5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến và ký ức một thời – Bài 1: Tuổi trẻ sôi động

- Advertisement -

Tôi biết ông, một người nhạc sỹ tài năng, đức độ của mảnh đất Quảng Bình qua hàng chục ca khúc “để đời” do ông sáng tác. Từ làng Quảng Xá quê hương, ông đi cùng đất nước, với một thời lửa đạn chiến tranh. Thời gian thêm vào cuộc đời ông những dung dị, đức độ để bây giờ định danh một Dương Viết Chiến hào hoa.

“Mẹ sinh tôi ở thị xã Đồng Hới vào ngày 25/9/1946. Tôi còn có hai em gái nữa, một em tên Được, một tên Sâm. Em Sâm sinh ra chưa đầy tháng thì bị mất do nhiễm trùng rốn…”- Nhạc sỹ Dương Viết Chiến bắt đầu câu chuyện như thế. Ký ức mênh mang tràn về bên ông trong một buổi chiều cuối năm se lạnh. Bom đạn, đổ nát, chiến tranh đã hun đúc nên một thế hệ như ông: sống, đức độ, đam mê, hào hoa…

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến khoe: “Lúc nhỏ, tôi rất khoẻ mạnh, đầu to, trán vồ. Bố mẹ chụp cho tấm ảnh, lúc đó khoảng 4-5 tuổi, mặc áo dài đen, cổ đeo kiềng bạc, nhìn rất kháu khỉnh. Tấm ảnh ấy giữ cho đến năm 1954”.

Chưa đến tuổi đi học, cậu bé Chiến được bố chở bằng xe đạp đến Quảng Bình Quan chơi và nghe các nhạc công trong Đội nhạc quân thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ thổi kèn đồng. Đội kèn do bố nhạc sỹ dạy khoảng 8 đến 10 người. Họ tập những bản nhạc kèn do Pháp in rất đẹp trên giấy trắng và dày như giấy rôky.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến và ký ức một thời – Bài 1: Tuổi trẻ sôi động

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến và con trai Dương Viết Huy.

Lên 6 tuổi, còn nhớ vào một buổi sáng, bố đưa Chiến đến lớp học đặt cạnh một ngôi chùa ở gần ngã tư. Sau này lớn lên mới biết ngã tư ấy một đường đi về đình chợ Đồng Hới, một đường từ Trường Tiểu học Đồng Đình đi về phía xóm Câu. Tại ngã tư hình như đến hai ba cái chùa và một cây đa rất to. Tên thầy giáo dạy chữ đầu tiên cho cậu bé Chiến là Đô. Học ở lớp học đó một năm thì vào trường tiểu học ở vùng Đồng Đình, nay là Trường Tiểu học Hải Đình, thành phố Đồng Hới.

Những năm cấp hai, cậu bé Chiến học rất khá, đặc biệt các môn tự nhiên. Năng khiếu âm nhạc và “máu” văn nghệ, thể thao có điều kiện bắt đầu khởi xuất khi tham gia đội văn nghệ nhà trường do thầy Hải và thầy Tôn phụ trách. Dương Viết Chiến biết đệm đàn mangdolin, guitar cho các tiết mục đơn ca, song ca, tốp ca.

- Advertisement -

“Tôi còn nhớ bài “Đóng nhanh lúa tốt” của Lê Yên, do thầy Phan Xuân Hải và chị Dương Thị Choanh học sinh lớp 7 ngày ấy song ca. Đây là một bài hát có nhiều chỗ nghịch phách (tức là phách mạnh rơi vào dấu lặng mà trong dân ca thường gọi là nhịp ngoại), nên rất khó hát, khó đàn. Vậy mà tôi cùng thầy Hải và chị Choanh kiên trì tập cho bằng được để công diễn trong liên hoan văn nghệ cuối năm. Và riêng tôi, tôi từng nhiều lần tự đệm đàn guitar hoặc mangdolin đơn ca các bản “Bài ca hy vọng”,“Nhạc rừng”… trong các chương trình văn nghệ của trường cấp hai hồi ấy”.

Vào cấp ba, Dương Viết Chiến học khá hẳn lên, luôn đứng vào tốp 5 trong tổng số 50 học sinh lớp B. Hồi đó Dương Viết Chiến, Hoàng Xuân Mai, Hoàng Mạnh Phú, Hoàng Đói (sau cải lại tên Đông)… học lớp B; còn Trần Hoà, Nguyễn Hữu Thọ, Trương Thị Tiết, Hồ Ngọc Diệp… học lớp A; Phạm Phước, Phạm Xuân Thử, Nguyễn Viết Đạt… học lớp C. Học cấp ba thì học trò Chiến sành nhạc và đàn guitar lắm rồi. Bạn học cùng lớp, nhất là mấy nữ sinh thị xã Đồng Hới thích hát lắm. Chiến thường tập hát cho các bạn gồm các bản nhạc trữ tình và các bài hát Nga bằng hai thứ tiếng do thầy Trịnh Xuân Hoành dạy Nga văn và các thầy về thực tập dạy cho như: “Đôi bờ”, “Chiều Maxcova”, “Thanh niên sôi nổi”, “Cuộc sống ơi ta mến yêu người”… Những đêm cắm trại tại biển Nhật Lệ vào mùa hè năm 1962-1963 cuối năm học lớp 8, Dương Viết Chiến cùng các bạn bên nhau đàn và hát rất vui vẻ, nhất là những bài “Đôi bờ”, “Tuổi trẻ sôi nổi”, “Bài ca hy vọng”…

Dương Viết Chiến học cấp ba ở thị xã Đồng Hới hai năm. Tháng 3/1965, khi mới sang học kỳ hai của lớp 10 thì tàu chiến và máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc Đồng Hới, Quảng Bình. Trường sơ tán lên xã Vạn Ninh (huyện Quảng Ninh). Khi học cấp ba, cậu học sinh nông thôn về thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ rất vất vả, phải ở trọ để đi học. Vậy mà trong các dịp trường và lớp tổ chức sinh hoạt tập thể, lớp 8B niên khóa 1962-1963 vẫn luôn có các tiết mục văn nghệ khá hấp dẫn do các bạn Loan, Hoa, Lộc, Thu, Xuân… hát với tiếng đàn guitar Dương Viết Chiến. Đến năm học cuối cấp, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, Quảng Bình, Đồng Hới tan hoang nhưng tiếng hát học sinh cấp ba Quảng Bình vẫn ngân vang: “Bài ca hy vọng” của Văn Ký; “Tình ca” Hoàng Việt; “Cachiusa”, “Tuổi trẻ sôi nổi”, “Chiều Maxcơva”, “Đôi bờ” (nhạc Nga hát bằng hai thứ tiếng)…

Trong những năm học cấp ba, đến ngày hè, Dương Viết Chiến thường tập hát cho nam nữ thanh niên và thầy, cô giáo dạy cấp một, cấp hai đóng tại làng Quảng Xá. Các bài: “Tình trong lá thiếp” của Trần Chung, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp và Đằng Giao, “Tiếng hát trên tiền tiêu Tổ quốc” của Thái Quý, “Hạt muối cắn hai” của Vĩnh An, “Khâu áo gửi người chiến sỹ” của Nguyễn Đức Toàn và đặc biệt là bài “Quảng Bình quê ta ơi” của Hoàng Vân… Đến bây giờ, mỗi lần về quê những ông, những bà độ tuổi 65-75 trong đội văn nghệ cựu giáo chức, cựu chiến binh làng Quảng Xá như cô Diệu, cô Choanh, cô Dọc, cô Điểm, cô Vân, thầy Tô, thầy Tiến, bà Dâng, bà Mãn, ông Ẩm, ông Giá, ông Doái… vẫn còn nhớ mãi. Ngày cô giáo Dương Thị Choanh còn sống, dù hơn 70 tuổi, mỗi lần gặp Dương Viết Chiến vẫn móm mém hát “Đóng nhanh lúa tốt” của Lê Lôi mà cô từng song ca cùng thầy Hải dạy văn cấp hai năm xưa lúc cô còn học lớp 7 và cậu học sinh lớp 5 Dương Viết Chiến đệm đàn.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến và ký ức một thời – Bài 1: Tuổi trẻ sôi động

Sinh viên Quảng Bình, Vĩnh Linh tại K7, Đại học Sư phạm Vinh khóa học 1966-1970.

Vào Đại học Sư phạm Vinh, chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, trường sơ tán ở hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, Dương Viết Chiến học ngành Toán Lý. Mới “chân ướt chân ráo” nhập trường, thầy cô trong khoa đã biết tiếng về khiếu âm nhạc của cậu sinh viên đất lửa Quảng Bình bèn cử cậu phụ trách văn nghệ của lớp và khoa, “ưu tiên” giữ đàn guitar,accordion. Từ đó, ngoài giờ học chính khóa, Dương Viết Chiến tìm đến thư viện sưu tầm, nghiên cứu thêm tài liệu về sáng tác và lý luận âm nhạc, đặc biệt là các giáo trình bậc trung cấp và đại học.

Năm học 1968-1969, khi đang là sinh viên năm thứ hai, Trường Đại học Sư phạm Vinh tổ chức Hội diễn văn nghệ – thể dục thể thao toàn trường. Tác phẩm đầu tay của Dương Viết Chiến tham gia hội diễn là bài “Đi lên những người sư phạm” do tốp ca nữ khoa biểu diễn đoạt giải Nhất, đồng hạng cùng bản “Hợp xướng K6” của thầy giáo Nguyễn Lân Hùng (Giáo sư Nguyễn Lân Hùng, anh em ruột với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất – PV).

- Advertisement -

Ra trường, thầy giáo Dương Viết Chiến được nhận quyết định của Ty Giáo dục Nghệ An về dạy tại huyện Quỳnh Lưu. Hồi đó, chiến tranh ác liệt, Quảng Bình chủ trương “gửi nhờ” một số giáo sinh và sinh viên sư phạm ở lại các tỉnh miền Bắc từ vỹ tuyến 20 trở ra cho an toàn. Sau này chiến tranh kết thúc trở về chung tay xây dựng, kiến thiết quê hương trên mặt trận giáo dục.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, thanh niên miền Bắc tình nguyện lên đường nhập ngũ chi viện sức người cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh đó, Dương Viết Chiến tạm xếp lại sự nghiệp của người thầy, viết đơn vào bộ đội đi B dài.

(còn nữa)

CTV Ngô Thanh Long

Theo QBTV

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm