6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lệ Thuỷ: Khởi sắc kinh tế trang trại

- Advertisement -

(Kinh tế) – Để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lao động và tài nguyên đất đai ở địa phương, những năm gần đây, huyện Lệ Thủy đã tập trung xây dựng, phát triển nhiều mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân…
 
Thu nhập cao từ kinh tế trang trại
 
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Lê Xá, xã Mai Thủy có tổng diện tích 1ha với số lượng nuôi từ 700-800 con/năm. Năm 2021, doanh thu mà trang trại của ông đạt được khoảng 3 tỷ đồng, lợi nhuận đưa lại gần 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế ở địa phương.
 
Theo chia sẻ của ông Trung, để đạt được những con số ấn tượng đó, gia đình ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn áp dụng công nghệ cao có đủ hệ thống làm mát, nước uống… Ngoài ra, để bảo vệ môi trường, ông đã sử dụng các loại men sinh học, xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải và tận dụng nguồn chất thải để làm phân bón cung cấp cho các cơ sở trồng trọt…
 
“Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm cho thị trường tiêu thụ, giá lợn giảm mạnh, nhưng gia đình tôi đã chủ động mở gian hàng thực phẩm để bán thịt lợn nhằm giải quyết khó khăn và tạo việc làm cho con em trong xã…”, ông Trung cho hay. 

Lệ Thuỷ: Khởi sắc kinh tế trang trạiNhiều mô hình kinh tế trang trại ở huyện Lệ Thủy mang lại hiệu quả cao.

Trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Lê Hà Giang ở thôn Thanh Mỹ, xã Thanh Thủy có quy mô 1ha, được đầu tư xây dựng hệ thống làm mát, sục khí, lọc nước… với tổng chi phí gần 10 tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Giang, trang trại của ông chuyên về nuôi cá chình trong bể xi măng, ngoài ra còn có nuôi thêm ếch. Vụ nuôi vừa qua, gia đình ông đã sản xuất được gần 4 vạn cá giống, cung ứng cho các hộ nuôi trong tỉnh và các tỉnh, như: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hải Phòng… Tổng trị giá sản phẩm mà gia đình ông thu được đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm.
 
Ngoài những trang trại có quy mô, trang trại có thu nhập từ vài trăm triệu đồng/năm ở huyện Lệ Thủy cũng chiếm số lượng khá lớn, như: Trang trại chăn nuôi lợn, cá của ông Đinh Đăng Tuân (Hưng Thủy); trang trại nuôi cá lóc, nuôi gà, lợn thịt của ông Phan Viết Quý (Thái Thủy); trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Ngô Minh Phiện (Ngư Thủy); trang trại chăn nuôi của bà Bùi Thị Ngọc Trang, ông Trần Văn Hiệu (Phú Thủy); trang trại nuôi vịt, cá, ấp trứng vịt lộn của ông Võ Tiến Sỹ (An Thủy)…
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lệ Thủy cho biết: Tại địa phương, nhiều trang trại đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây con mới, công nghệ tiến bộ vào sản xuất, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, một số trang trại đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất như chuỗi giá trị cá chình, nuôi gia công gia cầm cho các đơn vị lớn. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của các trang trại tại địa phương đạt hơn 263 tỷ đồng…
 
Để các trang trại hoạt động hiệu quả
 
Theo kết quả rà soát, đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có 119 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Thông tư số 02/2020/BNN-PTNT, ngày 28/2/2020 của Bộ NN-PTNT. Trong đó, có 59 trang trại tổng hợp (chiếm 49,57%), 42 trang trại chăn nuôi (chiếm 35,29%), 13 trang trại lâm nghiệp (chiếm 10,92%), 5 trang trại nuôi trồng thủy sản (chiếm 4,2%). Trong số 119 trang trại đạt tiêu chí, có 7 trang trại có hoạt động đặc thù như: Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, ứng dụng công nghệ cao và thực hiện liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm…
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán đánh giá, kinh tế trang trại tại địa phương ngày càng có bước phát triển về số lượng, quy mô và giá trị sản phẩm hàng hóa. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn hơn, có liên kết sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu cho nông dân.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, kinh tế trang trại phát triển đã khai thác thêm diện tích đất trống, đồi núi trọc, diện tích khai hoang đưa vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nhất là ở các xã vùng gò đồi, vùng biển và ven biển; huy động lượng vốn đầu tư khá lớn trong dân (năm 2021 đạt gần 36 tỷ đồng) để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn (hiện tổng số lao động thường xuyên tại các trang trại là 448 người)…
 
Để kinh tế trang trại tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, thời gian tới, huyện Lệ Thủy rất cần tỉnh và các ban, ngành liên quan có chính sách hỗ trợ con giống, khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi; mở các lớp tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ các trang trại vấn đề xử lý môi trường trong khu vực chăn nuôi, như: Lắp đặt biogas, đệm lót sinh học, các chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại chăn nuôi…
 

“Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra của các trang trại còn khó khăn, thiếu ổn định; một số trang trại sản xuất, kinh doanh thiếu hiệu quả; công tác quản lý dịch bệnh và vệ sinh môi trường sinh thái còn hạn chế, vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra; số lượng trang trại sử dụng công nghệ cao và tham gia liên kết sản xuất còn ít… Đó là một số khó khăn, tồn tại mà các trang trại ở địa phương cần khắc phục…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy Nguyễn Hữu Hán cho biết.

 
Ngọc Hải

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202204/le-thuy-khoi-sac-kinh-te-trang-trai-2199630/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm