5.3 C
New York
Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Làng Minh Lệ – ký ức chiến tranh

- Advertisement -

(Đất và Người) – Tôi chào đời trong một đêm trăng thượng tuần của mùa gặt lúa mành, lúa ré. Đó là năm Kỷ Mão (1939) – năm đầu tiên của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mẹ tôi xoa lên mái tóc ngắn củn cởn của tôi: “Số bọ mạ khổ cả đời, hy vọng con sẽ sướng. Năm nào dưới trăng bọ cũng phải đạp lúa suốt đêm”.

Anh Hoàng Ngọc Khởi những năm đầu đánh Pháp là đội viên thiếu niên du kích làng Minh Lệ. Anh lớn hơn tôi năm tuổi. Hai nhà cách nhau chỉ một nạp cây dưới. Những cây dưới mùa hè vô vàn những quả chín mọng. Quả dưới màu vàng như hạt ngô, có vị ngòn ngọt bọn trẻ tha hồ hái ăn. Ăn chán lại dùng quả dưới làm đạn, bày trò đánh du kích. 

Anh Khởi đã vào tuổi thiếu niên, đi đứng nói năng có vẻ người lớn. Năm “toàn quốc kháng chiến” anh nói thầm vào tai tôi: “Nhà anh đã có anh Cam và anh Tích vào bộ đội Vệ quốc đoàn rồi, du kích là chị Doánh và chị Doảnh. Bố anh ốm đau, còn mẹ anh cũng vào hội mẹ chiến sỹ với các mẹ trong làng”. Anh nói thêm: “Điều này em phải giữ bí mật, sống để dạ, chết mang theo. Anh đã được anh Choát và anh Cẩn cho vào đội du kích thiếu niên của làng Minh Lệ”. Nghe anh nói những chuyện lạ lùng ấy tôi thích lắm. Hóa ra, anh Khởi chơi trò ù mọi, bịt mắt bắt dê, đánh khăng, đánh đáo lại là đội viên du kích dám cầm dao cầm rựa xông vào đám lính khố xanh khố đỏ.

Có một lần bọn địch đóng ở đồn Minh Lệ nã moóc-chê xuống xóm Bắc, nhà tôi lửa cháy rần rật, dân làng không sao chữa được vì gió Lào to quá. Cả nhà phải xin cậu Giá cái chuồng bò mà ở. Vừa tiếc cái nhà gỗ năm gian, vừa tức cái thằng lính “bảo vệ”, tôi muốn theo anh vào đội du kích. Anh xoa đầu tôi: “Em chưa đủ tuổi, có việc gì đó anh cần em giúp là tốt rồi. Giúp anh cũng là giúp du kích đó nghe”. Từ đó, anh nói gì tôi cũng nghe, anh bảo gì tôi cũng làm. Từ việc chăn bò dưới đồng Dứa, đến tát bắt cá Giếng Ao, nơm cá đìa ông Chề…, tôi luôn theo anh. Có một lần đang tìm nấm cỏ may thì súng liên thanh từ đồn giặc bắn xuống, đạn địch bay vèo vèo. Thì ra, thằng giặc trên đồi cao thấy khói chúng tôi nướng nấm cỏ may liền bắn xuống.

Làng Minh Lệ những năm giặc đóng đồn có những chuyện lạ lắm. Có ngày một tốp lính bảo vệ từ trên đồn xuống chợ Mới mua hàng gặp tổ du kích mai phục, súng nổ chát chúa một hồi rồi tắt. Lại có đêm chúng nã moóc-chê xuống đồng chỉ vì thấy ánh đuốc của một người đi soi ếch. Du kích xóm Bắc Minh Lệ, Thọ Linh rào làng chiến đấu, bọn địch ở chợ Mới, động Lòi cũng rào đồn chiến đấu. Đêm đêm, du kích đến quấy phá quanh đồn, ném lựu đạn, bắn bức kích pháo vào, phát loa địch vận từ cồn Ông Sáo, bên đền Cao Các Mạc Sơn làm tan rã ý chí của địch.

Có thể nói cả vùng đất Minh Trạch là vùng tranh chấp vừa chiến tranh, vừa hòa bình. Ban ngày, chúng đi từng bầy theo đội hình trung đội có tiền hô hậu ủng nhưng ban đêm không dám mò vào làng. Thỉnh thoảng, chúng lén xuống rình mò bắn người rồi rút chạy. Dân làng vẫn sản xuất cày cấy làm ra hạt lúa, củ khoai đóng góp cho kháng chiến. Người chết năm bữa nửa tháng khóc than rồi cũng qua, tất cả căm thù đều dồn lên đầu súng, dồn lên nhát cuốc, luống cày, tập trung cho cuộc tổng phản công sắp tới. Và thực tế chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954 đã thể hiện điều đó. Tất cả nam nữ thiếu niên trong làng đã trưởng thành, những nam thanh nữ tú đều đi dân công chuyển lương thực ra mặt trận để làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Tôi cũng mạo muội nhắc lại một lần nữa, những năm chiến tranh chống thực dân Pháp làng Minh Lệ đã có một đội thiếu niên du kích do bác Hoàng Thúc Cẩn và tiếp theo là bác Hoàng Hữu Thanh (bác Choát) chỉ huy chẳng kém gì đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Năm 1947, khi giặc Pháp đánh Quảng Bình, đội du kích thiếu niên huy động toàn bộ thiếu niên lứa tuổi từ 14 đến 16 trong làng tham gia. Đội du kích thiếu niên tham gia đánh giặc ở đồn bảo vệ (Minh Lệ) và giải phóng đồn hương vệ (Hòa Ninh). Sau này, các đội viên lớn tuổi nhập ngũ chỉ còn lại một trung đội không đến 30 đội viên.

Kháng chiến chống Pháp 9 năm rồi đến 10 năm chống Mỹ ở miền Bắc đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn sâu nặng của một làng quê gian nan mà anh dũng. Tôi chưa là một thành viên của đội du kích thiếu niên làng Minh Lệ nhưng ngọn lửa mà bác Hoàng Hữu Thanh và Hoàng Ngọc Khởi đã thắp lên trong lòng tôi như một bông hoa đỏ gắn lên ngực trái của cuộc đời để sau đó tôi nhập ngũ trở thành anh Bộ đội Cụ Hồ.

- Advertisement -

Trong những kỷ niệm của cuộc đời có lẽ tôi không bao giờ quên ký ức của một thời non trẻ, năm 1949. Năm đó, tôi vừa tròn 11 tuổi, còn anh Khởi  đã là 16 tuổi. Tôi nhớ như in buổi đầu tiên đi giao nhiệm vụ cùng anh Khởi thì gặp địch. Đêm đó, làng tôi có đám giỗ của nhiều nhà vì bị chìm đò. Hai anh em nắm tay nhau cùng đi. Đến ngã tư nhà ông Vợng thì thấy mấy bà mẹ xách đèn dầu đi tới. Không ai chào ai, người nào đi đường nấy. Đến cửa ông Doạnh thì chúng tôi gặp ngay một tốp lính “bảo vệ”.

Năm bảy tên chĩa súng vào chúng tôi. Một thằng rít trong cổ họng giọng khét lẹt: “Chúng mày đi đâu? Thiếu niên du kích phải không?” Không đợi anh Khởi trả lời, hắn dùng báng súng đánh vào lưng làm anh ngã sấp xuống gốc tre. Một thằng đội mũ lưỡi trai cúi sát mặt tôi. Giọng hắn the thé: “Mày là Việt Minh con phải không?”. Bốp bốp… Hắn tát tôi mấy cái làm tôi ngã đè lên lưng anh Khởi. Mấy phút sau, chúng tôi ngồi dậy, hai anh em dìu nhau luồn qua vườn ông Khảnh, tiếp đến vườn rau ông Têu rồi đến góc sân cụ Chề.

Một cảnh tượng làm tôi hết sức ngạc nhiên. Trên bàn thờ khói nhang nghi ngút, phía dưới là mấy chục người im lặng không ai chào hỏi, gian nhà vắng lặng đến rợn người. Anh Khởi vẫy tay xin gặp anh Choát (Hoàng Hữu Thanh). Anh Khởi báo có lính “bảo vệ” tới, một số rút xuống hầm bí mật còn mọi người theo nạp tre thoát ra ngoài. Sau này, tôi mới biết đó là hội nghị phối hợp giữa Tiểu đoàn 418 với du kích Minh Lệ để đánh đồn hương vệ Hòa Ninh (có ông Kiểm Tếnh người làng làm nội ứng ra mở cửa đồn). Chính đêm đó, anh Luyếnh đã bị bọn giặc bắn chết.

Năm tháng qua đi, dù cho vật đổi sao dời, bao sự việc có thể đi vào quên lãng, nhiều người có thể không còn nhớ có một đội du kích thiếu niên làng Minh Lệ, nhưng với chúng tôi, những nhân chứng vẫn còn sống không bao giờ được quên. Làng Minh Lệ đã từng có một đội du kích thiếu niên đứng cạnh cha anh ta đánh giặc giữ làng, giữ nước.

                                                                                    Hoàng Minh Sơn

Nguồn: Báo Quảng Bình

- Advertisement -.

bài liên quan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

kết nối

67,403Thành viênThích
343Người theo dõiTheo dõi
24,400Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -

bài mới

- Advertisement -

được quan tâm