5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Quảng Bình quan, công trình văn hóa-lịch sử tiêu biểu

- Advertisement -
(Đất và Người) – Nằm ở trung tâm thành phố Đồng Hới, ngay sát quốc lộ 1A, Quảng Bình quan, di tích lịch sử-kiến trúc tiêu biểu, trở thành biểu tượng của Quảng Bình, là điểm tham quan du lịch thu hút lượng khách không nhỏ khi đến Đồng Hới.
 
Di tích lịch sử-kiến trúc hàng trăm năm tuổi
 
Về Quảng Bình quan, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Cửa quan dài 2 trượng 1 thước, rộng 2 trượng 5 thước; thành ngoài bảo vệ cửa quan dài 14 trượng 6 thước, cao 3 thước. Năm Minh Mạng thứ 6 (1826) xây gạch đá…”
 
Quảng Bình quan là một trong ba cửa ải của lũy Trấn Ninh kéo dài từ chân núi Đầu Mâu đến cửa biển Nhật Lệ. Hệ thống thành lũy quân sự với gần 30km chiều dài được nhà chiến lược quân sự thiên tài Đào Duy Từ thiết kế và cho xây đắp vào năm 1631. Hệ thống thành lũy được Đào Duy Từ tính toán chi tiết, kỹ càng, xây dựng rất kiên cố, vững chắc nhằm giúp chúa Nguyễn chống lại sự tấn công của quân Trịnh ở Đàng Ngoài.
 
Nhờ vậy, trong suốt gần nửa thế kỷ (1627-1672) diễn ra cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn, thành lũy Trấn Ninh đã giúp chúa Nguyễn chặn đứng và đẩy lùi nhiều cuộc tấn công, trong đó có 7 trận chiến quy mô lớn của quân Trịnh, khiến quân Trịnh không thể vượt qua cửa ải này.
 
Năm 1825, sau khi lên ngôi, một trong những việc làm đầu tiên của vua Minh Mạng là quan tâm đến các công trình di tích văn hóa, lịch sử. Ông đã cho sửa sang, trùng tu nhiều công trình di tích lịch sử trong đó có Quảng Bình quan. Ngoài việc trùng tu các hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng, ông còn cho xây thêm các tháp canh phía trên cổng khiến cho cổng thành càng thêm uy nghi.
Quảng Bình quan, công trình văn hóa-lịch sử tiêu biểuCần có biện pháp bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Quảng Bình quan. (Ảnh: Đ.V)
Đặc biệt, các vua triều Nguyễn còn cho đúc nổi hình ảnh Quảng Bình quan vào Nghi Đỉnh trong Tử Cấm thành. Do vậy, thời đó, Quảng Bình quan được đánh giá là một trong những công trình văn hóa-lịch sử tiêu biểu nhất của nước ta.
 
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mặt trước của Quảng Bình quan (hiện tại là đường Lê Lợi đi Đức Ninh) còn có hào thành xung quanh, có cầu vòm bắc qua hào được xây bằng gạch. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quảng Bình quan đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh nhà và thị xã Đồng Hới. Đêm 22 rạng ngày 23-8-1945, người dân Đồng Hới và các vùng lân cận đã tập trung tại Quảng Bình quan để cùng nhân dân các vùng lân cận kéo vào nội thành cướp chính quyền.
 
Cũng tại Quảng Bình quan, giặc Pháp đã hành hình nhiều chiến sỹ cộng sản yêu nước nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân. Thực dân Pháp đã dùng vọng lâu Quảng Bình quan làm vọng gác kiểm soát giao thông của ta. Năm 1954, trước khi cho quân rút khỏi thị xã Đồng Hới, chúng đã nổ mìn phá hủy nhiều vị trí quan trọng của thị xã, trong đó có cầu vòm, cửa quan của Quảng Bình quan.
 
Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, với âm mưu đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá, đế quốc Mỹ liên tiếp mở nhiều chiến dịch tấn công Đồng Hới bằng không quân, hải quân… Chỉ trong một thời gian ngắn, thị xã Đồng Hới đã bị san phẳng. Kết thúc chiến tranh, cùng với việc khôi phục, kiến thiết lại quê hương, nhiều công trình văn hóa được đầu tư tôn tạo, trong đó có Quảng Bình quan.
 
Với những sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại đây, năm 1992, Quảng Bình quan đã được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia. Từ đó, Quảng Bình quan từng bước được trùng tu, tôn tạo.
 
Thời gian gần đây, du lịch Quảng Bình có nhiều khởi sắc. Mảnh đất Quảng Bình ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài bởi hệ thống hang động kỳ bí, bởi nhiều loại hình du lịch sinh thái mới lạ, độc đáo, các điểm di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Quảng Bình quan, di tích lịch sử-kiến trúc tiêu biểu của tỉnh Quảng Bình, thu hút rất đông lượng khách du lịch bởi bề dày lịch sử hàng trăm năm tuổi, mang nét trầm mặc, cổ kính, uy nghi.
 
Cần chung tay bảo vệ
 
Là di tích lịch sử mấy trăm năm tuổi, gắn với biết bao sự kiện lịch sử của quê hương, tồn tại ngay giữa lòng thành phố, nhưng hiện nay, Quảng Bình quan đang bị sự vô ý thức của một bộ phận người dân xâm hại, làm ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan cũng như sự linh thiêng của di tích.
 
Hiện nay, có một số người vô gia cư sử dụng lầu gác chuông làm nơi trú ngụ thường xuyên, nhất là vào ban đêm. Hai bên đường lên xuống di tích rác thải xả bừa bãi. Theo chúng tôi được biết, các cơ quan hữu quan cũng đã sử dụng nhiều biện pháp ngăn chặn quyết liệt, thường xuyên ra quân chấn chỉnh nhưng chỉ được một thời gian ngắn, thực trạng tại Quảng Bình quan lại trở về như cũ.
 
Không chỉ phần gác chuông, lầu mái phía trên mà phía dưới di tích cũng đang bị xâm hại. Xung quanh di tích, phần nền móng được lát đá phiến bị tháo dỡ nhiều chỗ. Con đường lát gạch vòng quanh di tích cũng bị nhiều người vô ý đỗ ô tô làm nhiều đoạn bị vỡ nát, trơ phần nền đất…
 
Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến di tích nói riêng và mỹ quan của thành phố Đồng Hới nói chung. Chính vì vậy, để bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Quảng Bình quan, di tích lịch sử-kiến trúc tiêu biểu của Quảng Bình cần sự chung tay của các cấp, ngành hữu quan, đặc biệt là ý thức, trách nhiệm người dân mỗi một người dân.
 
Hải Yến

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm