm 2022 tại sân Trung tâm Văn hóa tỉnh (cũ), triển lãm sách, báo tại Thư viện tỉnh, tọa đàm về ngày sách, đẩy mạnh hoạt động thư viện lưu động đến cơ sở, tăng cường tuyên truyền giới thiệu sách, báo… và nhiều hoạt động liên quan khác.

- Advertisement -

Nh. V

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/van-hoa/202204/huong-ung-ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-214-lan-toa-tinh-yeu-sach-trong-nhip-song-hien-dai-2199556/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm