7.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Vướng mắc xuất khẩu lao động

- Advertisement -

Những năm qua, huyện Minh Hóa luôn xác định xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn. Trên thực tế, có nhiều hộ dân trong huyện nhờ XKLĐ đã vượt qua đói nghèo và vươn lên khá giả. Tuy nhiên, công tác XKLĐ ở Minh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sau khi có Quyết định 71/QĐ-TTg của Thủ tường Chính phủ về phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020, huyện Minh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thiết lập tổ chỉ đạo XKLĐ.

Ngoài công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn quyền lợi cho người lao động, địa phương cũng đã tập trung điều tra, phân loại lực lượng lao động tại thôn, bản; nắm số lao động để khi có kế hoạch tuyển dụng sẽ vận động người lao động tham gia.

Theo Quyết định này, từ năm 2011 đến năm 2016, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có 220 lao động được đi XKLĐ sang nước ngoài; trong đó, xã Thượng Hóa 58 người, xã Xuân Hóa 56 người, xã Hóa Hợp 47 người, xã Dân Hóa 40 người…

Thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu ở các nước Malayxia, Ả rập xê út, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Số tiền giải ngân cho các lao động đi xuất khẩu gần 10 tỷ đồng. Nhìn chung, những người đi lao động ở nước ngoài được làm việc trong môi trường thuận lợi, có thu nhập từ 12 đến 30 triệu đồng/tháng.

Riêng năm 2017, trên địa bàn huyện Minh Hóa có gần 100 người đăng ký XKLĐ được giáo dục định hướng, trong đó có 31 người được xuất cảnh sang các thị trường Đài Loan, Nhật Bản. Anh Đinh Văn Bảy, một người dân ở thôn Tân Hòa, xã Hóa Hợp tâm sự: “Nhờ XKLĐ nên đời sống gia đình ngày càng đi lên, nợ nần cũng dần trả hết, con cái được đi học đàng hoàng”.

Anh Bảy là một trong số nhiều người được đi XKLĐ theo Quyết định 71 sang nước Đài Loan từ đầu năm 2017. Anh làm nghề xây dựng, công việc tuy vất vả nhưng được cơ sở tuyển dụng đối xử rất tốt, được trả lương mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí. Hợp đồng lao động của anh là 3 năm, nhưng nếu làm việc tốt, sức khỏe bảo đảm thì có thể gia hạn hợp đồng lên đến 12 năm và lương cũng sẽ tăng dần.

Vướng mắc xuất khẩu lao động

- Advertisement -

Một buổi tuyên truyền XKLĐ tại huyện Minh Hóa.

Nhìn chung, công tác XKLĐ trên địa bàn huyện Minh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của huyện. Tuy nhiên, kết quả đó vẫn còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của địa phương.

Mới đây, UBND huyện Minh Hóa phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư Vĩnh Cát, chi nhánh Thanh Hóa tổ chức ngày hội tư vấn xuất khẩu lao động và giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Trọng Hóa.

Tại đây, Công ty đã thông báo tuyển 200 lao động nữ giúp việc và cặp vợ chồng (vợ giúp việc nhà, chồng lái xe) tại nước Ả rập xê út. Đối tượng tuyển là nữ có độ tuổi từ 21 đến 46 tuổi và nam biết lái xe, có sức khỏe tốt, không có tiền án tiền sự. Thời gian lao động ít nhất 2 năm với mức lương 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Người tham gia xuất khẩu lao động được miễn phí 100% phí xuất cảnh, được tài trợ toàn bộ chi phí ăn ở, bồi dưỡng nghề và ngoại ngữ.

Trước khi xuất cảnh, Công ty còn hỗ trợ cho mỗi gia đình 10 triệu đồng. Nhưng đến nay, đơn hàng này vẫn chưa có một người dân nào đăng ký. Việc người dân huyện Minh Hóa chưa mặn mà với XKLĐ là do chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn những bất cập.

Đối với chính sách tín dụng ưu đãi cho người lao động, mức trần phí quy định cho từng thị trường lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thực tế thấp hơn so với mức phí các doanh nghiệp hiện nay đang thực hiện.

Ví dụ như thị trường Đài Loan hiện nay mức phí theo quy định không vượt quá 4.000 USD, nhưng thực tế phí doanh nghiệp làm hiện nay giao động từ 4.500 USD – 5.500 USD. Nếu doanh nghiệp thu thêm ngoài khoản quy định sẽ bị Cục quản lý lao động ngoài nước đình chỉ hoạt động, còn thực hiện đúng mức phí quy định thì doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận.

Chính vì thế, doanh nghiệp không thể thực hiện theo chính sách Quyết định 71/2009/QĐ-TTg. Hiện nay, với mức phí theo quy định thì doanh nghiệp chỉ thực hiện được một số thị trường có thu nhập thấp như Malaysia, Ả rập xê út… Tuy nhiên, những thị trường này có chế độ lao động không bảo đảm, nhiều rủi ro, đa số lao động khi hoàn thành hợp đồng đều không có khả năng trả nợ vốn vay, vì thế người lao động không muốn tham gia.

- Advertisement -

Mặt khác, người lao động có tâm lý sợ rủi ro, không có tư tưởng sẵn sàng đi làm việc ở nước ngoài, sợ phải xa gia đình, chê lương thấp, đòi hỏi thị trường có thu nhập cao. Yếu tố gia đình, họ tộc, xóm làng, phong tục tập quán cũng đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người tham gia đi xuất khẩu lao động.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp không chính thức tham gia tuyển lao động nhưng vẫn hoạt động trái phép trên địa bàn. Trong quá trình tuyển lao động, các doanh nghiệp đã tuyên truyền sai chính sách, hứa với người lao động sẽ làm hợp đồng cho vay vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, người lao động muốn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đòi hỏi phải có hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài ký kết với doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước cấp phép cho tuyển lao động trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.

Thực tế cho thấy, nhu cầu đi xuất khẩu của người lao động trên địa bàn Minh Hóa là rất lớn, nhưng người dân lại khó khăn về vốn. Người lao động không đủ cơ sở pháp lý để vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (vay không cần thế chấp), nếu vay vốn có thế chấp thì người lao động lại gặp khó khăn trong vấn đề tài sản.

Riêng các đơn hàng theo Quyết định 71/2009, Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định rất ít, mỗi lần thẩm định đơn hàng rất hạn chế nên không thực hiện đại trà. Thời gian đào tạo theo quy định của Cục là 3 tháng cho thị trường Đài Loan, nhưng sau ba tháng, lao động vẫn chưa được xuất cảnh. Việc này làm lỡ đơn hàng của các chủ doanh nghiệp bên phía Đài Loan nên họ buộc phải tuyển các đơn hàng khác hoặc cắt hợp đồng…

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề huyện Minh Hóa cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tuyên tuyền về hiệu quả của việc XKLĐ nhằm lôi cuốn người dân tham gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị tư vấn nhằm tìm kiếm những thị trường lao động hấp dẫn, có mức lương cao để hút người dân xuất ngoại.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, Bộ Lao động-Thương binh và xã hội cần đề xuất Chính phủ có chính sách điều chỉnh, bổ sung Quyết định 71/2009/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hoặc Bộ có chính sách điều chỉnh mức trần phí đối với từng thị trường cho hợp lý.

Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị tuyển dụng lao động phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngươi dân vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ Quốc gia về việc làm…

Xuân Vương

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm