6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

“Đừng nghe thấy làm cáp treo mà vội vàng phản đối”

- Advertisement -

Reatimes.vn – “Trước đây, khi có thông tin xây cáp treo ở Quảng Bình, tôi thấy nhiều người phản đối. Nhưng theo tôi, phải nghiên cứu xem nên làm như thế nào? Nếu làm sẽ tác động gì đến khu vực cảnh quan tự nhiên, khi đó mới nói. Còn hiện nay chưa thấy hồ sơ, chưa thấy dự án đâu thì không nên vội vàng phản đối”, một KTS bày tỏ quan điểm với PV Reatimes.

Thông tin Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương để Quảng Bình bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km đã mở ra một hướng đi mới cho du lịch của địa phương này. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới.

Xây dựng hệ thống cáp treo thế nào để không làm ảnh hưởng đến tính nguyên sơ của di sản thiên nhiên tầm cỡ thế giới? Đó là bài toán không dễ giải.

Trao đổi với Reatimes, ông Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, trước đây đã dấy lên lo ngại dùng cáp treo sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan của di sản. Tuy nhiên, hiện nay việc này còn chờ Thủ tướng phê duyệt và tham khảo ý kiến của UNESCO vì Sơn Đoòng là di sản không những của Việt Nam mà của cả thế giới.

Thủ tướng đề cao di sản và giữ gìn di sản. Nếu việc sử dụng cáp treo không ảnh hưởng đến di sản, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, từ đó phát triển kinh tế thì đó là điều cần thiết và rất tốt.

“Đừng nghe thấy làm cáp treo mà vội vàng phản đối”

Hang Sơn Đoòng. Nguồn ảnh: Business Insider

Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam nhận định, việc xây dựng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én sẽ có hiệu quả: “Khi đó điểm đầu sẽ phát triển du lịch, dịch vụ. Có ga cáp treo thì sẽ thúc đẩy thương mại. Quảng Bình hiện nay rất nghèo. Bây giờ xây dựng cáp treo, ngay điểm đầu xuất phát là ga trung tâm đã là điểm kích thích cho kinh tế và khách du lịch đến”.

- Advertisement -

Theo ông Tùng, khi khách du lịch đến, họ sẽ hiểu thêm về địa phương, từ đó nếu chính quyền biết làm kinh tế sẽ “tỏa” rộng ra. Người ta sẽ trồng hoa hướng dương và phát triển nhiều lĩnh vực khác.

Liên quan đến việc xây dựng hệ thống cáp treo ở Sơn Đoòng, trao đổi với Reatimes, một KTS có kinh nghiệm cho rằng, việc quan trọng là phải nghiên cứu xem xây dựng hệ thống cáp treo như thế nào chứ không nên thấy khó mà đã vội vàng phản đối.

“Trước đây, khi có thông tin xây cáp treo ở Quảng Bình, tôi thấy nhiều người phản đối. Nhưng theo tôi, phải nghiên cứu xem nên làm như thế nào? Nếu làm sẽ tác động gì đến khu vực cảnh quan tự nhiên, khi đó mới nói. Còn hiện nay chưa thấy hồ sơ, chưa thấy dự án đâu thì không nên vội vàng phản đối”.

Theo vị KTS này, việc xây dựng hệ thống cáp treo ở những vùng di sản không việc gì phải cấm mà quan trọng là cần cách làm thông minh. Vì đã là di sản thì phải tạo điều kiện cho nhiều người được tiếp cận, chiêm ngưỡng và thưởng thức. Ví dụ như Fansipan là một trường hợp điển hình, nhờ có hệ thống cáp treo, nhiều người đã được đặt chân đến nơi đây thay vì chỉ ngắm nhìn từ xa, qua hình ảnh.

“Tôi nghĩ nên tạo cơ hội để làm cáp treo nhưng phải nghiên cứu kỹ phương án để không làm hỏng cảnh quan. Các nhà khoa học nên tập trung, góp sức vào để người ta làm phương án hay”, vị KTS nói.

KTS Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng, sau khi có ý kiến Thủ tướng, bản thân tỉnh Quảng Bình là nơi được hưởng và quản lý di sản phải quán triệt quan điểm, tổ chức những hội thảo khoa học, mời các chuyên gia nước ngoài, UNESCO và các nước có di sản tương tự để học tập.

“Làm thế nào để tạo điều kiện phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được di sản của mình. Vì di sản này còn để dành cho muôn đời sau chứ không phải cho ngày hôm nay”, ông Tùng nói.

Theo Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, không nên lạm dụng cáp treo. Vì nếu lạm dụng, nhiều khi việc xây dựng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Cáp treo là cả một công trình lớn chứ không phải ta cứ “cắm cái cọc” xuống là thành cáp treo. Nó là một dự án lớn nên phải đánh giá tác động môi trường.

- Advertisement -

“Đây là bài toán khoa học không phải chỉ là dự án đầu tư mà còn liên quan đến các vấn đề: môi trường, nhân văn, xã hội, văn hóa rồi cuối cùng mới là kinh tế. Bởi khi ta đạt được tất cả những việc đó thì giá trị kinh tế sẽ xuất hiện. Chứ anh đưa kinh tế lên đầu tiên mà làm hỏng môi trường, làm hỏng di tích thì kinh tế đó “chết”, không ai đến nữa”, ông Tùng nói.

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng nằm tại huyện Bố Trạch, và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi, 300 hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới.

Khu vực này có 300 hang động, trong đó khoảng 30 hang được đưa vào khai thác du lịch. Hang Sơn Đoòng và hang Én lần lượt là hang lớn nhất và lớn thứ ba thế giới. Cả hai hang này được khai thác du lịch bằng hình thức thám hiểm đi bộ. Riêng hang Sơn Đoòng khai thác có giới hạn, dự kiến năm 2017 đón khoảng 700 lượt khách.

Tuấn Minh

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm