1.5 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Tuyên Hóa: Triển khai các giải pháp chống hạn cho vụ hè-thu

- Advertisement -

(Kinh tế) – Thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua đã khiến một số diện tích lúa hè-thu trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có nguy cơ thiếu nước tưới. Do vậy, nhiều địa phương đã và đang triển khai các phương án sử dụng nguồn nước tưới phù hợp để bảo đảm sản xuất.
 
Mong chờ “nước trời”
 
Sau 2 năm không thể sản xuất do thiếu nước và hạn mặn, vụ hè-thu năm nay, hơn 40ha ruộng lúa khô hạn đã được nông dân thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa tiến hành gieo trồng trở lại. Tranh thủ sau cơn mưa ngày trước, độ mặn nước sông Gianh còn thấp, ông Trần Đức Lưu, Trưởng thôn Uyên Phong phải bám máy bơm, bám ruộng để lấy nước tưới cho cánh đồng lúa của thôn.
 
Ông Trần Đức Lưu cho biết, cánh đồng lúa này vốn sử dụng nguồn nước sông Gianh cách đó mấy trăm mét. Vụ hè-thu năm 2020 và 2021, nước sông Gianh bị xâm nhập mặn, không thể lấy nước tưới, nên hơn 40ha ruộng lúa bị bỏ hoang. Từ đầu vụ hè-thu năm nay, trời có mưa, ruộng đồng vẫn còn nước, nên thôn Uyên Phong vận động nông dân gieo cấy. Giống lúa được lựa chọn để gieo là giống HN6 chất lượng cao, có khả năng chống chịu hạn tốt.

Tuyên Hóa: Triển khai các giải pháp chống hạn cho vụ hè-thuThiếu nước tưới do nước sông Gianh bị nhiễm mặn, cánh đồng lúa của thôn Uyên Phong, xã Châu Hóa khô nứt nẻ.

Nhưng hơn 1 tháng nay, cánh đồng lúa vẫn chủ yếu sử dụng nước trời. Mặc dù cây lúa cắm chân trên ruộng vẫn còn xanh tốt, nhưng đất ruộng đã khô nứt nẻ. 
 
“Giai đoạn này, cây lúa chuẩn bị thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng, nên việc cung cấp đủ nước  sẽ quyết định đến năng suất của sau này. Đợt tưới nước này cũng là đợt đầu tiên sau hơn 1 tháng gieo cấy. Nếu trong khoảng nửa tháng nữa, thời tiết vẫn nắng nóng và thiếu nước, chắc cả cánh đồng lúa khó có thể chịu đựng được. Do vậy, tranh thủ thời gian những ngày nước sông Gianh chưa bị xâm nhập mặn nặng, chúng tôi chạy hết công suất cả 2 máy bơm nước hiện có để lấy nước vào đồng ruộng…”.  Ông Trần Đức Lưu, Trưởng thôn cho hay.
 
Trao đổi về việc chuyển đổi diện tích lúa sang sản xuất các loại cây trồng phù hợp hơn, ông Lưu thông tin thêm: “Thôn đã có chủ trương chuyển đổi diện tích trồng lúa vụ hè-thu sang trồng các loại cây khác, nhưng cũng băn khoăn chưa biết cây gì phù hợp để trồng. Bởi, trước đây, có người chuyển sang trồng đậu xanh-cây chịu hạn tốt, nhưng cũng không ăn thua. Còn nếu trồng cây dài ngày hơn trồng lúa thì vào mùa mưa sẽ bị ngập lụt”.
 
Sử dụng nước tưới tiết kiệm, hợp lý
 
Vụ hè-thu năm 2022, toàn huyện Tuyên Hóa gieo trồng được hơn 1.191ha lúa, trong đó, hơn 974ha diện tích bảo đảm được nước tưới, còn lại hơn 217ha lúa phải bơm nước chống hạn.
 
Nhằm bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ hè-thu, ngay từ khi bước vào vụ sản xuất, huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch vận hành các hồ, đập một cách an toàn và hiệu quả; đồng thời, tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, tận dụng những nguồn nước tại chỗ và tích cực nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy để hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước tưới bị rò rỉ.
 
Hiện nay, huyện Tuyên Hóa đang quản lý, vận hành 84 hồ, đập lớn nhỏ với trữ lượng nước tại các công trình đạt khoảng 70% dung tích thiết kế. Tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình nắng nóng có thể kéo dài, mực nước trên các dòng sông, khe, suối trên địa bàn có xu hướng hạ thấp, nhiều khả năng sẽ gây ra hiện tượng thiếu nước cung cấp cho một số cánh đồng gieo trồng lúa hè-thu. 

Tuyên Hóa: Triển khai các giải pháp chống hạn cho vụ hè-thuNông dân huyện Tuyên Hóa lấy nước vào ruộng.

Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, để bảo đảm phòng, chống hạn, xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ hè-thu, Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các đơn vị liên quan, rà soát diện tích tưới tiêu phục vụ sản xuất, xây dựng phương án phòng, chống hạn, xâm nhập mặn; tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời triển khai các giải pháp chống hạn thích hợp, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất do hạn hán gây ra.
 
“Trước mắt, UBND các xã, thị trấn tiếp tục chủ động kiểm tra, cân đối nguồn nước hiện có tại các hồ chứa, ao, đầm, sông, suối để chủ động phương án cấp nước cụ thể đối với từng vùng; lập kế hoạch sử dụng nước, lịch tưới, mức tưới từng đợt, theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng. Đặc biệt, quá trình sử dụng nước thực hiện quy trình tưới tiết kiệm, áp dụng hình thức tưới ẩm, chống tổn thất, lãng phí, nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước để sản xuất, chăm sóc và thu hoạch”, ông Đinh Xuân Thương nhấn mạnh.
 
D.C.H

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202207/tuyen-hoa-trien-khai-cac-giai-phap-chong-han-cho-vu-he-thu-2201603/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm