9.5 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Có nên xây cổng ở Phong Nha – Kẻ Bàng?

- Advertisement -

Chủ trương đầu tư dự án cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) kết hợp Trạm kiểm soát lâm sản khu vực phía bắc vườn quốc gia đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Có nên xây cổng ở Phong Nha - Kẻ Bàng?

Phối cảnh ban đầu của cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng – ẢNH: T.Q.N

Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án cổng vào Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng vừa được Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng lập, trong đó vị trí dự án “chồng” lên khu vực có Trạm kiểm lâm Trộ Moợng hiện tại và nằm trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây (thuộc địa bàn xã Phúc Trạch, H.Bố Trạch). Theo BQL, sau khi một số tuyến, điểm du lịch đi vào hoạt động (như động Thiên Đường, suối Nước Moọc, sông Chày – hang Tối, thung lũng Sinh Tồn – hang Thủy Cung…) thì Trạm kiểm lâm Trộ Moợng trở thành cửa ngõ chính ra vào VQG từ phía bắc. Ngoài con đường trên (đường có dự án đặt cổng) còn có thể vào VQG theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ hướng nam; hướng theo đường Hồ Chí Minh nhánh đông rẽ vào trung tâm xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch; và hướng từ Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cà Roòng theo đường 20 – Quyết Thắng.

Theo BQL, việc đầu tư dự án nhằm tạo điểm nhấn về kiến trúc, gây ấn tượng đặc biệt đối với du khách trước khi vào tham quan VQG, đồng thời rất “cần thiết và cấp bách” khi tạo điều kiện cho lực lượng kiểm lâm kiểm soát người, phương tiện ra vào VQG.

Có nên xây cổng ở Phong Nha - Kẻ Bàng?

Hướng chính vào Vườn quốc gia có treo chữ Phong Nha – Kẻ Bàng

“Việc gì phải đặt vào đó một cái cổng ?”

- Advertisement -

Tuy nhiên, dự án này nhận được không ít ý kiến phản đối, hoài nghi về thẩm mỹ, cảnh quan và vị trí đặt cổng. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, dè dặt: “Thực sự cần cân nhắc kỹ, không nên vội vàng, tránh gây phá vỡ cảnh quan, gây tổn hại đến những giá trị khác vì Phong Nha – Kẻ Bàng chứa đựng nhiều nét độc đáo và nhạy cảm. Khu vực này sông núi rất đẹp, lèn đá sát sông, cảnh quan chung cả sông cả núi, giờ làm cổng có lớn bao nhiêu nữa cũng không thể vượt qua ngọn núi được. Ở nhiều khu du lịch nổi danh trên thế giới, việc làm cổng hay bảng hiệu chỉ dẫn rất đơn giản, nhiều nơi chỉ là hòn đá hay những cổng gỗ nhẹ nhàng”.

Ông Nguyễn Văn Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình, cũng lên tiếng phản đối. “Trên phương diện hiệp hội, quan điểm của tôi là không đồng ý chia ranh giới VQG bằng cái cổng, mà phải là những bảng chỉ dẫn phù hợp với cảnh quan. Nếu làm thì có thể làm một công trình cấu trúc đẹp đặt trên đường Hồ Chí Minh (nhánh đông), chỗ khu vực ngã ba Đông Dương thuộc xã Xuân Trạch”, ông Kỷ đưa ý kiến và lý giải tuyến đường bắc – nam ở đoạn này có lưu lượng người đông, khách thấy cổng sẽ biết ngay là đang đi qua khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng. “Còn ở VQG đã có núi Voi lớn treo chữ trên đó rồi. VQG đẹp như thế, việc gì phải đặt vào đó một cái cổng? Cổng là giới hạn con đường vào và phải có thông điệp, cung cấp thông tin. Phong Nha – Kẻ Bàng chỗ nào cũng đẹp, cũng nổi tiếng thì sao phải giới hạn?”, ông Kỷ nói thêm.

Có nên xây cổng ở Phong Nha - Kẻ Bàng?

Động Phong Nha nhìn từ bên trong ra

Không hợp với di sản thiên nhiên

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thái, người chuyên nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nhìn nhận: “Mình nghĩ nó (cái cổng – PV) là ngôn ngữ đô thị, không hợp với di sản thiên nhiên. Dù trên đó có đưa logo di sản thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng nhưng lạc lõng với xung quanh, chỉ phù hợp với đường vô khu công nghiệp, bến cảng, thành phố hiện đại… Ở Trộ Moợng chỉ nên làm cổng cách điệu cảnh quan tự nhiên như trụ đá, gốc cổ thụ…”.

Ông Hoàng Hải Vân, Phó giám đốc BQL VQG, cho biết: “Chúng tôi xác định công trình này có những yếu tố, ý nghĩa nói trên nên mới phải trình các cấp đầy đủ đã rồi mới làm chứ đâu phải ưng là làm đâu và giờ đang trình Sở Xây dựng là vì thế. Ai phản ánh về quy mô phá vỡ cảnh quan thì bảo họ cung cấp, có cơ sở nào mà nói phá vỡ, hồ sơ chưa phê duyệt mà sao nói phá vỡ rồi, không có tính xây dựng gì cả. Là người quản lý và bảo tồn di sản, hơn ai hết chúng tôi phải hiểu điều đó và làm cho đúng, bảo tồn giá trị di sản chứ”.

Đáng chú ý, theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, quy mô phát triển khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng thuộc địa bàn các xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch, Hưng Trạch, Thượng Trạch và Tân Trạch (H.Bố Trạch). Mục tiêu đến năm 2025, khu du lịch Phong Nha – Kẻ Bàng đáp ứng các tiêu chí được công nhận là khu du lịch quốc gia, đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Như vậy, nếu đặt cổng ở Trộ Moợng sẽ vô tình tạo sự chia cắt; một diện tích lớn của quy hoạch khu du lịch quốc gia sẽ nằm ngoài cổng. Trên thực tế, hoạt động du lịch ở vùng đệm của VQG đã rất phát triển, nhộn nhịp; thêm vào đó, do đặc điểm cảnh quan núi rừng, sông suối tương đồng, liền kề nên du khách không thể nào và cũng chẳng… quan tâm đâu là VQG, đâu là vùng đệm. Cũng theo quy định, để thực hiện dự án cần phải có ý kiến của một số cơ quan cấp bộ như Bộ GTVT, Bộ VH-TT-DL nên đến ngày 8.1, hồ sơ vẫn chưa được Sở Xây dựng Quảng Bình tiếp nhận và thẩm định.

- Advertisement -

Cổng vào VQG được thiết kế hình mái nhà, kiên cố bằng bê tông cốt thép, trồng 2 hàng cây bản địa xen kẽ lẫn nhau dọc hai bên đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Theo thiết kế hiện tại, cổng có chiều cao gần 13 m, rộng hơn 31 m, phần đường đi rộng 19 m. Giai đoạn 1 dự án (từ 2017 – 2019) dự tính đầu tư xây dựng cổng vào VQG kết hợp trạm kiểm soát lâm sản với số tiền 4,5 tỉ đồng; giai đoạn 2 (từ 2020 – 2022) đầu tư xây dựng đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh nhánh tây để đấu nối các điểm rẽ vào trạm kiểm soát của cổng với số tiền 5 tỉ đồng. Vốn thực hiện dự án được lấy từ nhiều nguồn thu phí tham quan Phong Nha hằng năm.

Theo Trương Quang Nam (Thanh niên)

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,404Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm