5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Hướng phát triển bền vững cây trồng vùng gò đồi

- Advertisement -

Xác định trồng cây gì để vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa có tác dụng chống xói mòn, tăng cường độ che phủ đất, bảo vệ hiệu quả tài nguyên môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu là vấn đề đang được các cấp, các ngành tỉnh ta đặc biệt quan tâm.

Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết, Quảng Bình là địa phương có diện tích đất vùng gò đồi tương đối lớn. Để phát huy có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh và đa dạng các loại cây trồng trên vùng gò đồi, đặc biệt là cây cao su…, nhờ đó, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, nhất là lụt bão với tần suất ngày càng dày, đã ảnh hưởng trực tiếp đến cây trồng vùng gò đồi và để lại hậu quả nặng nề.

Hướng phát triển bền vững cây trồng vùng gò đồi

Đoàn công tác tỉnh ta tham quan mô hình trồng dứa nguyên liệu tại Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình.

Tính đến tháng 8-2017, toàn tỉnh có 16.301ha cao su, 1.045ha hồ tiêu, 7.000ha sắn; tổng diện tích rừng trồng sản xuất là 100.541ha. Cơ cấu cây trồng chủ yếu của rừng trồng là keo lai, keo tai tượng, keo lá tràm, bạch đàn, thông, phi lao, và cây bản địa. Một số cây trồng khác có diện tích ít hoặc đang thực hiện mô hình, như: cây dược liệu, dứa, sả,…

Qua thực tiễn, 2 cơn bão số 10 năm 2013 và 2017 đã ảnh hưởng nặng nề đến các loại cây trồng, trong đó chủ yếu là cây cao su và rừng trồng các loại. Bão số 10 năm 2013 đã làm đổ gãy 3.586ha (chủ yếu cao su kinh doanh) và gần 20.000ha rừng trồng. Bão số 10 năm 2017 làm đổ gãy 4.058ha cao su (trong đó cao su kinh doanh 3.850ha) và khoảng 40.000ha rừng trồng (chủ yếu là rừng keo, bạch đàn trên 3 năm tuổi). Riêng rừng trồng thông, các loài cây bản địa và các cây trồng khác, như: sắn, cây hồ tiêu, cây dược liệu, ít bị ảnh hưởng.

Dự báo, trong những năm tới, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai do biến đổi khí hậu là mối đe dọa thường xuyên, trước mắt và lâu dài đối với tất cả các lĩnh vực, gây ra những thiệt hại cho sản xuất và đời sống; đặc biệt đối với tỉnh ta vốn có đặc thù sản xuất cây trồng vùng gò đồi. Vì vậy, để tiếp tục sản xuất cây trồng vùng gò đồi, nhất là cao su, trồng rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần phải được hoạch định theo hướng vừa gia tăng giá trị sản xuất, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu để hạn chế thấp nhất mọi thiệt hại có thể xảy ra.

- Advertisement -

Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển cây trồng thích hợp vùng gò đồi tỉnh Quảng Bình” do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài chủ trì, đã kết luận, tỉnh tiếp tục xác định cây cao su, cây lâm nghiệp là những cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi, bên cạnh đó, cần đa dạng hóa cây trồng để phát triển bền vững, phân tán rủi ro. Trong đa dạng hóa cây trồng, phải lựa chọn loại cây, giống cây phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, sinh thái từng vùng gắn với thị trường, có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đối với cây cao su, ngoài việc tập trung khôi phục đối với những diện tích cao su bị thiệt hại do bão số 10 năm 2017 còn trên 50% số cây so với thiết kế thì chỉ trồng lại cây cao su trên đất phù hợp, đất tốt đủ điều kiện; đồng thời, tuân thủ đúng quy hoạch, quy trình kỹ thuật, ưu tiên các biện pháp chống gió bão nhưng vẫn bảo đảm giá thành. Không trồng cao su mọi nơi, mọi giá và ồ ạt như thời gian vừa qua, nhất là ở những diện tích nhỏ lẻ, manh mún, kém hiệu quả và không thể thành vùng nguyên liệu.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất không phù hợp với cây cao su, đất gần biển, không có đồi núi che chắn, chịu tác động mạnh của gió, bão. Trong đó, đối với vùng đất có độ phì cao, cần tập trung phát triển các cây trồng hiện có hiệu quả, như: dưa hấu, khoai lang Nhật Bản, cây dược liệu, cây sắn… Đối với vùng đất xấu, độ dốc trên 10 độ,  không trồng cao su mà nên trồng dứa nguyên liệu, sả, cỏ chăn nuôi, sim và cây lâm nghiệp…

Đối với trồng rừng, tỉnh đẩy mạnh đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi theo nguyên tắc phân tán rủi ro, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, sinh thái và gắn chặt với thị trường; tập trung phát triển các mô hình nông lâm kết hợp giữa cây cao su với cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ, chăn nuôi dưới tán rừng…

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, như: dứa nguyên liệu, dưa hấu, cỏ chăn nuôi, khoai lang Nhật Bản, cây dược liệu (nghệ, ba kích, kim tiền thảo, gừng…); phát triển một số cây mang tính đặc trưng của tỉnh gắn với du lịch, như: hồ tiêu, cam mật, nhãn, ổi, mãng cầu…

Trên cơ sở đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan đưa ra một số giải pháp cụ thể về quy hoạch, xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, kỹ thuật và các chính sách…

Trong đó, trước mắt, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (Đoàn 79) làm việc với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tỉnh Ninh Bình (Công ty Đồng Giao) để liên kết trồng dứa nguyên liệu và tổ chức học tập kinh nghiệm phát triển trồng cây nguyên liệu trên vùng gò đồi.

Đoàn 79 (ở tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy) là đơn vị trên địa bàn tỉnh ta có mô hình trồng dứa dưới tán rừng cao su phát huy tốt hiệu quả. Trung tá Lê Vinh Khương, Đoàn trưởng cho biết, hiện, đơn vị đang thực hiện trồng 55ha dứa trên tổng diện tích 1.958ha đất nông nghiệp được UBND tỉnh cho thuê. Sau 14-15 tháng trồng, chăm sóc cho thu quả và 2 tháng tiếp theo cho thu hoạch chồi.

- Advertisement -

Với tổng sản lượng 1.978 tấn quả, giá bán 4,7 triệu đồng/tấn (theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết giữa Đoàn 79 với Công ty Đồng Giao) cho doanh thu quả 9,2 tỷ đồng, chồi 2,1 tỷ đồng; trừ chi phí đầu tư là 8,9 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 2,5 tỷ đồng; trung bình mỗi ha lãi trên dưới 45 triệu đồng.

Hướng phát triển bền vững cây trồng vùng gò đồi

Mô hình trồng dứa dưới tán rừng cao su của Đoàn Kinh tế quốc phòng 79 (ở tại xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy).

Nhờ đó, Đoàn 79 đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 220 lao động địa phương, trong đó, có 56 lao động là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Mỗi lao động nhận 1 ha trồng, chăm sóc dứa có thu nhập trung bình gần 5,8 triệu đồng/tháng.

Mặc dù diện tích canh tác của đơn vị đã thực hiện chưa lớn nhưng mang lại hiệu quả đáng kể về mặt xã hội. Người dân trong vùng nhận thấy chủ trương đúng đắn của Đoàn 79, của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư đa dạng cây trồng bên cạnh cây chủ lực cao su. Đoàn 79 đã thực hiện mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống để người dân, đặc biệt là đồng bào Vân Kiều dần bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng vùng dân cư xã hội ổn định và phát triển.

“Mới đây, đoàn công tác của tỉnh cũng đã kịp thời đến Ninh Bình, trao đổi và tham quan mô hình trồng dứa của Công ty Đồng Giao và đã có cam kết từ phía Công ty này. Theo đó, Công ty Đồng Giao không những cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm dứa mà còn có dự định hỗ trợ để các tỉnh miền Trung -Tây Nguyên mở rộng diện tích trồng dứa; trong đó hỗ trợ giống (trả sau) và chuyển giao kỹ thuật từ công đoạn trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Hiện tại, gần tỉnh ta nhất có tỉnh Quảng Trị đã thực hiện được 1.000 ha dứa và được phía Công ty Đồng Giao bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Trước mắt, đây được xem là hướng đi thích hợp nên áp dụng đồng thời với một số giống cây khác để phát triển cây trồng vùng gò đồi tỉnh ta. Thực tế tại Đoàn 79 và Công ty Đồng Giao cho thấy, dứa không những là loại cây trồng dưới tán rừng có giá trị kinh tế, dễ thích nghi, lại đáp ứng được yêu cầu “lấy ngắn nuôi dài” trong kế hoạch phát triển cây trồng vùng gò đồi, còn có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi đất, tăng cường độ che phủ đất, bảo vệ nguồn nước và thích ứng với mọi diễn biến bất thường của thời tiết”- ông Phạm Hồng Thái khẳng định.

Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán sơ bộ, tổng chi phí đầu tư cho cây cao su trong suốt chu kỳ 30 năm trung bình khoảng 700 triệu đồng/ha; năng suất trung bình 1,2 tấn mủ/ha/năm; tổng thu trên một ha là 36 triệu đồng.

Cây hồ tiêu với năng suất bình quân 900kg/ha, doanh thu đạt 90 triệu đồng, cao gấp gần 3 lần so với trồng cao su. Còn năng suất bình quân của sắn là 20 tấn/ha, doanh thu đạt 24 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với trồng cao su.

Đối với rừng trồng keo các loại, mỗi ha rừng trồng cho thu nhập (đã trừ các chi phí) khoảng 10-12 triệu đồng/năm/ha. Rừng trồng mục đích kinh doanh gỗ lớn, theo báo cáo của một số tỉnh lân cận (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế), chu kỳ kinh doanh rừng trồng gỗ lớn trên 10 năm, mỗi ha rừng trồng cho thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm.

Hương Trà

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm