6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Xây dựng đội ngũ nhà giáo “thực tâm, thực tài, thực nghề”

- Advertisement -

(Giáo dục) – Trong lộ trình phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo chính là then chốt làm nên sự thành công. Khác với việc đào tạo giáo viên nói chung, đào tạo đội ngũ nhà giáo GDNN cần đặc biệt chú trọng đến kỹ năng, phát triển năng lực bắt kịp với sự đổi mới của công nghệ. Một đội ngũ nhà giáo “thực tâm, thực tài, thực nghề” sẽ là chìa khóa để đào tạo nên thế hệ trẻ giỏi kỹ năng, vững tay nghề.
 
Vững lý thuyết…
 
Theo số liệu của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH), hiện nay, đội ngũ cán bộ quản lý GDNN tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh có 140 người. Tổng số nhà giáo cơ hữu (thuộc biên chế và hợp đồng từ 12 tháng trở lên) tại các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh là 670 người.
 
Trong năm 2021, sở đã tổ chức nhiều hoạt động nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, như: Hội nghị triển khai và hướng dẫn thực hiện chính sách liên quan lĩnh vực công tác GDNN; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức 2 lớp bồi dưỡng chính trị hè; tổ chức 5 lớp bồi dưỡng chương trình xây dựng bài giảng E-Learning cho 160 cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN; 2 lớp bồi dưỡng công nghệ thông tin cơ bản cho 54 cán bộ quản lý, nhà giáo GDNN; tổ chức 2 hội nghị tập huấn về nghiệp vụ tư vấn tuyển sinh GDNN…
 
Năm qua, mặc dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho công tác dạy và học thường xuyên bị gián đoạn nhưng các cơ sở GDNN vẫn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng đội ngũ nhà giáo thực sự vững mạnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người học. Sở đã tổ chức đoàn tham gia hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021 theo hình thức trực tuyến. Với 5 nhà giáo tham dự trình giảng, Quảng Bình đã giành được 1 giải nhì, 3 giải 3 và 1 giải khuyến khích.
 
Đội ngũ nhà giáo của Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình hiện có 114 người, trong đó cơ hữu 77 người, thỉnh giảng 37 người. Theo ông Dương Vũ Nhật Đồng, Hiệu trưởng nhà trường, đội ngũ giáo viên (GV), cán bộ quản lý được tuyển chọn khá toàn diện. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo hiện tại và phát triển lâu dài của nhà trường, đặc biệt là định hướng phát triển các ngành, nghề trọng tâm, trọng điểm đạt chuẩn quốc tế và ASEAN, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ GV được tiến hành thường xuyên.
 
Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH chia sẻ, xác định chất lượng đội ngũ nhà giáo chính là chìa khóa then chốt để nâng cao chất lượng GDNN, vì vậy, sở luôn chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GDNN, nhất là kỹ năng nghề.
 
Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng nghề, cập nhật các kiến thức mới về nghề, năng lực tin học, ngoại ngữ; xây dựng đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn để tham gia đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp theo chuẩn quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế. Đồng thời tiếp tục tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh và tổ chức đoàn tham gia hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp toàn quốc năm 2022.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.

… Chắc kỹ năng nghề

Theo ông Nguyễn Duy Anh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, ngoài việc thường xuyên tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn, trường còn tổ chức các hội thi nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi công tác dạy và học trở lại bình thường, trường đã tổ chức liên tiếp hai hội thi là “GV lái xe giỏi, an toàn” và “Thiết bị đào tạo tự làm cấp cơ sở”.
 
Đây là hai sân chơi vừa trí tuệ, vừa đòi hỏi người GV phải có kỹ năng và không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và sức hút của các bài giảng. Thông qua hội thi “GV lái xe giỏi, an toàn” đã góp phần giúp các GV thể hiện kỹ năng bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện tập lái, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo lái xe nói riêng. Đây cũng là cơ hội để đánh giá năng lực chuyên môn của đội ngũ GV dạy thực hành lái xe, làm cơ sở cho việc đánh giá, phân loại GV cũng như công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ.
 
Từ thành công của hội thi, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp tiếp tục tổ chức hội thi “Thiết bị đào tạo tự làm cấp cơ sở” với sự tham gia của 8 thiết bị của các nhóm tác giả đến từ các khoa: Điện, Cơ khí và xây dựng công trình, Nông-Lâm-Ngư, Ban Thực hành lái xe. Thiết bị tham gia bao gồm: Dụng cụ, mô hình, bộ phận của thiết bị, thiết bị hoàn chỉnh, phần mềm và các phương tiện kỹ thuật khác được sử dụng trong quá trình đào tạo.
 
Là thành viên của nhóm tác giả giành giải nhất tại hội thi, anh Phan Anh Thắng, giảng viên Khoa Điện chia sẻ rằng hội thi là cơ hội tốt để khai thác trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo trong việc tự làm thiết bị đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. “Chương trình giảng dạy GDNN đòi hỏi GV phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo. Vì vậy, hội thi là dịp để chúng tôi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm về sáng chế, cải tiến thiết bị đào tạo. Từ đó, tạo phong trào tự làm thiết bị và nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đào tạo nghề. Đặc biệt, “Mô hình thực tập điều khiển tự động sử dụng bộ lập trình PLC S7-1200” mà chúng tôi tự làm sẽ phục vụ cho công tác giảng dạy và làm học cụ trực quan để học sinh học thực hành và rèn luyện kỹ năng tay nghề tốt hơn”, anh Thắng cho biết thêm.
 
Điều khác biệt của GV, giảng viên các cơ sở GDNN so với GV nói chung là kỹ năng nghề, chính vì thế, ngoài chương trình bồi dưỡng lý thuyết, các cơ sở đào tạo nghề cũng thường xuyên gửi giáo viên trực tiếp đến các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để tham gia đào tạo. Tại Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9, thời gian qua, trường cũng gửi GV tham gia vào khóa đào tạo máy điều hòa dân dụng thuộc Dự án Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho kỹ thuật viên ngành điện điều hòa không khí do Công ty CP Daikin tổ chức.
 
Trở về từ khóa đào tạo, anh Trương Văn Huỳnh, GV Khoa Điện-Cơ khí cho biết, quá trình đào tạo tại nhà máy của Daikin đã giúp anh tiếp nhận thêm nhiều kiến thức, cập nhập khoa học công nghệ, từ đó chắt lọc lại và ứng dụng trong quá trình giảng dạy cho học sinh, để khi ra trường, đi làm, các em không phải bỡ ngỡ khi tiếp cận các công nghệ mới.
 
Sự phát triển vượt trội của khoa học công nghệ buộc đội ngũ nhà giáo GDNN phải bắt kịp với công nghệ, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của cách mạng 4.0. Nếu không nhanh sẽ chậm, nếu không nắm bắt được sẽ dẫn đến việc đào tạo học viên sai định hướng và tất nhiên, không thể giải quyết tốt vấn đề việc làm đối với người học.
 
Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng nghề không chỉ là nỗ lực một phía từ các nhà giáo mà cần có sự phối hợp, tạo điều kiện giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Việc tiếp cận với máy móc, thiết bị hiện đại của doanh nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà giáo tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và thực tiễn sản xuất để nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình và truyền đạt cho học sinh, sinh viên. Khi có được một đội ngũ nhà giáo GDNN “thực tâm, thực tài, thực nghề” mới có thể nâng cao chất lượng đào tạo nghề, hướng đến xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao.
 
Diệu Hương

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/xa-hoi/202206/xay-dung-doi-ngu-nha-giao-thuc-tam-thuc-tai-thuc-nghe-2201098/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm