5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Chiang Mai du ký – Kỳ 1: "Đặc sản" của du lịch Thái

- Advertisement -

Ngày tuyến đường bay Chiang Mai-Đồng Hới khai trương, một đồng nghiệp của tôi vừa nâng ly chúc mừng cho ngành du lịch tỉnh nhà sắp “cất cánh”, vừa hồ hởi: “Từ nay, một ngày có thể ăn cơm và đi chơi 2 nước”. Vâng, sự kỳ vọng đó không chỉ của riêng cá nhân anh, mà còn của bao nhiêu du khách khác, nếu muốn từ “Vương quốc hang động” đến “Đóa hoa hồng phương bắc” Thái Lan và ngược lại.

“Du lịch nụ cười”

Từ cảng hàng không Đồng Hới, chỉ mất 1 giờ 20 phút để máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Chiang Mai, thành phố được mệnh danh là “đóa hoa hồng phương bắc”, trung tâm du lịch lớn thứ 2 ở Thái Lan sau Băng Cốc. Chiang Mai nằm lọt giữa một bình nguyên rộng lớn, xung quanh bao bọc bởi những dãy núi, với những khu rừng tự nhiên rậm rạp.

Chiang Mai du ký - Kỳ 1: "Đặc sản" của du lịch Thái

Những cô gái Thái xuất hiện với nụ cười rạng rỡ thường trực trên môi.

Trái ngược với những hình dung ban đầu của chúng tôi, Chiang Mai không hẳn là một thành phố rộng thênh thang, với những khu nhà cao chọc trời, mà ngược lại, thậm chí nó chỉ là một thành phố nhỏ và đang trong quá trình mở rộng. Mới nhìn, Chiang Mai rất dễ đánh lừa chúng ta với vẻ trầm lặng và không lấy gì làm nổi bật, so với sự huyên náo, nhộn nhịp thường thấy ở các thành phố lớn.

Sau khi xuống sân bay Chiang Mai đến khách sạn nhận phòng, chúng tôi được dẫn đến nhà hàng “Old Chiang Mai Cultural Center”, một nhà hàng truyền thống đậm chất Thái để dùng bữa tối. Món ăn vừa dọn ra, trong tiếng nhạc các bài dân ca, dân vũ truyền thống, 2 cô gái Thái xinh đẹp, mặc sắc phục bản địa, mang theo dải dây có đính hoa tươi trịnh trọng khoác vào cổ thực khách, kèm theo một nụ cười thân thiện. Ban đầu, cứ tưởng đó là một nghi lễ đón tiếp của người Thái.

Nhưng một lát sau, có người vỗ vào vai khách chìa ra tấm ảnh khách với 2 cô gái được chụp tự lúc nào. Một trăm baht/ảnh (tương đương 70.000 đồng tiền Việt), nếu khách thấy đẹp và muốn mua để lưu niệm, không bắt buộc, cũng không chèo kéo. Thôi thì, lần đầu được xuất ngoại và cũng là lần đầu được tiêu tiền trên đất Thái, vả lại mấy khi được chụp ảnh cùng những cô gái Thái xinh đẹp, khách thích thú đồng ý. Để ý thấy mấy bàn bên cạnh, nhiều khách Tây cũng tỏ vẻ rất hài lòng với những bức ảnh này, mà không ngần ngại móc hầu bao, rút ra 100 baht, kèm theo lời “Thank you” ngọt ngào tựa như lòng biết ơn.

- Advertisement -

Sau này, đến nhiều địa điểm khác, như: Tam giác vàng, công viên quốc gia ở Chiang Mai, chuyện chụp ảnh tương tự cũng diễn ra, thì mới hiểu, khách đang bị “móc tiền” mà không hề hay biết. Nhưng, chiêu thức lịch sự đến độ chính du khách cũng không thể ngờ đến, chứ không phải “mời chào” trực diện theo kiểu chèo kéo như ở ta.

“Người Thái biết làm vừa lòng khách du lịch bằng những nụ cười. Họ hiển nhiên coi nụ cười như là một nét đẹp riêng có của xứ sở Chùa vàng. Thế nên, người ta gọi Thái Lan là đất nước của nụ cười, còn du lịch Thái được gọi là du lịch nụ cười”, anh Dương Ngọc Anh Dũng, hướng dẫn viên du lịch (Công ty Viettravel) có thâm niên hơn 10 năm trên đất Thái Lan chia sẻ.

Từ bộ tộc chạy loạn… đến “đặc sản” văn hóa

Đến Chiang Mai, không thể không ghé đến làng của “người cổ dài” “Long neck Karen”. “Làng cổ dài”, hay “người cổ dài” chỉ là cách gọi theo đặc điểm hình thể của một nhóm người dân tộc thiểu số có gốc gác từ đất nước Mianma chạy loạn sang Thái Lan.

Ở trên đất Thái Lan, quan niệm dị thường về cái đẹp với những chiếc cổ dài, người Karen đã được những cái đầu tinh nhạy của người Thái coi trọng và xem nó như là một “đặc sản” văn hóa để hút khách du lịch.

Ngay cả làng “Long neck Karen” hôm chúng tôi đến, cũng chẳng phải là nơi cư trú, sinh sống chính của những cư dân “cổ dài” này. Nó chỉ là một khu vực được Chính phủ Thái Lan quy hoạch cho tư nhân xây dựng nên, chỉ nhằm một mục đích duy nhất là phục vụ khách du lịch.

Nguyên sơ, mộc mạc và có cả điều gì đó lạc lõng, khép kín với thế giới náo động ngoài kia. Lạc vào đây, du khách mặc sức nhìn ngắm, chụp ảnh và cả tò mò chỉ trỏ, sờ mó vào những chiếc vòng bằng đồng trên những chiếc cổ dài kia. Độc đáo, lạ lùng lẫn tò mò về một phong tục lạ, thế nhưng không khỏi đan xen cái cảm giác gần như mến thương.

Từ những cô bé 6, 7 tuổi đến những bà cụ 60 tuổi, cái tuổi đã qua thời nhan sắc xuân thì, người ta vẫn không ngừng nối thêm vòng cho cái cổ dài ra.

- Advertisement -

Chiang Mai du ký - Kỳ 1: "Đặc sản" của du lịch Thái

Thiếu nữ người Karen ở “làng cổ dài”.

Người Karen quan niệm, người phụ nữ nào có cổ càng cao, càng dài thì càng xinh đẹp và càng quý phái. Để có được những chiếc cổ dài như ý muốn, họ phải đeo những chiếc vòng bằng đồng. Mỗi một bé gái Karen từ lúc 5, 6 tuổi đã được đeo những chiếc vòng đầu tiên. Qua thời gian, khi cổ dài ra thêm một tí, cái đầu đã gục gặc được, họ lại tiếp tục quấn thêm một vòng đồng mới.

Cứ thế, những chiếc vòng đồng sáng lóa ấy tiếp tục được quấn thêm vào cho đến lúc về già, khi cái cổ đã vượt ngưỡng chịu đựng, gập xuống vốn như trời sinh nữa thì thôi. Và rồi suốt cuộc đời, tất tật mọi sinh hoạt, ăn, uống, ngủ, nghỉ, họ đều chung thủy với những chiếc vòng đồng cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Chuẩn đẹp mỗi phụ nữ Karen thường có khoảng 28 vòng đồng như thế, nặng từ 10 đến 12kg.

Từ một tộc người có nguồn gốc xa xưa ở vùng rừng núi Mianma chạy loạn sang định cư ở Thái Lan, với cái cổ dài không thể lẫn vào tộc người nào khác, ngày nay đứng ở “làng cổ dài”, những người Karen họ ý thức được rằng họ đang làm du lịch. Nói chính xác hơn, người Thái đã dạy họ làm du lịch một cách rất chuyên nghiệp và bài bản. Người Thái còn đưa họ xuống thủ đô Băng Cốc cũng chỉ để làm du lịch.

Những chiếc cổ dài này còn được người ta tạc, chạm, khắc lên đủ các chất liệu đá, gỗ, kim loại để làm đồ lưu niệm cho du khách. Mỗi cái tượng cổ dài tùy theo chất liệu, to nhỏ khác nhau có giá dao động từ 200 đến 300 baht; mỗi chiếc khăn quàng dệt bằng thổ cẩm 200baht; mỗi lần chụp ảnh, trò chuyện với người cổ dài thì tùy tâm khách có thể trả tiền, không trả cũng chẳng sao… Và có muôn vạn thứ để tiêu tiền nữa ở đây.

Đã lạ, độc đáo thì hấp dẫn du khách. Một chị trong đoàn khách chúng tôi sau khi rời “làng cổ dài”, xốc lại hầu bao thốt lên rằng, đã mất gần cả ngàn baht nơi làng cổ dài này. Thế mới nói, làm du lịch chuyên nghiệp đến độ, khiến cho khách du lịch tự nguyện “móc hầu bao” mà họ vẫn không biết, không lăn tăn suy nghĩ, thì quả là đáng nể thật.

Dương Công Hợp

Kỳ 2: Trông người mà ngẫm…

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm