6.6 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lệ Thủy: Dân bất lực nhìn sông “nuốt” đất do khai thác cát

- Advertisement -

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng khai thác cát trái phép lẫn có phép trên sông Kiến Giang vẫn luôn là “điểm nóng”, gây bức xúc cho người dân sinh sống ở xã Văn Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Kêu cứu bất thành

Theo chân anh N.V.Hữu – người dân sống ở thôn Văn Minh, xã Văn Thủy, chúng tôi đến khu vực bị sạt lở mà người dân ở đây cho là do tình trạng khai thác cát gây ra. A Hữu kể: “Làng Văn Minh trước đây là một dãy bến hiền hòa, nước luôn trong xanh. Hằng ngày có nhiều người đến tắm rửa, giặt giũ. Nhưng nhiều năm trở lại đây, dân chúng tôi chẳng ai dám xuống tắm vì nước đục ngầu. Hơn thế nữa, lòng sông giờ rất sâu và nguy hiểm”.

Nạn khai thác cát sẽ làm đất sụt lún xuống sông, làm cho người dân sống gần bờ sông luôn trong tâm trạng lo lắng, hoang mang vì nhà cửa có thể bị “hà bá” cuốn trôi bất cứ lúc nào. Người dân làm đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan chức năng nhưng tình trạng này vẫn chưa được ngăn chặn. Ruộng, đất canh tác ngày một ít dần vì bị lở… ai cũng bất an.

Lệ Thủy: Dân bất lực nhìn sông “nuốt” đất do khai thác cát

Tàu cuốc hoạt động với công suất lớn gây ồn ào. 

Đứng cạnh bãi hoa màu của mình, chị N.T.C trầm ngâm nói: “Mình làm nông là chính, sống dựa vào đất đai. Họ cứ khai khác cát thế này thì nay mai đất lại theo sông mà đi và rồi dân chúng tôi lấy đất đâu để sản xuất? Công sức bao năm canh tác cứ đổ sông, đổ biển”.

Cùng tâm trạng như vậy, ông Nguyễn Thành Mật cũng rất bức xúc trước tình trạng sạt lở này: “Dãy tre chống lũ trồng cách bờ 4 – 5m mà cũng trôi sông hết, có những đoạn sạt lở sâu đến 30m. Một đoạn sông chưa đầy 1km mà cho khai thác mãi thế này thì không lâu nữa ngôi nhà của tôi cũng như hàng chục ngôi nhà sống bên hai bờ sông này cũng biến mất”.

Bà N.T.Liên ở thôn Văn Minh, xã Văn Thủy cho biết, tầm 4h -5h sáng tàu cuốc, tàu vận chuyển cát sỏi đã hoạt động. Tiếng máy nổ xen lẫn tiếng đá sỏi làm ồn cả một khoảng trời, dân “mất ăn mất ngủ”. Lo sợ mất đất, mất nhà, 16 hộ dân sống ở bờ sông đã làm tờ trình nhờ các cấp chính quyền vào cuộc. Nhưng vào xã, xã lại bảo xuống huyện, đến huyện thì huyện bảo do tỉnh ký. Và rồi cũng làm văn bản gửi Bộ Tài nguyên & Môi trường nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

- Advertisement -

Việc khai thác này không những ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên bờ mà còn làm biến đổi dòng chảy, tác động lớn đến nguồn thủy sản ở sông. Nhiều người làm nghề đánh bắt cá trên sông đã phải lên bờ tìm việc kiếm kế sinh nhai.

Chính quyền xã nói gì?

Được biết, năm 2014, UBND tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phú Hà (Cty Phú Hà) khai thác cát, sỏi trên đoạn sông thượng nguồn Mỹ Trạch, qua bốn xã gồm: Văn Thủy, Mỹ Thủy, Trường Thủy và Mai Thủy với thời hạn khai thác 18 năm.

Theo đó, Cty Phú Hà được khai thác bằng phương pháp lộ thiên mỏ cát, sỏi làm vậy liệu xây dựng thông thường. Diện tích khai thác 4,9 ha; mức sâu khai thác 2,1m so với đáy sông ở khu vực được cấp phép. Khi khai thác phải có các phao cắm mốc chỉ giới hạn và phạm vi khai thác để người dân và chính quyền giám sát. 

Lệ Thủy: Dân bất lực nhìn sông “nuốt” đất do khai thác cát

Tàu đang vận chuyển cát, sỏi về bãi tập kết. 

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV tại hiện trường thì trong khu vực khai thác không có bất cứ phao cắm mốc hay cọc chỉ ranh giới.
Sau hai năm khai thác, tình trạng sạt lở đất liên tiếp xảy ra làm người dân bức xúc. UBND tỉnh quyết định điều chỉnh lại giấy phép khai thác cát của Cty Phú Hà. Như vậy Công ty này sẽ không được khai thác cát trong diện tích 1.200m2 thuộc địa giới xã Văn Thủy.

Khi PV đề cập đến sự việc sạt lở ở thôn Văn Minh, ông Phạm Xuân Thủy – Chủ tịch UBND xã Văn Thủy cho hay: “Sau khi nhận được phản ánh của người dân, Ủy ban xã đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận những điểm sạt lở. Sở Tài nguyên & Môi trường thanh tra và kết luận có sạt lở nhưng chưa xác định được nguyên nhân do tự nhiên hay do khai thác”.

- Advertisement -

Năm 2015, nhằm đảm bảo tốt cho việc giám sát khai thác cát, xã đã thành lập tổ tuần tra. Tuy nhiên, vì địa hình khó khăn nên việc kiểm tra cũng chưa sát sao. Mỗi lần tuần tra chỉ đi được 3 người vì phương tiện còn thô sơ, đo đạc bằng thủ công. Khu vực khai thác không có phao và ranh giới căm mốc. Đây cũng là vấn đề khó cho xã trong việc kiểm tra xử lý vi phạm.

Ông Thủy thông tin thêm, năm 2017 xã đã xử lý hành chính 04 lần và nhắc nhở đối với các sai phạm của Cty Phú Hà. Hình thức xử phạt còn nhẹ nên tính chất răn đe không có. Mong muốn của xã được trang bị thêm phương tiện để việc tuần tra đảm bảo hơn. Bên cạnh đó, gắn camera giám sát hoạt động khai thác các tàu cuốc nhằm đảm bảo xử lý nhanh các trường hợp vi phạm.

Kỳ vọng trong thời gian sớm nhất, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình sẽ có những giải pháp thiết thực giải quyết triệt để tình trạng này nhằm ổn định lòng dân để họ yên tâm sinh sống…

Theo Bình Nguyên (Báo Bảo vệ pháp luật)

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,400Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm