7 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Tập trung phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

- Advertisement -

Trước tình hình thời tiết giá lạnh kéo dài những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, huyện Tuyên Hoá đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với rét đậm, rét hại, chủ động chăm sóc, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Tính đến đầu tháng 2-2018, nông dân Tuyên Hóa đã gieo cấy được khoảng 1.430 ha lúa vụ đông-xuân/kế hoạch 1.480 ha. Đối với cây ngô, bà con đã gieo trồng được gần 1.200 ha /kế hoạch 1.200 ha. Riêng với giống lạc, nông dân Tuyên Hoá đã gieo trồng được trên 370 ha/kế hoạch 900 ha vụ đông-xuân.

Hiện nay, các loại cây trồng đang phát triển xanh tốt, chưa có dịch bệnh xảy ra. Bà con vẫn đang tích cực triển khai gieo trồng theo đúng khung lịch thời vụ, đẩy mạnh chăm sóc, thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn ngừa dịch bệnh và giá rét gây hại đối với cây trồng; chủ động tưới tiêu hợp lý để tiết kiệm nước cho vụ mùa tiếp theo; mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng một số cây màu khác có giá trị kinh tế cao hơn…   

Ngay từ đầu vụ, Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá đã sớm chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành cung ứng cơ bản đầy đủ giống cho bà con trên địa bàn. Vụ đông-xuân 2017-2018, Tuyên Hoá chú trọng sử dụng trà giống lúa dài ngày, như: Xi23, X21, VN20, IR353-66; trà giống lúa trung ngày gồm P6, XT28, TBR225, GL105; trà giống lúa ngắn ngày và cực ngắn, như: PC6, HT1, Nếp IJ352 và SVN1…

Tập trung phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Tuyên Hoá khẩn trương xuống giống theo đúng khung lịch thời vụ.

Đối với giống lúa lai, Tuyên Hoá chỉ đạo nông dân sử dụng giống Nhị ưu 838, Khải Phong 1, B-TE1. Ngoài ra, huyện cũng vận động nông dân sử dụng các giống lúa mới mang tính đặc thù của địa phương là HN6, TBR1, SV186, SV189…

Đặc biệt, đối với vụ đông-xuân năm 2017-2018, Tuyên Hoá khuyến cáo nông dân nên sử dụng giống lúa dài với tỷ lệ giảm dần để loại bỏ ra khỏi cơ cấu trong các vụ tiếp theo; đối với giống mới có triển vọng mang tính chất đặc thù và các giống lúa lai cần căn cứ đặc tính của giống để cơ cấu phù hợp với từng điều kiện của địa phương; ở một số diện tích nhiễm mặn cần sử dụng các giống, như: OM4900, OM5451…

- Advertisement -

Tương tự, đối với giống ngô lai, huyện đã bố trí các giống ngô lai chủ lực, như: DK9901, PAC399, CP501, CP3Q, NK410, NK4300…; ngô nếp VN2, MX4, HN88, Tố Nữ, WAX44…; các giống ngô sử dụng làm thức ăn cho gia súc gồm DK9955, DK9901, AVA3668. Còn đối với giống lạc, huyện chỉ đạo bà con gieo trồng các loại giống SVL1, L23, L14 và giống lạc có triển vọng L27. Riêng với giống đậu xanh là ĐX208, ĐX044, SVDDX1.

Tính đến cuối năm 2017, tổng đàn gia súc toàn huyện là 50.966 con. Tổng đàn gia cầm toàn huyện là 305.669 con. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết giá rét kéo dài dịp đầu xuân Mậu Tuất 2018, những ngày qua, huyện Tuyên Hoá đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Tuyên Hoá Nguyễn Tri Phương cho biết, từ đầu vụ đông-xuân năm 2017-2018 đến nay, đơn vị đã thường xuyên tham mưu cho UBND huyện Tuyên Hoá ban hành nhiều công văn chỉ đạo sâu sát đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.

Cùng với đó, Phòng luôn tích cực phối hợp với Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông, chính quyền các xã, thị trấn… thường xuyên bám sát cơ sở để hướng dẫn bà con chú trọng kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng, nguyên nhân gây hại để có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa kịp thời. Ngoài ra, Tuyên Hoá còn tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng chăm lo tu bổ các công trình đầu mối, nạo vét hệ thống kênh mương, điều tiết nước phục vụ tưới tiêu hợp lý.

Hiện nay, toàn huyện đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm để ứng phó với rét đậm, rét hại, như: hướng dẫn các hộ chăn nuôi gia cố chuồng trại, dự trữ thức ăn; không cho trâu bò làm việc, không chăn thả tự do, đưa vật nuôi về chuồng nuôi nhốt khi nhiệt độ xuống thấp; cập nhật kịp thời tình hình thời tiết, thông tin thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng và vật nuôi; kiểm tra, rà soát, tổ chức tiêm phòng bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, nhất là tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng và lở mồm long móng…

Đối với đàn gia cầm, Phòng NN và PTNT chú trọng hướng dẫn các trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn gia cố chuồng trại, tăng cường hệ thống nhiệt chống rét, tiêm phòng các bệnh dễ phát sinh khi trời trở lạnh như: cúm gia cầm, dịch tả vịt…; đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm xử lý kịp thời, hiệu quả khi có dịch xảy ra.

Nhờ làm tốt việc chăm sóc, phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, nên trong các ngày rét đậm, rét hại vừa qua huyện Tuyên Hoá chưa ghi nhận bất kỳ diện tích cây trồng hoặc trâu, bò, lợn nào bị chết rét… Được biết, từ đầu vụ đông-xuân 2017-2018 đến nay, huyện Tuyên Hoá đã bố trí nguồn kinh phí trên 9 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân khắc phục, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của UBND tỉnh.

Trong vụ mùa này, huyện Tuyên Hoá đã đưa ra các giải pháp, như: tập trung nguồn lực chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án liên quan đến tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng; chú trọng thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả để nhân rộng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; làm tốt công tác dự tính, dự báo các loại sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời, kiên quyết không để phát sinh thành dịch, ảnh hưởng đến sản xuất…

- Advertisement -

Ở lĩnh vực chăn nuôi, Tuyên Hoá quan tâm đẩy mạnh phát triển tổng đàn; triển khai thực hiện đề án phát triển đàn bò lai bằng nhiều biện pháp; tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, Chương trình 135 và Chương trình MTQGXDTM, các dự án đầu tư để phát triển đàn bò lai hiệu quả; bảo đảm an toàn dịch bệnh gắn với chế biến và tiêu thụ; phát huy các giải pháp nâng cao tỷ lệ máu ngoại cho đàn gia súc; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình có nhu cầu xây dựng trang trại, cơ sở giết mổ tập trung…

Văn Minh

Theo Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,401Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm