5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Gia tăng bệnh nhi nhập viện do thời tiết nắng nóng

- Advertisement -

(Y tế) – Những ngày vừa qua, do nền nhiệt độ tăng cao, trẻ em chưa kịp thích nghi nên số trẻ nhập viện có xu hướng gia tăng trên địa bàn toàn tỉnh. Các bậc cha mẹ cần lưu ý nâng cao thể trạng và giữ gìn vệ sinh cá nhân để bảo vệ sức khỏe, chủ động phòng bệnh cho trẻ trong mùa hè là khuyến cáo của ngành Y tế. 
 
Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới, những ngày vừa qua liên tục đón nhiều trường hợp trẻ em nhập viện với các bệnh thường gặp mà nguyên nhân đa phần đều liên quan đến thời tiết. Điển hình là các bệnh, như: Viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột, tiêu chảy, tay chân miệng… Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho hơn 10 bệnh nhân và đến thời điểm này các bệnh nhi vẫn gia tăng chưa có xu hướng giảm. 

Gia tăng bệnh nhi nhập viện do thời tiết nắng nóngThăm khám, điều trị cho bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.

Từ Bệnh viện đa khoa Minh Hóa, bác sĩ Đỗ Thanh Bình, Giám đốc bệnh viện cho biết, tại địa bàn miền núi Minh Hóa chưa ghi nhận bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, số trẻ em nhập viện điều trị các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, hen, viêm amidan), rối loạn tiêu hóa, một số ít trẻ sốt chưa rõ nguyên nhân, bệnh viêm màng não, Covid-19, động kinh… tăng gấp 2-3 lần so với các tháng đầu năm 2022. Trong đó, một số trường hợp nặng phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
 
“Khi bệnh nhi nhập viện, ngoài chăm sóc, điều trị bằng thuốc, các y bác sĩ, điều dưỡng tích cực hướng dẫn cho phụ huynh cách bảo vệ trẻ tại nhà trước diễn biến thất thường của thời tiết; khuyến cáo thường xuyên đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài để phòng, chống Covid-19, bụi mịn và lưu ý việc giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm hạn chế nhập viện gây quá tải cho hệ thống y tế. Hiện tại, tuy số trẻ nhập viện tăng cao, nhưng bệnh viện vẫn đang đáp ứng yêu cầu điều trị. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục gia tăng thì đơn vị sẽ gặp khó khăn do thiếu thuốc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế…”, bác sĩ Đỗ Thanh Bình thông tin thêm. 

Gia tăng bệnh nhi nhập viện do thời tiết nắng nóngCác y, bác sỹ Bệnh viện đa khoa TP. Đồng Hới chăm sóc điều trị cho trẻ nhập viện do thời tiết thất thường.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, bác sĩ Nguyễn Viết Thái cho hay: Khi thời tiết thay đổi, số lượng trẻ nhập viện chủ yếu do mắc các bệnh hô hấp (viêm phổi, viêm thanh khí phế quản, hen phế quản…) chiếm hơn 80%. Hiện, bệnh viện đang điều trị cho hơn 40 bệnh nhi bệnh lý hô hấp. Đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị để điều trị tích cực ngay từ khi trẻ vào viện. Thực tế, số trẻ nhập viện có tăng nhưng chưa quá tải bệnh nhân. Tuy nhiên, với diễn biến thời tiết thay đổi không theo quy luật như năm nay, khả năng số lượng trẻ nhập viện sẽ gia tăng. Nhận định tình hình trên, bệnh viện chủ động chuẩn bị số giường bệnh dự phòng cho tình huống này.  
 
Bác sĩ Nguyễn Viết Thái khuyến cáo: Để phòng bệnh hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ, cần quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ; giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu cho trẻ khi thời tiết trở lạnh, nhất là khi đưa trẻ đi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm; không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá. Đồng thời, cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn những thức ăn lấy trực tiếp từ tủ lạnh (kem, đá, nước lạnh); tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối gồm các nhóm dưỡng chất, như: Tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả; bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ và điều quan trọng nữa là bố mẹ phải chủ động cho con tiêm phòng vắc-xin để phòng, chống các loại bệnh. 

Gia tăng bệnh nhi nhập viện do thời tiết nắng nóngThời tiết nắng nóng là nguyên nhân khiến trẻ em nhập viện gia tăng trong những ngày vừa qua.

Tại bệnh viện tuyến trên, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam-Cuba Đồng Hới xác nhận, những ngày vừa qua, số bệnh nhi nhập viện gia tăng, cả 2 đơn nguyên Nhi A và Nhi B có gần 100 trẻ đang điều trị các bệnh về đường hô hấp, tiêu hóa, sốt xuất huyết, tay chân miệng… Một số trẻ nhỏ từ 1-3 tháng tuổi có diễn biến nặng và các y, bác sỹ đang nỗ lực điều trị cho các cháu.
 
“Điều quan trọng nhất vẫn là bố mẹ hay người chăm sóc trẻ phải tích cực thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn các loại dịch bệnh; bảo đảm cho trẻ được ở trong môi trường thoáng mát và thường xuyên vệ sinh, tắm cho trẻ đúng cách để giúp trẻ luôn sạch sẽ, thông thoáng mồ hôi, phòng tránh các bệnh lây qua da. Đáng lưu ý, cho trẻ uống nhiều nước, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý giúp cơ thể trẻ đủ sức chống lại bệnh tật; tập cho trẻ thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, bởi đây là một việc làm đơn giản nhưng hiệu quả phòng, chống bệnh rất lớn. Đặc biệt, khi trẻ bị bệnh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng khi đến bệnh viện bệnh đã diễn biến nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của trẻ”, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân chia sẻ thêm.
 
Để chủ động ứng phó hiệu quả với dự báo lượng bệnh nhi gia tăng do thời tiết thay đổi thất thường, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, thực hiện cách ly, kịp thời xử lý triệt để ổ dịch không để bùng phát dịch trong cộng đồng. Cùng với đó, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn chủ động chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị và nhất là huy động nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ cho công tác thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, trong đó, chú trọng phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.
 

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, ngăn chặn hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh tay chân miệng, sởi, cúm, tiêu chảy do virút Rota, sốt xuất huyết, viêm não và các dịch bệnh mùa hè khác trên địa bàn; tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, tổ chức các chiến dịch tuyên truyền vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi sinh hoạt; thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh ăn uống; thực hiện 3 sạch (ăn uống sạch, ở sạch và chơi đồ chơi sạch). Đặc biệt, tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, rửa tay bằng xà phòng; chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; vận động người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi tiêm. 

- Advertisement -

 
Nội Hà

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/suc-khoe/202206/gia-tang-benh-nhi-nhap-vien-do-thoi-tiet-nang-nong-2201024/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm