6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Ngư linh miếu Cảnh Dương và lễ hội cầu ngư, cầu mùa

- Advertisement -

Cá Ông thuộc họ cá voi, theo xưa kể lại, mỗi lần giông gió, khác với các loài cá hung dữ, cá voi thường dùng tấm thân rộng lớn của mình để nâng những con thuyền sắp đắm hoặc những người bị nạn vào bờ. Vì vậy mà cá voi đực được nhân dân ta gọi là cá Ông, cá voi cái được gọi là cá Bà. Ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cá Bà dạt vào và tạ thế từ năm 1900, cá Ông vào năm 1908. Người Cảnh Dương xưa đã xây miếu thờ hai bộ xương cá nặng đến hàng tấn ấy, gọi là Miếu Ông và Miếu Bà. Hai bộ xương cá được coi là vật thiêng của làng từ đó.

Ngư linh miếu Cảnh Dương và lễ hội cầu ngư, cầu mùa

Cảnh Dương ngư linh miếu

Trải bao biến đổi của lịch sử và sự bào mòn của thiên nhiên, các thế hệ người Cảnh Dương vẫn giữ gìn hai bộ xương cá và thường tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa trong dịp Tết nguyên đán hàng năm. Đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính tâm linh: Mọi người, mọi nhà, chủ phương tiện tự giác đóng góp tinh thần và vật chất, tưởng nhớ ơn đức của cá Ông, cá Bà, mong cho trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, tôm dày cá được, làng xã ấm no, yên vui, hạnh phúc. Trong đêm hội nhân dân còn tổ chức hò Đức Ông, hát chèo cạn, đi cà kheo, khuyến khích mọi người luôn nghĩ về điều thiện để có trách nhiệm với nhau giữa biển trời sông nước. Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, dù bị tàn phá nặng nề nhưng nhân dân Cảnh Dương vẫn cố gắng giữ gìn hai bộ xương nói trên. Sau ngày đất nước thống nhất, hai bộ xương cá được bảo quản tại Nhà Truyền thống xã, nơi trưng bày hiện vật của Làng Chiến đấu Cảnh Dương.

Ngư linh miếu Cảnh Dương và lễ hội cầu ngư, cầu mùa

Xương cá ông được thờ trong miếu

Mong muốn có được một địa điểm khang trang, phù hợp để thờ phụng, bảo quản, giữ gìn vật thiêng và phong tục lễ hội đặc trưng miền biển ấy vẫn được nhân dân ấp ủ hàng chục năm qua. Đầu năm 2003 xã Cảnh Dương đã giao cho Hội Ngư dân vận động tài gia và sự đóng góp của con em xa quê, của hội viên và các chủ tàu thuyền để xây dựng công trình Ngư Linh Miếu. Nơi bảo quản, giữ gìn hai bộ thể cốt cá Ông, cá Bà, nơi tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu mùa và phát động ra quân khai thác hải sản hàng năm. Trước hết, địa điểm xây dựng được xác định nằm vị trí Đông Bắc của xã, ngay bên bờ Nam cửa Sông Roòn. Nhiều hội nghị được tổ chức để bàn bạc về kiểu dáng kiến trúc và nguồn kinh phí. Ban chỉ đạo đã cử người đi nhiều nơi sưu tầm dáng vẻ, đường nét, tập hợp nhiều ý kiến hay. Sau gần 8 tháng xây dựng, Ngư Linh Miếu đã được đưa vào sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu năm 2005.

Ngư linh miếu Cảnh Dương và lễ hội cầu ngư, cầu mùa

- Advertisement -

Ban thời trước miếu

Ngày di chuyển hai bộ xương cá Ông, cá Bà về nơi bảo quản mới, từ các tàu thuyền đến mọi ngành nghề, cả làng cả xã náo nức tham gia. Bốn con thuyền bơi chải được lắp bánh lốp vào trông “y xỳ” những chiếc xe lội nước, được xếp đầy những khúc xương sống, những thanh xương sườn của cá, mỗi khúc tới 4 người gông. Bốn cổ xe phủ đầy vải đỏ, di chuyển nhẹ nhàng trong sự tôn nghiêm của mọi người. Từ đó đến nay, cứ mỗi dịp Xuân về Tết đến, trong bộn bề bao công việc tổ chức cho người dân vui Tết đón Xuân, cùng với những lễ hội văn hóa dân gian khác như Hội thi nấu cơm cần, Hội thi đi chân cà kheo, Hội thi Cờ người… thì Lễ hội cầu ngư, cầu mùa tại Ngư Linh Miếu luôn thu hút sự quan tâm tham gia của số đông nhân dân, con em xa quê, chủ tàu thuyền, chủ doanh nghiệp trong và ngoài địa phương. Hội Ngư dân, Hội Người cao tuổi và Ban Văn hóa xã được giao nhiệm vụ bảo quản, giữ gìn và tổ chức các hoạt động văn hóa tại Ngư Linh Miếu, bảo tồn nét đẹp văn hóa và phát huy đúng định hướng, phục vụ nhu cầu tâm linh, hướng thiện, hướng về điều lành của mọi người.

Ngư linh miếu Cảnh Dương và lễ hội cầu ngư, cầu mùa

Lễ hội cầu ngư, cầu mùa ở xã Cảnh Dương

Nói về các lễ hội dân gian của cư dân vùng biển, có khá nhiều địa phương ở Quảng Bình còn lưu giữ và phát huy tốt. Ở huyện Bố Trạch có Thanh Trạch, Hải Trạch, Nhân Trạch. Ở thành phố Đồng Hới có Bảo Ninh, Lộc Ninh… Tuy nhiên để có nội dung phong phú, Kim – Cổ hài hòa thì phải nói xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) là nơi quan tâm duy trì khá tốt. Về phần Lễ, sau khai mạc là lễ tế Đức Ông, Đức Bà (tức cá Ông, cá Bà). Bài tế và nghi thức do Hội Người cao tuổi thực hiện, mọi người có mặt lần lượt dâng hương. Tiếp đến là phát động ra quân đánh bắt hải sản đầu năm, các tổ đội hưởng ứng và hứa hẹn, các đại biểu tỉnh, huyện, sở ngành phát biểu. Phần Hội bao gồm những làn điệu diễn xướng dân gian được lưu truyền qua nhiều thời kỳ, được phục trang, tôn tạo đầy màu sắc. Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ và các đoàn thể khác đều có trách nhiệm tham gia những phần trình diễn khác nhau, tạo ra một không gian lễ hội vừa phong phú vừa trang trọng, trong thời gian một ngày đêm, làm cho không khí ngày Xuân thêm sôi động nhưng ấm cúng, có điều gì da diết như muốn níu chân người đi xa khó quên nguồn cội, luôn nghĩ và làm những điều lành. Lễ hội cầu ngư, cầu mùa, còn là cầu phúc, cầu thiện, cầu an, cầu lành, cầu cho thiên nhiên thuận hòa, đất nước thanh bình, làng xã yên vui, nhà nhà hạnh phúc… Một tập tục truyền thống văn hóa tốt đẹp, đậm tính nhân văn, “lấp lánh” giữa ngày Xuân, chắc chắn không chỉ có ở Cảnh Dương mà còn có ở nhiều nơi khác trong suốt chiều dài đất nước thân yêu.

– Nguyễn Tiến Niên

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm