6.1 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Cô giáo của những đứa trẻ chuyên biệt

- Advertisement -

Học giỏi văn ở Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình). Nên vào đại học Nguyễn Thị Ngọc Yến chỉ nghĩ đến nghề giáo viên dạy văn sau khi ra trường. Ngờ đâu Yến lại trở thành người “gõ đầu trẻ”, mà lại là những đứa trẻ chuyên biệt…  

Thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ban đầu Yến (30 tuổi, trưởng nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2, phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) chỉ nghĩ đến khoa văn. Nhưng rồi lại quyết định theo học khoa giáo dục đặc biệt, chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ.

Cô giáo của những đứa trẻ chuyên biệt

Nghề̀ đã chọn người

Yến kể là ở gần nhà Yến có một bé nói ngọng. Mỗi lần gặp Yến, bé cứ bi bô muốn nói chuyện mà không nói được nên lời, đã làm Yến mủi lòng. Vậy nên khi vào trường ĐH, thấy có chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ Yến liền theo học, với suy nghĩ có thể chăm sóc được cho bé và những đứa trẻ chuyên biệt khác. Gia đình thấy Yến theo học ngành đó thì không ưng ý tý nào. Quyết theo ý mình, Yến nói với ba mạ là không cần tiền chu cấp, chỉ cần cho học ngành mình muốn. “Vậy là tôi phải tự nuôi mình ăn học. Suốt bốn năm ở trường, ngoài giờ lên lớp tôi đi làm ở các quán càphê, chạy bàn ở các quán nhậu, phát tờ rơi, làm gia sư cho trẻ khuyết tật… ai thuê gì cũng nhận làm hết. Tôi thuê nhà trọ ở khu vực Cống Quỳnh quận 1, nhưng không có cả xe đạp nên ngày ngày phải đi bộ đến các quán ở mãi quận 10 để làm. Sau một năm mới tích cóp tiền mua được chiếc xe đạp giá 400.000 đồng đi làm. Có năm không về Tết được vì không có tiền. Học hết năm một ba mạ mới thấy thương và cho thêm tiền ăn học. Ngẫm ra cứ như nghề này đã chọn tôi vậy” – Yến kể.

“Khi quyết định theo học ngành giáo dục đặc biệt, tôi đã lường trước những vất vả mà mình phải đối diện khi hành nghề để quyết theo đuổi nghề mình chọn” – Yến bộc bạch.

Năm 2011 Yến ra trường, về làm việc tại trường chuyên biệt Trí Tâm 1 ở Bình Dương. Năm 2013, trong một lần về quê Quảng Bình nghỉ phép, Yến gặp lại bạn bè, thấy người bạn có con bị bệnh tự kỷ nặng nên đã quyết định ở lại quê nhà giúp bạn. Bây giờ cháu bé đã khỏi bệnh tự kỷ, đang theo học lớp 3 ở một trường tiểu học. Sau đó Yến mở nhóm dạy trẻ chuyên biệt ở Đồng Hới. Ban đầu lớp chỉ có tám cháu, với nhiều khuyết tật khác nhau. Yến thổ lộ: “Bắt tay khởi nghiệp từ nghề này mới biết được bao nỗi vất vả, gian khó của nghề dạy trẻ chuyên biệt. Cả ngày cứ phải theo từng cháu từng ly từng tý một nên đôi lúc cũng thấy nản lòng lắm. Mỗi khi thấy mình nản lòng, nhìn vào các cháu lại thấy thương quá, đành theo nghề”.

Cô giáo của những đứa trẻ chuyên biệt

- Advertisement -

Gắn bó với những đứa trẻ thiệt thòi

Từ 2014 Yến mở nhóm mầm non chuyên biệt mang tên Trí Tâm 2, đến nay nhóm đã có 60 trẻ. Cháu nhỏ nhất mới một tuổi rưỡi, cháu lớn nhất 16 tuổi.

Yến cho biết cũng lắm lúc phụ huynh thiếu tin tưởng vào nhóm nên đưa con cháu về giữa chừng. Nhiều người còn hoài nghi vào phương pháp và khả năng giáo dục của nhóm đối với trẻ chuyên biệt. Nên nhiều tháng chị em trong nhóm không có thu nhập. Dần dần nhóm khẳng định được khả năng của mình nên số lượng cháu này luôn được duy trì, phụ huynh tin tưởng hơn và yên tâm gửi gắm con em mình cho nhóm. “Khó nhất trong giáo dục trẻ chuyên biệt là bị ngừng giữa chừng, khi đó trẻ rất dễ bị trở lại những bệnh hay thói quen đã mắc phải. Nhưng mỗi khi phụ huynh gửi trẻ trở lại nhóm đều nhận, dù biết sẽ phải mất thêm thời gian và công sức cho các cháu” – Yên nói. Điều tốt nhất là bây giờ phụ huynh đã nhận biết được sớm các biểu hiện chuyên biệt của con cháu như tự kỷ, tăng động giảm chú ý, trẻ chậm nói, down… và các khuyết tật khác nên dễ dạy dỗ hơn để trẻ hoà nhập với trẻ bình thường.

Với Yến và cả nhóm Trí Tâm 2, mỗi trẻ nhập học là một bài toán thử thách lòng yêu thương, sự kiên nhẫn. Có nhóm trẻ, khi dạy dỗ phải nhắc đi nhắc lại một câu nói hàng tháng trời mới được. Chỉ cho các cháu nhận biết một màu sắc thôi có khi phải mất nhiều tuần. Bé Phan Ngọc H. khi vào nhóm mới 2 tuổi, bị tự kỷ nặng. Sau gần 4 năm được dạy dỗ đã hết bệnh, nay H. đã học lớp 2 ở một trường tiểu học. Bé Đặng Hải H. vào nhóm khi 3 tuổi, cũng bị tự kỷ nặng. Tháng đầu tiên vào lớp, Hải H. cứ nhắm tịt mắt lại không nhìn vào bất cứ ai, thậm chí cả lúc ăn cũng nhắm mắt, cô giáo phải đút từng thìa cơm cháo vào mồm. Khi không nhắm mắt thì Hải H. lại cứ nhè các cô giáo và bạn học mà đập, cấu xé, la hét… Sau hai năm Hải H. ra khỏi nhóm, nay đang học ở Trường mầm non Đức Ninh. Mẹ Hải H. là chị Lê Thị L. không giấu được niềm vui, nói: “Cứ tưởng rồi cháu không còn hoà nhập được với các bạn nữa, ai ngờ cô Yến dạy dỗ được cháu hết bệnh. Mừng ơi là mừng”.

Nhiều người đưa con đến với nhóm Trí Tâm 2 trong sự phó mặc, vì họ đã hết cách. “Điều đó càng làm cho mình thấy trách nhiệm của mình cao hơn, lòng yêu nghề mến trẻ của mình và cả nhóm cao hơn” – Yến nói.

Lo thu nhập cho thành viên nhóm và trang trải cho mọi đầu tư vào trường lớp, nhưng Nguyễn Thị Ngọc Yến vẫn không quên giúp đỡ các bậc bố mẹ có hoàn cảnh khó khăn. Với các cháu có bố mẹ nghèo, Yến giảm tiền đóng góp từ 500.000-3,5 triệu đồng tuỳ theo hoàn cảnh, chỉ lấy một phần nhỏ. Mỗi tháng dành 15% tổng thu lập quỹ khuyến học của nhóm, tiền này dùng hỗ trợ các cháu nghèo. Nhóm cũng thường xuyên tổ chức ngày hội gia đình để phụ huynh cùng con cháu vui chơi, chứng kiến tiến bộ của con em mình…

Đến nay đã có hơn 50 trẻ trở về nhà an lành, hòa nhập với bạn bè ở các trường tiểu học, THCS. Những tấm thiệp chúc mừng ngày 20-11 mà học trò của Yến tự làm tặng, dù còn chưa xinh, nét chữ còn chưa đẹp nhưng đã minh chứng lòng yêu thương của Yến và nhóm Trí Tâm 2 với các cháu bé chuyên biệt.  

Lê Bách Tèo

- Advertisement -

Theo Tang TTĐT TP Đồng Hới

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm