6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Còn được lao động là hạnh phúc

- Advertisement -

(Phóng sự) – Trời chưa sáng, những người đi bộ thể dục trên con đường Lý Thường Kiệt, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), thường vẫn thấy một bóng người thấp đậm, đầu đeo đèn chiếu sáng, lội nước bì bõm, đổ tôm tép ra từ những cái nò trên cánh đồng trước mặt. Trong bờ, người đàn bà lụi cụi nhặt, phân loại tôm, tép, ốc rồi mang thẳng ra chợ Họa. Đó là cặp vợ chồng ông Nguyễn Cháu, sinh năm 1934 và bà Trương Thị Thỉ, sinh năm 1936.
 
Người đỡ đẻ cho cả làng
 
Thời kỳ đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cả xã Quảng Thuận rộng lớn chỉ được một người làm công tác hộ sinh, nên các sản phụ gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm.
 
Trước tình hình đó, hợp tác xã cử o Trương Thị Thỉ đi học “khóa” đào tạo hộ sinh cấp tốc 15 ngày. Dẫu học chẳng được là bao, nhưng bằng sự nhanh nhạy và thông minh của mình, rất nhanh chóng, o đã được các gia đình và sản phụ hết sức tin tưởng. Thời kỳ đó, chiến tranh bom đạn vô cùng ác liệt. Những ca đẻ ban ngày còn đỡ vất vả. Ban đêm, có khi là mưa gió, bão bùng, có khi là máy bay thả dù pháo sáng, bom nổ gần nổ xa, nhưng hễ có người đứng ngoài sân kêu: “O Thỉ ơi!” là o dậy “mang tơi đội nón” đi ngay.
 
Các thế hệ cuối 6X, 7X, 8X, trong Hợp tác xã Hợp Tiến hầu hết đều cất tiếng khóc chào đời trên tay o. Có khi, nhiều người ở nơi khác đến gọi, o cũng không nề hà. Gần 30 năm trong nghề, o chưa để xảy ra một ca tai biến nào. Người ta kể rằng, o chỉ cần đến thăm khám, sờ nắn bụng sản phụ một lúc, là phát hiện ngay ca đẻ khó hay dễ. Khó nhưng trong tầm tay, dù phải túc trực cả ngày o cũng giữ ở nhà. Những ca mà o hối người nhà cáng đi viện gấp, thì đều được bệnh viện huyện kết luận: “Nếu chậm sẽ nguy khốn”. Vất vả, gian lao là như vậy, nhưng o không có…đồng tiền công nào cả. Hầu như cũng chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện trả công, chỉ đến ngày khẳm (đầy) tháng, bưng đến biếu o đĩa xôi, lát thịt là xong. Nhà nào khá hơn thì kèm mấy lon gạo nếp là hậu hĩnh. Có nhà còn quên cả xôi thịt, nhưng đẻ đứa khác vẫn cứ “O Thỉ ơi!” và o vẫn “đội nón mang tơi” với nụ cười cởi mở.

Còn được lao động là hạnh phúcVợ chồng ông Nguyễn Cháu và bà Trương Thị Thỉ.

Năm 1990, lúc bấy giờ đường sá, phương tiện thông thương, bệnh viện tiên tiến, dân tình văn minh hơn trước, đa số sản phụ đều đến bệnh viện để sinh, thế là o “rửa tay gác kiếm”. Tuy nhiên, có một đôi vợ chồng trẻ nghèo lắm. Vợ chuyển dạ mà chồng vét cả nhà cũng không đủ tiền viện phí, nên đành “liều mạng” đến nhà “O Thỉ ơi” lúc 3 giờ sáng. O Thỉ tỉnh dậy nói, o già rồi, lại bỏ lâu e không làm được. Nhưng nhìn người cha tương lai ốm còm nhom đứng nép bên cánh cửa lá, o lại “mang tơi đội nón” đi. Suốt 12 tiếng o túc trực bên sản phụ. Người chồng nóng lòng, muốn đưa vợ đi viện, dù không có tiền. Nhưng o cương quyết là, ca này không cần đi viện. Đúng 15 giờ 30 phút, đứa trẻ cất tiếng khóc u oa. O Thỉ kêu lên: “Con trai!”. Người cha lao vào buồng đẻ, ôm o Thỉ khóc nức nở. Người chồng, người cha đó chính là tôi, tác giả bài viết này!
 
Cuối năm 1992, vợ chồng tôi vẫn còn nghèo lắm, nhưng lại đẻ tiếp. Lần này, vợ tôi chuyển dạ bất ngờ. Trưa, đi làm về thấy vợ đau bụng, tôi vội đạp xe xuống để: “O Thỉ ơi”. Nhưng nhìn ra cánh đồng thấy vợ chồng o đang cấy lúa, tôi ái ngại định quay về, không hiểu sao lại buột miệng kêu: “O Thỉ ơi!”. O Thỉ ngước mặt lên. Tôi vứt xe lội ra ruộng trình bày. O Thỉ nhìn chồng ái ngại: “Chừ răng ông Cháu hè?”. Ông Cháu cười rất tươi: “Rửa tay về mà giúp hắn chơ răng nựa”.  Bởi vậy, vợ chồng tôi nhớ ơn ông bà Cháu, Thỉ suốt đời. Khi hai con tôi vào đại học, rồi tốt nghiệp Y khoa, vợ chồng tôi đều đưa con đến để cảm ơn ông bà. Ông thì mỉm cười, còn bà nói: “Tau chộ ri là tau hạnh phúc lắm!”.
 
Ngoài tuổi 80 vẫn yêu lao động
 
Gần 90 tuổi, dù con cái đều khá giả, nhưng cả hai ông bà Cháu, Thỉ vẫn luôn hăng say lao động. Mấy sào ruộng làm từ thời giao khoán đến nay ông bà vẫn duy trì. Từ gieo, cấy, chăm sóc, thu hoạch đều tự tay ông bà làm, không mượn người, cũng không làm phiền con cháu. Lúc rảnh rỗi, ông lại chẻ nứa đan nò, đó. Hàng đêm, lại mang nò ra bờ ruộng sâu, bờ kênh, kiếm con tôm con tép cho bà đi chợ cải thiện cuộc sống. Chưa hết, vào thời vụ lúa bị sâu rầy, nhiều gia đình lắm ruộng phun thuốc không kịp sợ bị hư hại, ông Cháu lại mang bảo hộ lao động vào, ra tay giúp đỡ. Nhìn dáng ông lội ruộng thoăn thoắt, tay điều khiển cần phun nhanh nhẹn, người lạ không ai tin đó là cụ già trên 80 tuổi.
 
Mấy năm trở lại đây, tháng hai mùa nhãn ra hoa, bọ xít tập trung cắn phá, người ta phun thuốc cũng chỉ được ở tầm thấp còn trên cao thì chịu. Khi thuốc phía dưới nhạt đi, bọ xít lại quay xuống phá hại nên mất trắng. Ông Cháu bèn nảy ra sáng kiến, ông cho nối vòi bơm dài, buộc vào cái cần tre đưa lên trên cao bơm xuống. Thế là nhãn nhà ông đuổi được bọ xít. Từ đó, ông Cháu thêm bận rộn. Buổi chiều, ông lại mang bình bơm đi “xịt” cho nhà này sang nhà khác. Nhờ sáng kiến tiêu diệt bọ xít của ông, các mùa nhãn vẫn lung linh trĩu quả.
 
Có một câu chuyện của ông Cháu khiến nhiều người rất “tức cười”. Số là, cứ đến mùa thu hoạch, khoai thì ông để lại vài khúc ngắn, lúa thì ông để lại một đám nhỏ. Thậm chí khi tuốt lúa, rơm nhà ông cũng không sạch cả hạt lép như người khác. Có người thắc mắc vì sao như vậy thì ông tủm tỉm trả lời: “Trời mà lấy hết sạch của ta, thì ta chết đói. Ta mà lấy hết sạch thì chim chóc chết đói. Rứa mà trời dù tức giận, cũng có lấy hết của ta mô? Bởi vậy ta cũng nên chừa lại chút cho chim chóc nó vui vẻ…”. Sau này, khi đọc một bài báo, có nói nông dân Nhật Bản họ cũng làm vậy, tôi thấy rất là vui.
 
Một buổi sáng, tôi cùng mấy người bạn đi ăn sáng. Cũng là lúc ông bà kết thúc việc thu hoạch tôm, tép trở về. Tôi cầm tay ông nói giỡn: “Hiện nay, nhà nước cấm các cụ già trên 80 tuổi lao động. Như vậy, ông bà đã vi phạm pháp luật”. Không ngờ, sự đùa giỡn của tôi lại được ông Cháu trả lời nghiêm túc: “Chú sai rồi! Lao động là vinh quang! Lười lao động là mầm mống của tội ác!” Mọi người nhìn nhau cười òa, bảo tôi thua 1-0! Ông bà cũng cười theo vui vẻ, bà tiếp lời: “Lao động quen rồi các chú ạ. Bởi vậy, tui cúi mặt ngoài đồng cả ngày nỏ hề đau lưng. Chứ mấy đứa trẻ làm tí là vặn lưng, méo mặt. Gần 90 tuổi rồi mà còn được lao động là hạnh phúc lắm!”. Tranh thủ ông bà đang vui tôi xin chụp kiểu ảnh, nhưng bà không chịu, nói, phụ nữ là phải đẹp nhé, chừ như ri không chụp được, bữa khác. Thế là chỉ chụp được mình ông.
 
Năm nay, ông 88, bà 86 tuổi, chỉ được hưởng khoản trợ cấp nhỏ cho người trên 80. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ lao động, có thu nhập, nên ông bà không hề từ chối một khoản đóng góp nào của xã hội. Ngay như vừa rồi xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố Đình Chùa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn)-nơi ông bà cư trú, mỗi hộ phải đóng góp 2,3 triệu đồng, nhiều hộ trẻ còn khất lần, riêng ông bà Cháu, Thỉ lại không thiếu một đồng. Ngày khánh thành, ông bà dắt tay nhau đến, vui như hội. Lần này, thì bà không từ chối chụp ảnh nữa. Chỉ dặn, nếu xấu quá đừng đưa lên “Phây” nhé!
 
Vâng, bức ảnh dù có đẹp hay xấu thì cũng hề chi. Miễn là hình ảnh ông bà luôn đẹp trong lòng mọi người!
 

của Đỗ Thành Đồng

 

Nguồn tin:Báo Quảng Bình
Link bài gốc: https://baoquangbinh.vn/phong-su/202211/con-duoc-lao-dong-la-hanh-phuc-2204810/
- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm