7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chuyện sau những bộ hồ sơ cán bộ đi B

- Advertisement -

Tháng 9-2017, UBND tỉnh đã tổ chức trao trả hồ sơ, tài liệu đi B cho hàng trăm cán bộ và thân nhân của họ. Phía sau những bộ hồ sơ được trao trả không chỉ là câu chuyện về những tháng năm đáng nhớ của cán bộ đi B mà còn là tâm huyết, không ngại khó khăn trong việc tìm hồ sơ, đối tượng đi B của những người có trách nhiệm.

Theo yêu cầu của cách mạng, từ cuối năm 1959 đến năm 1975, hàng nghìn cán bộ chiến sĩ con em Quảng Bình đã được tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ. Những người đi B thời đó đang làm rất nhiều ngành, nghề khác nhau thuộc các cơ quan, đơn vị trong cả nước.

Trước khi lên đường, họ chỉ mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân; còn tư trang, hành lý, tài sản cá nhân và kỷ vật đều gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ. Các hồ sơ, kỷ vật bao gồm tài liệu phản ánh thông tin cá nhân như: sơ yếu lý lịch, thẻ cán bộ, lý lịch đoàn viên, phiếu thẩm tra lý lịch…

Nơi chiến trường ác liệt, những người con Quảng Bình đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau, song tất cả đều thể hiện tình yêu, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Khi hòa bình lập lại, có người may mắn được trở về, người thì phải nằm lại nơi những mảnh đất họ từng chiến đấu. Những đóng góp của cán bộ đi B là rất lớn, tuy nhiên, quá trình ghi nhận công lao của họ vẫn còn những hạn chế, chưa chính xác vì hồ sơ, giấy tờ tùy thân bị thất lạc hàng chục năm qua.

Những hồ sơ, kỷ vật này có ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn khi lưu lại thông tin cá nhân, phản ánh một phần quá trình phấn đấu, hoạt động của từng cá nhân và là một nguồn sử liệu có ý nghĩa quan trọng. Hiểu được tầm quan trọng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Trung tâm lưu trữ Quốc gia III nỗ lực tìm kiếm và đã tìm được 567 hồ sơ, tài liệu cán bộ đi B.

Trong đó, 10 hồ sơ của cán bộ tỉnh khác lẫn vào và 136 hồ sơ không rõ địa chỉ. Còn lại 421 hồ sơ nhưng có 94 hồ sơ có thân nhân đang ở ngoài tỉnh, có 202 hồ sơ của đối tượng còn sống và 125 hồ sơ các đối tượng đã mất. Hiện các bộ hồ sơ của cán bộ đi B có địa chỉ đã được trao trả cho các địa phương, đối tượng và thân nhân của họ.

Ông Dương Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh cho biết: “Trong quá trình xác minh, tìm địa chỉ cho các bộ hồ sơ, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ các cấp chính quyền, nhân dân, đặc biệt là sự hợp tác, chia sẻ thông tin của những cán bộ đã từng đi B. Tuy nhiên, có nhiều bộ hồ sơ không ghi tên xã, thôn nên rất khó tìm.

Chuyện sau những bộ hồ sơ cán bộ đi B

- Advertisement -

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài trao hồ sơ cho cán bộ đi B tại thành phố Đồng Hới.

Mặt khác, có những người đi B do các bộ, ban, ngành Trung ương cử đi nên chính quyền địa phương không nắm được hoặc nhiều người đã sinh sống ở các tỉnh khác. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi đổi nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm”.

Với quyết tâm đưa những bộ hồ sơ trả lại cho cán bộ đi B và thân nhân của họ, cán bộ ở Chi cục Văn thư lưu trữ tỉnh đã ra Trung tâm lưu trữ Quốc gia III để tìm kiếm. Khi nhận hồ sơ về, Chi cục đã sắp xếp, phân loại, biên mục theo đơn vị hành chính từ cấp huyện đến cấp xã rồi gửi danh sách về các địa phương.

Anh Cao Thanh Phong, chuyện viên Phòng Nội vụ huyện Minh Hóa cho biết: “Do nhiều hồ sơ cán bộ đi B không ghi đầy đủ địa chỉ nên chúng tôi rất khó tìm, nhiều khi phải về tận thôn, xóm để xác minh. Có những trường hợp chúng tôi phải tìm lại toàn bộ danh sách đối tượng chính sách trên địa bàn mới phát hiện được. Một số trường hợp cán bộ chuyển đi nơi khác nên chúng tôi phải nhờ đến những người cùng đi B với họ dò hỏi thông tin. Cũng rất may là toàn bộ hồ sơ trên địa bàn cơ bản đã tìm đến đúng địa chỉ của cán bộ và người thân của họ”.

Ông Đinh Xuân Mạn, một cán bộ từng đi B, nay đang ở thôn 2 Thanh Long, xã Quy Hóa (Minh Hóa) phấn khởi: “Tôi rất mừng khi nhận lại được bộ hồ sơ đi B của mình đã thất lạc hàng chục năm qua. Cũng nhờ bộ hô sơ này, tôi có thể hoàn chỉnh hồ sơ hoạt động kháng chiến của mình để làm các chế độ chính sách, lưu giữ lại cho con cháu sau này”.

Hồ sơ đi B của ông Mạn có 6 giấy tờ các loại gồm: lý lịch hạ sỹ quan và chiến sỹ, sổ sức khỏe, lý lịch đoàn viên, giấy giới thiệu vào Đảng, bản tự chuyện, bản đăng ký nghĩa vụ quân sự. Những giấy tờ này đã khái quát lại cuộc đời và sự nghiệp của ông cũng như gia đình từ năm sinh (1938) đến khi có quyết định đi B năm 1964.

Trước đó, ông Mạn phục vụ lực lượng Công an nhân dân vũ trang, công tác tại Đồn Biên phòng Cha Lo. Trong thời gian đi B 4 năm, ông hoạt động ở Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Nhiệm vụ của ông ngày ấy là tham gia chiến đấu, xây dựng lực lượng bí mật từ cơ sở, đặc biệt là lực lượng sinh viên. Những năm tháng hoạt động ở mặt trận phía Nam, ông đã góp phần bồi dưỡng hàng trăm cán bộ chiến sỹ sẵn sàng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Năm 1964, ông bị thương trong một trận chiến ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, sau đó được trở lại miền Bắc điều trị và làm công tác hậu cần trong Quân đội.

Đến thời điểm này, những cán bộ đi B ở tỉnh ta có người đã mất, có người còn sống nhưng những hồ sơ đi B còn nguyên giá trị. Chị Đinh Thị Lệ Quyên, ở thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa) là con gái của cán bộ đi B Đinh Quốc Hội xúc động: “Nhờ bộ hồ sơ đi B này mà tôi hiểu thêm và tự hào về truyền thống gia đình. Dù bố tôi không còn nữa, nhưng bộ hồ sơ là kỷ vật thiêng liêng và tôi sẽ cất giữ cẩn thận”. Hồ sơ của ông có tất cả 16 giấy tờ các loại. Hầu hết các giấy tờ đều viết bằng tay, được lưu giữ cẩn thận nên màu mực, nét chữ ngày nào vẫn còn đọc khá rõ.

- Advertisement -

Theo hồ sơ, ông Hội sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Yên Hóa, huyện Minh Hóa. Bố ông cũng từng công tác trong ngành y nên ông theo nghiệp bố. Năm 1968 đến năm 1973, ông học và tốt nghiệp Trường đại học Y dược Hà Nội (chuyên ngành dược), sau đó được điều động đi B. “Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ trong Quân đội, bố tôi vẫn gắn bó với ngành y và đã điều trị cho rất nhiều thương bệnh binh”. Chị Quyên chia sẻ.

Những bộ hồ sơ được trao trả cho cán bộ đi B đã gợi lại những câu chuyện cảm động, thiêng liêng. Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh từng khẳng định: “Những tài liệu và kỷ vật của cán bộ, chiến sỹ đi B hết sức thiêng liêng và ý nghĩa. Qua đó đã chứng minh được cả một thời kỳ đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam nói chung và những đóng góp của cán bộ, chiến sỹ đi B nói riêng; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, giúp gia đình, đối tượng trực tiếp đi B hoàn thiện hồ sơ của mình”.

Ông Dương Văn Hùng cho biết thêm: “Toàn bộ hồ sơ đã được Sở Nội vụ bàn giao cho các huyện, thị xã, thành phố tổ chức trao trả cho cán bộ hoặc thân nhân cán bộ đi B. Còn những bộ hồ sơ chưa xác định được, chúng tôi sẽ đưa lên các trang mạng, hoặc tìm cách để trả lại cho các đối tượng sớm nhất. Còn những cán bộ từng đi B nhưng chưa có hồ sơ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan, ban ngành các cấp để tìm kiếm, trao trả lại cho cán bộ đi B và thân nhân của họ”…

Xuân Vương

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm