5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Thầy trò vùng rốn lũ đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuật

- Advertisement -

Tiếp nối thành công của giải ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 với đề tài “Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”, năm nay, hai học sinh của Trường THCS Tân Hóa lại tiếp tục giành thêm giải ba tại cuộc thi này với đề tài “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình nấu rượu thủ công”…

Là một ngôi trường vùng rốn lũ của huyện Minh Hóa, những năm qua, Ban giám hiệu Trường THCS Tân Hóa luôn tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên, học sinh phát huy sự đam mê, sáng tạo trong dạy và học.

Nhờ đó, hàng năm, trường đều có đề tài nghiên cứu của học sinh tham gia cuộc thi KHKT các cấp. Năm học này, hai học sinh lớp 9 đã mang về cho nhà trường giải 3 tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học toàn quốc vừa được tổ chức vào đầu tháng 3-2019.

Vừa trở về sau cuộc thi KHKT toàn quốc, hai em Nguyễn Khắc Hiếu và Trương Quang Hiểu, học sinh lớp 9 Trường THCS Tân Hóa đã được thầy cô, bạn bè chúc mừng trong niềm vui, phấn khởi, vì các em đã mang về cho nhà trường giải ba với đề tài “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình”. Đây là kết quả của sự đam mê, sáng tạo, khéo léo của hai em và sự nhiệt tình hướng dẫn của thầy giáo dày dặn kinh nghiệm Cao Hùng Thọ.

Thầy trò vùng rốn lũ đam mê sáng tạo khoa học kỹ thuậtThầy Cao Hùng Thọ cùng 2 học sinh Nguyễn Khắc Hiếu và Trương Quang Hiểu thảo luận để hoàn thiện dự án.

Chia sẻ về lý do chọn đề tài này, em Nguyễn Khắc Hiếu cho biết: Hiện nay, đa phần các hộ sản xuất rượu ở Quảng Bình nói chung và Minh Hóa nói riêng đều sử dụng các dụng cụ thô sơ, công nghệ còn lạc hậu nên rượu nấu ra đa phần còn chứa nhiều độc tố. Bên cạnh đó, một số hộ nấu rượu, buôn bán rượu vì chạy theo lợi nhuận mà pha thêm cồn công nghiệp vào rượu làm cho lượng độc tố càng tăng thêm.

Theo kết quả kiểm nghiệm mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy, 90% rượu tự nấu đều chứa các chất độc hại. Các trường hợp ngộ độc rượu đó chủ yếu gây ra bởi hai chất thường có trong rượu là các andehit và methanol.

Xuất phát từ cách hâm nóng rượu trước khi uống của người Nhật và cách hạ thổ rượu trong chum sành ở Việt Nam, kết hợp với các kiến thức đã đọc về nhiệt độ sôi của các andehit, metanol so với rượu etylic mà chúng em nảy ra đề tài: “Phương pháp mới trong chưng cất nhằm  loại bỏ độc tố adehit và methanol ra khỏi rượu áp dụng cho hộ gia đình nấu rượu thủ công”.

- Advertisement -

Để loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu, thiết bị mà hai em nghiên cứu cấu tạo rất đơn giản, vừa hoạt động bằng năng lượng mặt trời, vừa sử dụng điện khi không có nắng. Cấu tạo thiết bị gồm có 3 phần: thùng bay hơi làm từ thùng xốp, hệ thống tạo nhiệt gồm hai mayso nhiệt và các tấm kính sơn đen để hấp thụ ánh sáng mặt trời; trung tâm điều khiển gồm mô đun cảm biến, hai đồng hồ hẹn giờ bật tắt thiết bị và phần lọc trong rượu.

Trường hợp không có nắng hoặc vào ban đêm thì ta chuyển qua dùng nguồn nhiệt từ 1 mayso nhiệt 220v sử dụng điện lưới. Sau khi áp dụng vào thực tế để lọc rượu tại gia đình, nhiều bà con sử dụng rượu đã qua khử độc tố bằng thiết bị này đã có những phản hồi rất tốt về chất lượng của rượu, bà con uống rượu thấy êm hơn, ngon hơn, không bị đau đầu, háo nước như rượu chưa qua tinh lọc.

Với dự án này, cộng với sự tự tin trình bày trước những câu hỏi của ban giám khảo, các em Hiếu và Hiểu đã giành giải nhất tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2018-2019 và giải 3 cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức.

“Ưu điểm khi sử dụng thiết bị này là sẽ loại bỏ độc tố andehit và methanol ra khỏi rượu, tiết kiệm được nhiên liệu, năng lượng và thời gian chưng cất. Cách làm đơn giản nên có thể áp dụng đại trà”, em Trương Quang Hiểu cho biết thêm.

Thầy giáo Cao Hùng Thọ, người trực tiếp hướng dẫn dự án cho học sinh chia sẻ: “Quá trình theo dõi hai em thực hiện dự án này, tôi thấy hai em rất chăm chỉ, sáng tạo, nhiều sáng ý của các em đã giúp sản phẩm hoàn thiện nhanh hơn so với dự kiến. Khi trình bày dự án trước hai cuộc thi ở tỉnh và toàn quốc, các em đã rất tự tin.

Ưu điểm của thiết bị lọc rượu này là sử dụng các vật liệu và nguyên liệu sẵn có, dễ tìm và giá rẻ, tổng chi phí cho 1 bộ thiết bị khử andehit và methanol trong rượu ứng dụng năng lượng mặt trời này khoảng gần 2 triệu đồng (giá rất rẻ so với một máy có cùng công suất bán trên thị trường) nên rất phù hợp cho các hộ nấu rượu thủ công.

Từ đó, rượu bán ra an toàn hơn đối với người sử dụng, giúp giảm thiểu các trường hợp ngộ độc do rượu không an toàn gây ra. Bên cạnh đó, thiết bị chủ yếu sử dụng nguồn nhiệt năng từ mặt trời nên tiết kiệm được chi phí điện năng”.

Đây không phải là lần đầu tiên thầy và trò ở Trường THCS Tân Hóa giành được giải thưởng cao tại cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học toàn quốc. Năm học 2016-2017, cùng dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Cao Hùng Thọ, hai học sinh của trường cũng đã giành được giải ba tại hội thi này với đề tài “Thiết bị lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình”.

- Advertisement -

Kết quả đó là động lực để nhà trường tiếp nối bề dày truyền thống dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với ngành Giáo dục huyện Minh Hóa.

Thùy Linh-P.Phương

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm