1.5 C
New York
Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Cá quẫy trên cát…

- Advertisement -

(Kinh tế) – Vùng biển bãi ngang xã Ngư Thủy (Lệ Thủy) mấy năm gần đây phong trào nuôi cá lóc trên cát phát triển khá rầm rộ, tạo sinh kế bền vững và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Nhưng, để mô hình nuôi cá lóc thực sự phát triển bền vững hơn trên vùng cát Ngư Thủy vẫn là câu chuyện còn nhiều trăn trở ở phía trước…
 
Nuôi cá lóc trên cát…
 
Các mô hình nuôi cá lóc trên cát ở vùng biển Ngư Thủy xuất hiện từ giữa những năm 2000, nhưng người dân chỉ nuôi nhỏ lẻ để phục vụ thực phẩm cho những buổi chợ quê trong vùng và các địa phương lân cận. Sau này, khi đầu ra tương đối ổn định, nhiều hộ dân ở xã đã mạnh dạn đào ao nuôi cá để có nguồn thu.
 
Tròn một thập kỷ, gia đình anh Nguyễn Hữu Hậu (SN 1985) thôn Liêm Bắc gắn bó với con cá lóc trên vùng cát Ngư Thủy. Quãng thời gian 10 năm cũng đủ để anh Hậu hiểu và biết được nhiều điều trong hành trình nuôi cá lóc-sinh kế của người dân nơi vùng bãi ngang này.
 
“Tôi gốc gác tận Quảng Trị, ra Ngư Thủy định cư, bén duyên và lập gia đình vào năm 2012. Ban đầu cũng định hướng cho bản thân gắn bó với nghề biển, nhưng sức vóc không có, đành “bó gối, ôm chân” nhìn biển mà buồn bã. Được người em cọc chèo mách nước đào ao nuôi cá lóc để có thu nhập, tôi gật đầu đồng ý. Và, con cá lóc đã bắt đầu “vận” vào tôi từ đó…”, anh Hậu chia sẻ.
 

 
“Nuôi cá lóc trên vùng cát, chi phí lớn nhất là thức ăn công nghiệp. Với 5 ao nuôi như hiện tại, mỗi vụ nuôi gia đình tôi chi phí từ 220-230 triệu đồng. Để người dân thực sự có lãi, nhà nước cần bình ổn giá thức ăn, có thị trường tiêu thụ bền vững, hỗ trợ vốn vay cho người dân yên tâm hơn trong đầu tư nuôi cá lóc trên vùng cát Ngư Thủy…”, anh Nguyễn Hữu Hậu bộc bạch. 
 

Năm 2012, anh Hậu và người em cọc chèo đào 5 ao, lót bạt nuôi cá lóc trên cát với diện tích khoảng 500m2. Những buổi sơ khai, kinh nghiệm nuôi cá chỉ học qua sách vở, người đi trước và trải nghiệm ở một số tỉnh miền Trung. Vụ đầu tay, thành quả đạt được từ con cá lóc là “coi như làm không công”. Dần dần, vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm, đến giờ cơ bản mô hình nuôi cá lóc trên cát của anh Hậu đã có thu nhập ổn định.
 
“Trước đây, một vụ nuôi cá lóc trên cát thường kéo dài khoảng 4 tháng, nguồn thức ăn chủ yếu là cá tạp, ruốc… Nay, một vụ nuôi cá kéo dài khoảng 8-9 tháng, thức ăn chủ yếu là thức ăn công nghiệp và đôi khi có bổ sung thêm nguồn cá tạp khi người dân đi biển đánh bắt về. Hàng năm, mỗi vụ gia đình tôi xuất khoảng hơn 20 tấn cá, sau khi trừ chi phí thu lãi được hơn 200 triệu đồng…”, anh Hậu bộc bạch.
 
Nhà chị Trần Thị Lệ (SN 1977), thôn Liêm Bắc hôm nay khá bận rộn người mua, kẻ bán vì vụ cá lóc gia đình chị nuôi từ 8 tháng trước đã đến ngày thu hoạch. Từng sọt cá lóc nặng trịch được thương lái nhanh chóng đưa từ hồ đặt lên bàn cân, đóng gói cẩn thận và đẩy lên xe ô tô đang đợi sẵn.
 
Gia đình chị Lệ được xem là một trong những hộ dân tiên phong đào ao nuôi cá lóc ở vùng cát Ngư Thủy. Năm 2004, nhìn vùng cát trắng sau nhà, chị Lệ luôn trăn trở làm gì để thoát nghèo. Qua tìm hiểu, học hỏi, chị nhận thấy việc nuôi cá lóc trên cát hiệu quả cao nên đã mạnh dạn đầu tư thực hiện. 

Cá quẫy trên cát…Chị Trần Thị Lệ vui mừng vì vụ cá lóc được mùa, được giá.

“Hiện nay, gia đình tôi có 5 ao nuôi cá lóc, mỗi ao có diện tích khoảng hơn 200m2. Cá lóc được nuôi liên tục, thời gian nuôi khoảng 8 tháng là có thể xuất bán. Vụ này, gia đình tôi bán được khoảng hơn 20 tấn cá lóc; sản lượng trung bình của mỗi ao đạt 6 tấn cá thương phẩm, mỗi con nặng từ 1,2-1,3kg. Với mức giá trên thị trường là 48 triệu đồng/tấn, tổng thu mỗi ao đạt gần 300 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, vụ nuôi này, gia đình lãiđược gần 300 triệu đồng…”, chị Lệ phấn khởi cho hay.
 
Nhanh tay chuyển những sọt cá lóc lên xe, thương lái Nguyễn Thế Thăng, xã Ngư Thủy cho biết, thời điểm này, một số hộ dân vùng cát Ngư Thủy bắt đầu thu hoạch cá lóc, trung bình mỗi tháng tôi thu mua hơn 30 tấn cá, chủ yếu tại xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc…Tiền thu mua cá cũng xấp xỉ hơn cả tỷ bạc/tháng. Cá lóc thương phẩm được đóng gói đưa lên xe, vận chuyển ra thị trường các tỉnh phía Bắc, Thừa Thiên Huế để tiêu thụ…
 
Tìm hướng đi bền vững…
 
Vùng biển bãi ngang Ngư Thủy đa phần là cát trắng, khô cằn, màu xanh hiển hiện ở đây chủ yếu là màu của cây keo, phi lao, dứa dại chắn gió, sóng. Từ bao đời nay, người dân Ngư Thủy chủ yếu bám biển để đánh bắt thủy hải sản nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nguyễn Phương Thăng cho rằng, địa phương có hơn 60% hộ dân theo nghề biển. Khi nghề biển bấp bênh thì nuôi cá lóc trên cát đã trở thành đòn bẩy, tạo sinh kế bền vững cho ngư dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, có của ăn của để.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy, toàn xã hiện có 80 hộ dân nuôi cá lóc với số con giống được thả khoảng 700 vạn con. Địa phương cũng có hơn chục hộ gia đình đầu tư phát triển nuôi cá lóc từ 5-6 ao, nhà ít nhất ở đây cũng đầu tư xây dựng được 1-2 ao để nuôi cá. Mấy năm qua, sản lượng cá lóc thương phẩm ở địa phương đạt trên 1.100 tấn, thu về trên 50 tỷ đồng…

Cá quẫy trên cát…Nuôi cá lóc ở Ngư Thủy mang lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân vùng biển bãi ngang.

“Việc phát triển mô hình nuôi cá lóc trên cát là thành công lớn của Ngư Thủy khi chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo sinh kế cho ngư dân vùng biển. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất địa phương đang gặp phải đó là muốn mở rộng diện tích nuôi cá lóc nhưng lại không có đất để chuyển đổi nuôi trồng thủy sản vì đất ở vùng cát Ngư Thủy hiện do Ban Quản lý khu Dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong quản lý. Hơn nữa, vấn đề tiêu thụ cá lóc thương phẩm sau thu hoạch cho người dân đang gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa nên rất dễ bị thương lái ép giá…”, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy cho hay.
 
Trong câu chuyện với những người dân ở Ngư Thủy, được biết, nuôi cá lóc ở đây cũng đang “chạy” theo phong trào. Hiện, chính quyền và các cơ quan liên quan chỉ đang dừng lại ở việc mở các lớp tập huấn, bởi vậy, người dân vẫn còn rất lúng túng trong quy trình kỹ thuật, tình trạng cá chết vì dịch bệnh vẫn còn xảy ra. Mặt khác, tìm hướng tiêu thụ bền vững, bình ổn giá thức ăn công nghiệp vẫn là bài toán khó giải quyết được trong ngày một ngày hai…
 
Ngọc Hải

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202209/ca-quay-tren-cat-2203753/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,415Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm