7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thanh âm làng biển Bảo Ninh

- Advertisement -

QBĐT – Bảo Ninh – làng quê “chang chang cồn cát”, “xanh xanh bóng dừa” như một hòn non bộ giữa ba bề sông nước mênh mang từ lâu nổi tiếng với những làn điệu dân ca, dân vũ và những hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ dân gian độc đáo, đậm sắc màu của làng quê vùng biển. Tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, người Bảo Ninh qua bao thế hệ đã dày công gìn giữ để những thanh âm đậm đà hương biển mãi được ngân dài, vang vọng, sống mãi với thời gian.
Ra đời trong lao động, nên hò khoan ở Bảo Ninh gắn với sinh hoạt của người dân với nhiều thể loại như hò đẩy thuyền, hò kéo neo, hò đối đáp, hò đưa linh… và hấp dẫn nhất là hò khoan – chèo cạn. Đó là tổng hợp của nhiều mái hò (mái dài, mái ba, mái nện, mái khoan…) nhưng vẫn giữ được sự nhịp nhàng, linh hoạt. Trước đây, diễn xướng hò khoan do người lao động thực hiện ngay trên những chiếc thuyền ra khơi đánh cá. Về sau, trong các ngày hội làng, người Bảo Ninh lại đem hò khoan mô phỏng công việc của người dân trong làng lên sân khấu nên mới có lối chèo thuyền trên cạn, gọi là hò khoan – chèo cạn. Thể hiện điệu hò này luôn có người hò cái để lĩnh xướng và cả tập thể “xố” theo. Người Bảo Ninh không chỉ sử dụng hò khoan trong các lễ hội làng mà ngay trong sinh hoạt đời thường, những câu hò vẫn được cất lên như một món ăn tinh thần không thể thiếu.

Người Bảo Ninh luôn tự hào về truyền thống văn hóa của làng quê mình, tự hào là cái nôi của các làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng. Họ kể về cố nghệ nhân dân gian Trương Gà, người có giọng hát rất đặc biệt và có nhiều công lao trong việc truyền dạy, lưu giữ các làn điệu dân ca ở Bảo Ninh. Trong ký ức của nhiều người, hình ảnh nghệ nhân Trương Gà hát say sưa với chất giọng cao vút, truyền cảm trong vai trò hò cái hay trong những đêm trăng hội hè cùng bè bạn vẫn còn in đậm. Tiếng hát của nghệ nhân hòa cùng chất giọng ngọt ngào làm lay động lòng người của cụ bà Hoàng Thị Mùng, người bạn gần như gắn bó trọn nghiệp hát với nghệ nhân đã trở thành cặp đôi hò đối đáp có một không hai của Bảo Ninh ngày ấy. Thời trai trẻ, cố nghệ nhân Trương Gà luôn được mời đi hát trong nhiều lễ hội ở các xã vùng biển Nhân Trạch (Bố Trạch), Quang Phú (Đồng Hới), Hải Ninh (Quảng Ninh)… và là người thầy đã miệt mài truyền dạy các làn điệu hò cho những người có chung niềm đam mê câu hò, điệu hát của làng quê.

Thanh âm làng biển Bảo Ninh

Múa bông – chèo cạn tạo được nhiều dấu ấn trong lòng người xem tại Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới.

Là một trong những người học trò xuất sắc của cố nghệ nhân Trương Gà, nghệ nhân dân gian Võ Anh Tý, một lương y ở làng Sa Động đã mang các làn điệu hò của quê hương theo suốt cuộc đời mình. Ông là một trong những người góp phần đắc lực trong việc giữ lửa cho văn hóa làng biển. Nặng lòng với văn nghệ dân gian, ông Võ Anh Tý ngày đêm miệt mài tìm kiếm, lưu giữ những làn điệu xưa và nghiên cứu viết lời mới cho phù hợp với thời đại dựa trên những giai điệu cổ để biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa của xã,  thành phố.

Ông tâm sự: Từ nhỏ, những ca từ, giai điệu của hò khoan, hò chèo cạn đã thấm đẫm tuổi thơ ông qua lời ru của ông bà, cha mẹ. Lớn lên lại theo đám bạn tới các lễ hội làng để rồi những thanh âm mộc mạc đã thấm vào tâm hồn, vào máu thịt, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Những năm tháng trong quân ngũ, ông là hạt nhân văn nghệ nổi tiếng với các làn điệu dân ca trong lực lượng vũ trang của tỉnh Bình Trị Thiên lúc bấy giờ. Xuất ngũ trở về quê, ông làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người nhưng vẫn không quên nghiệp đàn hát. Buồn, vui, ông đều lấy dân ca để chia sẻ, giải bày. Với chất giọng ngọt ngào, ấm áp và am hiểu sâu sắc về văn hóa làng, ông vừa là giọng ca chính, vừa là soạn giả, đạo diễn dàn dựng nhiều tổ khúc, hoạt cảnh dân ca cho phong trào văn nghệ quần chúng của  địa phương.

Ông Võ Anh Tý và bà Phạm Thị Oánh (quê ở làng Mỹ Cảnh), giọng hò nữ ngọt ngào hiếm có của xã Bảo Ninh đã kết hợp với nhau trong các nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Họ trở thành cặp đôi hát đối đáp nam nữ và đảm nhận vai trò hò cái trong lễ hội chèo cạn – múa bông nối tiếp cố nghệ nhân dân gian Trương Gà và nữ danh ca Hoàng Thị Mùng ngày xưa. Ông còn tích cực truyền đạt các thể loại hò biển cho những người có năng khiếu để phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo này. Ông tâm sự: “Hò khoan – hò chèo cạn có cái hay, cái mộc làm say lòng người và chỉ có những người thực sự hiểu nó, nắm được cái chất của nó mới thể hiện thành công. Tiếc là, những người tâm huyết với các làn điệu dân ca của quê nhà đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” trong khi ngày càng khó tìm ra những giọng hò chính để kế thừa, gìn giữ cho muôn đời sau”.

Thanh âm làng biển Bảo Ninh

- Advertisement -

Cụ Nguyễn Lữ với công việc nghiên cứu các tư liệu văn hóa cổ thường ngày.

Người Bảo Ninh có lễ hội Cầu mùa (nay là lễ hội múa bông – chèo cạn) được tổ chức vào Rằm tháng tư hàng năm. Theo cụ Nguyễn Lữ (ở làng Đông Dương) người có công gìn giữ và khôi phục nghệ thuật múa bông thì múa bông là hình thức dân vũ rất đặc trưng của người Bảo Ninh. Cụ kể: 15 tuổi cụ đã  tham gia đội múa bông của làng và là một trong những người múa đẹp nhất thời ấy. Năm 1981, cụ nghỉ hưu trở về quê hương và trong một lần xem múa bông ở lễ hội truyền thống của làng, cụ nhận thấy có nhiều nét khác xưa. Cụ nghĩ, nếu cứ đà này một ngày nào đó múa bông sẽ không còn đúng với những gì vốn có mà cha ông xưa đã tạo nên và nếu không không chỉnh sửa thì nguy cơ mai một, biến thể là rất cao. Cụ tìm các tư liệu cổ, nhớ lại những ngày cùng đám trai tráng trong làng say sưa biểu diễn rồi tỉ mỉ ghi chép lại. Cụ còn thuyết minh cho từng động tác vì theo cụ múa bông như một loại kịch câm, ẩn chứa trong đó rất nhiều nội dung có ý nghĩa song không phải ai xem cũng hiểu, nhất là thế hệ trẻ ngày nay. Hoàn thành việc biên soạn các động tác, hình thức múa bông xưa, kèm với lời thuyết minh cụ thể, cụ trình UBND xã cho phép được đứng ra khôi phục múa bông theo điệu cổ. Không quản ngại nắng mưa, cụ đến từng thôn, thậm chí từng nhà để tập luyện cho đội múa bông, nhất là những người cầm cái. Cụ lên chương trình cụ thể, tập riêng cho cái, rồi ghép cả cái cùng quân. Cụ uốn nắm từng cử chỉ, động tác cho từng người và quay lại hình ảnh mỗi buổi tập cho toàn đội xem để ai thấy sai chỗ nào lần sau tự chỉnh sửa sao cho thống nhất toàn đội vào một khối.

Cụ cho hay: Múa bông là một phần trong lễ hội cầu mùa xưa của người làng biển thu hút rất đông người xem và cổ vũ nhiệt tình suốt ba đêm liền (14, 15, 16 tháng tư âm lịch). Đêm 14, toàn đội múa biểu diễn xếp chữ: Thiên hạ thái bình. Đêm 15 xếp chữ: Thiên quang hóa nhật. Đêm 16 xếp chữ: Thủy bình ngư lợi. Nay do điều kiện công việc của người dân, lễ hội được rút ngắn trong một buổi nên cụ đã chọn các chữ “Thiên hạ thái bình” để tập cho cho toàn đội. Và điều đáng mừng là trong Tuần Văn hóa – Du lịch Đồng Hới năm 2017, múa bông trong lễ hội múa bông – chèo cạn của xã đã được khôi phục gần như nguyên trạng. Với cụ, đó là niềm vui lớn vì sự nỗ lực của mình đã góp phần gìn giữ những tinh hoa văn hóa cho các thế hệ sau. Cụ còn truyền dạy múa bông cho cháu nội của mình và bất cứ ai quan tâm đến loại hình nghệ thuật này. Cụ Lữ trăn trở: Tìm được người tâm huyết với văn hóa xưa khó lắm. Biết đâu sau này, những người say mê, am hiểu về văn hóa cổ xưa “khuất núi” thì những tinh hoa văn hóa làng liệu có còn được truyền tụng, gìn giữ trong dân gian.

Nghe người Bảo Ninh ngân nga hò biển, nhìn những bước chân điệu nghệ của đội múa bông thấy yêu thêm đất và người nơi đây, thấu hiểu hơn những trăn trở của các nghệ nhân – những người thể hiện, nắm giữ và truyền đạt để những thanh âm mặn mòi hương biển vang vọng mãi với thời gian.

Nhật Văn

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm